Bệnh lao phổi: 6 điều cơ bản cần biết
Nội dung bài viết
Bệnh lao có thể gặp ở nhiều nơi trên cơ thể nhưng thường gặp nhất là ở phổi. Lao phổi là một bệnh lý nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng và có khả năng lây lan cho cộng đồng cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bài viết này sẽ giới thiệu sơ lược về bệnh lao, triệu chứng, đường lây truyền cũng như các phương thức điều trị bệnh lao phổi hiện nay.
1. Nguyên nhân gây ra lao phổi?
Lao (còn gọi là TB) là một bệnh lý do vi trùng lao hay Mycobacterium tuberculosis gây ra. Vi trùng gây bệnh lao là một trong những loại gây hại. Nếu vi trùng lao thâm nhập vào một cơ quan nào đó trong cơ thể và sinh sôi đồng thời cơ thể không thể tự chống lại nó, bạn có thể sẽ mắc bệnh lao.
Lao ở phổi là thường gặp nhất, nhưng bạn cũng có thể mắc bệnh lao ở nhiều nơi khác trên cơ thể (ví dụ như lao xương, lao hạch, hoặc lao ở não).
2. Triệu chứng là gì?
Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng nghi lao quan trọng nhất.
- Lúc đầu có thể ho khan, ho dai dẳng, thường vào buổi sáng.
- Dần dần, sau cơn ho có thể có đàm nhớt, đàm mủ, lượng đàm tăng và thành mủ.
- Ho ra máu: khi bệnh đã đến giai đoạn nặng.
Mệt mỏi: mệt mỏi về tinh thần và thể xác, không giảm khi nghỉ ngơi và tăng dần vào buổi chiều và dai dẳng.
Gầy sút: sụt cân nhanh, đôi khi không kèm biếng ăn nhưng cơ thể lại gầy nhanh chóng, đây là triệu chứng quan trọng.
Sốt nhẹ về chiều: sốt không đều, thường tăng dần khi về chiều.
Ra mồ hôi “trộm” ban đêm.
Đau ngực: đau âm ỉ hoặc đột ngột nhói đau tăng lên khi hít sâu, khi ho hoặc khi cử động mạnh.
Khó thở.
3. Bệnh lao phổi lây qua con đường nào?
Chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp
- Người mắc bệnh sẽ phát tán vi khuẩn qua những hạt chất tiết khi ho hoặc hắt hơi.
- Những người xung quanh bị lây nhiễm do hít phải các hạt chất tiết này vào phổi.
- Tuy nhiên, cho dù bị lây nhiễm thì chúng ta cũng không chắc chắn mắc bệnh lao. Cơ thể của chúng ta sẽ có những cơ chế chống lại sự sinh sôi nảy nở của vi khuẩn lao.
- Và nếu cơ chế bảo vệ này không thể ngăn chặn được sự phát triển của bệnh lao thì cơ thể sẽ mắc bệnh lao.
4. Những ai dễ bị ảnh hưởng bởi bệnh lao?
Bệnh dễ phát khi hệ miễn dịch bị suy yếu. Trẻ em sơ sinh và người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu cần phải chú ý. Ngoài ra, có một số đối tượng dễ mắc bệnh lao như người mắc tiểu đường. Người đã phẫu thuật cắt bỏ dạ dày, người đang điều trị bệnh ung thư cũng có hệ miễn dịch suy yếu nên sẽ có nguy cơ phát bệnh cao.
4. Điều trị bệnh lao như thế nào?
Hiện tại, bệnh đang được Bộ Y tế quan tâm đặc biệt. Bệnh lao đã được đưa vào “Chương trình phòng chống lao quốc gia” với các phác đồ cụ thể và hiệu quả.
Phương pháp điều trị bệnh lao chủ yếu hiện nay là sử dụng các thuốc kháng lao.
Hầu hết các trường hợp lao phổi đều có thể chữa khỏi được khi điều trị đúng phương pháp và đúng thuốc.
Các phác đồ điều trị lao được phân ra điều trị tùy theo từng trường hợp cụ thể. Sử dụng loại thuốc nào và điều trị trong bao lâu sẽ phụ thuộc vào các yếu tố:
- Sức khỏe người bệnh.
- Vị trí nhiễm lao.
- Độ tuổi.
- Khả năng đề kháng với thuốc.
Các phác đồ hiện nay có thời gian điều trị dao động từ 6 – 20 tháng. Điều này tuỳ vào phác đồ và đáp ứng của người bệnh.
Lưu ý trong thời gian điều trị:
- Tuân thủ liệu trình.
- Tái khám định kỳ mỗi tháng.
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia trong thời gian điều trị.
- Không cần phải kiêng cữ, ngoại trừ trường hợp có bệnh tiểu đường kèm theo.
- Thường xuyên xét nghiệm đờm để đánh giá đáp ứng với điều trị.
Bên cạnh đó, nên phòng ngừa lây nhiễm cho người xung quanh:
- Che miệng và quay mặt về phía khác khi ho, khi hắt hơi.
- Không khạc nhổ đờm bừa bãi.
5. Khả năng chữa khỏi bệnh
Bệnh lao phổi nếu được phát hiện kịp thời, sử dụng đúng phác đồ, tuân thủ dùng thuốc nghiêm ngặt, đúng liều, đều đặn thì khả năng chữa khỏi là rất cao.
Việc điều trị, chữa lao phổi là cả một quá trình dài, duy trì liệu trình điều trị. Sau điều trị chống lao vài tuần người bệnh sẽ có cải thiện. Người bệnh cảm giác khỏe hơn, ăn ngon hơn, giảm dần hết các triệu chứng trước đó. Tuy nhiên, quá trình điều trị vẫn phải tiếp tục duy trì cho đủ thời gian. Trong trường hợp nếu bỏ điều trị trong thời gian điều trị, bệnh sẽ không thể khỏi. Tình trạng lao phổi càng trở nên nguy hiểm hơn bởi vi khuẩn lao sẽ kháng thuốc, phát triển mạnh mẽ hơn. Về sau nếu muốn tiếp tục điều trị sẽ rất khó khăn và khả năng thành công không còn cao.
Trên đây là những nét cơ bản nhất về bệnh Lao phổi. Hy vọng bài viết cung cấp được phần nào kiến thức cho bạn đọc để hiểu hơn về bệnh lao phổi, góp phần làm giảm gánh nặng bệnh lao cho nước ta cũng như trên thế giới.
>> Bệnh nhân mắc lao cần được chuẩn đoán và điều trị tại bệnh viện, chuyên khoa hô hấp và lao để có hướng điều trị chính xác nhất. Việc điều trị này phối hợp dầy đủ sẽ mang tới hiệu quả khách quan. Cùng YouMed tìm hiểu: Hướng dẫn khám và chữa bệnh lao tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Trung ương.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- https://jata.or.jp/dl/pdf/data/lang_outline/vietnam.pdf
- https://www.cdc.gov/tb/publications/faqs/pdfs/qa.pdf
- Bệnh học lao. Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh