Bố mẹ ly hôn, trẻ bị ảnh hưởng như thế nào?
Nội dung bài viết
Ở mỗi độ tuổi, trẻ em sẽ có những phản ứng khác nhau đối với việc bố mẹ ly hôn. Có 3 độ tuổi chính cần được quan tâm đến. Đó là trẻ sơ sinh cho đến thời điểm mới biết đi, trẻ mẫu giáo, trẻ trong độ tuổi đi học. Bởi vì đây là chuyện có nhiều ảnh hưởng đến trẻ, bạn hãy luôn dành những cảm xúc tốt và năng lượng tích cực đến con bạn. Việc bạn vẫn có thể duy trì mối quan hệ tốt giữa vợ chồng cũ là một điều vô cùng hữu ích.
1. Độ tuổi ở trẻ liên quan như thế nào đến bố mẹ ly hôn?
1.1 Trẻ từ 0 đến 3 tuổi
Đây là độ tuổi trẻ sơ sinh cho đến khi trẻ biết đi. Ở độ tuổi này trẻ còn rất nhỏ và chưa có nhiều nhận thức về việc bố mẹ ly hôn. Vì vậy có rất ít biểu hiện ở trẻ. Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể cảm nhận được sự thay đổi về cảm xúc của bố mẹ. Do đó, bố mẹ cần lưu ý đến hành động và cảm xúc của mình khi trò chuyện với trẻ.
1.2 Trẻ từ 3 đến 6 tuổi
Lúc này, trẻ đã bắt đầu đi học mẫu giáo. Hơn thế nữa các nhận thức về sự việc xung quanh dần được hình thành. Trẻ dần có xu hướng tự cho mình là trung tâm đối với cha mẹ. Con trẻ cảm thấy bản thân chúng không còn được quan tâm khi cha hoặc mẹ quyết định chuyển ra ngoài. Vì con bạn sẽ không quen với một chỗ ở mới hoàn toàn xa lạ với trẻ.
Điều tồi tệ hơn có thể xảy ra là trẻ sẽ tự trách mình. Hơn nữa trẻ có thể nghĩ mình hư và đang bị bố mẹ phạt. Trẻ có thể sẽ phủ nhận việc bố mẹ ly hôn. Những tật xấu như nóng nảy, giận dỗi, đái dầm,… được trẻ lặp đi lặp lại để cha mẹ chú ý đến mình. Bởi trẻ luôn mong cha mẹ quay lại với nhau.
Những hành động đó được ngầm hiểu là sự mong muốn hàn gắn của trẻ. Mặt khác, có những trẻ sẽ bắt đầu sợ bóng tối hoặc xa cách cha mẹ.
>> Tìm hiểu thêm Tạm biệt nỗi sợ xa bố mẹ của bé
1.3 Trẻ từ 6 tuổi trở lên
Đây là độ tuổi cực kì khó khăn. Những năm đầu đi học, con bạn sẽ cảm thấy tổn thương sâu sắc và buồn bã vì bố mẹ ly hôn. Trẻ muốn cha mẹ quay lại với nhau như một khát khao có được hạnh phúc. Con bạn có thể tỏ thái độ không thích bất kỳ người nào mà cha mẹ quyết định hẹn hò. Ngoài ra, trẻ cũng cảm thấy uất ức và đổ lỗi cho cha hoặc mẹ về việc chia tay. Chẳng hạn như than khóc vì không có cha ở bên. Sau đó là bày tỏ sự tức giận với mẹ.
Trẻ em từ 9 đến 12 tuổi thường phản ứng với việc bố mẹ ly hôn bằng sự tức giận nhiều hơn. Con bạn có thể phê phán quyết định ly hôn của bạn một cách gay gắt. Trẻ dần trở nên cáu kỉnh khi bạn nhờ chăm sóc em nhỏ hoặc giúp việc nhà. Hơn nữa, trẻ có thể cảm thấy xấu hổ vì có bố mẹ ly hôn. Chúng có thể lo lắng về tài chính gia đình hoặc về những vấn đề cả cha và mẹ đang tìm cách đối phó. Một số trẻ cố gắng che giấu cảm xúc thật bằng cách giả vờ rất năng động và vui vẻ.
