Bệnh tuyến tiền liệt và những thông tin liên quan
Nội dung bài viết
Cùng với các vấn đề về tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì,… nam giới vào độ tuổi trung niên có nguy cơ cao mắc các bệnh tuyến tiền liệt. Vậy bệnh tuyến tiền liệt là gì? Có nguy hiểm không? Hãy cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm câu trả lời qua bài viết sau đây.
Tuyến tiền liệt là gì?
Tuyến tiền liệt (tiền liệt tuyến hay nhiếp hộ tuyến) là một tuyến sinh dục chỉ có ở nam giới.
Vị trí
Vị trí của tuyến tiền liệt là nằm phía dưới bàng quang và bao quanh lối ra của niệu đạo. Khi mới hình thành tuyến tiền liệt chỉ có kích thước bằng hạt đậu. Kích thước này sẽ thay đổi trong suốt cuộc đời của người đàn ông.
Trọng lượng của tuyến tiền liệt ở người trưởng thành là 15-25 gram, kích thước khoảng 4 cm. Một số nam giới ở tuổi 40 trở lên, tuyến này sẽ lớn hơn bất thường dẫn đến tình trạng phì đại tuyến tiền liệt. Điều này gây ra một số bất tiện trong cuộc sống.
Cấu tạo
Cấu tạo của tuyến tiền liệt gồm 70% mô tuyến và 30% lớp đệm mô sợi cơ. Thành phần lớp vỏ gồm collagen, elastin và nhiều sợi cơ trơn.
Chức năng
Chức năng của tuyến tiền liệt là tiết ra chất dịch màu trắng đục. Chất dịch này giúp nuôi dưỡng và bảo vệ tinh trùng. Ngoài ra tuyến tiền liệt cũng có tác động đến quá trình xuất tinh và tiểu tiện của nam giới.
Những bệnh thường gặp ở tuyến tiền liệt
Bệnh tuyến tiền liệt là những bệnh lý xảy ra ở tuyến tiền liệt, bao gồm các bệnh sau:
Phì đại tuyến tiền liệt
Đây là sự gia tăng bất thường kích thước tuyến tiền liệt. Kích thước lớn dẫn đến chèn ép vào cổ bàng quang. Điều này ảnh hưởng đến quá trình tiểu tiện của người bệnh. Nguyên nhân phì đại tuyến tiền liệt là do sự thay đổi nội tiết tố của nam giới.
Điều trị phì đại tuyến tiền liệt phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cá nhân. Nếu trường hợp đang ở giai đoạn nhẹ có thể chỉ cần thay đổi lối sống, uống thuốc và thăm khám tuyến tiền liệt thường xuyên. Ở trường hợp bệnh đã tiến triển đến mức độ trung bình đến nặng sẽ được chỉ định phẫu thuật để điều trị phì đại tuyến tiền liệt.
Viêm tuyến tiền liệt
Đây là tình trạng nhiễm trùng tại vị trí tuyến tiền liệt. Điều này dẫn đến tình trạng thường xuyên đau đớn ở tuyến tiền liệt hoặc đôi khi ở vùng xung quanh. Các nhà khoa học đã xác định được 4 kiểu viêm tuyến tiền liệt. Nguyên nhân của các kiểu viêm là khác nhau.
Viêm tuyến tiền liệt mãn tính hoặc hội chứng đau vùng chậu mãn tính
Nguyên nhân chưa được biết rõ. Loại viêm tuyến tiền liệt này có thể liên quan đến phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với nhiễm trùng đường tiểu hoặc do tổn thương dây thần kinh ở vùng xương chậu.
Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn
Nguyên nhân do vi khuẩn xâm nhập từ niệu đạo vào tuyến tiền liệt. Từ đó, sự nhiễm khuẩn có thể gây ra viêm cấp tính đột ngột và trong thời gian ngắn.
Viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn
Nguyên nhân cũng do vi khuẩn xâm nhập từ niệu đạo vào tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, trường hợp này vi khuẩn sẽ gây viêm mãn tính phát triển chậm nhưng kéo dài.
Viêm tuyến tiền liệt viêm không rõ triệu chứng
Trường hợp viêm này, bệnh sẽ được phát hiện thông qua các xét nghiệm cho các tình trạng khác. Các tình trạng như xác định nguyên nhân gây vô sinh hoặc tìm ra ung thư tuyến tiền liệt.
Để điều trị viêm tuyến tiền liệt, thông thường bác sẽ chỉ định các loại thuốc. như kháng sinh, thuốc ức chế 5-alpha reductase, thuốc kháng viêm không steroid,…. Lưu ý tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý thay đổi thuốc hoặc liều lượng.
Ung thư tuyến tiền liệt
Đây là một dạng ung thư phát triển trong tuyến tiền liệt. Sự phát triển kích thước của tuyến tiền liệt có thể là lành tính (không phải ung thư) hoặc ác tính (ung thư). Tế bào ung thư lây lan bằng cách tách khỏi khối u tuyến tiền liệt. Sau đó chúng di chuyển qua máu và hạch bạch huyết. Cuối cùng là bám vào các mô khác và phát triển tạo khối u mới.
