Các loại thuốc kháng sinh an toàn cho trẻ em
Nội dung bài viết
Trẻ em là đối tượng dễ bị các bệnh viêm họng, viêm mũi… tuy nhiên một số phụ huynh khi gặp triệu chứng như vậy đã sử dụng kháng sinh cho con mình. Vậy thì khi nào cần dùng thuốc kháng sinh cho trẻ em. Các loại thuốc kháng sinh nào an toàn cho trẻ em hiện nay? Hãy cùng Youmed tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé!
1. Thuốc kháng sinh hoạt động như thế nào?
Thuốc kháng sinh là loại thuốc được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn. Ngoài ra, thuốc kháng sinh còn có tên gọi khác là thuốc kháng khuẩn. Cơ chế hoạt động của thuốc là tiêu diệt hoặc làm giảm sự phát triển của vi khuẩn.
Kháng sinh ngăn ngừa và chống lại nhiễm trùng bằng cách tiêu diệt vi khuẩn hoặc làm chậm và tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn trong cơ thể bằng cách:
- Ngăn chặn khả năng sinh sản của vi khuẩn
- Ngăn chặn sản xuất protein ở vi khuẩn
- Tấn công lớp cấu trúc bảo vệ của vi khuẩn
Hiện nay, có nhiều nhóm thuốc kháng sinh khác nhau, mỗi nhóm được sử dụng để điều trị các loại nhiễm khuẩn cụ thể khác nhau. Ngoài ra, thuốc kháng sinh cho trẻ em còn có nhiều dạng bào chế bao gồm dạng viên uống, dạng tiêm, kem và thuốc mỡ.
2. Khi nào nên sử dụng kháng sinh cho trẻ?
2.1. Lưu ý khi dùng thuốc kháng sinh cho trẻ
Nên sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ em khi xác định được nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn, việc sử dụng kháng sinh trong trường hợp này là cần thiết để tiêu diệt vi khuẩn, điều trị nhiễm trùng và ngăn ngừa các biến chứng khác.
2.2. Một số biểu hiện nên dùng kháng sinh cho trẻ
Một số biểu hiện có sự xuất hiện của vi khuẩn trong viêm xoang nên sử dụng kháng sinh cho bé :
- Trẻ bị cảm lạnh kèm theo ho và đờm xanh kéo dài hơn 10 ngày
- Trẻ có đờm màu vàng hoặc xanh và sốt hơn 390C trong ít nhất 3 – 4 ngày.
Một số biểu hiện viêm họng do liên cầu khuẩn:
- Trẻ đau họng, đau khi nuốt, sốt, amidan đỏ sưng
- Đôi lúc có các mảng trắng hoặc vệt mủ
- Xuất hiện các đốm đỏ li ti trên vòm miệng
- Sưng hạch bạch huyết ở phía trước cổ
Ngoài ra, một số trường hợp khác cần sử dụng kháng sinh cho trẻ:
- Ho không cải thiện sau 14 ngày
- Đã được chuẩn đoán là ho gà hoặc viêm phổi
- Trẻ em dưới 3 tháng tuổi sốt từ 38 C trở lên
3. Các loại kháng sinh cho trẻ em
Ngày nay, có nhiều loại kháng sinh khác nhau có tác dụng trên các loại vi khuẩn khác nhau. Sau đây là danh sách các kháng sinh được dùng cho trẻ em:
3.1. Nhóm kháng sinh Beta-lactam
Penicillin (Penicillin G và Amoxicillin)
Thuốc kháng sinh Amoxicillin là thuốc đầu tay đối với các bệnh như viêm xoang và viêm tai giữa do vi khuẩn, nhiễm khuẩn hô hấp trên.
Liều lượng:
Amoxicillin: 50 – 100mg/ kg/ ngày chia 2 – 3 lần
Liều dùng thông thường: sử dụng trong vòng 10 ngày.
Cephalosporin (Cefuroxime, Ceftibuten)
Nhóm này được dùng trong các trường hợp viêm tai giữa phức tạp, viêm phổi, trẻ có tiền sử viêm tai giữa tái phát và viêm xoang do vi khuẩn.
Liều dùng:
Cefuroxime là kháng sinh cephalosporin thế hệ 2 liều dùng 20 – 30 mg/ kg/ ngày chia 2 lần, trung bình cứ 1 gói 125 mg cho trẻ 5kg.
Cefaclor cũng là kháng sinh cephalosporin thế hệ 2 liều dùng 1 gói 126 mg cho trẻ 5 kg.
Thuốc ức chế beta-lactamase (Amoxicillin – axit clavulanic)
Nhóm này cũng được dùng trong các trường hợp viêm tai giữa phức tạp, một số dạng viêm phổi và trẻ có tiền sử viêm tai giữa tái phát và viêm xoang nặng do vi khuẩn, nhiễm khuẩn hô hấp trên và dưới.
Liều dùng tính theo liều amoxcillin: 50 – 90 mg/ kg/ ngày chia thành 2 – 3 lần.
Lưu ý:
- Thành phần clavulanic dễ gây tiêu chảy, vì vậy nên lựa chọn các chế phẩm có hàm lượng clavulanic thấp.
- Nên sử dụng kèm men vi sinh (enterogeminal, entergran…) uống cách kháng sinh 1 – 2 giờ.
3.2. Nhóm Macrolid (Erythromycin, Azithromycin)
Là nhóm thuốc được sử dụng cho các bệnh ho gà và viêm phổi nhẹ hơn, dùng trong thời gian ngắn từ 3 – 5 ngày.
