YouMed

Cân nặng trẻ sơ sinh như thế nào là hợp lý?

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Phan Lê Nam
Tác giả: ThS.BS Phan Lê Nam
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Đối với trẻ mới sinh đủ tháng, cân nặng trung bình khoảng 3 – 3,5 kg, chiều dài khoảng 48 – 50 cm, vòng đầu khoảng 34 – 35 cm. Tuy nhiên, có những trẻ sơ sinh sinh đủ tháng, khỏe mạnh có mức cân nặng ở trên hoặc dưới mức trung bình này. Và đương nhiên không phải bé nào cũng đủ ngày đủ tháng mới chào đời, sẽ có những bé sinh non tháng hơn và những bé sinh muộn hơn so với ngày dự sanh. Vậy đâu là vấn đề? Cùng tìm hiểu đôi nét qua bài viết dưới đây nhé!

Các mức độ cân nặng

Thông thường có hai cách để phân độ cân nặng lúc sinh cho bé mới chào đời.

1. Dùng cân nặng tuyệt đối

Chia ra 5 mức độ, như sau:

  • Cân nặng lúc sinh cực thấp: dưới 1000 gram.
  • Cân nặng lúc sinh rất thấp: trong khoảng 1000 gram đến dưới 1500 gram.
  • Cân nặng lúc sinh thấp: trong khoảng 1500 gram đến dưới 2500 gram.
  • Cân nặng lúc sinh bình thường: trong khoảng 2500 gram đến 4000 gram.
  • Cân nặng lúc sinh cao: trên 4000 gram.

2. Dùng chỉ số tuổi thai

Có nghĩa là cân nặng của bé ở độ tuổi thai khi chào đời, chia thành 3 mức độ, như sau:

  • Nhỏ so với tuổi thai: cân nặng lúc sinh nhỏ hơn bách phân vị thứ 3 so với các em bé sinh ra ở cùng độ tuổi thai.
  • Thích hợp với tuổi thai: cân nặng lúc sinh từ bách phân vị thứ 3 đến bách phân vị thứ 97 so với các em bé khác được sinh ra ở cùng độ tuổi thai.
  • Lớn so với tuổi thai: cân nặng lúc sinh lớn hơn bách phân vị thứ 97 so với các em bé khác sinh ra ở cùng độ tuổi thai.

3. So sánh giữa hai cách này

Cân nặng tuyệt đối:

  • Ưu điểm: nhanh, dễ hiểu, dễ sử dụng, ước lượng được trong những trường hợp thông thường hay trường hợp đặc biệt. Ví dụ những trẻ cân nặng lúc sinh cực thấp, rất thấp, thấp, cao (nhiều).
  • Nhược điểm: chỉ là một chỉ số, không đánh giá được sự tăng trưởng của bé có thực sự phù hợp. Đặc biệt dễ bỏ sót trong những trường hợp cân nặng ở mức bình thường hay khoảng giới hạn trên của cân nặng lúc sinh thấp và khoảng giới hạn dưới của cân nặng lúc sinh cao.

Chỉ số tuổi thai:

  • Ưu điểm: chính xác hơn, đánh giá được sự tăng trưởng của bé tốt hơn trong những trường hợp dễ bỏ sót (nêu trên).
  • Nhược điểm: khó sử dụng hơn, cần có phương tiện hay công cụ trợ giúp (biểu đồ tăng trưởng theo tuổi thai và biểu đồ tăng trưởng sau sinh cho trẻ từ 0 tuổi).

Cân nặng của bé quan trọng không?

Cân nặng của em bé là một trong nhiều công cụ quan trọng mà bác sĩ có thể sử dụng để giúp xác định xem em bé của bạn có phát triển như mong đợi hay có thể có vấn đề đáng lo ngại tiềm ẩn.

Tại sao tất cả các phân loại khác nhau?

  • Những phân loại này rất hữu ích vì chúng thường cung cấp thông tin cho phương pháp chăm sóc và điều trị lâm sàng tương ứng thời điểm bé chào đời.
  • Cân nặng lúc sinh có thể dự đoán các biến chứng sức khỏe ngắn và dài hạn. Bao gồm nguy cơ mắc bệnh mãn tính, ngay cả trong những ca sinh đủ tháng.
  • Hai thang phân độ cân nặng ở trên có thể được sử dụng cùng nhau. Ví dụ, một đứa trẻ sinh non có thể được sinh ra với cân nặng khi sinh thấp hoặc thậm chí cân nặng cực kỳ thấp, nhưng vẫn có cân nặng phù hợp với tuổi thai của mình. Mặt khác, một em bé đủ tháng được sinh ra ở mức 2500 gram có thể sẽ được phân loại là nhỏ so với tuổi thai.

