Bệnh suy giáp: hiểu đúng để phòng bệnh
Nội dung bài viết
Tuyến giáp là cơ quan nội tiết. Nó có dạng hình chữ H nằm giữa cổ. Đây là cơ quan tham gia chuyển hóa năng lượng trong cơ thể. Tầm quan trọng của tuyến giáp thể hiện ở mọi cơ quan. Do đó, bất kỳ rối loạn nào tại đây đều có thể gây bệnh lý. Một trong các tình trạng đáng chú ý là bệnh suy giáp. Trong bài viết sau đây, ThS.BS Vũ Thành Đô sẽ giúp bạn tìm hiểu về căn bệnh tiềm ẩn này nhé.
Bệnh suy tuyến giáp là gì?
Bệnh suy giáp là hiện tượng tuyến giáp hoạt động kém hiệu quả. Nó không cung cấp đủ hormon chuyển hóa mà cơ thể yêu cầu. Chính vì vậy, các cơ quan sẽ không đủ năng lượng để hoạt động. Quá trình trao đổi chất và chức năng của chúng cũng vì thế mà diễn ra chậm hơn. Ví dụ như ảnh hưởng đến hệ thống điều hòa nhiệt độ cơ thể, điều hòa nhịp tim, điều hóa đốt cháy năng lượng và cân nặng,…
Bệnh còn có những tên gọi khác là: bệnh suy tuyến giáp, suy giảm tuyến giáp, suy giáp trạng.
Yếu tố nguy cơ bệnh suy giáp
Giới tính: phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh suy giáp cao hơn đàn ông.
- Độ tuổi: lớn hơn 60 tuổi.
- Bệnh tự miễn như bệnh đái tháo đường loại 1, bệnh đa xơ cứng, viêm khớp dạng thấp, bệnh celiac, bệnh Addison, bệnh thiếu máu ác tính, bệnh bạch biến.
- Bệnh tâm thần.
- Hội chứng Down, hội chứng Turner.
Dấu hiệu suy tuyến giáp
Tùy theo nhóm tuổi, dấu hiệu suy tuyến giáp sẽ thay đổi và đa dạng.
Đối với trẻ sơ sinh:
Vàng da không do bệnh lý gan mật (vàng da này kéo dài hơn 2 tuần sau sinh), tay chân ẩm lạnh, buồn ngủ thường xuyên, khóc yếu, khóc khàn.
Ăn kém, đi cầu khó khăn, bụng đầy hơi (ba mẹ cần quan sát thấy bụng to bè, nghe có tiếng rõ), nhẹ cân và không tăng cân sau sinh.
Nghiêm trọng hơn trẻ có thoát vị rốn, lưỡi to, trương lực cơ giảm ( trẻ sơ sinh khi nằm, cơ thể mềm, kém linh hoạt).
Đối với trẻ em và thanh thiếu niên
Dấu hiệu suy tuyến giáp khác với trẻ sơ sinh. Nhưng trẻ em và thanh thiếu niên sẽ có cảm giác rõ và thể hiện rõ ràng hơn.
- Trẻ chậm dậy thì.
- Thể chất kém phát triển, thậm chí thấp còi.
- Trí tuệ kém linh hoạt, khó tập trung
- Răng vĩnh viễn hình thành tương đối chậm.
Đối với người lớn
Biểu hiện bệnh khá tương đồng với trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.
- Mệt mỏi, khó tập trung, hay quên.
- Táo bón, ăn kém nhưng tăng cân.
- Giọng khàn.
- Đau yếu hay cứng cơ.
- Nhịp tim giảm ( dưới 60 nhịp/phút).
- Da khô, lạnh, tóc mỏng, rụng nhiều.
Nguyên nhân suy tuyến giáp
Theo nghiên cứu chuyên sâu, nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh chính là viêm tuyến giáp Hashimoto. Đây là tình trạng viêm tại tuyến do rối loạn tự miễn. Một cách dễ hiểu hơn, đây là hiện tượng cơ thể tự sản xuất kháng thể tấn công tuyến giáp “vô cớ”.
Xạ trị vùng cổ là một trong những nguyên nhân gây bệnh suy giáp. Bệnh ung thư vùng cổ hay bệnh ác tính hệ bạch huyết cần điều trị bằng tia xạ. Liệu pháp này sẽ phá hủy các tế bào bình thường tại tuyến giáp.