Erythromycin: 40 – 50 mg/ kg/ ngày chia 2 lần, trung bình 1 gói 250mg cho trẻ 5kg.
Azithromycin: 10 mg/ kg/ ngày chia 2 lần, uống lúc bụng đói.
Clarythromycin: 15 mg/ kg/ ngày chia 2 lần.
3.3 Nhóm kháng sinh điều trị tại chỗ
Với trường hợp bị viêm tai giữa cấp có mủ, sau khi vệ sinh rửa sạch mủ có thể nhỏ kháng sinh dạng dung dịch như: Ciprofloxacin, Chloramphenicol…
3.4 Nhóm sulfat (sulfamethoxazole + trimethoprim)
Thuốc này được dùng để điều trị nhiễm trùng do tụ cầu và nhiễm trùng đường tiết niệu.
Tuy nhiên nhóm kháng sinh này không khuyến khích sử dụng rộng rãi vì khả năng gây dị ứng cao và nguy hiểm cho một số trẻ có bệnh lí về máu.
Vì vậy, nên lựa chọn nhóm kháng sinh an toàn và hiệu quả cao.
4. Tác dụng không mong muốn của thuốc kháng sinh
Đa số các loại kháng sinh đều có các tác dụng phụ tương tự nhau. Tác dụng phụ phổ biến nhất khi dùng thuốc kháng sinh cho trẻ trên hệ tiêu hóa bao gồm:
- Tiêu chảy
- Buồn nôn
- Nôn
- Khó tiêu, cảm giác no, đầy hơi
- Ăn mất ngon
- Chuột rút
- Đau bụng
Hầu hết các vấn đề về hệ tiêu hóa này sẽ mất đi khi ngừng sử dụng thuốc.
Tuy nhiên, nếu gặp bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng hoặc dai dẳng dưới đây thì nên ngừng thuốc và liên lạc với bác sĩ:
- Phân có xuất hiện vết máu hoặc chất nhầy
- Tiêu chảy nặng
- Đau quặn bụng
- Sốt
- Nôn mửa không kiểm soát
Mặc dù thuốc kháng sinh được thiết kế để tiêu diệt vi khuẩn có hại nhưng đôi khi chúng giết chết những vi khuẩn có lợi bảo vệ sức khỏe con người khỏi bị nhiễm nấm. Những người sử dụng thuốc kháng sinh thường bị nhiễm nấm ở:
- Âm đạo
- Họng
- Miệng
Các tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nguy hiểm như:
Sốc phản vệ là trường hợp kháng sinh làm gây ra phản ứng dị ứng cực kỳ nghiêm trọng, trường hợp hiếm xảy ra và các dấu hiệu bao gồm:
- Tim đập nhanh
- Phát ban
- Cảm giác ngứa ran và chóng mặt
- Sưng miệng, cổ họng, mặt, dưới da
- Ngất xỉu
- Co giật
Sốc phản vệ thường xảy ra trong vòng 15 phút sau khi dùng kháng sinh và có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu ngay.
5. Dùng thuốc kháng sinh cho trẻ như thế nào?
5.1. Phải dùng đúng loại kháng sinh
Kháng sinh dành cho trẻ phải do bác sĩ kê đơn, nhiễm trùng loại nào thì dùng kháng sinh trị vi khuẩn loại đó.
Không được tự ý mua kháng sinh tự điều trị cho trẻ.
5.2. Phải dùng đúng liều
Liều dùng kháng sinh ở trẻ em được tính theo 3 tiêu chí sau:
- Mức độ bệnh
- Khối lượng cân nặng của trẻ
- Mức độ đáp ứng với thuốc
Những tiêu chí này đã được bác sĩ tính toán và kê đơn, không nên tự ý điều chỉnh liều.
5.3. Phải dùng đủ ngày
Thời gian tối thiểu dùng kháng sinh thường là 5 – 7 ngày tùy vào từng loại kháng sinh.
Phải bắt buộc tuân thủ sử dụng đủ ngày để đảm bảo vi khuẩn không tái phát lại.
Tránh trường hợp thấy con hết sốt, bớt ho, hết tiêu chảy mà dừng thuốc. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc điều trị bệnh vì vi khuẩn chưa bị diệt hoàn toàn và nó có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn, làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh ở trẻ nhỏ.
5.4. Một số lưu ý khác
Một số loại kháng sinh của trẻ em được bào chế dưới dạng bột trong lọ hỗn dịch hoặc trong gói, khi sử dụng cần phải pha thêm nước lúc này cần phải hòa tan kỹ thuốc. Vì nếu không hòa tan kỹ, kháng sinh chưa tan hết thì trẻ uống sẽ bị sai liều (thường là tăng liều).
Thời gian hòa tan thường kéo dài 1 – 2 phút tùy từng thể tích và loại thuốc.
Hòa tan kháng sinh bằng nước đun sôi để nguội để kháng sinh không bị phá hủy bởi nhiệt độ.
Trên đây là các thông tin về việc sử dụng thuốc kháng sinh an toàn cho trẻ. Trong đó, việc quan trọng nhất khi sử dụng kháng sinh cần phải có ý kiến của bác sĩ và hãy gọi cho bác sĩ nếu có bất cứ triệu chứng nào bất thường trong quá trình sử dụng nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- https://www.drugs.com/article/antibiotics.html
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/322850
- https://www.healthychildren.org/English/safety-prevention/at-home/medication-safety/Pages/Antibiotic-Prescriptions-for-Children.aspx
- https://www.healthychildren.org/English/safety-prevention/at-home/medication-safety/Pages/Medication-Safety-Tips.aspx
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/322850