Các loại kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn răng miệng
Nội dung bài viết
Nhiễm khuẩn răng miệng là một vấn đề về sức khỏe khá thường gặp. Một số nhiễm khuẩn thường gặp như viêm quanh chân răng, viêm nướu, ổ áp-xe răng,… Việc lựa chọn thuốc kháng sinh răng phụ thuộc vào dạng nhiễm khuẩn và chủng loại vi khuẩn gây bệnh. Hãy cùng Dược sĩ Nguyễn Hoàng Bảo Duy tìm hiểu về vấn đề này!
Nhiễm khuẩn răng miệng là gì?
Nhiễm khuẩn răng miệng từ lâu đã là một căn bệnh khiến nhiều bệnh nhân khá lo lắng nếu từng mắc phải. Tình trạng nhiễm trùng phát sinh từ việc viêm tủy và tủy răng hoại tử. Những vấn đề này thường có liên quan ban đầu từ bệnh lý sâu răng.
Sự xâm nhập và tấn công của vi khuẩn khu trú tại chỗ hoặc sẽ nhanh chóng lây lan qua các khu vực xung quanh. Việc viêm nhiễm thậm chí còn nghiêm trọng hơn, gây nhiễm trùng huyết, viêm não – màng não. Đây cũng là các biến chứng nặng nề nhất của nhiễm khuẩn răng miệng. Những biến chứng này đôi khi khiến cho người bệnh nguy hiểm đến tính mạng nếu không điều trị kịp thời.
Biểu hiện của nhiễm khuẩn răng miệng
Răng sưng hoặc đau nhói là một trong những dấu hiệu dễ thấy nhất của tình trạng nhiễm trùng răng. Nếu không được điều trị kịp thời, điều này sẽ khiến răng bị nhiễm khuẩn, đau, nhói, sưng viêm và khiến người bệnh bị sốt cao. Tất cả đều là những triệu chứng cho thấy cơ thể bạn đang phải cố gắng chống chọi với việc nhiễm khuẩn. Bạn cũng có thể nhận thấy hơi thở có mùi hôi khó chịu hoặc tình trạng này không biến mất sau khi chải răng hoặc súc miệng bằng nước súc miệng. Tình trạng này nên cân nhắc điều trị bằng thuốc kháng sinh răng.
Một số dấu hiệu sau đây cho thấy một lỗ sâu răng nhỏ đã tiến triển thành nhiễm khuẩn răng:
- Đau nhói ở răng, xương hàm hoặc cổ.
- Bị sưng viêm vùng má.
- Răng nhạy cảm với nhiệt độ nóng hoặc lạnh.
- Răng nhạy cảm với áp lực.
- Sốt.
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ.
Kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn răng miệng
Tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây bệnh mà bác sĩ có thể lựa chọn kháng sinh thích hợp (sau đây gọi là kháng sinh răng). Một số loại kháng sinh thường dùng như:
1. Amoxicillin
Amoxicillin là kháng sinh thuộc nhóm beta lactam. Thuốc được xem là dòng kháng sinh đa dụng và có hoạt tính diệt khuẩn tốt. Tuy nhiên cần lưu ý, như nhữn kháng sinh phổ rộng khác, một số bất lợi có thể xảy ra khi dùng các thuốc này như tiêu chảy, buồn nôn, dị ứng, ban đỏ,… Thuốc được sử dụng theo đơn của bác sĩ.
Video chia sẻ chi tiết về kháng sinh Amoxicillin:
Biên tập bởi: Dược sĩ Nguyễn Đắc Nhân
2. Spiramycin
Spiramycin là thuốc kháng sinh răng dùng theo đơn của bác sĩ. Thường dùng điều trị bệnh nhiễm trùng do các chủng vi khuẩn gây bệnh có khả năng kháng thuốc.
