Bệnh Basedow có di truyền không và câu trả lời từ bác sĩ
Nội dung bài viết
Bệnh Basedow có di truyền không là một vấn đề mà rất nhiều người thắc mắc. Đặc biệt là những người đang bị bệnh này và có ý định sinh con. Vậy thì các bác sĩ chuyên khoa trả lời câu hỏi này như thế nào? Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô đi tìm đáp án qua bài viết sau đây.
Bệnh Basedow là gì?
Bệnh Basedow còn có tên gọi khác là bệnh Graves, bệnh Parry, hay bệnh cường giáp tự miễn hoặc bệnh bướu giáp độc lan tỏa.
Bệnh Basedow là một bệnh mà khi mắc bệnh, hệ thống miễn dịch trong cơ thể bệnh nhân sẽ bị rối loạn. Sự rối loạn ấy làm cho các hormone tuyến giáp sản xuất quá mức (cường hormon tuyến giáp). Bệnh Basedow là một nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng cường giáp.
Hormone tuyến giáp tác động đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Do đó, những triệu chứng của bệnh Basedow có thể không giống nhau. Đây là một căn bệnh chiếm tần suất cao hơn ở phụ nữ và những người dưới 40 tuổi.
Mục tiêu điều trị đối với bệnh nhân mắc bệnh Basedow đó là:
- Giảm tình trạng sản xuất quá mức hormon tuyến giáp.
- Giữ nồng độ hormon giáp trở về mức bình ổn (bình giáp).
- Hạn chế tối đa mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Bệnh Basedow có di truyền không?
Mặc dù bệnh Basedow có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, nhưng có một vài yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
1. Yếu tố gia đình – nguy cơ thường gặp nhất của bệnh Basedow
Tiền sử gia đình mắc bệnh Basedow là một yếu tố nguy cơ thường gặp. Theo các nghiên cứu gần đây, có một loại gen hoặc tổ hợp gen có thể làm cho một người dễ mắc bệnh này hơn những người khác. Nội dung này phần nào giải đáp được thắc mắc bệnh Basedow có di truyền không.
Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, gần 80% nguyên nhân mắc bệnh Basedow là do yếu tố di truyền. Điều này đồng nghĩa với việc bố mẹ có bệnh lý về tuyến giáp sẽ sinh con có nguy cơ cao mắc bệnh Basedow.
2. Giới tính dễ mắc bệnh Basedow
Phụ nữ có nhiều nguy cơ mắc bệnh Basedow hơn so với nam giới.
3. Tuổi dễ bị bệnh Basedow
Bệnh Basedow thường dễ xuất hiện ở những người nhỏ hơn 40 tuổi.
4. Một số rối loạn tự miễn dịch khác – tăng nguy cơ mắc bệnh Basedow
Những người có các bất thường của hệ thống miễn dịch sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh Basedow. Chẳng hạn như đái tháo đường, bệnh viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ hệ thống, xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch,…
5. Căng thẳng tâm lý thường xuyên – tăng nguy cơ mắc bệnh Basedow
Những tình trạng gây căng thẳng tâm lý có thể là yếu tố nguy cơ dẫn đến sự khởi phát của bệnh Basedow. Đặc biệt là những người có kiểu gen dễ mắc bệnh.
6. Thai kỳ và nguy cơ mắc bệnh Basedow
Thai kỳ có thể là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện bệnh Basedow. Đặc biệt là ở những phụ nữ có kiểu gen dễ mắc bệnh.
7. Hút thuốc lá và nguy cơ mắc bệnh Basedow
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh Basedow do ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch ở nhiều mức độ khác nhau. Những người hút thuốc lá bị bệnh Basedow cũng đồng thời có nguy cơ cao mắc bệnh lý về mắt do bệnh này gây ra.
Tác hại nguy hiểm của bệnh Basedow
Basedow là một bệnh khá nguy hiểm đối với hệ tim mạch. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng cơn bão giáp. Từ đó có thể dẫn đến trụy tim mạch và thậm chí tử vong.