2. Làm sao giúp trẻ thích ứng với việc bố mẹ ly hôn?
Cả cha lẫn mẹ nên tạo điều kiện để con mình có thể liên lạc với người còn lại – người không trực tiếp chăm sóc trẻ. Bằng cách thường xuyên cho con gọi điện thoại, video call, nhắn tin,… Trẻ nhỏ sẽ bối rối vì bố mẹ ly hôn và lo sợ rằng cha hoặc mẹ có thể bỏ rơi chúng.
Bạn cần sắp xếp thời gian và công việc hợp lí để có nhiều thời gian đến thăm trẻ. Tốt nhất là nên dành trọn một ngày mỗi 1 đến 2 tuần chơi với trẻ. Điều này sẽ tốt hơn việc đến thăm trẻ thường xuyên nhưng chỉ trong một thời gian ngắn.
Nếu bạn có nhiều đứa con, tất cả nên được dành thời gian bằng nhau. Bởi bất kì một đứa trẻ nào đều sẽ không thích cảm giác bị đối xử thiên vị. Con bạn sẽ háo hức mong khi được bố hay mẹ đến thăm. Vì vậy cha mẹ phải giữ lời hứa và đúng giờ.
Hãy ghi nhớ ngày sinh nhật và các sự kiện đặc biệt khác để trẻ không có cảm giác bị lãng quên. Cởi mở và vui vẻ khi con bạn muốn chia sẻ với bạn rằng trẻ đã có khoảng thời gian hạnh phúc trong chuyến thăm với vợ hay chồng cũ của bạn.
3. Đối xử với trẻ phù hợp theo từng độ tuổi khi bố mẹ ly hôn
3.1 Trẻ từ 0 đến 3 tuổi
Cố gắng duy trì các thói quen cũ một cách bình thường nhất có thể. Ví dụ, không thay đổi chỗ ngủ của trẻ. Nhiều bố mẹ thường chuyển từ nôi sang một cái giường mới với hình dạng hoặc kích thước khác.
Trao cho trẻ những cái ôm, hôn và những lời động viên nhiều hơn so với lúc trước. Dành thêm thời gian cho con bạn. Kể cả khi chính bạn đang tập làm quen với những sự thay đổi của cuộc hôn nhân đổ vỡ khi bố mẹ ly hôn. Vì tâm hồn của trẻ còn rất mong manh và cần nhiều tình yêu thương cũng như sự quan tâm từ bạn.
3.2 Trẻ từ 3 đến 6 tuổi
Dành tình thương nhiều hơn
Bố mẹ có thể không hài lòng về nhau hay không cùng quan điểm trong nhiều mặt của cuộc sống. Nhưng cả hai phải hoàn toàn thống nhất về một chuyện. Đó là phải dành tình yêu thương cho con mình.
Hãy thể hiện tình yêu thương này bằng cách dành thời gian cho con cái. Trẻ mẫu giáo đặc biệt cần nhiều sự âu yếm của cả bố và mẹ. Tuy nhiên, đừng nên tập thói quen xấu như để con bạn ngủ với bạn thường xuyên. Vì điều này vô tình tạo tính cách dựa dẫm cho trẻ.
Giải thích rõ những thắc mắc của trẻ
Đảm bảo rằng con bạn không hiểu sai về nguyên nhân của bố mẹ ly hôn là do chúng. Đôi lúc trẻ em thường cảm thấy tội lỗi. Tin rằng chính chúng đã gây ra cuộc ly hôn. Các con của bạn cần được trấn an rằng chúng không hề gây ra sự việc không mong muốn này.
Thể hiện rõ cho trẻ hiểu rằng việc bố mẹ ly hôn là việc không thể thay đổi. Một số trẻ nuôi hi vọng rằng bằng cách nào đó chúng có thể khiến gia đình được đoàn tụ. Trẻ tự cho rằng cuộc chia ly chỉ là tạm thời. Lặp đi lặp lại việc giải thích những gì đang xảy ra cho trẻ hiểu. Thẳng thắn trả lời những khuất mắc của trẻ một cách đơn giản nhất. Ngoài ra, bạn cũng nên giới thiệu nơi sinh sống của cha mẹ còn lại.