Mức độ quan trọng của cân nặng

Tùy tình huống mà bác sĩ sẽ sử dụng phân độ nào để sử dụng vào thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, thông thường các bác sĩ sẽ sử dụng chỉ số tuổi thai để đánh giá và theo dõi cân nặng cho trẻ. Đồng thời biểu đồ tăng trưởng theo tuổi thai cũng được in trong sổ khám thai và hướng dẫn cho mẹ bầu. Mẹ có thể tự theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng như tự đánh giá được cân nặng của con mình lúc sinh theo tuổi thai khi bé chào đời.

Qua đó mẹ có kinh nghiệm trong việc theo dõi cân nặng và các chỉ số khác của em bé qua các biểu đồ tăng trưởng khác nhau (cân nặng theo tuổi, cân nặng theo chiều cao, chiều cao theo tuổi,…). Nhờ vậy giúp cho việc chăm con trở nên tốt hơn và dễ dàng hơn. Và chắc chắn sẽ giúp ích được cho các bác sĩ Nhi khoa khi theo dõi sức khỏe con bạn được tốt hơn.

Đọc đến đây chắc hẳn bạn đang thắc mắc: Vậy bách phân vị là gì? Chỉ số tuổi thai giải thích như thế nào? Phần tiếp theo sẽ giải thích cho bạn rõ hơn về thuật ngữ này.

Giải thích chỉ số cân nặng

Số bách phân vị có nghĩa là số phần trăm em bé sinh ra có cân nặng thấp hơn con bạn ở cùng độ tuổi đó. Ví dụ: con bạn có cân nặng lúc mới sinh vào tuần 39 thai kỳ ở bách phân vị thứ 75, có nghĩa là 75% em bé mới sinh ở tuần thứ 39 thai kỳ có cân nặng lúc sinh thấp hơn con bạn và 25% nặng hơn con bạn. Số bách phân vị thứ 75 này nằm trong khoảng 3 đến 97 (phân độ ở theo chỉ số tuổi thai ở trên) thuộc nhóm cân nặng thích hợp với tuổi thai, có nghĩa là con bạn có cân nặng phù hợp với độ tuổi thai 39 tuần.

Tuy nhiên, ở một bách phân vị thấp hoặc cao không có nghĩa là em bé của bạn sẽ bị thiếu cân hoặc thừa cân trong suốt quá trình phát triển. Nó cũng không đồng nghĩa rằng là có vấn đề gì đó không ổn với em bé của bạn.

Thay vào đó, các bác sĩ sẽ quan tâm đến việc theo dõi xem liệu em bé của bạn có giảm bách phân vị cân nặng theo thời gian hay không. Có nghĩa là hình dạng biểu độ cân nặng của bé qua mỗi tháng. Và đương nhiên việc này cần bạn mỗi tháng đều cho bé đi khám để bác sĩ có thể đánh dấu vào biểu đồ tăng trưởng của con hoặc bạn có thể tự làm việc này tại nhà.

Cách làm:

Mỗi tháng bạn ghi lại cân nặng của bé bằng đánh dấu vào biểu đồ cân nặng theo tuổi, sau đó nối mỗi 2 điểm liên tiếp lại với nhau, bạn sẽ ra được hình dạng biểu đồ cân nặng con bạn theo một trong 3 kiểu như sau:

  • Tăng trưởng theo chiều hướng tăng.
  • Tăng trưởng không tăng không giảm.
  • Tăng trưởng theo chiều hướng giảm.

Lưu ý:

Sự phát triển của bé trai và bé gái khác nhau, đặc biệt trong những tháng đầu đời, bé trai thường lớn nhanh hơn bé gái, sau đó tốc độ có sự thay đổi khác nhau. Vậy nên hãy dùng đúng bảng để theo dõi cho con mình nhé!

bảng cân nặng của trẻ 1

bảng cân nặng của trẻ 2
Bảng cân nặng chuẩn của trẻ theo độ tuổi (Nguồn: WHO 2015).

