Bị trĩ khi mang thai có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Chẳng mấy mẹ bầu muốn chia sẻ về chứng bệnh “khó nói” này. Nó thật sự là nỗi ám ảnh âm thầm nhưng dai dẳng của không ít mẹ bầu. Có đến 20-50% phụ nữ trải nghiệm bệnh trĩ khi mang thai ở mức độ nặng hay nhẹ. Bị trĩ khi mang thai khiến nhiều mẹ bầu cảm thấy khó chịu, dễ bị stress, ảnh hưởng đến tâm lý và thể chất. Vậy đây có phải là một bệnh? Có cần lưu ý gì hay không?
I. Bệnh trĩ là gì?
Bệnh trĩ gây nên do tình trạng giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ ở mô xung quanh hậu môn trực tràng. Bình thường các mô này sẽ giúp kiểm soát sự tống phân ra ngoài. Khi các mô này bị viêm và sưng phồng lên do các tĩnh mạch bị viêm và giãn quá mức, thì gọi là trĩ.
II. Ảnh hưởng của bệnh trĩ đối với thai phụ
Có nhiều ảnh hưởng đối với quá trình thai kì.
2.1 Đối với thai phụ
- Bệnh trĩ ở bà bầu chiếm tỷ lệ rất cao và gây nên nhiều khó chịu, ảnh hưởng cho bà bầu.
- Bệnh trĩ có thể gây ngứa và khó chịu nhẹ – hoặc hết sức đau đớn. Đôi khi chúng thậm chí gây chảy máu trực tràng, đặc biệt là khi bạn đi tiêu.
- Gây sinh khó do búi trĩ chèn ép, làm hẹp đường sinh thường.
- Có cảm giác đau đầu, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, đây là dấu hiệu cho thấy mẹ bị thiếu máu khi bị trĩ
- Búi trĩ có kích thước lớn, máu chảy thành từng tia khi đi đại tiện
- Sa búi trĩ, búi trĩ không thể co lại mà lòi hẳn ra ống hậu môn gây ra các cơn đau khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe.
2.2 Đối với thai nhi
Đối với thai phụ, khi bị trĩ, sẽ gây khó khăn khi sinh thường. Cụ thể, động tác rặn lúc sinh sẽ làm to các búi trĩ.
Vùng hậu môn bị viêm, có thể gây nhiễm trùng sơ sinh đối với em bé khi sinh thường.
2.3 Bệnh trĩ khi mang thai có sinh thường được không?
Nhìn chung thì bà bầu bị bệnh trĩ hoàn toàn có thể sinh thường được. Trong trường hợp trĩ sưng quá to, gây đau đớn, không thể đại tiện được, cần sự can thiệp của phẫu thuật.
III. Tại sao bệnh trĩ phổ biến hơn khi mang thai?
3.1 Cơ chế sinh bệnh trĩ khi mang thai
Cơ chế gây bệnh trĩ là tăng áp lực ổ bụng, giảm sự liên kết thành mạch máu. Vì vậy bất cứ lý do nào của thai phụ gây ảnh hưởng hai vấn đề trên đều gây trĩ. Các lý do được đưa ra như sau:
- Thai nhi phát triển khiến trọng lượng túi nước ối tăng gây áp lực chèn lên các tĩnh mạch vùng xương chậu cũng như các vùng liên quan. Điều này khiến các đám rối tĩnh mạch giãn nở quá mức, đặc biệt là tĩnh mạch gần hậu môn và trực tràng. Điều đó khiến các đám rối này bị giãn dần dần đến khi giãn quá mức sẽ hình thành nên bệnh trĩ.
- Do thay đổi nội tiết tố lúc mang thai cũng gây ra sự lỏng lẻo chung của các mô, bao gồm cả các thành tĩnh mạch. Có nghĩa là chúng không còn vững chắc như bình thường, các thành tĩnh mạch có xu hướng sưng lên và mở rộng, do đó búi trĩ dễ hình thành.
