Cách điều trị dứt điểm viêm đường hô hấp trên
Nội dung bài viết
Đường hô hấp trên là nơi tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài và thực hiện chức năng hô hấp. Các bộ phận thuộc đường hô hấp trên bao gồm: mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản. Những bộ phận này có chức năng lấy không khí bên ngoài cơ thể, làm ẩm, lọc không khí trước khi đưa vào phổi. Viêm đường hô hấp trên là tình trạng viêm nhiễm ở các cơ quan này, làm cho quá trình hô hấp trở nên khó khăn.
1. Bệnh viêm đường hô hấp trên là gì?
Hệ hô hấp của con người được tính từ mũi đến phổi. Những bộ phận như mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản cấu tạo thành đường hô hấp trên.
Đường hô hấp trên là nơi tiếp xúc trực tiếp với không khí bên ngoài. Do đó, bộ phận này thường xuyên phải chịu các áp lực từ môi trường như bụi, lạnh, nóng, hơi độc, các loại virus, vi khuẩn, nấm mốc. Vì thế, bộ phận này dễ bị viêm nhiễm và dễ dẫn đến tình trạng viêm.
Viêm hô hấp trên là một trong những bệnh dễ mắc phải và dễ tái diễn. Mặc dù bệnh có thể tự khỏi nhưng sẽ luôn dẫn đến những phiền toái và ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh. Trẻ em là đối tượng dễ mắc phải bệnh này nhất vì có sức đề kháng kém.
2. Nguyên nhân của viêm đường hô hấp trên
Nguyên nhân của bệnh là do người bệnh bị nhiễm các loại virus (liên cầu khuẩn, phế cầu khuẩn và một số loại nấm…). Những loại virus này có mặt khắp nơi trong không khí. Chúng thường bám vào niêm mạc mũi họng. Khi có điều kiện thuận lợi chúng sẽ xâm nhập vào trong các tế bào niêm mạc sinh sản và gây viêm nhiễm.
Viêm đường hô hấp có thể do nhiều căn nguyên khác nhau. Dị ứng với thời tiết là một trong những nguyên nhân điển hình. Ngoài ra, còn do các loại dị nguyên khác nhau có trong không khí. Khói thuốc lá cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh.
3. Triệu chứng
- Đối với trẻ sơ sinh: triệu chứng điển hình là sốt nhẹ (khoảng 38,5 độ C), ho, chảy nước mũi, khò khè quấy khóc, bỏ bú….
- Đối với trẻ lớn: sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi…
- Người lớn: hắt hơi liên tục, khàn tiếng đến tắt tiếng vì dây thanh âm bị phù nề, viêm nhiễm.
Mặc dù đây không phải là bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng nó gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vì vậy, nếu nghi ngờ bị viêm hô hấp trên bạn nên đi khám bác sĩ để điều trị dứt điểm và tránh tái lặp.
4. Cách điều trị viêm hô hấp trên
Thông thường, bác sĩ có thể gợi ý cho bạn những phương pháp giúp làm giảm tình trạng của bệnh như:
- Dùng thuốc rửa mũi: phương pháp này có thể cải thiện tình trạng hô hấp. Nhưng hiệu quả điều trị có thể giảm đi nếu sử dụng thuốc liên tục.
- Xông hơi và súc miệng bằng nước muối: đây là cách an toàn để làm giảm các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên.
- Thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm và thuốc hạ sốt thường được sử dụng. Những loại thuốc này thường được bác sĩ chỉ định và kê đơn.
5. Làm thế nào để phòng tránh bệnh viêm hô hấp trên hiệu quả?
Để phòng tránh các bệnh về đường hô hấp trên, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người có mầm bệnh.
- Luôn vệ sinh tay bằng xà phòng để loại trừ virus xâm nhập.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài đường hoặc ở nơi có mầm bệnh.
- Tránh những nơi có nhiệt độ cao.
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh.
6. Những đối tượng thường mắc phải viêm đường hô hấp trên
Theo các chuyên gia, viêm đường hô hấp trên thường lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp. Nguy cơ lây bệnh sẽ càng cao khi:
- Bệnh nhân hắt hơi nơi công cộng, điều này làm cho virus dễ phát tán trong cộng đồng.
- Sống hoặc làm việc trong khu vực khép kín hoặc dân cư đông đúc. Những người ở trong bệnh viện, công ty, trường học có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do phải tiếp xúc nhiều. Do những nơi này không khí thường không được lưu thông tốt nên tồn tại nhiều mầm bệnh.
- Khi bạn dụi mắt hoặc ngoáy mũi: virus có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua những hành động đó.
- Khi thời tiết chuyển sang lạnh và mọi người có xu hướng ở trong nhà.
- Trong trường hợp hệ miễn dịch của bạn suy yếu, virus và vi khuẩn sẽ dễ dàng tấn công và gây bệnh hơn.
Trẻ em là những đối tượng dễ mắc phải viêm hô hấp trên nhất. Vì vậy, bố mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ để tăng sức đề kháng. Ngay khi thấy triệu chứng sốt, biếng ăn thì cần cho trẻ ăn chế độ ăn mà trẻ ưa thích. Đồ ăn mềm, có nước, bảo đảm dưỡng chất, năng lượng, đạm trong khẩu phần như súp gà, súp bò. Trong súp, nên cho thêm chất béo như dầu cá hồi làm tăng khả năng miễn dịch cho trẻ. Ngoài ra, cho trẻ uống thêm sữa, tăng cường cho trẻ uống nước. Đặc biệt, phụ huynh nên bổ sung nước hoa quả tươi cung cấp nhiều vitamin C.
Bệnh viêm đường hô hấp trên là căn bệnh không quá nguy hiểm và có thể chữa dứt điểm. Tuy nhiên do thái độ chủ quan của người bệnh, tự điều trị tại nhà không theo chỉ định của bác sĩ gây nên các biến chứng nguy hiểm. Do đó khi mắc bệnh, bạn cần tuân theo những chỉ dẫn của bác sĩ. Giữ ấm và ăn uống điều độ để tăng cường sức đề kháng của bản thân.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Đường hô hấp trên gồm những bộ phận nào?
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/duong-ho-hap-tren-gom-nhung-bo-phan-nao/
Ngày tham khảo: 08/06/2019
-
Upper Respiratory Tract Infectionhttps://emedicine.medscape.com/article/302460-overview
Ngày tham khảo: 08/06/2019