Đọc sách về những câu chuyện gia đình có bố mẹ ly hôn cho con bạn nghe. Kể về trường hợp một đứa trẻ có bố mẹ ly hôn sẽ giúp con bạn dự đoán được điều gì sẽ xảy ra. Sách cũng có thể giúp con bạn giải quyết nỗi sợ hãi. Việc này cũng giúp bạn có thể tìm hiểu và theo dõi thêm suy nghĩ của con bạn về những gì xảy ra trong câu chuyện.
3.2 Trẻ từ 6 tuổi trở lên
Hạn chế sự thay đổi với trẻ
Giữ cho mọi sinh hoạt sống thường ngày của trẻ không có nhiều thay đổi nhất có thể. Để giúp con bạn thích nghi tốt hơn, hãy cố gắng không chuyển chỗ ở. Nếu bạn bắt buộc phải chuyển nhà, vẫn nên để con bạn tiếp tục học ở trường một thời gian.
Dù biết rằng mức sống của bạn và con có thể bị ảnh hưởng. Nhưng hãy luôn đảm bảo với con rằng bạn vẫn ổn định. Bạn vẫn chi trả được các khoản phí cơ bản như ăn uống, quần áo và cho con đi học. Bởi trẻ từ 9 tuổi trở lên sẽ bắt đầu suy nghĩ về tài chính của gia đình.
Chia sẻ những suy nghĩ của trẻ
Giúp con học cách chia sẻ những nỗi đau bên trong. Vào thời điểm ly thân và ly hôn, nhiều trẻ em trở nên lo lắng, trầm cảm và tức giận. Trẻ chắc chắn sẽ thường xuyên khóc, ngủ không ngon, đau bụng, hoặc học không tốt ở trường. Hãy luôn thể hiện rằng bạn thấu hiểu và luôn giúp đỡ con bạn vượt qua điều này. Con bạn cần rất nhiều thời gian để đối mặt với nỗi đau. Hãy cho phép chúng bộc lộ cảm xúc và trả lời những thắc mắc một cách trung thực. Khi sự tức giận chuyển thành hành vi đập phá đồ đạc hay nổi loạn, bạn phải đưa ra các giới hạn cứng rắn để điều chỉnh cách thể hiện cơn giận dữ của trẻ.
Dành thời gian chăm sóc trẻ nhiều hơn
Đừng cho phép con trẻ tác động đến tâm lí của bạn làm cho bạn cảm thấy tội lỗi. Khi con bạn cảm thấy thiếu thốn tình cảm, bạn nên dành nhiều thời gian cho con hơn là cho con tiền tiêu vặt. Giải thích rõ để con bạn có thể hiểu tại sao bố mẹ ly hôn. Cố gắng không đổ lỗi cho người còn lại vì ai cũng gánh chịu những tổn thương của riêng mình.
Nếu bạn không thể dành nhiều thời gian bên con, hãy nhờ người thân để chúng không cảm thấy lạc lõng. Giải thích cho chúng hiểu rõ lí do vì sao bố hoặc mẹ không có khả năng ở bên cạnh như lúc trước.
Không khuyến khích hay khơi gợi ý tưởng rằng bạn và vợ/chồng cũ sẽ hàn gắn. Đừng tạo cho trẻ hy vọng rằng gia đình sẽ đoàn tụ. Đừng để những cuộc tranh cãi gay gắt diễn ra trước mặt con bạn. Trẻ em rất khó chịu khi thấy bố mẹ đánh nhau. Quan trọng nhất, tránh bất kỳ tranh luận nào liên quan đến việc thăm nom, giám hộ hoặc quyền nuôi dưỡng con khi có mặt trẻ.
4. Cha mẹ đơn thân nên nuôi dạy con như thế nào?
Lập ra những quy tắc, kỷ luật cụ thể.
Hãy nói rõ với trẻ về điều gì được cho phép và điều gì không được phép. Khen ngợi con khi chúng làm việc tốt. Khi con bạn cư xử sai, cần phải tạm hoãn hoặc chấm dứt hành vi đó một cách khéo léo.