Các yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng lúc sinh của bé

Cân nặng sơ sinh của bạn được xác định bởi nhiều yếu tố, bao gồm:

1. Thời gian mang thai

Em bé sinh trước ngày sự sanh thường nhỏ hơn.

2. Tuổi người mẹ

Bà mẹ trẻ (tuổi teen) thường có khuynh hướng sinh em bé nhỏ hơn, trong khi em bé của những bà mẹ từ 35 tuổi trở lên lại có khuynh hướng lớn hơn mức trung bình.

3. Sự di truyền

Di truyền có vai trò quan trọng trong cân nặng mới sinh của bé, với đặc điểm của cả cha lẫn mẹ đều quan trọng. Tuy nhiên có một sự khác biệt rằng cân nặng lúc sinh của người mẹ có ảnh hưởng đến cân nặng của bé nhiều hơn là cân nặng lúc sinh của người cha.

4. Hút thuốc lá

Nếu người mẹ hút thuốc lá trong quá trình mang thai thì sẽ có khuynh hướng em bé lúc sinh ra nhỏ hơn mức trung bình do thuốc lá làm giảm lượng chất dinh dưỡng từ mẹ qua thai nhi. Còn nếu mẹ hút thuốc lá thụ động thì cũng xảy ra vấn đề em bé nhẹ cân hơn so với tuổi thai, ngoài ra còn gặp những biến chứng khác như chậm tăng trưởng trong tử cung.

5. Chế độ dinh dưỡng

Dinh dưỡng bà mẹ đóng vai trò quan trọng đối với cân nặng lúc sinh của trẻ. Tùy cân nặng của mẹ trước mang thai mà bác sĩ sẽ khuyến cáo tổng cân nặng có thể tăng trong suốt thai kỳ. Và vấn đề tăng cân của mẹ có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm điều kiện kinh tê, tình trạng sức khỏe trước lúc mang thai và trong thai kỳ, và di truyền.

che-do-dinh-duong-anh-huong-den-can-nang-thai-nhi
Chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ ảnh hưởng rất nhiều đến cân nặng của trẻ.

6. Sức khỏe tổng thể cả gia đình

Sức khỏe của cả mẹ và bố đều có thể tác động đến cân nặng khi sinh của em bé. Một số yếu tố liên quan đến sức khỏe bao gồm:

  • Cân nặng của mẹ khi thụ thai: Những bà mẹ nặng cân hơn khi mang thai có xu hướng sinh con lớn hơn.
  • Đường huyết và huyết áp của mẹ: Tiền căn mẹ cao huyết áo trước khi mang thai hay tăng huyết áp thai kỳ đều liên quan đến tình trạng bé sinh ra nhỏ hơn. Cũng như tiền căn mẹ có đái tháo đường từ trước khi mang thai hay đái tháo đường thai kỳ cũng đều liên quan đến em bé sinh ra lớn hơn.
  • Tình trạng tử cung: Có một số tình trạng tử cung di truyền (chẳng hạn như tử cung 2 sừng, tử cung đôi… bẩm sinh) cũng như các tình trạng mắc phải (u xơ tử cung) có thể dẫn đến cân nặng khi sinh thấp hơn do tử cung nhỏ hơn để em bé phát triển.• Lạm dụng chất gây nghiện: Sử dụng rượu, cũng như lạm dụng các chất được kiểm soát khác, có thể ảnh hưởng đến cân nặng của em bé.

7. Các yếu tố khác

Trong khi nhiều yếu tố trên là những thứ có thể được sửa đổi, có những yếu tố bổ sung hơn không thể:

  • Giới tính: Con trai có xu hướng nặng hơn một chút khi sinh so với con gái.
  • Thứ tự sinh: con đầu lòng thường nhỏ hơn so với các em của bé, bé càng sanh sau càng có cân nặng lớn hơn.
  • Đa thai: trẻ sinh đôi, sinh ba,… có cân nặng nhỏ hơn so với trẻ sinh đơn. Tùy thuộc vào số lượng và không gian chúng phải chia sẻ mà ảnh hưởng cân nặng của bé.
  • Chủng tộc: Em bé da trắng có xu hướng nặng hơn em bé châu Á, người Mỹ gốc Phi hoặc người Mỹ bản địa.

