Bệnh viện Quân y 175 điều trị thành công đứt dây chằng chéo trước cho VĐV ném lao số 1 Việt Nam Nguyễn Hoài Văn
Vận động viên Nguyễn Hoài Văn bị chấn thương đầu gối trước Seagames 31. Tuy nhiên, với sự tự tin rất cao cùng việc thể hiện được hết khả năng, Hoài Văn đã xuất sắc giành HCV nội dung Ném lao nam với thành tích 70.87m. Đây có thể coi là tấm HCV lịch sử của ném lao Việt Nam. Vừa qua, Nguyễn Hoài Văn đã điều trị thành công đứt dây chằng chéo trước và rách sụn chêm tại Bệnh viện Quân Y 175 (BVQY175) và hiện tại đã có thể bắt đầu tập luyện trở lại.
Từ quyết định phẫu thuật khi tình cờ đến thăm đồng đội…
Biết đến Bệnh viện Quân Y 175 trong một lần đến thăm Nữ hoàng tốc độ Lê Tú Chinh (điều trị chấn thương gối phải tại Khoa Y học Thể thao BVQY 175), Hoài Văn đã quyết định phẫu thuật và điều trị tại đây. Anh tâm sự :”Trước khi tham dự SEA Games 31 tôi gặp chấn thương ở đầu gối. Tôi đã rất đắn đo là nên tiếp tục hay điều trị chấn thương? Nhưng đây là một kỳ Seagames được tổ chức tại sân nhà, nên tôi đã quyết định sẽ thi đấu, ít nhất 1 lần. Vì thế chiến thuật của tôi là không để đối thủ biết mình đang bị chấn thương. Tôi mặc quần dài để che đầu gối đang băng của mình. Ngoài ra, tôi chạy đà chậm và chắc trước cú ném lao. Và nhờ quyết tâm cao tôi đã giành được HCV ngay tại quê hương mình, đó thật sự là một điều tuyệt vời với bản thân tôi. Sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ, điều đầu tiên tôi muốn là điều trị chấn thương càng sớm càng tốt do đó tôi đã tìm hiểu để chọn nơi thực hiện phẫu thuật của mình”.
“Khi đến thăm Tú Chinh, cũng là một đồng đội trong đội tuyển điền kinh quốc gia đang điều trị tại bệnh viện, tôi có dịp tìm hiểu nhiều thông tin về Khoa Y học thể thao (YHTT) của bệnh viện và được biết ngoài Tú Chinh ra có rất nhiều VĐV thành tích cao đã điều trị thành công tại đây. Ngoài ra, BVQY175 cũng có các chương trình tập Phục hồi chức năng sau phẫu thuật với đội ngũ được đào tạo bài bản từ các chuyên gia CHLB Đức nên tôi càng yên tâm hơn”.
Tại BVQY175, Hoài Văn đã gặp gỡ Trung tá, TS.BS Nguyễn Hà Ngọc – Phó chủ nhiệm Khoa Y học Thể thao, Viện Chấn thương Chỉnh hình để khám và điều trị với mong muốn có thể quay lại tập luyện cường độ cao với Ném lao sau vài tháng nữa, kịp chuẩn bị cho những giải thi đấu trong và ngoài nước sắp tới. Qua thăm khám và hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) khớp gối, TS.BS Nguyễn Hà Ngọc chẩn đoán anh bị đứt dây chằng chéo trước và rách sụn chêm trong gối trái do tai nạn thể thao. Tuy nhiên các tổn thương này hoàn toàn có thể điều trị tốt và vẫn có thể thi đấu thành tích cao trong tương lai.
Bác sĩ Hà Ngọc đã quyết định mổ sớm cho Hoài Văn. Trước phẫu thuật anh cũng được tập tăng cường nhóm cơ tứ đầu và gân Hamstrings (gân chân ngỗng). Sau đó, được phẫu thuật nội soi cắt sửa sụn chêm rách, tái tạo dây chằng chéo trước bằng gân Hamstrings theo phương pháp “tất cả bên trong All-inside” kết hợp sử dụng “Nẹp bên trong internal brace” theo đúng tiêu chuẩn dành cho vận động viên chuyên nghiệp. Đây được xem là một kỹ thuật với ưu điểm lớn về khả năng phục hồi.