- Nồng độ nội tiết tố progesterone gia tăng trong thai kỳ làm các cơ giãn ra, khiến các thành tĩnh mạch dễ bị phình lên. Đây cũng là nguyên nhân góp phần gây nên tình trạng táo bón, bởi progesterone làm chậm nhu động ruột. Khi bị táo bón, bạn thường có xu hướng rặn mỗi khi khó đi tiêu, càng rặn thường xuyên có thể gây ra hoặc làm nặng thêm bệnh trĩ.
3.2 Các nguyên do khác
Ngoài ra, những yếu tố sau cũng tác động lên hậu môn làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ ở mẹ bầu:
- Tăng cân quá nhiều trong thai kỳ.
- Ngồi hoặc đứng một chỗ quá lâu.
- Bệnh trĩ đặc biệt phổ biến trong tam cá nguyệt thứ ba, tức là từ tuần 28 tuổi thai trở đi. Khi bạn đã trở nên nặng nề bởi sự phát triển của bé yêu trong bụng.
III. Bệnh trĩ xuất hiện khi mang thai có tự hết không?
Thực tế có hai loại trĩ: trĩ thực thể và trĩ triệu chứng. Trĩ triệu chứng xuát hiện được xem như là tác nhân phụ của bệnh cảnh hay sinh lý nhất định. Loại Trĩ triệu chứng có hai trường hợp: khi bệnh nhân bị xơ gan hay ở phụ nữ mang thai. Trĩ triệu chứng sẽ biến mất khi các vấn đề sinh lý được giải quyết.
Chính vì thế, trong hầu hết trường hợp, nó có thể biến mất hoàn toàn mà không cần điều trị sau khi bạn sinh em bé. Khi nồng độ nội tiết tố, lượng máu và áp lực trong ổ bụng bạn giảm về mức bình thường.
Lưu ý
Một số sản phụ lúc sinh con bị rạch tầng sinh môn. Khi khâu phục hồi, sản phụ có thể bị khâu chít một số mạch máu ở hậu môn. Một thời gian sau rất dễ bị trĩ.
Lần sinh thường đầu tiên bắt buộc phải rặn mạnh, người mẹ lấy hết sức lực đẩy thai ra ngoài, điều này làm trĩ nặng thêm. Khi các cơ vòng chưa kịp hồi phục mà người mẹ lại mang thai lần 2. Điều đó sẽ khiến tình trạng giãn cơ nặng hơn nên trĩ càng nặng.
IV. Điều trị trĩ trong thai kì không phẫu thuật
Dành cho các sản phụ khi bị bệnh nhẹ đến trung bình.
4.1 Điều trị tại nhà
Có nhiều cách bạn có thể làm tại nhà để giảm bớt và ngăn ngừa trĩ.
- Sử dụng giấy mềm, không màu, không mùi để lau nhẹ nhàng khi bạn đi vệ sinh. Bạn có thể dùng giấy ướt, vòi sen hoặc một miếng vải mềm để cảm thấy thoải mái hơn.
- Ngâm nước ấm khoảng 10 phút, vài lần mỗi ngày.
- Tránh đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu.
- Gác chân trên bục thấp khi ngồi làm việc hoặc khi đi vệ sinh để làm giảm áp lực lên khung chậu.
- Uống nhiều nước, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ để giúp phân mềm.
- Không rặn khi đi vệ sinh hay ngồi quá lâu trong nhà vệ sinh.
- Đi tiêu ngay khi bạn cảm thấy cần, đừng giữ quá lâu.
- Thực hiện bài tập để tăng cường cơ bắp vùng chậu.
- Tránh khiêng vác hoặc nâng vật nặng.
- Vận động thường xuyên (vừa sức) để tăng lưu thông máu, cải thiện tiêu hóa.
- Tránh tăng cân quá nhiều trong thai kỳ.
