Thông tin về bệnh Cushing và hội chứng Cushing
Nội dung bài viết
Bệnh Cushing và hội chứng Cushing là một bệnh lý nội tiết khá thường gặp phải trong lâm sàng. Vậy bệnh Cushing và hội chứng Cushing khác nhau ở điểm nào? Nguyên nhân bệnh này là do đâu? Hãy cùng ThS.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu bệnh Cushing và hội chứng Cushing qua bài viết dưới đây.
Phân biệt bệnh Cushing và hội chứng Cushing
Bệnh Cushing xảy ra khi cơ thể người bệnh tạo ra quá nhiều cortisol – một loại hormone liên quan đến phản ứng căng thẳng của cơ thể. Đây là một chứng bệnh do rối loạn tuyến yên tiến triển. Điều này có nghĩa là nếu không điều trị, bệnh có thể trở nên tồi tệ theo thời gian.
Bệnh Cushing và hội chứng Cushing đều là xuất phát từ quá nhiều cortisol trong cơ thể. Lượng cortisol ở hội chứng Cushing có thể đến từ bên ngoài và bên trong cơ thể. Ví dụ như việc sử dụng thuốc corticosteroid hoặc cũng có thể đến từ một khối u tuyến yên hoặc tuyến thượng thận khiến cơ thể tạo ra quá nhiều cortisol.
Bệnh Cushing là một loại hội chứng Cushing cụ thể. Bệnh Cushing là dạng phổ biến nhất của hội chứng Cushing nội sinh. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học nó chiếm khoảng 70% các trường hợp hội chứng Cushing.
Đối tượng dễ mắc phải bệnh Cushing và hội chứng Cushing
Tỷ lệ mắc bệnh/hội chứng Cushing rất hiếm, khoảng 10 – 15 trường hợp mới trên một triệu người được chẩn đoán mỗi năm. Bệnh này thường xuất hiện ở những người trong độ tuổi từ 20 – 50 tuổi. Và thường gặp ở phụ nữ hơn là nam giới.
Nguyên nhân nào gây ra bệnh Cushing và hội chứng Cushing
Nguyên nhân ngoại sinh
Lạm dụng thuốc corticosteroid có thể là nguyên nhân của hội chứng Cushing ngoại sinh. Điển hình là người bệnh sử dụng Prednisone liều cao trong khoảng thời gian dài.
Corticosteroid đường uống chỉ được sử dụng điều trị các bệnh viêm nhiễm, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, lupus và hen suyễn. Hội chứng Cushing cũng có thể xảy ra trong trường hợp bệnh nhân sử dụng corticosteroid đường tiêm, tiêm lặp đi lặp lại để điều trị đau khớp. Dạng hít để điều trị hen suyễn và kem bôi da ít được ghi nhận hơn.
Nguyên nhân nội sinh
Tình trạng này xảy ra khi cơ thể sản xuất quá mức cortisol hoặc quá nhiều hormon vỏ thượng thận (ACTH) – điều chỉnh sản xuất cortisol. Trong trường hợp này, hội chứng Cushing có thể liên quan đến:
- Khối u ở tuyến yên: Một khối u lành tính, nằm ở đáy não tạo ra một lượng ACTH dư thừa. Điều này kích thích tuyến thượng thận tạo ra nhiều cortisol hơn. Khi dạng hội chứng này phát triển hơn nó được gọi là bệnh Cushing, Dạng này xảy ra nhiều ở phụ nữ và là dạng phổ biến nhất của Cushing nội sinh.
- Khối u tiết ACTH: Đây là nguyên nhân hiếm khi xảy ra. Khối u này phát triển ở bất kỳ ở một cơ quan khác có thể là phổi, tuyến tụy hoặc tuyến giáp. Bình thường nơi này không tiết ACTH nhưng khi xuất hiện khối u bắt đầu tiết hormone này mất kiểm soát. Khối u này có thể lành tính hoặc ác tính.
- Bệnh tuyến thượng thận nguyên phát: Rối loạn tuyến thượng thận cũng có thể khiến chúng sản xuất quá nhiều cortisol.