Cân nặng của trẻ thay đổi như thế nào trong tháng đầu?

Nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh khỏe mạnh thường sụt cân ở những ngày đầu sau sinh, được gọi là sụt cân sinh lý. Giảm cân này khoảng 5 phần trăm trọng lượng cơ thể nếu trẻ bú sữa ngoài, và 7 đến 10 phần trăm ở trẻ bú sữa mẹ. Nguyên nhân do trong cơ thể bé còn một lượng dịch đang được thải ra ngoài trong thời gian này.

Ngay sau đó, em bé bắt đầu tăng cân trở lại, lấy lại trọng lượng đã mất trong vòng 10 đến 14 ngày.

Đồng thời, ngay trước hoặc trong giai đoạn tăng trưởng, bé yêu của bạn có thể quấy khóc nhiều hơn bình thường. Cũng có thể bú nhiều cử hơn hoặc lượng sữa một lần bú nhiều hơn. Hay bé cũng có thể ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường.

Và ngay sau đó không lâu bạn sẽ nhận thấy rằng quần áo của bạn nhỏ đã ngắn hơn, chật hơn và sẵn sàng để được mặc quần áo mới có kích cỡ lớn hơn rồi!

Cứ như vậy, tốc độ lớn của bé sẽ tăng đều đặn mỗi ngày, từ cân nặng, đến chiều cao và cả vòng đầu trong tháng đầu đời này.

Trung bình mỗi ngày bé sẽ tăng 20 – 30 gram cân nặng, như vậy trung bình sau tháng đầu cân nặng của bé sẽ tăng khoảng 500 gram – 900 gram. Và dài thêm khoảng 2 cm.

Nếu cân nặng sơ sinh thấp thì sao?

Trẻ thiếu cân khi cân nặng trong tuần đầu sụt hơn 10 phần trăm trọng lượng, hoặc sau giai đoạn sụt cân sinh lý trẻ không tăng cân trở lại mà giữ nguyên hoặc tiếp tục sụt kí.

Em bé có thể gặp khó khăn khi tăng cân vì nhiều lý do. Bao gồm các nguyên nhân sau:

  • Khó bú: do mẹ không biết cách cho bé ngậm bắt vú hay bé không ngậm bắt được vú mẹ để bú.
  • Không bú đủ lượng một lần, không đủ năng lượng một lần, không đủ bữa một ngày.
  • Sữa không phù hợp cho bé, không đủ dinh dưỡng (sữa đặc, sữa đậu nành,…).
  • Bé nôn trớ nhiều.

Nôn trớ

  • Nhiễm trùng sơ sinh.
  • Bệnh lý: trào ngược dạ dày thực quản (vì dạ dày bé còn nằm ngang), dị tật bẩm sinh vùng mũi miệng, vòm họng, hay bệnh tim bẩm sinh,…

Khi em bé không tăng cân bình thường:

Nó có thể báo hiệu các vấn đề như thiếu dinh dưỡng hoặc vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Là một vấn đề đáng lo ngại vì nó có thể ảnh hưởng đến các khả năng bé đạt được ở các mốc phát triển. Nó cũng có thể có tác động xấu đến hệ thống miễn dịch của con bạn.

Lúc này nên đưa con đến gặp bác sĩ Nhi khoa để con bạn được thăm khám, tìm ra nguyên nhân và điều trị (nếu cần).

Lo ngại về sức khỏe cho trẻ có cân nặng sơ sinh lớn?

Nếu bạn bị tiểu đường hoặc tiểu đường thai kỳ, bạn có thể có một em bé lớn hơn. Trẻ sơ sinh có cân nặng trên trung bình có thể cần được chăm sóc y tế thêm để đảm bảo lượng đường trong máu được giữ ở mức bình thường.

Em bé của bạn cũng có thể nặng hơn mức trung bình nếu bạn tăng nhiều hơn mức cân nặng được đề nghị trong thai kỳ. Đây là một trong những lý do tại sao nó rất quan trọng để duy trì chế độ ăn uống lành mạnh trong khi bạn mang thai.

Ở Việt Nam, phụ nữ mang thai có cân nặng trước sinh trong giới hạn bình thường thường được khuyến nghị tăng từ 8 đến 12 kilogram suốt thai kỳ. Tuy nhiên, bác sĩ có thể khuyên bạn tăng hoặc giảm nhiều hơn tùy vào cân nặng và sức khỏe trước khi mang thai.

