Bướu giáp lan tỏa có dễ trị hay không: câu trả lời từ bác sĩ
Nội dung bài viết
Bướu giáp là bệnh lý thuộc hệ nội tiết thường gặp hiện nay. Bướu giáp có nhiều loại, trong đó bướu giáp lan tỏa tương đối thường gặp. Bệnh lý đa phần là lành tính, một số ít bướu có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Vậy bướu giáp lan tỏa là gì? Bác sĩ Vũ Thành Đô sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi qua bài viết sau.
Bướu giáp là gì?
Bướu giáp là bất thường trong quá trình phát triển kích thước tuyến giáp. Bất thường chức năng tuyến giáp thường xuyên đi kèm với bướu giáp. Một số trường hợp đặc biệt, có thể sờ thấy khối nhỏ, tròn, cứng hay mềm trong bướu. Khi sờ thấy khối này, người bệnh nên nghi ngờ bệnh bướu giáp nhân. Nếu bướu to đều các thùy giáp sẽ tạo thành bướu giáp lan tỏa.
Bướu giáp lan tỏa là gì?
Bướu giáp lan tỏa là sự to ra của tuyến giáp một cách đều đặn cả hai thùy của tuyến. Vì lý do đó, một số trường hợp rất khó phát hiện khi thăm khám bình thường. Người bệnh sẽ rất khó khăn trong việc phân biệt đây là bướu bình thường hay bướu to. Trong trường hợp này, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra kỹ hơn. Bệnh có thể gây hoặc không gây triệu chứng cho bệnh nhân. Bệnh nhân khi có triệu chứng nên chú ý đến gặp bác sĩ để được làm xét nghiệm chẩn đoán chính xác.
Triệu chứng bướu giáp lan tỏa
Người mắc thường có những triệu chứng rất đa dạng từ nhẹ đến nặng nề. Tuy nhiên, triệu chứng thường gặp nhất là cường giáp, do lượng hormone tăng quá cao trong máu. Hormone giáp tăng làm kích thích mọi cơ quan hoạt động quá mức cần thiết gây nên những triệu chứng như:
- Đổ mồ hôi nhiều, sợ nóng.
- Sạm da, da ấm, ẩm.
- Rụng lông tóc.
- Tiêu chảy.
- Thường xuyên tiểu đêm, tiểu nhiều lần.
- Rối loạn kinh nguyệt ở nữ.
- Lo lắng quá mức, kích thích, có khi trầm cảm.
- Hồi hộp, tim đập nhanh, đánh trống ngực.
- Dễ mệt mỏi, ngay cả khi vận động nhẹ.
Ngoài ra, khi tuyến giáp quá to sẽ chèn vào các cấu trúc xung quanh gây ra những triệu chứng nguy hiểm.
Nếu chẹn vào khí quản, người bệnh sẽ cảm thấy khó thở, lâu ngày sẽ dẫn đến suy hô hấp mạn. Khi chèn vào thực quản sẽ thấy khó nuốt và dần dần bệnh nhân sẽ bị suy dinh dưỡng do không ăn được.
Một số ít trường hợp không có triệu chứng gì ngoài trừ một bướu giáp rất to làm cổ biến dạng.
Chẩn đoán bướu giáp lan tỏa
Bác sĩ nghi ngờ khi người bệnh có những triệu chứng phù hợp và sờ thấy bướu trên cổ. Sau thăm khám, một số chỉ định được áp dụng cho bệnh nhân như:
Xét nghiệm chức năng của tuyến giáp
Bằng cách lấy mẫu máu, bác sĩ kiểm tra lượng hormone giáp trong cơ thể. Nếu lượng hormone cao, người bệnh sẽ được chẩn đoán cường giáp, ngược lại sẽ chẩn đoán suy giáp. Việc xét nghiệm này rất quan trọng đối với tất cả các bệnh lý tuyến giáp.
Siêu âm tuyến giáp
Siêu âm cực kỳ có giá trị trong đánh giá bướu giáp lan tỏa. Phương pháp này giúp đánh giá hình thái tuyến giáp rõ ràng. Hình ảnh thu được thường có mật độ đồng nhất trên hình ảnh siêu âm ở cả hai thùy tuyến giáp. Ngoài ra, có thể giúp kiểm tra mức độ xâm lấn của bướu giáp đến các cơ quan lân cận.