- Di truyền: Nguyên nhân này hiếm xảy ra nhưng các nhà khoa học đã chứng minh những người thừa hưởng xu hướng phát triển khối y trên một hoặc nhiều tuyến nội tiết của họ. Điều này ảnh hưởng đến nồng độ cortisol và gây ra hội chứng Cushing.
Các triệu chứng điển hình
Các dấu hiệu của bệnh Cushing và hội chứng Cushing có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ dư thừa cortisol.
Các dấu hiệu thường gặp:
- Tăng cân, lắng đọng mô mỡ ở các vị trí xung quanh bụng và lưng, ở mặt (mặt trăng tròn) và giữa vai (bướu trâu).
- Vết rạn da màu hồng và tím trên da bụng, đùi, vú và chán tay.
- Da mỏng, dễ bị bầm tím
- Quá trình lành vết thương chậm.
- Mụn
Dấu hiệu mà phụ nữ mắc phải bệnh/hội chứng Cushing có thể gặp phải:
- Chứng rậm lông.
- Kinh nguyệt không đều hoặc không có.
Dấu hiệu ở nam giới mắc phải bệnh/hội chứng Cushing có thể gặp phải:
- Giảm ham muốn tình dục.
- Giảm khả năng sinh sản.
- Rối loạn cương dương.
Dấu hiệu có khác:
- Mệt mỏi nghiêm trọng
- Yếu cơ
- Trầm cảm, lo lắng, cáu kỉnh.
- Mất kiểm soát cảm xúc.
- Khó khăn về nhận thức.
- Tăng huyết áp..
- Đau đầu, nhiễm trùng, sạm da.
- Xương dễ gãy.
- Trẻ em tăng trưởng kém.
Chẩn đoán bệnh này như thế nào?
Nếu bạn có những triệu chứng giống trên và đặc biệt đang sử dụng corticosteroid điều trị bệnh như hen suyễn hay viêm khớp. Hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị bệnh chính xác.
Đầu tiên bác sĩ sẽ khai thác tiền sử dùng thuốc và di truyền của bệnh nhân. Sau đó bác sĩ sẽ kiểm tra một số triệu chứng điển hình của bệnh như mặt trăng tròn, mô mỡ ở giữa vai và cổ,… Các xét nghiệm sẽ được tiến hành để chắc chắn hơn về chẩn đoán của bác sĩ.
Xét nghiệm thông thường
- Xét nghiệm nước tiểu và máu: Xét nghiệm này để đo nồng độ hormone của cơ thể.
- Kiểm tra nước bọt: Các chuyên viên y tế sẽ phân tích mẫu nước bọt thu thập vào ban đêm để kiểm tra nồng độ cortisol trong cơ thể có quá cao không. Điều này dựa vào cơ chế sinh học nồng độ cortisol sẽ giảm đáng kể vào ban đêm ở những người bình thường.
Xét nghiệm hình ảnh
Các xét nghiệm này bao gồm chụp CT và MRI có thể cung cấp rõ ràng hình ảnh của tuyến yên và tuyến thượng thận. Điều này giúp bác sĩ dễ dàng phát hiện ra những bất thường, ví dụ như khối u.
Trên đây là những thông tin cần thiết về bệnh Cushing và hội chứng Cushing. YouMed hy vọng qua bài viết này bạn đọc có thể bổ sung thêm được kiến thức về bệnh này. Từ đó có thể phát hiện và ngăn chặn được nguyên nhân gây bệnh sớm nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Cushing disease/ Cushing syndromehttps://www.ohsu.edu/brain-institute/cushing-disease-cushing-syndrome#:~:text=Cushing%20disease%20is%20a%20specific,70%25%20of%20Cushing%20syndrome%20cases.
Ngày tham khảo: 01/06/2021
-
Cushing syndromehttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cushing-syndrome/diagnosis-treatment/drc-20351314
Ngày tham khảo: 01/06/2021
-
Cushing’s diseasehttp://pituitary.ucla.edu/cushings-disease
Ngày tham khảo: 01/06/2021