Bạn đã biết tiếp cận đúng cách khi trẻ tức giận?
Nội dung bài viết
Giận dữ là một cảm xúc tự nhiên của con người. Nhưng một đứa trẻ tức giận – nóng nảy và trở nên hung dữ mất kiểm soát, có thể gây ra rủi ro nghiêm trọng cho bản thân và những người khác. Bao gồm cả cha mẹ và anh chị em. Bạn có thể dạy con những phương pháp lành mạnh để đối phó với cơn tức giận. Việc này càng hữu ích nếu bạn là tấm gương tốt thực hành những phương pháp này cho con mình noi theo.
Trẻ tức giận có phải là điều bình thường?
Giận dữ thường là phản ứng khi trẻ cảm thấy bị đe dọa, ngược đãi hoặc cản trở điều trẻ thích. Sự tức giận có thể xem có lợi một phần. Bởi vì nó mang lại bài học để con người sửa chữa những sai trái. Nhưng nếu mất kiểm soát có thể gây nguy hiểm cho chính con bạn và những người xung quanh.
Không hiếm những đứa trẻ gặp khó khăn trong việc xử lý cảm xúc, mất kiểm soát. Hay hướng sự bực mình của mình vào người chăm sóc. Bằng cách la hét, chửi bới, ném đồ vật nguy hiểm hoặc đánh và cắn. Đó có thể là một vấn đề đáng sợ gây căng thẳng cho mối quan hệ cha mẹ và con cái.
Thời điểm tốt nhất để dạy trẻ cách quản lý cơn giận là trước khi chúng bước vào tuổi thiếu niên. Những đứa trẻ học những kỹ năng này càng sớm, chúng sẽ càng có khả năng đối phó tốt với cơn giận dữ theo những cách lành mạnh.
Quản lý cơn giận là gì?
Kiểm soát cơn tức giận không có nghĩa là con bạn không bao giờ cảm thấy tức giận. Hoặc con bạn kìm nén sự tức giận và không dám thể hiện nó ra bên ngoài. Con bạn sẽ học được nhiều điều bổ ích về kĩ năng này:
- Điều gì làm xuất hiện cơn giận.
- Các dấu hiệu cho thấy người đó đang tức giận như khi cảm thấy căng thẳng hoặc khó chịu.
- Cách đối phó với cơn tức giận theo những phương pháp tích cực.
Những cách tích cực giúp trẻ kiểm soát cơn giận
Tận dụng thời gian làm việc khác giúp trẻ bình tĩnh hơn. Bạn có thể cho trẻ đi dạo hoặc ngồi trong căn phòng khác khoảng 5 đến 15 phút. Nếu con bạn đã lớn và đang tức giận, bạn không thể đưa con vào một khu vực biệt lập để trấn tĩnh. Lời khuyên dành cho bạn là nên tránh xa con. Điều này đảm bảo rằng trẻ không nhận được bất kỳ sự chú ý hoặc quan tâm nào từ bạn. Ngoài ra, khi trẻ trấn tĩnh lại, bạn có thể hướng dẫn trẻ làm một việc gì đó liên quan đến vận động. Ví dụ như chơi đá bóng, chạy bộ hoặc đi xe đạp, nghe nhạc và hát theo. Đó có thể là những cách giúp trẻ phân tâm tốt.
Đối với trẻ nhỏ, giả vờ “thổi bong bóng” là một cách khá hữu hiệu. Thật dễ dàng để dạy con bạn hít một hơi dài và chậm. Bắt đầu bằng cách thổi bong bóng thật bằng dung dịch xà phòng và ống hút. Sau đó để con bạn giả vờ thổi bong bóng theo cách tương tự nhưng không có nước xà phòng. Hãy dạy con bạn làm điều này ngay khi con bạn bắt đầu cảm thấy bực bội hoặc khó chịu.
Thực hiện các bài tập thư giãn
Hít thở sâu và chậm trong vài lần.
Thư giãn tất cả các nhóm cơ vùng mặt và cổ bằng cách mát xa. Bắt đầu từ cơ trán, hai bên thái dương và má, tương tự với mắt. Sau đó đến cơ vùng hàm và cổ, v.v.
Trong lúc đó, hãy tưởng tượng một khung cảnh khiến trẻ thoải mái hoặc dễ chịu hay những kỉ niệm khiến trẻ hạnh phúc. Nếu còn nhỏ, bạn có thể kể chuyện để gợi cho trẻ những tưởng tượng này.
Tạo tình huống xử lí
Thực hành những cách mới để con bạn xử lý cơn giận bằng trò chơi đóng vai. Một khi con bạn cảm thấy thoải mái khi áp dụng phương pháp mới này, con bạn sẽ thích sử dụng nó hơn khi cần.