- Luôn giữ vùng hậu môn sạch sẽ và khô ráo. Sử dụng khăn vải mềm nhúng vào nước ấm lau nhẹ nhàng vùng hậu môn sau khi đi tiêu hoặc sau khi tắm và giữ cho vùng này luôn khô ráo. Việc dư thừa độ ẩm có thể gây ra những kích ứng ở khu vực này
4.2 Điều trị bằng thuốc
Trong khi mang thai, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả loại bôi trên da. Điều này sẽ đảm bảo phương pháp điều trị không gây nguy hiểm cho em bé của bạn.
Tùy theo tình trạng của bạn, bác sĩ có thể đề nghị một loại thuốc nhuận tràng hoặc thuốc nhét hậu môn. Hoặc cũng có thể bạn cần các phương pháp điều trị khác theo chỉ định của bác sĩ.
4.3 Một số lưu ý
Đừng cố gắng chịu đựng, bởi bệnh trĩ không được điều trị có thể tồi tệ hơn theo thời gian. Dần dần nó gây ra các biến chứng khiến đau đớn ngày càng tăng, thậm chí có thể gây thiếu máu nếu bạn bị chảy máu quá nhiều.
Đừng ngại đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị bệnh trĩ. Trĩ không phải là nguyên nhân duy nhất gây chảy máu gần hậu môn của bạn, nên hãy nói chuyện với bác sĩ ngay nếu bạn phát hiện có máu trong giấy lau hoặc trong phân.
V. Phẫu thuật trĩ khi mang thai
Thực tế, các bác sĩ rất ít khi chỉ định phẫu thuật trong khi đang mang thai. Có quá nhiều nguy hiểm đi kèm khi phẫu thuật.
5.1 Các nguy hiểm có thể xảy ra
- Yếu tố nguy cơ như bất kì cuộc phẫu thuật nào. Biến cố dị ứng thuốc, biến cố gây tê, gây mê,…
- Vấn đề phục hồi sau phẫu thuật.
- Phản ứng thuốc dung sau khi phãu thuật.
- Khi mang thai, toàn bộ cơ thể sinh lý thai phụ trong tình trạng sung huyết. Vì vậy phải rất cẩn thận khi chỉ định phẫu thuật. Nhất là vấn đề cầm máu trong và sau mổ.
- Dễ nhiễm trùng và phục hồi chậm hơn so với người bình thường.
5.2 Thực tế
- Vấn đề phẫu thuật vẫn được đặt ra, tuy nhiên ít khi thực hiện.
- Phải đảm bảo an toàn cho thai phụ và thai nhi.
- Thường triệu chứng trĩ sẽ tự khỏi sau khi sinh nên các thai phụ chỉ đi khám nếu sau sinh vẫn còn trĩ. 90% các trường hợp thường không cần phải phẫu thuật.
- Tuy nhiên, các bà mẹ cũng cần đợi ít nhất 6 tuần sau khi sinh mới có thể tiến hành cắt trĩ. Chúng ta phải chờ cho các mô cơ ở hậu môn trở lại bình thường. Lúc này, bác sĩ sẽ giúp đánh giá mức độ trĩ và chọn phương pháp điều trị thích hợp.
5.3 Các trường hợp cần can thiệp phẫu thuật
- Ngoại trừ một số trường hợp, cần xử trí búi trĩ trước khi sinh hoặc ngay khi sinh. Trước một quyết định đối với người bệnh, bác sĩ đều phải cân nhắc những lợi ích và nguy cơ.
- Khi bị trĩ tắc mạch: Đây là trường hợp cần phẫu thuật cấp cứu, cắt trĩ. Tuy nhiên với những trường hợp trên bệnh nhân bà bầu thì chỉ nên thực hiện vô cảm bằng biện pháp gây tê tại chỗ.
VI. Phòng ngữa bị trĩ khi mang thai
Có nhiều cách, bạn nên tham khảo các cách bên dưới:
6.1 Cần tránh bị táo bón
- Sử dụng thường xuyên và cung cấp nhiều chất xơ cho cơ thể bằng các loại trái cây và các quả mọng nước.
