YouMed

Cách xử trí khi bị đau mắt cá chân

Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân
Chuyên khoa: Phục hồi chức năng

Đau mắt cá chân thường xuất hiện sau té ngã hay tập luyện thể thao. Cơn đau có thể nặng nề hay âm ỉ, kéo dài, đều có thể ảnh hưởng đến công việc, chất lượng cuộc sống của bạn. Việc trang bị những kiến thức cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng, cách xử trí khi bị đau mắt cá chân phần nào giúp bạn giải tỏa những thắc mắc và vượt qua cơn đau này. Vì vậy, hãy cùng YouMed tìm hiểu những thông tin đó trong bài viết sau đây nhé!

1. Tìm hiểu về đau mắt cá chân

Đau mắt cá chân được cho là bất kì cảm giác khó chịu nào ở vùng mắt cá chân. Tình trạng này có thể gây ra bởi một chấn thương như bong gân, hoặc bởi một bệnh lí nào đó, như viêm khớp.

Theo một nghiên cứu cho thấy, bong gân là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây đau mắt cá chân. Nó chiếm đến 85% tất cả các chấn thương vùng cổ chân. Bong gân xảy ra khi dây chằng (là mô giúp kết nối xương với xương) bị rách hoặc trở nên quá căng.

Hầu hết bong gân vùng cổ chân là bong gân xảy ra vùng bên. Nghĩa là nó thường xảy ra khi cổ chân của bạn bị lắn, khiến cho mắt cá chân ngoài bị xoắn vặn xuống mặt đất. Hành động này làm cho dây chằng bị kéo dãn hay bị rách.

Bong gân thường sẽ gây sưng và bầm tím trong vòng 7-14 ngày. Tuy nhiên, nó cũng có thể kéo dài vài tháng mới lành hoàn toàn trong những trường hợp nặng.

Ngoài ra, tình trạng sưng đau mắt cá chân còn có thể do nhiều bệnh lý khác nhau gây ra. Theo đó, tùy vào nguyên nhân nào, bác sĩ sẽ có cách xử trí phù hợp, giải quyết cơn đau cho người bệnh.

>>> Xem thêm: Bong gân dưới góc nhìn của y học hiện đại

2. Nguyên nhân gây đau mắt cá chân là gì?

Như đã nói, bong gân là một nguyên nhân thường gặp gây đau mắt cá chân. Bong gân thường xảy ra khi cổ chân bị lăn hoặc xoắn vặn, đến nỗi mắt cá ngoài di chuyển trên mặt đất. Các dây chằng nối xương ở vùng cổ chân dễ bị rách ở tư thế này. Ngoài ra, tư thế bàn chân này cũng có thể gây phá hủy sụn và gân vùng cổ chân của bạn.

Ngoài ra, có nhiều nguyên nhân khác gây đau mắt cá chân. Có thể kể đến như là:

  • Viêm khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp.
  • Bệnh gút.
  • Tổn thương hay phá hủy dây thần kinh, ví dụ như đau dây thần kinh tọa.
  • Tắc nghẽn mạch máu.
  • Nhiễm trùng khớp.

Gút xảy ra khi nồng độ acid uric tích tụ trong cơ thể. Nồng độ acid uric cao hơn mức bình thường có thể lắng đọng thành các tinh thể acid uric tại khớp. Điều này gây là những cơn đau chói tại khớp.

Những chấn thương khi tập luyện thể thao thường dẫn đến đau mắt cá chân.
Những chấn thương khi tập luyện thể thao thường dẫn đến đau mắt cá chân.

Giả gút là một tình trạng tương tự như gút. Khi đó, canxi bồi đắp, tích tụ tại các khớp. Các triệu chứng của gút và giả gút đều là đau, sưng và đỏ khớp.

>>> Vậy người bị bệnh gout nên ăn gì và tránh ăn gì? cùng tìm hiểu nhé!

Viêm khớp là một tình trạng khớp bị viêm, cũng có thể gây đau mắt cá chân. Nhiều loại viêm khớp có thể gây đau vùng mắt cá chân. Nhưng trong đó, thoái hóa khớp là nguyên nhân thường gặp nhất. Thoái hóa khớp thường xảy ra bởi sự hao mòn trên khớp. Vì vậy, người lớn tuổi thường có nguy cơ thoái hóa khớp cao hơn.