Một số tác hại khác của bệnh Basedow bao gồm:
- Rối loạn nhịp tim: Người mắc bệnh Basedow sẽ có nhịp tim nhanh thường xuyên. Lâu dài sẽ làm tăng nguy cơ suy tim, rung nhĩ, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
- Ảnh hưởng đến thai kỳ: Thai phụ mắc bệnh Basedow sẽ có nguy cơ cao bị sẩy thai, sinh non, tiền sản giật. Đồng thời, thai nhi cũng bị ảnh hưởng như: Phát triển kém, suy chức năng tuyến giáp.
- Tăng nguy cơ gãy xương: Sự tăng cao nồng độ hormon tuyến giáp trong máu dẫn đến cản trở quá trình kết hợp canxi vào xương. Từ đó dẫn đến tình trạng giòn xương, dễ gãy xương.
Những cách điều trị bệnh Basedow
Điều trị bệnh Basedow bằng phương pháp nội khoa
Trong những cách điều trị bệnh Basedow, phương pháp nội khoa vẫn là một cách hữu hiệu giúp bình ổn hormon tuyến giáp. Đồng thời, phương pháp này cũng là cơ sở để hỗ trợ các phương pháp điều trị khác.
Trong điều trị nội khoa, thuốc kháng giáp tổng hợp vẫn là loại thuốc được ưu tiên hàng đầu. Một số thuốc khác chỉ có tác dụng hỗ trợ cho hiệu quả điều trị. Mỗi loại thuốc sẽ có một cơ chế tác dụng khác nhau. Những thuốc chính có thể kể đến bao gồm:
- Thuốc kháng giáp tổng hợp. Đây là nhóm thuốc có tác dụng làm giảm hormon tuyến giáp theo hai cơ chế trong và ngoài tuyến giáp.
- Thuốc chẹn β giao cảm. Nhóm thuốc này giúp làm giảm các triệu chứng cường giao cảm do tác dụng của hormon tuyến giáp gây ra. Chẳng hạn như hồi hộp, tim đập nhanh, run tay,…
- Thuốc corticoide: Làm giảm hormon tuyến giáp ngoại vi.
Các phương pháp khác điều trị bệnh Basedow
Phẫu thuật điều trị bệnh Basedow
Mục đích của phương pháp này là cắt gần hoàn toàn tuyến giáp. Đồng thời chỉ giữ lại một lượng nhu mô giáp vừa đủ để duy trì trạng thái bình giáp.
Sử dụng Iode đồng vị phóng xạ trong điều trị bệnh Basedow
Phương pháp này có ưu điểm là đưa bệnh nhân về trạng thái bình giáp với một liều. Đồng thời hạn chế được những biến chứng của phương pháp phẫu thuật.
Với những thông tin mà bài viết đã cung cấp, hy vọng bạn đọc sẽ biết được bệnh Basedow có di truyền không. Đồng thời hiểu rõ hơn về những nguy cơ, sự nguy hiểm của bệnh cũng như các phương pháp điều trị bệnh Basedow phổ biến hiện nay.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Graves' diseasehttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/graves-disease/symptoms-causes/syc-20356240
Ngày tham khảo: 05/12/2020
-
Graves' Diseasehttps://www.niddk.nih.gov/health-information/endocrine-diseases/graves-disease
Ngày tham khảo: 16/03/2017
-
Graves’ Diseasehttps://www.healthline.com/health/graves-disease
Ngày tham khảo: 04/02/2021
-
Bệnh Basedow theo y học cổ truyềnhttps://moh.gov.vn/home?p_p_id=101&p_p_lifecycle=0&p_p_state=maximized&p_p_mode=view&_101_struts_action=%2Fasset_publisher%2Fview_content&_101_type=content&_101_urlTitle=benh-basedow-theo-y-hoc-co-truyen
Ngày tham khảo: 13/02/2019
-
Graves diseasehttps://medlineplus.gov/genetics/condition/graves-disease/
Ngày tham khảo: 16/09/2020