Sử dụng thuốc dùng trong chữa trị bệnh tim, tâm thần và ung thư cũng sẽ tăng nguy cơ suy giáp. Các thuốc như amidarone (cordarone, pacerone), interferon alpha và interleukin-2.
Phẫu thuật tại tuyến giáp dễ thúc đẩy suy giáp. Nếu cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp, nhiều khả năng người bệnh sẽ không có đủ hormone tuyến giáp.
Chẩn đoán và điều trị bệnh
Chẩn đoán bệnh suy giáp
Chẩn đoán bệnh suy giáp dựa vào dấu hiệu và các xét nghiệm liên quan. Khi có bất kỳ nào của suy tuyến giáp như đã nêu, bạn cần đến khám bác sĩ ngay.
Các cận lâm sàng cần thiết là đo nồng độ TSH và ft4 có trong máu. Chẩn đoán bệnh suy giáp giá trị fT4 thấp hơn mức bình thường. Tuy vậy, những người suy giáp đôi khi có fT4 bình thường, trong khi TSH tăng.
Những tình trạng này gọi là suy giáp cận lâm sàng. Tức đây là giai đoạn suy giáp mới khởi phát. Ngoài các xét nghiệm chẩn đoán, bạn sẽ được làm thêm siêu âm tuyến giáp hay những xét nghiệm hình ảnh học tại tuyến giáp. Việc này sẽ giúp ích cho bạn phát hiện tình trạng viêm hay bất thường khác.
Điều trị bệnh suy giáp
Đa số người bệnh suy giáp sẽ được bổ sung hormon tuyến giáp tổng hợp qua đường uống. Việc bổ sung này thực hiện mỗi ngày. Nhờ thế, lượng hormon thiếu hụt sẽ được bù đắp và duy trì hằng ngày.
Trong quá trình điều trị, bạn hãy tái khám định kỳ ít nhất 6 tháng nhé. Bởi vì khi tái khám, bác sĩ sẽ đánh giá lại lượng hormon này đã trong giới hạn bình thường hay chưa. Từ đó, bạn sẽ được điều chỉnh liều thích hợp.
Những triệu chứng khi liều thuốc không thích hợp mà bạn cần lưu ý:
- Cảm giác thèm ăn nhiều hơn.
- Mất ngủ hay ngủ ít.
- Tim đập nhanh hơn ( Bạn có thể đếm trong 1 phút. Nếu cao hơn 100 lần/ phút là tim nhanh).
- Tay chân run, loạng choạng.
Biến chứng suy tuyến giáp
Nếu chủ quan về căn bệnh này, bạn sẽ có nguy cơ mắc những biến chứng khôn lường. Bệnh suy giáp sẽ gây những ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí là mạn tính.
Bướu cổ
Bởi khi thiếu hụt hormon, tuyến giáp tăng hoạt động để bù đắp. Tuyến giáp sẽ ngày càng phình to. Dẫu vậy, sự thiếu hụt hormon vẫn còn đó.
Vô sinh
Đây ắt hẳn là biến chứng nghiêm trọng nhất. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới sự rụng trứng. Mặt khác, nó cản trở quá trình thụ thai.
Bệnh thần kinh ngoại biên
Nhiều trường hợp bệnh nhân suy giáp không điều trị đã phải chịu cảm giác châm chích mạn tính. Cảm giác này ngứa ran ở tay chân hay bất kể những vị trí khác. Nó khiến bệnh nhân mất ngủ và giảm chất lượng cuộc sống.
Bệnh suy giáp sẽ không là bài toán khó nếu bạn được điều trị sớm. Những triệu chứng trong bài viết sẽ giúp bạn nhận biết bệnh tốt hơn. Việc điều trị khá đơn giản. Nhưng trên hết, bạn cần theo dõi định kỳ cho đến khi bình giáp. Sự chủ quan về căn bệnh này sẽ gây những biến chứng không đáng có.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Hypothyroidismhttps://www.webmd.com/women/hypothyroidism-underactive-thyroid-symptoms-causes-treatments
Ngày tham khảo: 10/06/2021