Các lưu ý khi mang thai mà ai cũng phải thuộc lòng
Nội dung bài viết
Khi mang thai, đặc biệt nếu là lần đầu tiên, các mẹ hẳn sẽ bối rối không biết cần lưu ý gì trong những tháng quan trọng này. Để bé được chăm sóc tốt nhất và đảm bảo được sức khỏe của mẹ, các mẹ cần tìm hiểu về những điều không nên làm trong quá trình mang thai. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho cho bạn các lưu ý khi mang thai mà ai cũng cần phải biết nhé.
1. Lưu ý trong ăn uống khi mang thai
Em bé lấy dinh dưỡng từ mẹ qua nhau thai. Do đó đảm bảo dinh dưỡng cho mẹ sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ phát triển. Sau đây là các lưu ý khi mang thai trong việc ăn uống.
1.1 Bổ sung vitamin A với lượng vừa phải
Vitamin A cần cho cơ quan nội tạng và thần kinh của thai nhi để phát triển, chúng cũng giúp mẹ sau sanh mau lấy lại được sức khỏe hơn. Vitamin A có trong hầu hết các loại thức ăn, các mẹ chỉ cần ăn uống đầy đủ là có thể có đủ lượng vitamin A cần thiết. Tuy nhiên, quá nhiều vitamin A cũng có thể dẫn đến dị tật ở trẻ. Do đó các loại thực phẩm như gan động vật là cần tránh vì nó chứa khá nhiều vitamin A.
1.2 Không nên ăn đồ ăn còn sống hoặc chưa nấu chín
Các loại thức ăn này dễ là nguồn sống của các loại vi trùng có hại. Sushi, sashimi… là những loại đồ ăn mà giới trẻ khá thích, tuy nhiên nếu mang bầu, bạn cần nên tránh xa những sở thích này nhé. Bạn chỉ nên ăn chúng nếu đã được nấu chín.
1.3 Không nên dùng thực phẩm có chứa thủy ngân
Thần kinh thai nhi dễ bị tác động bởi các thực phẩm chứa nhiều thủy ngân ví dụ như các loại cá sinh sống ở tầng sâu của biển. Cá ngừ cũng là một trong số những loại cá đó cho nên mẹ bầu cũng cần tránh ăn cá ngừ trong thời gian mang bầu.
1.4 Không nên đồ ăn quá nhiều muối
Một trong các lưu ý khi mang thai đó là không nên ăn quá mặn. Qua một số cơ chế đặc biệt, ăn quá mặn có thể khiến mẹ bầu thiếu hụt canxi để thai nhi phát triển tốt.
1.5 Không nên uống bia, rượu, cà phê
Những loại đồ uống này có tác động không tốt lên trí não của trẻ, đặc biệt caffein khiến cho mẹ bầu có nguy cơ sanh non, sẩy thai.
1.6 Nói không với thuốc lá
Ngay cả khi không mang bầu, thuốc lá đã là một mối nguy cho sức khỏe của bất cứ ai. Chất độc trong khói thuốc có thể khiến cho em bé có khả năng bị dị tật, sẩy thai, sanh non. Các mẹ nên tránh khói thuốc lá tối đa. Đây cũng là dịp tốt để khuyên các ông chồng bỏ thuốc lá vì sức khỏe của cả gia đình.
2. Lưu ý trong sinh hoạt khi mang thai
2.1 Đối với thú nuôi trong nhà
Mẹ bầu cần chú ý là phân thú nuôi, đặc biệt là của mèo, có thể chứa một loại vi trùng kí sinh, có tên là Toxoplasmosis. Nếu các mẹ có thói quen vuốt ve mèo thì sẽ dễ nhiễm loại kí sinh trùng này và gây nguy cơ dị tật cho em bé.
2.2 Hạn chế làm việc dễ gây té ngã
Những công việc như sửa quạt, sửa đèn trần, dọn dẹp màn cửa… nên nhường hết cho cánh đàn ông vì mẹ bầu nên nhớ rằng thăng bằng của các mẹ sẽ kém đi từ lúc bắt đầu có bầu.