Bạn có thể đọc thêm bài viết: “Làm cha mẹ: những vấn đề thường gặp.”
Đừng đặt con bạn vào tình trạng khó xử.
Đừng để trẻ phải lựa chọn đứng về phía ai trong một tình huống nhất định. Không nên yêu cầu con bạn nhắn lời của mình đến cha mẹ còn lại.
Thường xuyên đến trường thăm con bạn.
Hãy cho giáo viên của con bạn biết rằng bạn là cha mẹ đơn thân. Họ có thể giúp theo dõi các vấn đề và hỗ trợ con bạn. Điều này giúp bạn gặp gỡ những cha mẹ khác và tìm hiểu được nhiều hơn về cuộc sống thường ngày của trẻ khi không có bạn ở bên cạnh.
Hãy nhớ rằng con bạn vẫn là một đứa trẻ.
Ngay cả khi bạn cô đơn hoặc buồn bã, đừng xem con bạn như một người bạn trưởng thành để chia sẻ. Hãy chia sẻ với gia đình và bạn bè của bạn hoặc gặp bác sĩ tâm lý để được tư vấn.
Giúp con bạn học cách quản lí và sử dụng tiền bạc.
Từ một gia đình với các khoản thu nhập cố định bị chia nhỏ ra thành hai bên tách biệt sẽ dẫn đến tình trạng kinh tế khó khăn. Đặc biệt là các khoản phí trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái và cả chi tiêu sinh hoạt thường ngày. Nên giải thích về tài chính hiện tại của bạn nhưng cố gắng không đặt nặng để tránh tạo nên sự lo lắng dành cho trẻ.
Hãy luôn luôn tích cực.
Con bạn sẽ làm theo sự dẫn dắt và noi theo tấm gương của bạn. Ngay cả khi khó khăn, hãy cho trẻ thấy một số điều tốt đẹp vẫn đang xảy ra trong cuộc sống. Hãy trung thực về cảm xúc của bạn và dạy trẻ biết rằng giai đoạn khó khăn rồi sẽ ổn.
Cố gắng giữ suy nghĩ tích cực của con bạn về cả cha lẫn mẹ còn lại. Đừng thể hiện rõ quá mức về những cảm xúc tiêu cực mà bạn có đối với vợ/chồng cũ. Không nên cho trẻ nhận thấy những quan điểm cá nhân mang tính tiêu cực của bạn. Điều này có thể tạo ra xung đột giữa trẻ với cha/mẹ còn lại.
Thống nhất cách nuôi dạy trẻ
Sau khi bố mẹ ly hôn cần tạo nên sự nhất quán trong quá trình chăn sóc giúp trẻ phát triển về thể chất lẫn tinh thần. Sự khoan dung quá mức của cha hoặc mẹ có thể khiến người còn lại khó dạy con hơn. Không nên tìm cách lấy lòng trẻ bằng cách chiều chuộng hay tặng quà cho trẻ.
Hơn một triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi việc bố mẹ ly hôn mỗi năm. Nếu bạn là bố hay mẹ đơn thân, mục tiêu chính của bạn là giảm thiểu tổn thương tinh thần cho những đứa trẻ này. Trong đó, việc quan trọng nhất để đạt được điều này là giúp con cái vẫn duy trì mối quan hệ gắn bó và thân thiết với cả cha và mẹ. Bạn nên nói với trẻ về việc ly thân hoặc ly hôn trước khi việc thực sự xảy ra. Hi vọng bài viết phần nào giúp cha mẹ có thể hạn chế tối thiểu những tổn thương cho trẻ.
Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
1. Pediatric Advisor 2019, Divorce: Effects on Children, http://abcdpediatrics.com/advisor/pa/pa_divorce_pep.htm, accessed on 15, September, 2020.
2. Pediatric Advisor 2019, Divorce: Helping Children Cope, abcdpediatrics.com/advisor/pa/pa_bdivorce_hhg.htm?fbclid=IwAR1H_A1AVmEov432RNEhnk1-qWl08pJRtTGEggFdBaVj_Xpp6pzT2Rubv0w, accessed on 15, September, 2020.