Các loại virus HPV và cách thức lây lan
Nội dung bài viết
Nhiễm HPV đang ngày càng trở thành mối quan tâm của nhiều người. Đặc biệt là nguy cơ ung thư cổ tử cung gắn liền với tình trạng này. Dù vậy, các thông tin xung quanh vấn đề này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Virus HPV có bao nhiêu loại? Chúng lây lan như thế nào? Triệu chứng thường gặp là gì? Hậu quả khi nhiễm là gì và cách thức điều trị ra sao? Câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây.
Các loại virus HPV và cách thức lây lan của virus HPV
Tổng quan về virus HPV
Nhiễm HPV là một tình trạng viêm nhiễm lây truyền qua đường quan hệ tình dục. HPV là viết tắt của cụm “Human papillomavirus” – virus sinh u nhú ở người. HPV được tìm thấy trên bề mặt da, hậu môn, âm đạo, cổ tử cung và dương vật. Đôi khi chúng được tìm thấy ở niêm mạc bên trong miệng và cổ họng.
Các loại virus HPV
Trên thực tế HPV không chỉ là một loại virus. Chúng là một chủng bao gồm hàng trăm virus khác nhau. Khác biệt giữa các loại HPV nằm ở những thay đổi nhỏ trong bộ gen của chúng. Vậy nên độc lực và mức độ nguy hiểm của chúng với sức khỏe con người cũng có sự khác biệt tương ứng.
Phân loại virus HPV dựa trên vị trí gây bệnh:
Khoảng 60 trên 100 loại HPV có khả năng gây ra mụn cóc ở bàn tay và bàn chân. Và có khoảng 40/100 loại có khả năng xâm nhập vào niêm mạc qua đường quan hệ tình dục. Tuy nhiên, không phải tất cả 40 loại này đều gây ra những bệnh lí nghiêm trọng.
Phân loại virus HPV dựa theo nguy cơ gây ung thư:
Một cách phân loại đang được giới y khoa quan tâm là phân loại dựa trên khả năng gây ung thư. Theo cách này, virus HPV có thể chia thành 2 nhóm:
- Nhóm 1 – các loại virus HPV nguy cơ cao:
Nhóm này bao gồm các virus HPV có nhiều khả năng gây ung thư ở người. Hiện nay khoa học đã ghi nhận ít nhất 13 trên 100 kiểu gen của virus HPV thuộc nhóm một. Trong đó, hai kiểu gen có nguy cơ cao nhất là HPV16 và HPV 18. Các bệnh lí ung thư do hai loại này gây ra đã chiếm khoảng 70% tổng số ca ung thư cổ tử cung.1 Một số loại HPV nguy cơ cao khác đã được ghi nhận là: 31, 33, 45, 52, 58,…
- Nhóm 2 – các loại virus HPV nguy cơ thấp:
Nhóm này chủ yếu gây mụn cóc mà hiếm khi phát triển thành ung thư. Hai loại điển hình cho nhóm này là HPV 6 và HPV 11. Mụn cóc có thể xuất hiện sau thời điểm quan hệ từ vài tuần đến vài tháng.
Cách thức lây lan của virus HPV
HPV có khả năng bám dính và xâm nhập vào lớp màng nhầy trên bề mặt da, niêm mạc của người. Đường lây chủ yếu và phổ biến nhất của HPV là qua quan hệ tình dục. Quá trình quan hệ không an toàn, có sự tiếp xúc với dịch và niêm mạc là điều kiện để virus lây lan. Thường gặp nhất là khi quan hệ qua âm đạo hoặc hậu môn. Tuy nhiên, y khoa đã ghi nhận sự gia tăng của những ca lây lan qua đường quan hệ bằng miệng. HPV có thể lây lan kể cả khi người nhiễm không hề có bất kì triệu chứng nào.
Một hiểu lầm phổ biến hiện nay là chỉ những ai có đời sống tình dục phong phú mới lây nhiễm HPV. Thực tế là bất kì ai đã từng quan hệ đều có khả năng đã hoặc đang nhiễm HPV. Kể cả trong trường hợp chỉ có một bạn tình/ bạn đời. Đa số mọi người không hay biết mình nhiễm vì không có triệu chứng rõ ràng.
HPV hiếm khi lây qua sự tiếp xúc thông thường vì chúng hầu như khó tồn tại và giữ được độc lực ở môi trường bên ngoài cơ thể.