Lưu ý không dùng thuốc này cho phụ nữ đang trong quá trình mang thai, dự định mang thai hoặc đang cho con bú. Spiramycin có thể sẽ gây ra một số tác dụng phụ (mặc dù hiếm gặp) nhưng có thể rất nghiêm trọng và nguy hiểm đến tính mạng. Tác dụng phụ bao gồm:
- Dấu hiệu của một phản ứng dị ứng như phát ban, mày đay, ngứa, da đỏ, sưng, phồng rộp, bong tróc,…
- Sốt, cơn đau thắt ở ngực, khó thở, khó nuốt, khàn giọng, sưng miệng/mắt/môi/lưỡi/cổ họng.
- Có máu trong nước tiểu.
- Chóng mặt hoặc bất tỉnh.
- Đau bụng; tiêu chảy.
- Nhịp tim không bình thường.
- Buồn nôn hoặc nôn.
3. Metronidazol
Đây cũng là loại thuốc kháng sinh răng được sử dụng rộng rãi trong nha khoa. Loại thuốc này thường được phối hợp với spiramycin thành một loại thuốc đặc trị viêm vùng răng miệng rất hiệu quả.
4. Doxycyclin
Doxycyclin là một kháng sinh thuộc nhóm tetracyclin có tác dụng được với cả vi khuẩn gram (-) và gram (+). Thuốc còn nhạy cảm với vi khuẩn kỵ khí và vi khuẩn đường ruột nên được dùng để điều trị bệnh nhiễm trùng răng miệng.
Thuốc là kháng sinh được lựa chọn thay thế trong trường hợp người bệnh có bị dị ứng với amoxicillin. Tuy nhiên, cần lưu ý doxycycline có thể làm hỏng men răng ở những răng còn non. Do đó không dùng thuốc cho trẻ em dưới 8 tuổi, phụ nữ đang mang thai (nửa cuối thai kỳ) và mẹ cho con bú.
Lưu ý khi dùng thuốc kháng sinh răng
1. Sử dụng thuốc kháng sinh răng theo chỉ định của bác sĩ
Kháng sinh là loại thuốc phải được sử dụng dưới sự giám sát của bác sĩ. Không được tự ý sử dụng thuốc nếu chưa có sự đồng ý của bác sĩ. Sử dụng tràn lan không kiểm soát thuốc kháng sinh răng sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Từ đó việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn.
Trước khi dùng thuốc, bác sĩ cần kiểm tra tình trạng nhiễm khuẩn tại chỗ của người bệnh. Nếu như ổ nhiễm khuẩn có màng bao phủ, có mủ, có bọc thì tốt nhất nên được chích ổ mủ đó ra và dẫn lưu chảy ra ngoài. Điều này giúp thải bỏ một lượng vô cùng lớn vi khuẩn. Sau đó chỉ cần điều trị một đợt kháng sinh ngắn ngày là có thể lành bệnh.
2. Lưu ý khác khi sử dụng kháng sinh răng
Dùng kháng sinh phải đảm bảo dùng đúng liều lượng, đủ liều. Lưu ý: Sau khi uống kháng sinh được quá nửa thời gian điều trị mà thấy bệnh hết, răng vẫn đau không thuyên giảm, miệng lưỡi vẫn loét không liền, nướu răng sưng lên thì cần đến bác sĩ khám lại, để được điều chỉnh thuốc và liều dùng cho phù hợp.
Trong quá trình dùng thuốc kháng sinh răng điều trị viêm nhiễm, có thể dùng kèm thêm các thuốc súc miệng để làm sạch vùng miệng. Thuốc thường có các chất sát khuẩn như acid boric, kẽm sulfat, menthol, fluor, pha chế dưới dạng dung dịch, dùng theo hướng dẫn sử dụng.
Điều trị nhiễm khuẩn răng miệng trở nên nhẹ nhàng hơn nếu biết cách điều trị đúng cách. Tuy nhiên, nếu không tuân thủ điều trị hoặc tự ý sử dụng hay bỏ dở việc điều trị sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nếu gặp phải những vấn đề liên quan đến sức khỏe, hãy liên hệ ngay đến bác sĩ nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Bộ Y tế (2015). Hướng dẫn sử dụng kháng sinh.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/09/huong-dan-su-dung-khang-sinh-2015.pdf