Bán hạ bắc: Thảo dược vàng trừ đờm, cầm nôn
Nội dung bài viết
Từ lâu, Bán hạ bắc là dược liệu quý trong Đông y. Vị thuốc này có tác dụng tiêu đờm, cầm nôn rất hiệu quả, được dùng phổ biến trong các bài thuốc chữa ho, tiêu hóa kém… Bài viết sau của bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của loại thảo dược này.
Giới thiệu về Bán hạ bắc
- Tên gọi khác: Thủy ngọc, Địa văn (Bản Kinh), Hòa cô (Ngô Phổ Bản Thảo), Thủ điền, Thị cô (Biệt Lục)…
- Tên khoa học: Rhizoma Pinelliae.
- Họ: Họ Ráy (Araceae).
Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Hiện nay, cây phân bố nhiều ở Trung quốc (Hồ Bắc, Hồ Nam, Sơn Đông…), mọc hoang hay được trồng để làm thuốc. Đa phần dược liệu này ở nước ta đang còn phải nhập của Trung Quốc.
Thu hoạch vào mùa hè, chọn củ đào về rửa sạch đất, cắt bỏ vỏ ngoài (màu vàng tro) và rễ tơ phơi khô.
Mô tả toàn cây
Cây Bán hạ bắc là loại thân củ. Củ hình tròn cầu hoặc tròn dẹt. Lá có cuống dài, về mùa xuân cây mọc 1 – 2 lá, lá đơn chia làm 3 thùy, tùy theo tuổi cây mà lá mọc có khác nhau về hình dạng. Cuống lá dài, màu xanh, nhẵn bóng không có lông.
Lúc cây còn nhỏ lá đơn, hình trứng hay hình tim, đuôi nhọn mép lá nguyên hoặc hơi có làn sóng, gốc lá hình mũi tên. Khi cây 2 – 3 tuổi lá có 3 thùy, hình bầu dục hay hình kim phình giữa, hai đầu nhọn,
Khi cây khoảng 3 tuổi mới có hoa, hoa hình bông nở vào đầu mùa hạ. Hoa có bao lớn, bao màu xanh, trong bao có hoa tự. Hoa cái mọc ở phía dưới, màu xanh nhạt, hoa đực mọc ở bên trên, màu trắng, đoạn trên cong hoa đài nhỏ.
Quả mọng hình bầu dục, dạng trứng.
Bộ phận làm thuốc, bào chế
Bộ phận được dùng làm vị thuốc là thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây Bán hạ.
Bán hạ bắc dùng sống có độc, vì vậy khi dùng uống cần phải bào chế. Cách bào chế có Pháp bán hạ, Tô bán hạ (chế với váng sữa), ngoài ra còn có Bán hạ khúc có tác dụng trừ đờm. Sau đây là các phép bào chế:
Pháp Bán hạ
- Lấy Bán hạ sạch ngâm nước chừng 10 ngày cho đến khi bột trắng nổi lên thì vớt ra, rồi ngâm tiếp với Bạch phàn (cứ 50 kg Bán hạ cho 1 kg Bạch phàn). Ngâm 1 ngày rồi lại thay nước, đến khi nhấm vào miệng không còn cảm giác tê cay thì vớt ra, phơi trong râm (tránh nắng).
- Ngoài ra, còn cách khác là giã dập Cam thảo hòa với nước vôi, lắng gạn bỏ cặn rồi để Bán hạ vào ngâm. Khuấy trộn hằng ngày đến khi màu vàng thấm đều vào bên trong, vớt ra phơi trong râm đến khô (cứ 50 kg Bán hạ thì dùng 8 kg Cam thảo và 10 kg vôi cục) (Dược Tài Học).
- Dược liệu sau khi chế có hình hơi tròn hoặc hình chữ nhật. Bên ngoài có màu vàng nhạt, vàng hoặc vàng nâu. Bề mặt nhẵn cứng, bên trong có màu vàng đến vàng nâu, vị hơi ngọt, hơi se.
Khương Bán hạ
- Vị thuốc đã được bào chế theo Pháp bán hạ như trên, sau đó xắt lát Gừng sống rồi cho Bạch phàn và Bán hạ vào đun cho thấm. Lấy ra phơi qua cho ráo nước, cắt thành từng miếng phơi khô (Cứ 50 kg Bán hạ thì dùng 12,5 kg Gừng sống; 6,5 g Bạch phàn) (Dược Tài Học).
