YouMed

Càng cua: Loại rau quen thuộc lợi hay hại?

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Càng cua không chỉ là loài rau quen thuộc trong các bữa ăn mà còn là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc có khả năng thanh nhiệt, giải độc, tăng cường dinh dưỡng rất hiệu quả. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.

1. Giới thiệu về rau Càng cua

  • Tên thường gọi: Rau Càng cua còn có tên là Đơn kim, Đơn buốt, Cúc áo, Quỷ châm thảo, Thích châm thảo, Tiểu quỷ châm, Cương hoa thảo…
  • Tên khoa học: Peperomia pellucida (L.) Kumb (Piper pellucida L.).
  • Họ khoa học: Thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae).

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Loại rau này có nguồn gốc từ Nam Mỹ, đến nay được trồng rất rộng rãi ở nhiều quốc gia. Riêng ở Việt Nam, rau Càng cua mọc dại khắp nơi, đặc biệt là ở những vùng đất ẩm ướt có khí hậu nhiệt đới.

Nó thuộc nhóm cây thân cỏ, thích hợp sống ở những nơi ẩm ướt, ưa mọc nơi đất ẩm thấp, mương rạch, vách tường. Thường khai hoa vào tháng giêng hay tháng 8 âm lịch, sức sống mạnh. Hạt rất nhỏ nên dễ phân tán nơi xa, khi gặp điều kiện thích hợp sẽ lên cây và lan rộng ra.

Có thể thu hái rau Càng cua vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Loại rau này dược dùng ở dạng tươi, chỉ cần loại bỏ rễ, đem rửa sạch là có thể sử dụng được. Rau khi ăn sống hơi chua, giòn, ngon, có giá trị về dinh dưỡng.

>> Bên cạnh Càng cua, trong nền y học cổ truyền còn nhiều dược liệu vừa là rau, vừa là vị thuốc, như Chút chít. Đọc thêm: Chút chít: Vừa là món rau, vừa là vị thuốc.

Rau Càng cua khi ăn sống hơi chua, giòn, ngon, có giá trị về dinh dưỡng cao
Rau Càng cua khi ăn sống hơi chua, giòn, ngon, có giá trị về dinh dưỡng cao

1.2. Mô tả toàn cây

Càng cua dạng cây cỏ sống hàng năm, bò lan khi trưởng thành, cao 20 – 40cm. Thân cây nhỏ và nhẵn bóng, có chứa nhiều nước hơi nhớt.

Lá cây có màu xanh trong, mọc so le nhau. Phiến lá dạng màng, có cuống và có nhiều hình thù tương tự nhau. Thường là hình tam giác hoặc trái xoan, hình tim ở gốc, còn ở chóp hơi tù và nhọn. Lá dài khoảng 15 – 20mm với chiều rộng gần bằng đài.

Hoa họp thành bông dạng sợi có cuống ở ngọn, dài gấp 2 – 3 lần lá.

Quả mọng hình cầu, đường kính 0,5mm, có mũi nhọn cứng ngắn ở đỉnh.

Toàn cây Càng cua (trừ phần rễ) đều có thể sử dụng để ăn hoặc dùng làm vị thuốc.

1.3. Bảo quản

Dược liệu cần để nơi khô ráo, thông thoáng.

2. Thành phần hóa học và tác dụng

2.1. Thành phần hóa học

Rau Càng cua là loại rau giàu dinh dưỡng:

  • Beta caroten (tiền vitamin A).
  • Chất sắt, kali, magiê… tốt cho tim mạch và huyết áp cũng như góp phần trong việc chữa bệnh đái tháo đường, táo bón, cao huyết áp.
  • Cây còn chứa nhiều chất vitamin C, carotenoid, dillapiole…

Trong 100g rau chứa 92% nước, phosphor 34mg, kali 277mg, canxi 224mg, magiê 62mg, sắt 3,2mg carotenoid 4.166 UI, vitamin C 5,2mg, cung cấp cho cơ thể 24 calories.

2.2. Tác dụng y học hiện đại

Kháng khuẩn, chống oxy hóa: Theo Tạp chí Dược điển (Pharmacognosy magazine), tinh dầu từ thân và lá Càng cua có đặc tính kháng khuẩn E. coli, họ vi khuẩn đường ruột… Ngoài ra, beta caroten là một chất chống oxy hóa tuyệt vời, giúp làm chậm quá trình lão hóa của các tế bào.

Điều trị hồng cầu lưỡi liềm: Theo Tạp chí Dược lý và Dược phẩm Châu Phi (African journal of Pharmacy and Pharmacology), lá Càng cua còn có vai trò và tiềm năng trong điều trị bệnh hồng cầu lưỡi liềm.

