Kháng sinh Amoxicillin 500 mg Mekophar: Công dụng, cách dùng và lưu ý
Nội dung bài viết
Kháng sinh Amoxicillin 500 mg Mekophar là thuốc gì và được dùng trong những trường hợp nào? Thuốc điều trị bệnh gì? Cần lưu ý gì về những tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc? Hãy cùng Dược sĩ Nguyễn Đắc Nhân tìm hiểu thật kĩ về trong bài viết được phân tích dưới đây nhé!
Thành phần hoạt chất: Amoxicillin.
Thuốc có thành phần hoạt chất tương tự: Droplie 500; Etonxy 500; Eumoxin 500; Fabamox 500; Franmoxy 500; Hadomox 500;…
Kháng sinh Amoxicillin 500 mg Mekophar là thuốc gì?
Amoxicillin là một dạng thuốc kháng sinh. Thuốc Amoxicillin này chỉ có tác dụng với một số loại vi khuẩn gây bệnh chứ không tiêu diệt virus. Các dạng thuốc uống dùng amoxicillin dạng trihydrat.
Thuốc do công ty Công ty Cổ phần Hoá – Dược phẩm Mekophar sản xuất.
Thành phần
- Amoxicillin trihydrate (tương đương Amoxicillin): 500 mg.
- Tá dược (vừa đủ): 1 viên.
Công dụng của thành phần
Tác dụng của Amoxicillin gồm:1 2
- Amoxicillin là aminopenicilin, bền trong môi trường acid, có phổ tác dụng rộng hơn benzylpenicilin. Đặc biệt chống được trực khuẩn Gram (-).
- Tương tự các penicilin khác, amoxicillin có tác dụng diệt khuẩn. Với cơ chế là thuốc gắn vào một hoặc nhiều protein gắn penicilin của vi khuẩn (PBP) để ức chế sinh tổng hợp peptidoglycan. Trong đó, PBP là một thành phần quan trọng của thành tế bào vi khuẩn.
- Cuối cùng vi khuẩn tự phân hủy do các enzym tự hủy của thành tế bào vi khuẩn (autolysin và murein hydrolase).
Amoxicillin 500 mg Mekophar có tác dụng gì?
Thuốc Amoxicillin 500 mg được chỉ định điều trị tình trạng nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm:
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, viêm xoang, viêm tai giữa.
- Ngoài ra, điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới do liên cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn không tiết penicilinase và H. influenzae.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu không biến chứng.
Bên canh đó, thuốc còn được chỉ định điều trị các bệnh:
- Bệnh lậu.
- Người bệnh bị nhiễm khuẩn đường mật.
- Nhiễm khuẩn da, cơ do liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, E. coli nhạy cảm với amoxicillin.
- Bệnh Lyme ở trẻ em hoặc phụ nữ có thai, cho con bú.
- Bệnh than.
Không những vậy, thuốc kháng sinh amoxicillin còn được chỉ định điều trị tình trạng nhiễm Chlamydia trachomatis đường tiết niệu sinh dục ở người mang thai không dung nạp được erythromycin (kinh nghiệm còn ít).
Thuốc cũng điều trị các vấn đề về viêm dạ dày – ruột (bao gồm viêm ruột do Salmonella, không do lỵ trực khuẩn), hoặc viêm màng trong tim (đặc biệt để dự phòng ở bệnh nhân phẫu thuật hoặc nhổ răng), hoặc sốt thương hàn và sốt phó thương hàn.
Cách dùng và liều dùng Amoxicillin 500 mg Mekophar
Cách dùng
Amoxicillin dạng trihydrat chỉ dùng đường uống. Hấp thu amoxicillin không bị ảnh hưởng bởi thức ăn trong dạ dày, do đó có thể uống trước hoặc sau bữa ăn.
Liều dùng
Liều thường dùng:
- Người lớn: dùng 1 – 2 viên/lần, 2 – 3 lần/ngày.
- Trẻ em: dùng 25 – 50mg/kg/ngày, chia làm 2 – 3 lần.
Giá thuốc Amoxicillin 500 mg Mekophar
Giá kháng sinh Amoxicillin 500mg Mekophar, hộp 10 vỉ x 10 viên có giá dao động khoảng 65.000 – 80.000 VNĐ. Tùy chính sách phân phối và chương trình ưu đãi mà mức giá sẽ chênh lệch so với giá tham khảo trên.
Tác dụng phụ của thuốc
Các triệu chứng thường gặp
Bạn có thể gặp một hoặc nhiều những triệu chứng sau đây khi dùng thuốc:
- Ngoại ban thường xuất hiện chậm, sau 7 ngày điều trị.
- Buồn nôn, nôn, đau thượng vị, tiêu chảy ở người lớn, tỷ lệ cao hơn ở trẻ em và người cao tuổi.
Phản ứng ít gặp
- Phản ứng quá mẫn: Ban đỏ, ban dát sần và mày đay.
- Đăc biệt lưu ý đến hội chứng Stevens – Johnson.
Mặc dù hiếm gặp nhưng người bệnh vẫn có thể trải qua các tác dụng không mong muốn sau:
- Tăng nhẹ men gan.
- Kích động, vật vã, lo lắng, mất ngủ, lú lẫn, thay đổi ứng xử và/hoặc chóng mặt.
- Viêm đại tràng có màng giả do C. difficile; viêm tiểu – đại tràng cấp với triệu chứng đau bụng và đi ngoài ra máu, không liên quan đến C. difficile.