Trì hoãn phản ứng lại khi tức giận
Khi con bạn cảm thấy giận dỗi, hãy dạy con bạn tập đếm đến 10. Học một cụm từ giúp con bạn thư giãn hoặc bình tĩnh được để nhắc nhở trẻ nếu căng thẳng lặp đi lặp lại. Đối với một đứa trẻ lớn hơn, việc tự trò chuyện với bản thân sẽ hữu ích hơn. Ví dụ như, “Mình không cần phải để điều này làm phiền mình. Mọi chuyện rồi cũng sẽ trôi qua. Đó không phải là vấn đề lớn mình cần bận tâm đến.”
Bộc lộ cảm xúc bằng lời nói
Dạy con bạn sử dụng ngôn ngữ để nói ra tâm trạng khó chịu của trẻ thay vì đánh, cắn, ném đồ vật hoặc nổi cơn thịnh nộ. Giúp con bạn học cách sử dụng những câu nói biểu hiện cảm xúc. Ví dụ như “Mình/Con/Cháu cảm thấy tức giận”. Thay vì đổ lỗi hoặc công kích người khác.
Ngoài ra, bạn có thể cho trẻ vẽ những bức tranh về cơn giận hay bất kì điều gì làm trẻ khó chịu. Cách này sẽ giúp trẻ tức giận trở nên bình tĩnh hơn.
Khuyến khích con bạn nói chuyện với một người bạn đáng tin cậy. Có thể là thành viên gia đình, thầy cô giáo hay Bác sĩ tâm lý về những căng thẳng trong cuộc sống. Việc chia sẻ sẽ giúp trẻ tìm được sự đồng cảm cũng như cách giải quyết phù hợp.
Cha mẹ có thể giúp gì khi trẻ tức giận?
Cách bạn phản ứng khi trẻ nói ra điều gì làm trẻ tức giận có ảnh hưởng đến việc liệu trẻ sẽ tiếp tục phản ứng với sự khó chịu theo cách tương tự hay học cách xử lý cảm xúc tốt hơn. Một số gợi ý dưới đây có thể giúp cha mẹ kiểm soát cơn giận của chính mình và cả bản thân trẻ:
Bình tĩnh
Đối mặt với một đứa trẻ đang nổi cơn thịnh nộ, bạn dễ cảm thấy mất kiểm soát và có xu hướng quát mắng con. Nhưng khi bạn hét lên, bạn sẽ có ít cơ hội tiếp cận trẻ hơn. Do đó, bạn sẽ chỉ khiến trẻ trở nên hung hăng hơn. Dù khó đến mức nào, nếu bạn có thể giữ bình tĩnh và kiểm soát được cảm xúc của chính mình, bạn có thể làm gương cho con mình và dạy con làm điều tương tự.
Chính cha mẹ sẽ làm tấm gương tốt để giúp con bạn noi theo. Trẻ em từ nhỏ có xu hướng bắt chước hay học theo những gì người lớn làm mà chưa phân biệt được điều đúng sai. Vậy nên, khi bạn kỷ luật con mình, hãy sử dụng thời gian để trẻ suy nghĩ thay vì la mắng hoặc đánh con.
Giúp trẻ rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề
Khi con bạn không buồn bực là lúc bạn giúp con thử thể hiện cảm xúc của mình. Và tìm ra giải pháp cho những xung đột trước khi những cơn bộc phát hung hăng thật sự xảy ra. Bạn có thể hỏi trẻ về cảm xúc và cách giải quyết vấn đề như thế nào.
Nhắc con bạn thực hành những cách mới để kiểm soát cơn giận ngay khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu. Nếu nhắc nhở trẻ càng sớm thì trẻ càng dễ dàng thực hành. Đừng đợi đến khi con bạn mất kiểm soát.
Đọc hoặc kể chuyện cho con bạn nghe về những tình huống có liên quan đến sự tức giận. Từ đó, tạo cho trẻ cơ hội tự đưa ra ý tưởng về cách tốt nhất để xử lý tình huống này. Nói với con bạn về những lúc bạn tức giận hay căng thẳng. Và những gì bạn đã làm để có thể bình tĩnh lại. Ví dụ, “Khi mẹ bực mình vì con không vâng lời, mẹ sẽ hít thở sâu và đếm đến mười. Đến lúc bình tĩnh lại, mẹ cố gắng nghĩ ra cách tốt nhất để giải quyết vấn đề. Thay vì đánh hay la mắng con, mẹ sẽ nói là mẹ đang rất buồn vì con không nghe lời.”
