YouMed

Bệnh mãn tính có ảnh hưởng đến việc mang thai không?

bác sĩ nguyễn lâm giang
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang
Chuyên khoa: Nội tổng quát

Bệnh mãn tính có ảnh hưởng đến mang thai hay không là một vấn đề được rất nhiều thai phụ quan tâm. Không phải tất cả mọi phụ nữ khi có thai đều khỏe mạnh, không mắc bệnh mãn tính. Một số bệnh mãn tính thường gặp như hen suyễn, tăng huyết áp, đái tháo đường,… Vậy những bệnh này ảnh hưởng đến mang thai như thế nào? Hãy cùng YouMed đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây nhé!

1. Mức độ ảnh hưởng của bệnh mãn tính

Trong một số trường hợp nhất định, bệnh mãn tính có ảnh hưởng đến mang thai. Cụ thể là bệnh mãn tính thường làm sụt cân, sẽ cản trở ít nhiều đến sự rụng trứng. Thậm chí, có một số bệnh mãn tính mà các bác sĩ khuyên người phụ nữ không nên mang thai. Chẳng hạn như suy tim mức độ nặng, lao phổi nặng, ung thư giai đoạn tiến triển,…

Bệnh mãn tính có ảnh hưởng đến mang thai
Bệnh mãn tính có ảnh hưởng đến mang thai.

Những bệnh lý thuộc tuyến giáp – điển hình như bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto hoặc bệnh Graves – là một trong những nguyên nhân kiềm chế sự rụng trứng. Các bệnh mãn tính ở gan và thận cũng có thể làm giảm khả năng mang thai. Cơ chế chính là vì chức năng tuyến yên kích thích sinh dục sẽ bị ảnh hưởng.

2. Bệnh mãn tính ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào?

Đối với những mẹ bầu đang mắc bệnh mãn tính, sự an toàn của cả mẹ và bé luôn được kiểm soát chặt chẽ. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc việc dừng hoặc thay đổi quá trình trị bệnh. Mục tiêu là để thai nhi phát triển an toàn, ít bị tác dụng xấu của thuốc điều trị bệnh mãn tính.

Trong một số tình huống nhất định, những thay đổi trong quá trình điều trị bệnh mãn tính sẽ được áp dụng sớm. Theo các chuyên gia y tế, phụ nữ có tình trạng bệnh mãn tính có thể có thai kỳ khỏe mạnh. Đồng thời, em bé sinh ra cũng hoàn toàn khỏe mạnh.

Phụ nữ mắc bệnh mãn tính vẫn có thể mang thai bình thường
Phụ nữ mắc bệnh mãn tính vẫn có thể mang thai bình thường.

Trên thực tế, bệnh mãn tính có ảnh hưởng đến mang thai. Tuy nhiên, không nhất thiết là người phụ nữ không được mang thai. Một thai kỳ cần sự theo dõi chặt chẽ sẽ được áp dụng. Hơn nữa, những thuốc uống của thai phụ sẽ được các bác sĩ chuyên khoa cân nhắc kỹ càng.

3. Những nguy cơ mà bệnh mãn tính mang lại

Việc thai phụ có bệnh mãn tính thường đi kèm với những nguy cơ nhất định như:

  • Thiểu ối: Điều này sẽ gây khó khăn cho người mẹ khi mang thai.
  • Đa ối.
  • Thai quá to.
  • Sinh non: Là sinh trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Trẻ sinh non có thể gặp nhiều vấn đề về sức khỏe hơn so với trẻ sinh đủ tháng.
  • Dị tật bẩm sinh. Dị tật bẩm sinh có thể gây ra các vấn đề về tổng thể sức khỏe, sự phát triển của cơ thể hoặc chức năng của các cơ quan.
  • Sảy thai hoặc thai chết lưu.
  • Hội chứng HELLP – một hội chứng đặc trưng bởi những triệu chứng như tán huyết, giảm tiểu cầu và tăng men gan.
  • Tiền sản giật.
Bệnh mãn tính có thể gây sảy thai
Bệnh mãn tính có thể gây sảy thai.

4. Các bệnh tự miễn

Một trong những bệnh mãn tính có ảnh hưởng đến mang thai đó chính là nhóm các bệnh tự miễn. Nhóm những bệnh này bao gồm:

  • Lupus ban đỏ hệ thống.
  • Xơ cứng bì.
  • Viêm cột sống dính khớp.
  • Viêm ruột mãn tính bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.
  • Bệnh vẩy nến.
  • Viêm khớp dạng thấp.

Nếu bạn mắc các bệnh tự miễn, bạn phải được kiểm soát bệnh thật ổn trước khi có thai. Nếu không, bệnh có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng. Khi các bạn muốn có con, bệnh phải được điều trị ổn từ 5 đến 6 tháng trước khi thai kỳ bắt đầu.

Nếu bệnh được kiểm soát tốt thì người mẹ không cần uống thuốc khi mang thai. Tuy nhiên, nếu bệnh có biểu hiện nhẹ thì cần uống thuốc theo y lệnh của bác sĩ chuyên khoa. Hầu hết các bà mẹ bị bệnh tự miễn kiểm soát tốt đều sinh ra em bé khỏe mạnh.

5. Bệnh động kinh

Theo thống kê chung ở nước ta, có khoảng 30% thai phụ bị lên cơn nhiều hơn so với trước mang thai. Việc lên cơn động kinh có thể gây sang chấn cho cả mẹ và thai. Trẻ sinh ra có thể bị nhẹ cân, non tháng, thậm chí thai có thể chết lưu.