- Thiếu máu, giảm tiểu cầu, ban xuất huyết giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt.
Tương tác xảy ra khi dùng kháng sinh Amoxicillin
- Nifedipin: làm tăng hấp thu amoxicillin.
- Alopurinol: làm tăng khả năng phát ban của amoxicillin.
- Acid fusidic, cloramphenicol, tetracyclin: có thể ảnh hưởng đến tác dụng diệt khuẩn của amoxicillin.
- Probenecid: kéo dài thời gian thải của amoxicillin qua đường thận.
- Methotrexat.
- Thuốc tránh thai dạng uống.
- Vắc xin thương hàn.
- Warfarin.
Chống chỉ định
Không sử dụng Amoxicillin 500 mg Mekophar cho những trường hợp sau:
- Người đã từng bị dị ứng với bất kỳ loại amoxicillin hoặc dị ứng với bất kỳ penicilin nào thì không nên dùng thuốc này.
- Bệnh nhân bị tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn.
Những lưu ý khi dùng thuốc kháng sinh Amoxicillin
- Phải định kỳ kiểm tra chỉ số huyết học, chức năng gan, thận trong suốt quá trình điều trị dài ngày.
- Có thể xảy ra phản ứng quá mẫn trầm trọng ở những bệnh nhân có đã từng bị dị ứng với penicilin hoặc các dị nguyên khác. Do đó, nên trước khi bắt đầu điều trị bằng amoxicillin cần phải điều tra kỹ tiền sử dị ứng với penicilin, cephalosporin và các dị nguyên khác.
- Dùng liều cao amoxicillin cho người suy thận hoặc người có đã từng bị co giật trước đó; động kinh có thể gây co giật, tuy hiếm gặp.
- Trong trường hợp suy thận, phải điều chỉnh liều theo hệ số thanh thải creatinin hoặc creatinin huyết.
- Tiểu ít là một nguy cơ để thuốc kết tinh. Do đó, phải uống nhiều nước khi dùng thuốc.
- Nguy cơ phát ban cao ở bệnh nhân tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn.
- Ngoài ra, cần thận trọng trên bệnh nhân bị phenylketon niệu và bệnh nhân cần kiểm soát lượng phenylalanin khi uống viên hoặc bột để pha hỗn dịch uống có chứa aspartam do aspartam chuyển hóa trong đường tiêu hóa thành phenylalanin.
Xử trí khi quá liều Amoxicillin 500 mg Mekophar
Biểu hiện quá liều như các triệu chứng tâm thần kinh, thận (tiểu ra tinh thể) và rối loạn tiêu hóa. Bạn nên xử trí khi quá liều như sau:
- Hiện tại, vẫn chưa có thuốc giải độc đặc hiệu.
- Có thể loại bỏ amoxicillin bằng phương pháp thẩm phân máu.
- Khi điều trị triệu chứng, đặc biệt chú ý đến cân bằng nước – điện giải.
Xử trí khi quên một liều Amoxicillin
Đối với trường hợp khi quên một liều thuốc, bạn nên:
- Dùng ngay sau khi nhớ ra đã quên liều.
- Nếu liều đã quên gần kề với liều kế tiếp. Bỏ qua liều đã quên và dùng theo đúng lịch trình dùng thuốc.
- Không dùng gấp đôi liều với mục đích bù vào liều đã quên.
Các đối tượng sử dụng đặc biệt
Phụ nữ mang thai2
Vẫn chưa đánh giá được rõ ràng độ an toàn của amoxicillin đối với phụ nữ mang thai. Do đó, chỉ sử dụng thuốc này khi thật cần thiết trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng nào về tác dụng có hại cho thai nhi khi dùng amoxicillin cho người mang thai.
Vì thế, Amoxicillin 500 mg Mekophar là thuốc được lựa chọn cho phụ nữ mang thai để điều trị:
- Nhiễm Chlamydia.
- Bệnh than ngoài da.
- Đề phòng sau khi tiếp xúc với bào tử Bacillus anthracis.
Phụ nữ cho con bú2
Amoxicillin bài tiết vào sữa mẹ. Tuy nhiên lượng thuốc trong sữa rất ít và an toàn cho trẻ sơ sinh ở liều thường dùng. Do đó, có thể dùng amoxicillin cho phụ nữ thời kỳ cho con bú, theo dõi chặt chẽ trẻ nhỏ khi dùng.
Cách bảo quản thuốc kháng sinh Amoxicillin
- Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em và thú cưng trong nhà.
- Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo thoáng mát. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng hoặc những nơi ẩm ướt.
- Nhiệt độ bảo quản tốt nhất là < 30°C.
Bên trên là những thông tin sử dụng kháng sinh Amoxicillin 500 mg Mekophar. Việc sử dụng thuốc cần tuân theo chỉ định và hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Vì vậy, bạn nên đi khám để được chẩn đoán bệnh và chỉ định loại thuốc uống phù hợp.
Video chia sẻ chi tiết về kháng sinh Amoxicillin:
Biên tập bởi: Dược sĩ Nguyễn Đắc Nhân
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Amoxicillin 500 mg Mekopharhttps://www.mekophar.com/Amoxicillin-500mg-785.htmlx
Ngày tham khảo: 05/10/2022
-
Dược thư quốc gia Việt Nam: Amoxicillinhttps://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=188
Ngày tham khảo: 05/10/2022