2.3 Không khiêng đồ quá nặng
Bụng bầu của các mẹ đã là một gánh nặng quá lớn rồi nên tốt nhất là mẹ bầu đừng bắt mình phải gánh thêm điều gì nữa. Hãy để các đức lang quân thể hiện vai trò của mình nhé.
2.4 Không tự mua thuốc uống khi mang thai
Nếu chẳng may bị ốm, mẹ bầu cần nói ngay với bác sĩ là đang mang bầu, vì một số loại thuốc có thể có tác động không tốt đến thai nhi. Tuyệt đối không được tự mua thuốc uống.
3. Lưu ý riêng trong từng giai đoạn mang thai
3.1 Ba tháng đầu (tam cá nguyệt thứ nhất)
Trong giai đoạn này, khi bụng bầu chưa lớn, một câu hỏi rất được các cặp vợ chồng quan tâm đó là có nên “gần gũi” khi mang thai hay không. Thông thường, trong giai đoạn này, bé được bao bọc bởi một lớp nước ối và thành tử cung khá vững chắc. Do đó, khi bố mẹ “tình cảm” với nhau thì em bé cũng khó bị tổn thương. Dù vậy, trong giai đoạn này, các hoạt động quá dữ dội, quyết liệt tốt nhất là cần phải tránh.
Tuy nhiên sẽ có những tình huống mà em bé dễ bị nguy hiểm nếu ba mẹ không “kiêng cữ” trong 3 tháng đầu mang thai:
- Có dấu hiệu dễ sảy thai.
- Chảy máu vùng kín.
- Nhau ở vị trí thấp trong tử cung.
- Đã sanh non hoặc sẩy thai trước đây.
Xem thêm: Hạ huyết áp khi mang thai: Vấn đề mẹ bầu cần lưu ý
3.2 Ba tháng giữa (tam cá nguyệt thứ hai)
Trong thời gian này, phải tiếp tục tuân thủ lịch khám thai đầy đủ, giữ chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng. Đây là giai đoạn cân nặng mẹ tăng nhanh và bình quân tăng khoảng 10-12 kilogram.
Một tình trạng thường gặp ở giai đoạn 3 tháng giữa là bà mẹ sẽ cảm thấy trí nhớ kém hơn nên mẹ cần để đồ dùng theo cách nào đó dễ nhớ cho bản thân.
3.3 Ba tháng cuối (tam cá nguyệt thứ ba)
- Thời kì này mẹ sẽ tăng cân nhiều nhất, mỗi tuần tăng khoảng 0,5-1 kg.
- Thăng bằng cũng dần khó nhọc hơn với bà mẹ vì cái bụng ngày càng lớn, gia tăng khối lượng đè nặng lên khung xương.
- Khó thở, đau lưng, dãn tĩnh mạch có thể gặp.
- Khó ngủ vào ban đêm.
- Tăng số lần đi tiểu.
Mang thai là niềm vui sướng hạnh phúc của người mẹ, tuy nhiên bên cạnh đó là bao nỗi lo toan về sức khỏe bản thân và thai nhi. Mẹ bầu có thể sẽ bối rối khi nhận được nhiều lời khuyên, thông tin khác nhau từ những người có kinh nghiệm hơn. Qua các lưu ý khi mang thai nêu trên, hi vọng giúp các mẹ có cái nhìn khái quát và hiểu rõ hơn những điều cần làm để có một thai kỳ khỏe mạnh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
11 Things to Avoid During Pregnancy - What Not to Dohttps://www.healthline.com/health/pregnancy/things-not-to-do-while-pregnant
Ngày tham khảo: 20/10/2020
-
11 Foods and Beverages to Avoid During Pregnancy - What Not to Eathttps://www.healthline.com/nutrition/11-foods-to-avoid-during-pregnancy
Ngày tham khảo: 20/10/2020
-
The ultimate pregnancy to-do list: First trimesterhttps://www.babycenter.com/0_the-ultimate-pregnancy-to-do-list-first-trimester_10341205.bc
Ngày tham khảo: 20/10/2020