Viêm khớp nhiễm trùng cũng là một loại viêm khớp. Trong đó, viêm khớp nhiễm trùng xảy ra do bị nhiễm vi khuẩn hoặc nấm. Tình trạng này có thể gây đau mắt cá chân, nếu vùng cổ chân là một trong những vùng bị nhiễm trùng.

3. Cách chăm sóc đau mắt cá chân tại nhà

3.1 Phương pháp PRICE

Để điều trị một tình trạng đau mắt cá chân tại nhà, phương pháp PRICE được khuyến cáo. Phương pháp này bao gồm:

P (Protect – Bảo vệ)

Nghĩa là bảo vệ vùng bị tổn thương khỏi những tổn thương thêm nữa. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn mang nẹp để bảo vệ.

R (Rest – Nghỉ ngơi)

Tránh để mắt cá chân của bạn phải chịu lực, chịu sức nặng cơ thể. Hãy cố gắng di chuyển ít nhất có thể trong vài ngày đầu. Sử dụng nạng hoặc gậy nếu bạn cần phải di chuyển.

I (Ice –  chườm đá)

chườm đá giúp giảm đau mắt cá chân
Chườm đá vài ngày sau chấn thương là phương pháp giảm đau, giảm viêm đơn giản mà hữu hiệu.

Chườm đá là một phương pháp đơn giản nhưng lại vô cùng hữu hiệu. Bởi chườm đá giúp giảm đau và giảm sưng rất hiệu quả. Bạn chỉ cần chuẩn bị một túi đựng đá hay một chiếc khăn ẩm, và không thể thiếu đá lạnh nhé. Chườm đá lên vùng mắt cá chân ít nhất 20 phút mỗi lần. Thực hiện chườm đá 3-5 lần một ngày trong 3 ngày đầu sau chấn thương. Khoảng cách giữa mỗi lần ít nhất là 90 phút. Lưu ý, bạn không nên chườm đá lạnh trực tiếp lên da. Vì điều này có thể gây bỏng da nhé.

C (Compression – Băng ép)

băng ép cổ chân giúp giảm đau mắt cá chân
Minh họa hình ảnh băng ép cổ chân. Băng ép với lực vừa phải, không gây cảm giác tê bì vùng chân.

Bạn nên băng quanh vùng mắt cá chân bị thương của bạn bằng một miếng băng thun. Lưu ý, không quấn băng thun quá chặt khiến cho vùng cổ chân của bạn trở nên tê hoặc những ngón chân trở nên tái nhợt.

E (Elevation – Nâng cao chi)

Bất cứ khi nào có thể, hãy giữ vùng cổ chân được nâng cao hơn mức tim. Đơn giản nhất là bạn hãy dùng một chiếc gối để kê cao vùng cổ chân khi nằm. Việc nâng cao chân giúp giảm sưng vùng cổ chân nhanh hơn.

3.2 Một số phương pháp khác

Bạn cũng có thể dùng một số thuốc giảm đau thông thường, không cần kê toa của bác sĩ. Ví dụ: acetaminophen, ibuprofen…. Những thuốc này giúp giảm đau và giảm sưng.

thuoc-giam-dau-mat-ca-chan
Những loại thuốc giảm đau thông thường cũng có thể giúp bạn giảm đau, giảm viêm.

Mỗi khi cơn đau của bạn dịu đi, hãy nhẹ nhàng tập luyện vùng cổ chân bằng cách xoay tròn cổ chân. Xoay tròn cổ chân theo cả hai hướng, và dừng lại nếu nó gây đau.

Bạn cũng có thể dùng tay để gấp cổ chân lên và xuống. Những bài tập này sẽ giúp cổ chân bạn lấy lại được tầm hoạt động, giúp giảm sưng và tăng tốc độ phục hồi.

Nếu đau vùng mắt cá chân là do viêm khớp, bạn sẽ không thể tự làm vết thương lành hoàn toàn. Tuy nhiên, sau đây là một vài cách mà bạn có thể quản lí nó:

  • Sử dụng thuốc giảm đau tại chỗ.
  • Uống thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) để giảm đau, sưng và viêm.
  • Duy trì hoạt động thể chất và theo một chương trình thể dục tập trung vào bài tập có cường độ vừa phải.
  • Luôn giữ thói quen ăn uống lành mạnh.
  • Kéo dãn để duy trì một tầm vận động tốt cho khớp.
  • Giữ cân nặng ở mức hợp lí, điều này sẽ làm giảm áp lực tác động lên khớp của bạn.