Ung thư liên quan đến HPV
Hiện nay, y học đã ghi nhận các loại ung thư gây ra do virus HPV như sau:
- Ung thư cổ tử cung – bệnh lí phổ biến nhất do HPV.
- Ung thư âm hộ, âm đạo.
- Ung thư dương vật.
- Ung thư hậu môn.
- Ung thư vòm họng hay còn gọi là ung thư vùng hầu họng (bao gồm họng, a-mi-dan, lưỡi,..).
Tuy nhiên, ung thư không phải là kết cục phải có khi nhiễm HPV. Thông thường, phải mất nhiều năm để ung thư phát triển sau khi người bệnh nhiễm virus HPV. Quá trình diễn tiến này thường xảy ra rất âm thầm. Bệnh nhân, đặc biệt ở những nước đang phát triển, chỉ phát hiện khi đã có các triệu chứng, biến chứng nặng nề.
Hiện nay y khoa chưa thể dự đoán được khả năng phát triển ung thư trên một ca nhiễm HPV cụ thể. Nguy cơ ung thư có thể tăng cao trong các trường hợp sau đây:
- Nhiễm loại HPV nguy cơ cao: 16, 18, 31, 33, 45, 52, 58,…
- Những người có hệ miễn dịch suy giảm: bệnh nhân HIV, dùng thuốc ức chế miễn dịch sau ghép tạng,…
- Quan hệ không an toàn đặc biệt khi có vết thương hở ở niêm mạc miệng và đường sinh dục.
- Đời sống tình dục phong phú. Có nhiều bạn tình sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm HPV.
- Chưa chích ngừa vaccine HPV.
Xem thêm: Virus HPV 6, 11, 16 và 18 dễ gây ra ung thư cổ tử cung
Điều trị HPV như thế nào?
Tình trạng nhiễm HPV hiện nay rất phổ biến với những người trong độ tuổi quan hệ tình dục trên toàn thế giới. Đa phần sự viêm nhiễm HPV không gây triệu chứng rõ rệt và có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Vì vậy mà nhiều người không biết rằng mình đã từng hoặc đang nhiễm loại virus này.
Điều trị HPV bao gồm điều trị triệu chứng và các biến chứng/ thể bệnh nếu có. Đối với tình trạng ung thư, mỗi thể ung thư sẽ có cách điều trị khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về điều trị mụn cóc, nốt sùi – các tổn thương khi nhiễm HPV.
Đều trị mụn cóc bằng thuốc:
Thuốc trị mụn cóc sẽ được bôi trực tiếp vào tổn thương. Thường phải sử dụng nhiều lần và lâu dài mới cho kết quả tốt. Các loại thuốc thông dụng hiện nay bao gồm:
- Axit salicylic. Tác dụng phụ: có thể gây kích ứng da. Thường không được dùng cho da mặt.
- Imiquimod: thuốc kê đơn. Giúp tăng cường khả năng chống lại virus HPV của hệ miễn dịch. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm mẩn đỏ và sưng tấy tại vị trí bôi thuốc.
- Podofilox: thuốc kê đơn. Tác dụng là phá hủy mô mụn cóc sinh dục. Podofilox có thể gây bỏng và ngứa ở vùng da được bôi thuốc.
- Axit tricloaxetic. Giúp đốt cháy mụn cóc ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bộ phận sinh dục. Tác dụng phụ: có thể gây kích ứng tại chỗ. Phương pháp này chỉ được dùng tại cơ sở y tế.
Điều trị loại bỏ tổn thương bằng phẫu thuật:
- Đốt lạnh bằng nitơ lỏng.
- Đốt điện.
- Phẫu thuật cắt bỏ nốt sùi, mào gà và vùng da xung quanh.
- Phẫu thuật bằng tia laser.
Cần lưu ý rằng, các phương pháp trên chỉ loại bỏ được tổn thương gây ra bởi HPV. Tác dụng loại bỏ virus trong cơ thể gần như không có. Và virus còn tồn tại có thể gây ra những đợt sùi, mụn cóc mới tại vị trí khác. Vì vậy, theo dõi cẩn thận và lâu dài để trị liệu dứt điểm là cực kì quan trọng. Hiện nay, các khuyến cáo cho rằng cần theo dõi ít nhất 8 tháng mới có thể xác định đã khỏi hẳn chưa.
Riêng với trẻ em, mụn cóc thường tự khỏi mà không cần can thiệp. Tuy nhiên, vẫn gặp tình trạng tái phát nếu virus còn trong cơ thể.
