Người bị tai biến có nên châm cứu hay không?
Nội dung bài viết
Tai biến hay tai biến mạch máu não là một vấn đề sức khoẻ gia tăng ở các nước đang phát triển. Di chứng sau tai biến gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh. Châm cứu phục hồi chức năng sau tai biến là một trong những phương pháp phổ biến nhất hiện nay. Đây là phương pháp dùng kim tác động vào huyệt giúp kích thích hoạt động cơ, giảm đau và một số di chứng sau tai biến.
Người bị tai biến có nên châm cứu hay không?
Bệnh nhân có các triệu chứng, di chứng của tai biến mạch máu não với điều kiện không hôn mê, sinh hiệu: mạch, huyết áp, nhịp thở ổn định có thể thực hiện châm cứu.
Chống chỉ định
- Bệnh nhân đang hôn mê. Các chỉ số như: mạch, huyết áp, nhịp thở chưa ổn định.
- Tránh châm vào những vùng huyệt có viêm nhiễm hoặc lở loét ngoài da vì dễ gây nhiễm trùng thêm
- Người bệnh đang có bệnh lý nặng cần ưu tiên cấp cứu trước. Việc châm cứu có thể trì hoãn sau khi bệnh chính đã ổn định.
Các phương huyệt thường sử dụng trong châm cứu bệnh nhân tai biến
Theo các tài liệu y văn kinh điển, kinh Dương minh là nơi hội tụ của khí huyết, cân mạch. Vì vậy, các huyệt trên kinh Dương minh được sử dụng nhiều trong điều trị phục hồi các di chứng sau tai biến. Dưới đây là công thức huyệt chung thường dùng trong điều trị phục hồi sau tai biến. Tuỳ từng hội chứng bệnh mà công thức này sẽ được điều chỉnh và gia giảm.
- Các huyệt vùng chi trên: Kiên ngung, Tý nhu, Khúc trì, Thủ tam lý, Ôn lưu, Thiên lịch, Dương khê, Hợp cốc.
- Các huyệt chi dưới: Bễ quan, Phục thố, Lương khâu, Túc tam lý, Phong long, Giải khê.
Tuỳ theo các triệu chứng kèm theo có thể gia thêm một số huyệt sau:
- Điều trị đau vai, bán trật khớp vai sau đột quỵ: Bỉnh phong, Kiên ngung, Kiên liêu, Tý nhu.
- Điều trị nói khó: Á môn, Liêm tuyền, Thượng liêm tuyền.
- Điều trị nuốt khó: Nội quan, Nhân trung, Phong trì, Hoàn cốt, Ế phong, Tam âm giao.
- Điều trị liệt mặt: Nhân trung, Nghinh hương, Địa thương, Thừa tương, Hạ quan, Giáp xa.
- Điều trị suy giảm nhận thức và trí nhớ: Bách hội, Tứ thần thông, Thần đình.
- Điều trị chứng tiểu không tự chủ: Khí hải, Trung cực, Quan nguyên.
Tác dụng của châm cứu đối với người bệnh tai biến
Châm cứu tác động trực tiếp lên huyệt vị bằng kim châm, giúp tăng cường lưu thông khí huyết. Hiệu quả giúp phục hồi các di chứng sau tai biến mạch máu não thông qua năm cơ chế sau:
- Châm cứu thúc đẩy sự tăng sinh tế bào trong hệ thần kinh trung ương sau tai biến. Châm cứu giúp tăng tái tạo tế bào thần kinh và thúc đẩy sự tăng sinh tế bào ở mô não thiếu máu cục bộ.
- Châm cứu điều hoà tưới máu cho vùng não bị tổn thương.
- Châm cứu giúp ngăn chặn các yếu tố gây chết tế bào theo chương trình.