>>> Xem thêm: Thể dục với bệnh nhân cơ xương khớp

4. Các phương pháp điều trị đau mắt cá chân

Nếu những phương pháp thay đổi lối sống và uống thuốc giảm đau thông thường không hiệu quả, có lẽ đã đến lúc xem xét các lựa chọn khác.

Một miếng đệm giày hoặc nẹp cổ chân hay bàn chân là một cách điều trị không phẫu thuật. Mục đích để giúp điều chỉnh lại cấu trúc khớp, góp phần giảm đau và sự khó chịu. Luôn có sẵn các kích thước, mức độ cứng khác nhau, vai trò hỗ trợ nhiều cấu trúc khác nhau của bàn chân, tái phân bố lại trọng lượng cơ thể. Vì vậy chúng giúp bạn giảm đau.

dau-mat-ca-chan
Miếng lót giày giúp nâng đỡ bàn chân trong khi đi lại, có thể làm giảm bớt những triệu chứng đau vùng cổ chân.

Nẹp cổ chân cũng hoạt động với cơ chế tương tự. Những loại nẹp này có nhiều kích cỡ và mức độ hỗ trợ khác nhau. Một số nẹp có thể mang cùng với giày thông thường, trong khi những cái khác dường như bao phủ luôn cả bàn chân, cổ chân của bạn.

Mặc dù các nhà thuốc có thể bán sẵn miếng đệm hay nẹp, nhưng tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn lựa sự hỗ trợ hợp lí nhất cho bản thân.

Tiêm steroid cũng có thể được dùng để giảm đau và giảm viêm. Việc tiêm loại thuốc có tên corticosteroid, có vai trò giảm sưng, giảm đau, giảm cứng khớp tại vùng bị tác động.

>>> Ngoài ra, bạn nên bổ sung thêm các loại vitamin có trong các loại thực phẩm sau để giúp xương chắc khỏe cũng như phòng ngừa các bệnh về cơ xương khớp nhé!

Hầu hết quy trình tiêm này chỉ mất vài phút, và giảm đau trong vài giờ, trong khi hiệu quả được cho là kéo dài từ 3 đến 6 tháng. Nói chung đây là một thủ thuật không xâm lấn, nhanh chóng. Việc thực hiện cần được sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, thủ thuật này cần được thực hiện bởi một bác sĩ chuyên gia.

5. Khi nào cần hỏi ý kiến bác sĩ?

Trong khi hầu hết bong gân cổ chân có thể lành với thuốc giảm đau thông thường và chăm sóc tại nhà, điều quan trọng cần biết là khi nào chấn thương đã tiến triển qua mốc đó.

Những người bị sưng hoặc thâm tím nghiêm trọng, cùng với việc không thể chống chân hoặc chịu áp lực lên vùng mà không bị đau đáng kể, nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Một quy tắc chung khác đó là cần đi khám bác sĩ nếu các triệu chứng không cải thiện trong suốt những ngày đầu.

>>> Cùng xem Top 7 bệnh viện và phòng khám cơ xương khớp chất lượng tốt và uy tín tại TP.HCM nếu bạn vẫn chưa biết mình sẽ khám ở đâu nhé!

6. Tổng kết

Tình trạng đau mắt cá chân không phải là tình trạng hiếm gặp. Đau mắt cá chân thường xảy ra bởi các chấn thương thông thường như bong gân, hoặc các tình trạng bệnh lí như viêm khớp, bệnh gút, tổn thương thần kinh. Triệu chứng đau thường đi kèm sưng, bầm tím trong 1 đến 2 tuần.

Trong thời gian này, hãy cố gắng nghỉ ngơi, nâng cao chân, chườm đá 3-5 lần một ngày trong vài ngày đầu. Thuốc giảm đau thông thường cũng có thể có ích. Nhưng nếu cơn đau vẫn còn kéo dài sau đó, hãy đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị thích hợp.

Những thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu có bất kì thắc mắc hay lo lắng gì, hãy liên hệ ngay với bác sĩ của bạn. Tuyệt đối không tự ý điều trị!

Hy vọng bài viết cung cấp được những thông tin hữu ích về nguyên nhân, cách xử trí khi bị đau mắt cá chân nhằm giải tỏa bớt lo âu của bạn đọc. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!

Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Healthline (2020), What to Know About Ankle Pain, https://www.healthline.com/symptom/ankle-pain, truy cập vào 09/05/2020.
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người