Nguyên nhân của bệnh này chưa được xác định rõ. Dựa vào yếu tố như tuổi tác, tình trạng sức khỏe,… của từng cá nhân mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật thích hợp hoặc điều trị bằng thuốc.
Triệu chứng khi bị bệnh tuyến tiền liệt
Người mắc bệnh tuyến tiền liệt có thể có những triệu chứng điển hình như sau
- Tiểu tiện khó khăn
- Bàng quang có cảm giác không rỗng hoàn toàn
- Cảm giác đau, rát khi tiểu tiện
- Đi tiểu thường xuyên
- Xuất hiện máu trong nước tiểu
- Gặp khó khăn khi quan hệ tình dục
- Yếu sức ở chân hoặc bàn chân
Cũng có những trường hợp bệnh tuyến tiền liệt xảy ra trong âm thầm, không có dấu hiệu báo hiệu. Vì vậy, khi chúng ta cảm thấy những bất thường trong cơ thể hãy lưu tâm và nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ.
Chẩn đoán bệnh ở tuyến tiền liệt
Để kết luận chắc chắn liệu bạn có đang bị các bệnh về tuyến tiền liệt hay không; bạn cần phải kiểm tra bằng các phương pháp lâm sàng ở bệnh viện. Bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp chẩn đoán như:
Thăm khám trực tràng: Phương pháp này bác sĩ sẽ thăm khám bằng ngón tay có đeo găng để kiểm tra trực tiếp tuyến tiền liệt.
Cấy nước tiểu: Nước tiểu và dịch ở tuyến tiền liệt sẽ được thu thập để được kiểm tra bạch cầu và lượng vi khuẩn xâm nhập.
Cấy tinh dịch: Tương tự như cấy nước tiểu, mẫu tinh dịch sẽ được kiểm tra bạch cầu và lượng vi khuẩn.
Xoa nắn tuyến tiền liệt: Bác sĩ sẽ xoa nắn tuyến tiền liệt để dẫn lưu chất dịch vào niệu đạo. Chất dịch này sau đó sẽ được kiểm tra và dò tìm viêm nhiễm.
Nội soi bàng quang: Bằng một ống nội soi mỏng, mềm bác sĩ sẽ nhìn vào bên trong bàng quang và niệu đạo của bệnh nhân để kiểm tả sự bất thường của bệnh nhân.
Siêu âm qua trực tràng: Bằng chứng qua hình ảnh được thể hiện qua phương pháp này.
CT scan: Phương pháp này cũng đưa ra bằng chứng thông qua hình ảnh tuy nhiên sẽ cung cấp chi tiết hơn về sợi cơ, mô mềm,…
Tùy thuộc vào cá nhân người bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp kiểm tra tuyến tiền liệt phù hợp nhất.
Để phòng tránh được những bệnh tuyến tiền liệt nam giới cần phải làm gì?
Để tránh được các bệnh tuyến tiền liệt, chúng ta cần phải thay đổi thói quen sống như
- Chế độ ăn lành mạnh: Các sản phẩm rau họ cải, trái cây tươi, cà chua, giá đỗ, dưa hấu,… rất có lợi trong việc ngăn ngừa bệnh tuyến tiền liệt. Đồng thời tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, nước ngọt có ga, đồ uống chứa chất kích thích.
- Duy trì tập thể dục thường xuyên: Giúp tăng cường hệ miễn dịch, kích thích tiêu hóa, cái thiện sức khỏe.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Khám trực tràng và xét nghiệm PSA có thể phát hiện các bệnh tuyến tiền liệt.
- Hạn chế sử dụng thuốc kháng histamin. Vì thuốc này khiến co thắt cơ niệu đạo, gây tiểu tiện khó khăn.
- Tránh việc ngồi một chỗ trong thời gian dài, tránh nhịn tiểu.
Nhìn chung bệnh ở tuyến tiền liệt không hề nguy hiểm nếu được phát hiện sớm. Ngoài ra nếu chúng ta thay đổi thói quen, sống lành mạnh thì hoàn toàn có thể phòng tránh được các bệnh này. Hy vọng rằng qua những chia sẻ ở trên, người đọc sẽ hiểu rõ hơn về bệnh tuyến tiền liệt để từ đó biết cách đảm bảo sức khỏe luôn ở trạng thái tốt nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What are prostatitis and related chronic pelvic pain conditionshttps://www.urologyhealth.org/urology-a-z/p/prostatitis-(infection-of-the-prostate)
Ngày tham khảo: 01/04/2021
-
The prostate and bladder problems in Vietnamesehttps://www.continence.org.au/information-incontinence-vietnamese/the-prostate-and-bladder-problems
Ngày tham khảo: 01/04/2021
-
Picture of the protatehttps://www.webmd.com/men/picture-of-the-prostate
Ngày tham khảo: 01/04/2021
-
What is Prostate Cancer?https://www.cdc.gov/cancer/prostate/basic_info/what-is-prostate-cancer.htm
Ngày tham khảo: 01/04/2021