- Dược liệu sau khi chế là những miếng nhỏ hình chữ nhật hoặc hơi tròn. Bên ngoài màu nâu đến nâu đen. Bề mặt cứng, nhẵn và bóng láng, bên trong màu nâu vàng nhạt. Mùi thơm nhẹ, có vị tê nhẹ, có chất nhầy khi nhai.
Thanh Bán hạ
- Lấy Bán hạ đã biến chế theo Pháp bán hạ như trên, sau đó thêm Bạch phàn và nước đun kỹ. Lấy ra phơi qua cho ráo nước, ủ ấm rồi xắt thành phiến, lại phơi trong râm mát (cứ 50 kg Bán hạ thì dùng 6,5 kg Bạch phàn) (Dược Tài Học).
- Dược liệu sau khi chế là những miếng nhỏ hình elip, hình thoi hơi tròn hoặc hình chữ nhật. Trên bề mặt có màu nâu hoặc nâu nhạt, có một số đốm nhỏ màu trắng và những đường vạch ngắn, những vân đỏ tía dưới lớp bần còn lại. Bề mặt nhẵn, chất cứng, dễ gãy. Màu nhạt, vị hơi mặn, se và tê.
Bán hạ khúc
Dùng Bán hạ sống đồ vào nồi nước, dùng một chút phèn chua đun sôi ngâm 1 đêm, hôm sau lại đun nước khác để thay nước cũ đi, làm 7 ngày 7 đêm, rồi phơi khô, tán bột. Dùng nước Gừng hòa với hồ làm thành Bánh sao vàng (Trung Dược Đại Từ Điển).
Xem thêm: Phụ tử: Không chỉ là vị thuốc có độc tính
Bảo quản
Vị thuốc để nơi khô ráo, không được ẩm ướt, tránh mối mọt. Nếu thấy mốc có thể lấy nước rửa sạch phơi khô, dùng Lưu hoàng xông, phơi khô, cất như cũ.
Thành phần hóa học
Dược liệu Bán hạ bắc có các thành phần sau:
- Coniine, Protoanemonin, Homogentisic acid, Nicotine, Aspartic acid, Glutamic acid, Arginine, b-Sitosterol, Cholesterol (Trung Dược Học).
- Ephedrine (Haruji Oshio và cộng sự, Chem Pharm Bull 1978, 26 (7): 2096).
- Choline, b-Sitosterol, Daucosterol (Vĩ Quan Chiếu Nhị, Dược Học Tạp Chí [Nhật Bản] 1962, (82): 766).
- Homogentisic acid, Protocatechualdehyde (Triệu Cương, Trung Quốc Trung Dược tạp Chí 1990, 15 (3): 146).
Công dụng
Y học hiện đại
- Cầm nôn: Bán hạ bắc chế (đặc biệt là Khương Bán hạ) thành hoàn và nước sắc Bán hạ có tác dụng cầm nôn. Cao lỏng Bán hạ, bột Bán hạ (chế với nhiệt độ cao) cũng có tác dụng cầm nôn. Nhưng Bán hạ sống ngược lại, có tác dụng gây nôn (Trung Dược Học).
- Giảm ho: Theo Trung Dược Học, một số thực nghiệm trên mèo, chuột cống cho thấy vị thuốc có tác dụng giảm ho, giảm tiết nước bọt, làm chậm quá trình bệnh.
- Giải độc: Đối với trường hợp nhiễm độc Strychnin và Acetycholin (Trung Dược Học).
Độc tính: Ăn Bán hạ sống miệng lưỡi có cảm giác tê. Uống liều lớn làm cho miệng và họng có cảm giác tê cay mạnh, ngứa, nóng bỏng, sưng, muốn nôn, nôn, nói ngọng, khan tiếng, miệng há ra khó. Trường hợp nặng sẽ bị nghẹt thở, khó thở dẫn đến tử vong (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
Cấp cứu trúng độc Bán hạ: Ngoài việc tuân theo các nguyên tắc cấp cứu nhiễm độc thuốc, có thể dùng 1 – 2% tannic acid rửa bao tử, cho uống lòng trắng trứng gà, giấm loãng hoặc nước chè (trà) đậm. Hoặc dùng giấm loãng 30 – 60ml gia ít nước Gừng uống hay ngậm nuốt từ từ. Cũng có thể dùng Gừng tươi gia đường sắc uống.
Y học cổ truyền
Vị cay, tính ấm, có độc.