Tăng cân ở trẻ sơ sinh

Trong 6 đến 12 tháng đầu đời thường không phải là vấn đề đáng lo ngại.

Đặc biệt, trẻ bú sữa mẹ thường tăng cân nhanh hơn trong 6 tháng đầu, sau đó chậm lại. Thỉnh thoảng, những em bé nặng hơn có thể bò và đi muộn hơn những em bé khác.

Do đó, giúp em bé của bạn có trọng lượng khỏe mạnh khi chúng lớn lên và bắt đầu ăn dặm là việc quan trọng. Làm như vậy có thể giúp bé duy trì cân nặng bình thường sau này. Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn lo lắng về cân nặng của bé nhé!

Bạn nên làm gì nếu bạn lo lắng về sức khỏe của bé?

Nếu bạn lo lắng rằng em bé của bạn thiếu cân hoặc thừa cân, hãy đến gặp Bác sĩ Nhi khoa để được khám và tư vấn. Bạn sẽ được giải thích tốc độ tăng trưởng của bé có hợp lý hay không. Lúc đó bác sĩ sẽ cùng bạn lên kế hoạch dinh dưỡng cho bé. Từ đó có thể giúp bạn xác định số lượng thức ăn bạn nên cung cấp mỗi ngày.

Khi bé gặp vấn đề về tăng cân mà nguồn sữa mẹ có giới hạn, bác sĩ có thể đề nghị bổ sung sữa mẹ bằng sữa công thức. Nếu em bé của bạn gặp khó khăn khi bú, hãy cùng thảo luận với bác sĩ để được hướng dẫn, có thể giúp bạn tìm những tư thế thoải mái để bế bé và đưa ra những gợi ý cũng như hỗ trợ để cho con bú hiệu quả.

Ngoài ra còn có các bài tập bú bạn có thể thử để giúp bé ngậm bắt vú dễ dàng hơn. Ví dụ như mát xa cằm hoặc chạm nhẹ vào môi của bé.

Cách để xác định xem em bé của bạn có đủ dinh dưỡng hay không?

Là theo dõi số lần đi tiêu và tã ướt mỗi ngày.

  • Trẻ sơ sinh 3 ngày đầu đi tiêu phân su màu xanh đen, có thể 1 lần/ngày.
  • Trong tuần đầu, bé có thể đi ướt từ 6 đến 8 tã mỗi ngày và vài lần đi tiêu phân vàng, mềm.
  • Sau đó trong tháng đầu sơ sinh, em bé có thể đi ướt ​​bốn đến sáu tã và khoảng ít nhất là 3 lần đi tiêu.

Số lần đi tiêu hàng ngày có xu hướng giảm khi trẻ lớn hơn. Nếu em bé của bạn nước tiểu hoặc lượng phân thấp, chúng có thể không nhận đủ dinh dưỡng. Bà mẹ nên cân nhắc cho bé bú thêm.

Một điều quan trọng nữa bố mẹ cần lưu ý rằng bé có hay trớ, ọc sữa nhiều không. Vì mặc dù bú đủ nhưng bé ọc sữa nhiều thì lượng dinh dưỡng em thực sự hấp thu không đủ. Lúc này, hãy thử cho em bú lượng ít hơn, thường xuyên hơn, và vuốt lưng cho bé lâu hơn sau khi bú.

Tổng kết

Cân nặng bé của bạn là một trong nhiều chỉ số quan trọng giúp bạn và bác sĩ theo dõi sự phát triển của bé. Tăng cân quá chậm hoặc quá nhanh có thể gây hậu quả lâu dài cho sức khỏe nếu không được giải quyết.

Tuy nhiên, cân nặng của bé khi mới sinh không cho biết cân nặng của chúng sẽ như thế nào khi trưởng thành. Trẻ sinh non hoặc nhẹ cân có thể nhanh chóng bắt kịp các bạn cùng trang lứa. Trẻ lớn hơn và trẻ mới biết đi thừa cân có thể được giúp đỡ để đạt và duy trì trong một phạm vi trọng lượng khỏe mạnh.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Weight-for-agehttps://www.who.int/tools/child-growth-standards/standards/weight-for-age

    Ngày tham khảo: 16/06/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người