…Đến hành trình hồi phục sau ca phẫu thuật thành công
Sau phẫu thuật, Thiếu tá, BSCKI Quách Long Vỹ – Phó chủ nhiệm khoa Phục hồi chức năng cùng Thượng uý, BSCKI Nguyễn Ngọc Phương Trang và đội ngũ kỹ thuật viên của Khoa Phục hồi chức năng (PHCN) đã vào cuộc. Ngay ngày đầu tiên, Hoài Văn được hướng dẫn các bài tập thở, co cơ tĩnh và đặt tư thế đúng để giảm phù nề và biến chứng do bất động. Tiếp đó, một chương trình tập luyện chuyên biệt cũng được lên kế hoạch ngay ngày thứ 2 sau mổ. Nhờ thế, VĐV Nguyễn Hoài Văn đã không bị hiện tượng teo cơ đùi.
Đặc biệt, bệnh nhân cũng được hội chẩn cùng chuyên gia Phục hồi chức năng TS.Peter Schroeder – Phó giám đốc Trung tâm đào tạo – Bệnh viện Median Klinik (CHLB Đức) để thống nhất các nội dung phục hồi. Các ngày tiếp theo, Hoài Văn tham gia tập luyện theo chương trình bao gồm: Tập vận động thụ động và trợ giúp cùng kỹ thuật viên; Tập vận động khớp gối với máy CPM (Continous Passive Motion); Huấn luyện dáng đi trên máy giảm trọng lực Anti-Gravity; Tập huấn luyện trị liệu thân trên (Medical therapy); Kích thích điện chức năng cơ vùng đùi và cuối cùng là Massage chức năng và Massage dẫn lưu bạch huyết để giảm phù nề và đau.
Sau 2 tuần, khi tầm vận động cải thiện, bệnh nhân đi lại được và sức cơ chân đạt yêu cầu, các bác sĩ PHCN và kỹ thuật viên đánh giá lại và xây dựng các bài tập tăng tiến. Cụ thể: Tập vận động với máy chức năng trong phòng MTT; Huấn luyện trị liệu với dụng cụ cùng kỹ thuật viên.
Sau 8 tuần Hoài Văn đã có thể đi lại bình thường, lên xuống cầu thang không đau, anh được các bác sĩ lên chương trình tập mạnh cơ chân và cơ thân mình, nhất là các nhóm cơ tham gia vào động tác ném lao. Vận động viên đã có những bước phục hồi thần kỳ cùng với chương trình phục hồi chức năng tại khoa PHCN Bệnh viện 175.
Hiện tại Hoài Văn đã bắt đầu tập luyện trở lại cùng đồng đội, tăng tiến dần mức độ tải, VĐV không cảm thấy đau cũng như hạn chế tầm vận động khi tập luyện. Đánh giá kết quả này, Thiếu tá, BSCKI Quách Long Vỹ chia sẻ: “ Đạt được thành công phục hồi chức năng như hiện tại của Hoài Văn đó là sự phối hợp chặt chẽ của nhiều chuyên khoa, sự tỉ mỉ và chi tiết trong từng nội dung tập luyện của đội ngũ bác sĩ và kỹ thuật viên. Bên cạnh ưu thế của những trang thiết bị hiện đại, còn ghi nhận tinh thần và sự nỗ lực tuyệt vời của Nhà vô địch Seagame trên con đường trở lại đỉnh cao của mình”.
Vì sao nên điều trị chấn thương tại Viện chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Quân Y 175?
1. Trước hết, viện có Khoa Y học thể thao với đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo bài bản chuyên sâu về y học thể thao từ nước ngoài với nhiều phương pháp điều trị cho VĐV chuyên nghiệp và người chơi thể thao ; Đội ngũ Bác sĩ thường xuyên hội chẩn cùng các chuyên gia hàng đầu trên thế giới như CHLB Đức, Hàn Quốc, Mỹ… trong việc điều trị cho những bệnh nhân khó, VĐV trọng điểm của quốc gia.
2. Trước và sau phẫu thuật, bệnh nhân được các bác sĩ và kỹ thuật viên phục hồi chức năng thăm khám, hướng dẫn và lên chương trình tập luyện cụ thể theo từng giai đoạn hồi phục. Các bài tập sẽ được điều chỉnh tăng tiến theo thời gian, với những bài tập cùng các thiết bị tập luyện hiện đại theo phương pháp của CHLB Đức.
3. Chế độ dinh dưỡng trong hồi phục và tập luyện sẽ được các Bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng của bệnh viện quan tâm và theo sát, điều chỉnh theo từng giai đoạn hồi phục của người bệnh, nhất là các Vận động viên thi đấu đỉnh cao.
4. Quan trọng hơn cả đó là sự phối hợp chặt chẽ về mặt chuyên môn giữa các chuyên khoa, từ khoa Y học thể thao đến khoa Chẩn đoán hình ảnh, khoa Phục hồi chức năng và khoa Dinh dưỡng, tạo mọi điều kiện và môi trường tốt nhất để người bệnh sớm phục hồi và quay trở lại thi đấu đỉnh cao.