Triệu chứng bệnh HPV
Bệnh cảnh điển hình là sùi mồng gà hay mào gà do HPV 16 hay HPV 18 gây ra.
Các dạng tổn thương (còn gọi là sang thương) thường gặp được mô tả như sau:
- Mụn cóc sinh dục. Chúng nhìn như những nốt u nhú nhỏ lồi lên nằm cạnh nhau. Thường được miêu tả như bông cải hay mào gà. Ở nữ giới, chúng hiện diện tại âm hộ, âm đạo, cổ tử cung hay gần hậu môn. Ở nam, chúng có ở dương vật, bìu hay xung quanh hậu môn. Đa phần mụn cóc sinh dục không gây đau. Chúng thường mềm mại và có thể gây ngứa nhẹ.
- Những nốt sần sùi gồ lên tại bàn tay, ngón tay. Những nốt này có thể dễ bị tổn thương, chảy máu gây đau đớn. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lí của người bệnh.
- Những nốt mụn có đầu phẳng xuất hiện ở vùng râu của nam, vùng mặt ở trẻ em. Ở phụ nữ nhiễm HPV, chúng thường xuất hiện tại chân.
- Những nốt mụn, vết loét có mủ trong miệng, lưỡi,… HPV ở miệng gây vết loét có mủ
Với các thể bệnh ung thư, giai đoạn đầu tiến triển khá dài và gần như không có triệu chứng gì đặc hiệu. Tuy nhiên, hiện nay phụ nữ có thể tầm soát phát hiện ung thư cổ tử cung sớm khi chưa có triệu chứng. Nhờ vậy mà việc điều trị được tiến hành sớm và có hiệu quả hơn.
Phòng ngừa HPV
Rất may là các loại virus HPV gần như có cùng nguyên tắc phòng ngừa.
Phòng ngừa HPV bằng lối sống:
Cách dễ nhất để ngăn ngừa nhiễm HPV là quan hệ tình dục an toàn. Cụ thể như sau:
- Tìm hiểu kỹ về bạn tình.
- Giảm số lượng bạn tình.
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ.
Phòng ngừa HPV với vaccine:
Ngoài ra, tiêm ngừa với vaccine HPV là một biện pháp nên làm.
Hiện nay có ba loại vaccine đã được chứng minh là có hiệu quả và đưa vào áp dụng. Gần đây nhất là Gardasil 9. Loại này được chấp thuận sử dụng cho nam và nữ từ 9 đến 45 tuổi. Mục đích là ngừa ung thư cổ tử cung và mụn cóc sinh dục.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo nên tiêm vaccine HPV định kỳ cho trẻ em gái và trẻ trai ở độ tuổi 11 và 12. Độ tuổi sớm nhất có thể tiêm là khi trẻ lên 9 tuổi.2 Việc tiêm vaccine khi còn trẻ không liên quan đến việc quan hệ tình dục sớm.
Hiệu quả của vaccine phát huy tốt nhất khi người tiêm chưa nhiễm virus HPV. Tác dụng của vaccine cũng tốt hơn trên những người trẻ tuổi. Hiện nay vaccine chủ yếu nhắm vào các loại HPV nguy cơ cao. Nếu được tiêm trước khi nhiễm virus, hiệu quả ngăn ngừa ung thư cổ tử cung rất khả quan.
CDC khuyến nghị tiêm vaccine ngừa HPV cho tất cả những người chưa được tiêm phòng đầy đủ cho tới 26 tuổi.2
HPV là một chủng gồm nhiều loại virus gây u nhú ở người. Đường lây quan trọng nhất của HPV là qua đường tình dục. Nhiễm HPV thường không gây triệu chứng hoặc biểu hiện bằng mụn cóc sinh dục, mụn cóc chân tay. Tình trạng mụn cóc thường dai dẳng, khó điều trị dứt điểm. Hai loại có nguy cơ cao nhất gây ung thư là HPV 16 và 18. Quan hệ an toàn, tiêm phòng và điều trị đủ thời gian là chìa khóa để phòng ngừa và dứt điểm triệu chứng của HPV.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Cervical cancerhttps://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/cervical-cancer
Ngày tham khảo: 13/02/2023
-
Human Papillomavirus (HPV) Vaccination: What Everyone Should Knowhttps://www.cdc.gov/vaccines/vpd/hpv/public/index.html
Ngày tham khảo: 08/04/2021