Xạ hình tuyến giáp
Xạ hình rất hữu ích để phân biệt bướu giáp lan tỏa với bướu giáp nhân. Nếu có nhân giáp, hình ảnh bắt xạ tại một vùng trong tuyến sẽ cho thấy nhân nóng hay lạnh. Ngược lại, bướu lan tỏa sẽ bắt xạ toàn bộ tuyến.
Phân loại bướu giáp lan tỏa
Có rất nhiều cách phân loại bướu giáp. Trong bài viết này, YouMed giới thiệu cho bạn một cách phân loại chia bệnh lý này thành hai loại
Bướu giáp lan tỏa độc
Tình trạng này do sự phì đại và tăng số lượng tế bào mô tuyến giáp. Song song đó, số lượng mạch máu của mô giáp cũng tăng. Các tế bào máu và huyết tương sẽ thâm nhập vào mô giáp càng làm tăng kích thích mô. Các nhóm này thường là các bệnh tự miễn. Hormone giáp cũng từ đó mà bị phóng thích vào máu nhiều hơn gây ra triệu chứng cường giáp cho người bệnh. Tình trạng tăng hormone quá mức dễ dẫn đến cơn bão giáp – là nguyên nhân gây suy sụp các cơ quan nặng nề của bệnh.
Bướu giáp lan tỏa không độc
Nhiều người còn thường gọi đây là bướu giáp lan tỏa lành tính. Nhóm này cũng làm cho bướu phát triển lớn hơn về kích thước. Tuy nhiên, người bệnh thường không có triệu chứng rối loạn chức năng tuyến giáp. Bệnh có thể gặp lẻ tẻ hoặc một vùng miền nào đó trong xã hội. Do đó, bệnh thường liên quan tới tính chất địa lý, môi trường hoặc do di truyền. Những người bệnh này thường gặp những triệu chứng do tuyến giáp to nhiều hơn rối loạn chức năng tuyến giáp.
Nguyên nhân gây ra bướu giáp lan tỏa
Nguyên nhân gây mắc bệnh nhiều nhất là bệnh giáp Graves. Đây là một bệnh lý tự miễn tại tuyến giáp, gây ra những triệu chứng cường giáp rất nổi trội. Cơn bão giáp cũng là một trong những biến chứng gây tử vong hàng đầu của bệnh.
Hashimoto cũng là một bệnh lý tự miễn gây ra bướu giáp lan tỏa. Tuy có phần ít nặng nề hơn các bệnh lý khác, nhưng tần suất gặp của bệnh chỉ xếp sau Graves. Bệnh lý do mô giáp bị phá hủy phóng thích nhiều hormone vào máu gây cường giáp. Ngoài ra, người bệnh có thể bị đau, sưng cổ trong suốt quá trình bệnh.
Những cách điều trị bướu giáp lan tỏa
Bệnh mặc dù có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân, nhưng cũng có nhiều cách điều trị. Những cách điều trị cơ bản là:
- Thuốc kháng giáp.
- Xạ trị.
- Phẫu thuật.
Bướu giáp lan tỏa phần lớn là bệnh lý không nguy hiểm tính mạng. Song, người bệnh cần chú ý triệu chứng của mình để phát hiện sớm và khám bệnh kịp thời để được điều trị phù hợp. Qua bài viết này, hy vọng Bác sĩ Vũ Thành Đô đã giúp bạn có được câu trả lời phù hợp.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Overview of the clinical manifestations of hyperthyroidism in adultshttps://www.uptodate.com/contents/overview-of-the-clinical-manifestations-of-hyperthyroidism-in-adults?search=hyperthyroidism&source=search_result&selectedTitle=2~150&usage_type=default&display_rank=2#H2409653
Ngày tham khảo: 21/06/2021
-
Diffuse Toxic Goiter (Graves Disease)https://emedicine.medscape.com/article/120140-overview#a7
Ngày tham khảo: 21/06/2021
-
Nontoxic Goiterhttps://emedicine.medscape.com/article/120392-overview
Ngày tham khảo: 21/06/2021