Dành cho trẻ những lời động viên.
Khen thưởng và cho trẻ biết mình đã làm đúng những hành vi tích cực. Và khi trẻ cố gắng bày tỏ cảm xúc của mình bằng lời nói, bình tĩnh hoặc cố gắng tìm ra sự thỏa hiệp về một vấn đề bất đồng. Hãy khen ngợi trẻ vì những nỗ lực đó. Phần thưởng có thể giúp con bạn học thêm nhiều cách để quản lý cơn giận. Đừng nhượng bộ hay khuyến khích trẻ tiếp tục hành vi này bằng cách đồng ý với những gì trẻ muốn để ngăn chặn nó.
Tránh các tác nhân gây ra cơn giận.
Những cơn giận dữ và buồn bực đặc biệt đáng lo ngại khi chúng xảy ra thường xuyên hơn, dữ dội hơn hoặc qua độ tuổi mà chúng được mong đợi về mặt phát triển. Đó là những giai đoạn khủng khiếp khi trẻ bắt đầu đến trường mầm non. Khi một đứa trẻ lớn hơn, sự hung hăng ngày càng trở nên nguy hiểm hơn đối với bạn và đứa trẻ. Nó có thể trở thành một vấn đề lớn đối với con bạn khi ở trường. Gây ảnh hưởng đến thầy cô và bạn bè.
Hầu hết những đứa trẻ thường xuyên tức giận đều làm điều đó vào những thời điểm rất dễ đoán. Một số tình huống như giờ làm bài tập về nhà, giờ đi ngủ hoặc khi dừng chơi. Nguyên nhân do trẻ bị yêu cầu làm điều gì đó mà trẻ không thích hoặc ngừng làm việc mà trẻ thích. Do đó bạn có thể thực hành từng bước để yêu cầu trẻ ngưng làm một việc nào đó.
Tức giận có thể là bệnh lí không?
Nếu con bạn có thói quen nổi giận có thể là do một rối loạn tiềm ẩn cần được điều trị. Một số lý do có thể liên quan đến hành vi hung hăng bao gồm:
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD):
Trẻ dễ nản chí, không kiên trì hay tập trung vào bất kì vấn đề nào. Đặc biệt là trong một số tình huống nhất định như khi chúng phải làm bài tập về nhà hoặc đi ngủ.
Xem thêm: Tăng động giảm chú ý ở trẻ: cách bố mẹ đặt câu hỏi cho bác sĩ
Rối loạn lo âu:
Một đứa trẻ hay lo lắng có thể giữ bí mật về những buồn phiền của mình. Sau đó, trẻ có thể tấn công người khác khi những yêu cầu ở trường hoặc ở nhà gây áp lực cho trẻ mà trẻ không thể giải quyết được.
Các vấn đề về giác quan:
Một số trẻ gặp khó khăn khi xử lý thông tin mà chúng đang tiếp nhận thông qua các giác quan. Những nơi có quá nhiều tiếng ồn hay đông đúc có thể khiến chúng lo lắng, khó chịu hoặc choáng ngợp. Điều đó có thể dẫn đến những hành động khiến bạn lo sợ. Bao gồm cả việc gây hấn.
Bởi vì có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra cảm xúc bộc phát và hung hăng. Việc chẩn đoán chính xác là chìa khóa để nhận được sự giúp đỡ mà bạn cần. Ban đầu, bạn có thể đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa. Mục đích là để loại trừ nguyên nhân bệnh lí khiến trẻ khó chịu. Nếu không có bất thường nào ghi nhận, bác sĩ tâm lý trẻ em có thể giúp xác định những rối loạn có thể liên quan đến trẻ.
Việc học cách đối phó với một đứa trẻ hung hăng bằng các phương pháp tiếp cận hành vi có thể là một công việc khó khăn đối với cha mẹ. Nhưng đối với nhiều trẻ, điều đó có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Nếu cha mẹ tự tin, bình tĩnh và kiên định sẽ có thể rất thành công trong việc giúp trẻ phát triển các kỹ năng cần thiết để điều chỉnh hành vi của chính mình. Nếu con bạn vẫn gặp vấn đề trong việc kiểm soát các cơn giận, hãy nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần để nhận được những lời khuyên tốt nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Pediatric Advisor 2019, "Anger Management: Teach Children How to Deal with Their Anger", https://www.abcdpediatrics.com/advisor/pa/pa_angerman_pep.htm, accessed on 29th August, 2020.
-
Angry Kids: Dealing With Explosive Behaviorhttps://childmind.org/article/angry-kids-dealing-with-explosive-behavior
Ngày tham khảo: 29/08/2020