Vào kinh Phế, Tỳ, Vị (Lôi Công Bào Chích Luận).
Công dụng: Táo thấp (làm khô ẩm thấp), hóa đờm, giáng nghịch (hạ hơi đưa lên), cầm nôn.
Cách dùng và liều dùng
Vì có nhiều cách chế biến khác nhau nên cách dùng Bán hạ bắc cũng khác nhau, tùy theo mục đích sử dụng.
- Pháp Bán hạ dùng trong trường hợp có nhiều đờm, tỳ vị không điều hòa.
- Khương Bán hạ dùng trong trường hợp nôn ói, ho.
- Thanh Bán hạ dùng cho cơ thể hư nhược, đờm nhiều hoặc trẻ em ăn uống kém, khó tiêu, bệnh nhẹ.
- Bán hạ khúc dùng trong trường hợp kiện tỳ vị, tiêu hóa kém.
- Còn Bán hạ sống chỉ dùng bên ngoài đắp mụn nhọt sưng đau, ít khi dùng để uống vì gây nôn mạnh.
Liều: 5 – 10g ,sắc uống hoặc cho vào thuốc hoàn, tán.
Một số bài thuốc kinh nghiệm
Trị ho nhiều đờm, ngực đầy, tim tức, nôn ọe, rêu dày mạch hoạt
Bán hạ 8 – 12 g, Trần bì 8 – 12 g, Phục linh 12g, Cam thảo 4 g. Sắc uống ngày 1 thang, 2 lần uống (Nhị trần thang – Hòa tễ cục phương).
Trị đau đầu, chóng mặt, đờm nhiều, mạch huyền, hoạt do phong đờm
Bán hạ chế 6 – 8g, Bạch linh 8 – 12g, Bạch truật 8 – 12g, Thiên ma 6 – 8g, Quất hồng 6 – 8g, Cam thảo 2 – 4g. Sắc uống (Bán hạ bạch truật thiên ma thang – Y học tâm ngộ).
Trị nôn ọe, chóng mặt, hồi hộp, ăn uống không ngon
Bán hạ 1 cân, Gừng sống nửa cân, Phục linh 120g, sắc với nước, chia làm 3 lần, uống nóng (Bán Hạ Gia Phục Linh Thang – Kim Quỹ Yếu Lược).
Trị nôn mửa, tiêu chảy
Bán hạ (ngâm rửa, sao vàng) 80g, Hoắc hương (lá) 40g, Đinh hương 60g. Tán bột. Mỗi lần dùng 16g, thêm 7 lát gừng, sắc uống (Hoắc hương Bán Hạ Thang – Hòa Tễ Cục Phương).
Trị đờm nhiều, định chí, an thần, lợi đầu mắt
Bán hạ khúc 120g, Thiên nam tinh ngâm nước sôi 40g, Thần sa, Khô phàn mỗi thứ 20g. Tất cả tán bột, trộn với nước Gừng làm viên, to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 30 viên khi ăn cơm với nước Gừng (Thần Sa Hóa Đàm Hoàn – Hòa Tễ Cục Phương).
Trị đờm đình lưu lại làm ngực đầy tức, thở ngắn, muốn nôn, ăn không xuống hoặc mửa ra đờm
Bán hạ rửa 200g, Phục linh 120g. Tán bột. Mỗi lần dùng 16g, thêm Gừng 7 lát, sắc với 1 chén nước, còn 7 phân, uống nóng (Phục Linh Bán Hạ Thang – Hòa Tễ Cục Phương).
Trị bọ cạp, ong đốt
Dùng Bán hạ tán bột trộn nước xức vào (Tiền Tướng Công Khiếp Trung Phương).
Kiêng kỵ
- Không nên kết hợp với Tạo giác.
- Phản Ô đầu.
- Kỵ máu dê, Hải tảo, Mạch nha, Đường.
- Sợ Hùng hoàng, Gừng sống, Gừng khô, Tần bì, Quy giáp.
- Phụ nữ có thai, nhiệt trong cơ thể nhiều (sốt kèm mất nước, da môi khô…) không dùng.
Bán hạ bắc là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của dược liệu đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhằm kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học.
- Hoàng Duy Tân (2006). Đông dược học. Nhà xuất bản Đồng Nai.
- Lê Đình Sáng (2010). Sổ tay Cây thuốc và Vị thuốc Đông y. Đại học Y khoa Hà Nội.