- Châm cứu điều hoà các hoá chất thần kinh như: hoá chất dẫn truyền thần kinh, oxy hoá, chống viêm, yếu tố nuôi dưỡng thần kinh,…
- Cải thiện trí nhớ nhờ tăng cường hoạt động của các synap thần kinh tại vùng hải mã.
Nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới và ở Việt Nam báo cáo những tác dụng tích cực của châm cứu trong phục hồi các di chứng sau tai biến. Theo đó, châm cứu giúp phục hồi yếu liệt, rút ngắn thời gian hồi phục cho bệnh nhân. Ngoài ra một số nghiên cứu cũng chỉ ra việc phối hợp châm cứu và tập vận động chủ động, hiệu quả phục hồi sẽ càng tăng.
Châm cứu được khuyến cáo khuyên dùng trong các hướng dẫn điều trị từ các tổ chức có uy tín trong và ngoài nước.
Cách hình thức châm cứu khác cho bệnh nhân tai biến
Ngoài các hình thức châm cứu kinh điển là hào châm, cứu, điện châm. Một số hình thức châm cứu chữa tai biến cũng có hiệu quả cao được áp dụng.
1. Châm cứu cải tiến
Công thức huyệt: Chọn huyệt dựa vào khám sức cơ, chọn huyệt ở nguyên uỷ – bám tận của các cơ yếu nhiều nhất. Sau mỗi liệu trình điều trị, đánh giá lại sức cơ và điều chỉnh công thức huyệt.
2. Đầu châm
Công thức huyệt: vùng vận động, vùng cảm giác, vùng ngôn ngữ, vùng thăng bằng, vùng vận mạch.
3. Nhĩ châm
Công thức huyệt: các huyệt ở vùng thuyền tai (ngón tay, cổ tay, khuỷu tay, vai), các huyệt ở vùng đối vành tai (cổ chân, gối, háng, cột sống), vùng dưới vỏ, điểm thần kinh tự chủ.
Ngoài ra còn có một số phương pháp khác như cấy chỉ, mãng châm, thuỷ châm, laser châm,…
Lưu ý khi lựa chọn châm cứu chữa tai biến
Châm cứu cần thực hiện ở những đơn vị uy tín, đảm bảo đúng thủ thuật bởi các bác sĩ, y sĩ có kinh nghiệm.
Người bệnh cần tuân theo lộ trình châm đầy đủ, không nên bỏ giữa chừng khi chưa đạt mong muốn. Hiệu quả của châm cứu diễn ra từ từ. Điều này đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì theo liệu trình.
Trong quá trình châm cứu, người bệnh thấy hiện tượng như hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, người mệt mỏi, khó chịu,… Cần báo ngay cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế để có những biện pháp xử trí kịp thời. Người bệnh nên ăn trước khi châm cứu.
Những phương pháp kết hợp cùng châm cứu chữa tai biến
Để đạt hiệu quả cao nhất, khi phục hồi cần phối hợp nhiều phương pháp vừa y học cổ truyền, vừa y học hiện đại nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất để cải thiện các chức năng nhận thức, vận động, cảm giác, ngôn ngữ,… Trong quá trình điều trị cần sự kiên trì và phối hợp của bệnh nhân, người nhà.
Một số các phương thức điều trị khác thuộc nhóm điều trị không dùng thuốc được kết hợp với châm cứu như:
- Vật lý trị liệu: tuỳ từng giai đoạn hồi phục mà có các phương tiện và bài tập hỗ trợ khác nhau.
- Xoa bóp: giúp tăng cường lưu thông khí huyết, giảm co cứng cơ sau tai biến.
Châm cứu chữa bệnh là phương pháp hỗ trợ điều trị sau tai biến hiệu quả được chứng minh qua nhiều nghiên cứu. Tuy nhiên cần được thực hiện tại các cơ sở uy tín. Hi vọng qua bài viết này, ThS.BS Y học cổ truyền Nguyễn Thị Lệ Quyên đã cung cấp cho bạn thông tin hữu ích.