Động kinh là một trong những bệnh mãn tính có ảnh hưởng đến mang thai
Động kinh là một trong những bệnh mãn tính có ảnh hưởng đến mang thai.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, thai phụ mắc bệnh động kinh nên uống thuốc hàng ngày để kiểm soát cơn động kinh. Đồng thời cần bổ sung thêm axit folic để hạn chế dị tật ống thần kinh cho thai nhi. Hơn nữa, axit folic còn hạn chế được những tác động xấu của thuốc chống động kinh đến thai nhi.

6. Bệnh tiểu đường

Người phụ nữ bị mắc bệnh tiểu đường, khi mang thai sẽ cần sự theo dõi chặt chẽ và thường xuyên của các bác sĩ. Bên cạnh đó, thuốc trị tiểu đường dành cho phụ nữ có thai chỉ có Insulin đường tiêm. Vì những thuốc đường uống đều có nguy cơ gây dị tật thai nhi.

Cần kiểm soát tốt đường huyết khi mang thai
Cần kiểm soát tốt đường huyết khi mang thai

Thai phụ mắc bệnh tiểu đường cần kiểm soát tốt đường huyết của mình. Tốt nhất là nên có máy test đường huyết tại nhà. Đồng thời, cần trao đổi với các bác sĩ để có một chế độ ăn cân đối. Vừa giúp ổn định đường huyết, vừa đủ chất dinh dưỡng để nuôi thai.

7. Bệnh hen suyễn

Hen suyễn hay hen phế quản là một trong những bệnh mãn tính có ảnh hưởng đến mang thai khá phổ biến. Theo các bác sĩ chuyên khoa, người phụ nữ mắc bệnh hen suyễn vẫn có thể mang thai bình thường. Em bé sinh ra sẽ khỏe mạnh và không bị dị tật bẩm sinh.

Phụ nữ bị hen suyễn vẫn có thể mang thai
Phụ nữ bị hen suyễn vẫn có thể mang thai

Tuy nhiên, bạn cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ điều trị theo y lệnh của bác sĩ. Những việc bạn cần phải làm đó là:

  • Uống thuốc thường xuyên theo toa để kiểm soát cơn hen.
  • Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố được cho là gây khởi phát cơn hen. Chẳng hạn như: nước hoa, lông thú, khói bụi, khói nhang,…
  • Luôn đem theo thuốc điều trị hen bên mình, phòng khi lên cơn sẽ có thuốc kịp thời.
  • Hạn chế những yếu tố nguy cơ như: làm việc nặng, stress, lo âu, xúc động quá mức,…

8. Bệnh tim mạch

Những bệnh tim mạch là một trong các bệnh mãn tính có ảnh hưởng đến mang thai. Một số bệnh thường gặp bao gồm: Tăng huyết áp, bệnh mạch vành, thấp tim, suy tim,…

Người bị bệnh tim mạch vẫn có thể mang thai như người bình thường. Tuy nhiên, việc uống thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ. Không được tự ý uống thuốc. Bởi vì một số thuốc trong nhóm thuốc tim mạch có thể gây dị tật thai nhi.

9. Các bệnh truyền nhiễm

Bệnh truyền nhiễm là một trong những bệnh mãn tính có ảnh hưởng đến mang thai cần sự quan tâm đặc biệt. Một số bệnh truyền nhiễm mãn tính thường gặp như bệnh viêm gan B, viêm gan C, HIV-AIDS.

Những người mẹ mắc bệnh truyền nhiễm mãn tính khi muốn có thai cần hỏi ý kiến của bác sĩ. Đồng thời, cần phải uống thuốc đặc trị trong suốt thời gian mang thai. Mục đích chủ yếu là tránh sự lây nhiễm từ mẹ sang con.

Người bệnh HIV-AIDS vẫn có thể sinh con khỏe mạnh
Người bệnh HIV-AIDS vẫn có thể sinh con khỏe mạnh

Bên cạnh đó, khi chuyển dạ sinh em bé, người mẹ cần phải sinh tại bệnh viện. Tuyệt đối không được sinh tại nhà theo kiểu sinh thuận tự nhiên, bà mụ đỡ đẻ,… Bởi vì sinh tại bệnh viện sẽ được đảm bảo vô khuẩn cho người mẹ. Quan trọng hơn là hạn chế tối đa sự lây nhiễm bệnh từ mẹ sang trẻ sơ sinh.

10. Những lưu ý dành cho thai phụ

Nói tóm lại, bệnh mãn tính có khả năng ảnh hưởng đến thai kỳ từ ít đến nhiều. Vì vậy, khi muốn có con, người phụ nữ cần phải lưu ý những điều sau đây:

  • Hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về việc mình muốn có con.
  • Tuân thủ điều trị, sử dụng thuốc trong suốt quá trình mang thai.
  • Có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để cả mẹ và thai đều khỏe mạnh.
  • Thường xuyên khám thai, làm xét nghiệm để tầm soát dị tật thai nhi, kiểm soát bệnh tật.
  • Khi sinh em bé cần phải sinh tại bệnh viện để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn bệnh mãn tính có ảnh hưởng đến mang thai như thế nào. Từ đó, những bạn nào đang mắc bệnh mãn tính nếu muốn có thai sẽ lên kế hoạch chu đáo nhất có thể. Mục tiêu là để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Đồng thời hạn chế được những rủi ro trong quá trình mang thai.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.marchofdimes.org/complications/chronic-health-conditions-and-pregnancy.aspx
  2. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24552439/
  3. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24428144/

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người