- Ăn các loại rau như bông cải xanh, rau cải.
- Dùng các loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo lứt, bỏng ngô; các loại đậu như đậu lăng và đậu xanh.
- Có thể ăn các loại hạt như hạt hạnh nhân, hạt óc chó, …
6.2 Cung cấp nhiều nước
Cung cấp nhiều nước cho cơ thể. Phụ nữ mang thai nên uống hơn 4 lít nước mỗi ngày.
6.3 Tiêu tiểu đúng giờ
Hạn chế việc nhịn đi tiêu khi có nhu cầu bởi có thể gây ra tình trạng táo bón, là nguyên nhân gây bệnh trĩ ở bà bầu
Tránh ngồi hoặc đứng quá lâu trong thời gian dài. Nếu công việc văn phòng phải thường xuyên ngồi trước máy vi tính, hãy cố gắng dừng lại sau 30 phút, vận động nhẹ nhàng cơ thể bằng cách đi bộ (khoảng vài phút) để làm giảm áp lực lên khu vực hậu môn
6.4 Các thói quen có lợi
Tránh bưng bê hoặc nâng vật nặng vì sẽ làm tăng áp lực lên vùng bụng và hông chậu.
Nếu bị ngứa, nên tránh làm trầy xước da vì có thể ảnh hưởng đến thành tĩnh mạch.
Tránh tăng cân quá nhiều, gây áp lực lên trực tràng, làm tăng nguy cơ bệnh trĩ ở bà bầu.
6.5 Ăn nhiều sữa chua
Sữa chua giàu vi khuẩn probiotic giúp trị chứng táo bón, kích thích đường tiêu hóa và giúp mọi thứ di chuyển dễ dàng. Những vi khuẩn trong sữa chua giúp cải thiện sự hấp thụ chất dinh dưỡng, đặc biệt quan trọng trong thai kỳ.
6.6 Khám thai định kì và khai với bác sĩ các triệu chứng của mình
Nếu thường xuyên bị táo bón và tình trạng này không cải thiện, nên hỏi ý kiến của bác sĩ về các loại thuốc nhuận tràng mà thai phụ có thể dung.
Khi mang thai, mẹ bầu không thể tùy tiện sử dụng các loại thuốc mà cần phải có chỉ định của bác sĩ. Do đó, tốt nhất là mẹ nên thăm khám bác sĩ để được thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời.
VII. Để có một thai kì an toàn, tránh biến chứng trĩ
Điều quan trọng là bạn phải nhận ra sớm nếu có các dấu hiệu trĩ. Bác sĩ gia đình, nữ hộ sinh hoặc bác sĩ sản khoa của bạn có thể giúp bạn biết chắc chắn về điều đó. Đừng xấu hổ, bạn có thể chắc chắn rằng họ cũng từng nhìn thấy hàng ngàn búi trĩ khác. Nếu họ cũng đã có một đứa con, họ sẽ càng đồng cảm với bạn.
Có nhiều cách điều trị trĩ khi mang thai mà mỗi cách lại cho một có hiệu quả khác nhau. Để có một thai kì khỏe mạnh, việc khám và chăm sóc thai kì là hoàn toàn cần thiết. Vì vậy bạn nếu có vấn đề hay đến gặp bác sĩ của mình nhé. Những lời khuyên hữu ích sẽ phù hợp cho tình trạng cụ thể của chính bạn và an toàn cho bé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Hemorrhoids in pregnancyhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2278306/
Ngày tham khảo: 29/05/2020
-
Pregnancy Hemorrhoids: What You Need to Knowhttps://www.healthline.com/health/pregnancy/pregnancy-hemorrhoids
Ngày tham khảo: 29/05/2020
-
Hemorrhoids During Pregnancyhttps://www.webmd.com/baby/hemorrhoids-during-pregnancy
Ngày tham khảo: 29/05/2020