Hỗ trợ đái tháo đường: Theo Tạp chí Nghiên cứu Y sinh Quốc tế (International Journal of Biomedical Research), kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy loài rau này làm giảm đáng kể đường trong máu.

Điều trị ung thư vú: Theo tạp chí Khoa Y, Đại học Y tế Tehran, Iran, chiết xuất từ lá có khả năng ức chế sự phát triển ung thư biểu mô tuyến vú ở người.

Tái tạo xương: Theo Tạp chí Dân tộc học (Journal of Ethnopharmacology), kết quả thí nghiệm trên chuột bị tổn thương xương đùi cho thấy chiết xuất etanolic của Càng cua có thể tái tạo xương sau chấn thương.

Bảo vệ dạ dày: Kết quả nghiên cứu trên chuột thí nghiệm cũng cho thấy: Dillapiole là hợp chất hoạt động mạnh nhất trong vai trò bảo vệ dạ dày của rau.

Chống viêm: Một nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất từ rau này có tác dụng kháng viêm và giảm đau do có chất prostaglandin tổng hợp.

2.3. Tác dụng y học cổ truyền

Càng cua có vị mặn, ngọt, chua, lẫn giòn, dai.

Rau có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sinh tân, hoạt huyết, tan máu ứ, giảm đau…

Thường dùng để giải khát hoặc chữa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, viêm dạ dày – ruột, tiêu hóa kém… Ngoài ra, rau Càng chua còn được dùng ngoài chữa rắn cắn, nhọt lở, chấn thương sưng đau rất tốt, nhất là bệnh ghẻ lở (giã nát, vắt lấy nước, bổ sung chút muối và chấm vào vết thương, da sẽ mau lành, liền miệng).

Rau càng cua có nhiều chất chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa của các tế bào
Càng cua có nhiều chất chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa của các tế bào

3. Cách dùng và liều dùng

Rau Càng cua được dùng ở dạng tươi với nhiều cách khác nhau. Nhân dân thường dùng toàn cây bỏ rễ để ăn sống, nấu canh, giã lấy nước uống, đắp ngoài da. Liều lượng không cố định, có thể điều chỉnh cho phù hợp với mục đích dùng.

Lưu ý: Trong khi sử dụng không được để nhựa mủ cây rau này bắn vào mắt.

Nhân dân thường dùng toàn rau càng cua bỏ rễ làm rau ăn sống, trộn gỏi...
Nhân dân thường dùng toàn cây bỏ rễ làm rau ăn sống, trộn gỏi…

4. Một số cách sử dụng vị thuốc

4.1. Chữa viêm họng

Rau Càng cua 50 – 100g, rửa sạch nhai ngậm hoặc xay nước uống hằng ngày. Dùng trong 3 – 5 ngày.

4.2. Hỗ trợ điều trị đái tháo đường

Rau Càng cua 100g rửa sạch bóp giấm (có thể dùng chanh), ếch 1 con (100g), lột da, làm sạch bỏ đầu, lấy thịt tẩm bột, rán chín vàng. Tất cả trộn đều, ăn tuần 2-3 lần

4.3. Hỗ trợ điều trị thiếu máu

Rau Càng cua 100g rửa sạch bóp giấm, thịt bò 100g, cho gia vị vừa đủ xào chín tới trộn đều ăn với cơm. Một tuần ăn 3 lần.

4.4. Lợi tiểu

Rau Càng cua 150 – 200g, rửa sạch, cho 300ml nước đun sôi, chia 2 lần uống trong ngày.

5. Kiêng kỵ

  • Người tỳ vị hư hàn đang tiêu chảy, lạnh bụng không nên dùng.
  • Sỏi thận không nên dùng rau Càng cua.
  • Phụ nữ đang mang thai hay cho con bú cũng cần kiêng kỵ.
  • Những người quá mẫn với loại rau này.

Rau Càng cua – loài rau dân dã, cũng là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Võ Văn Chi (1997). Từ điển cây thuốc Việt Nam. NXB Y học, Hà Nội, bản in trang 937.

  2. Bioactive Constituents, Radical Scavenging, and Antibacterial Properties of the Leaves and Stem Essential Oils from Peperomia pellucida (L.) Kunthhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5669072/

    Ngày tham khảo: 01/09/2020

  3. Plant extracts of Suruhan (Peperomia pellucida L. Kunth) ameliorate infertility of male mice with alloxan – induced hyperglycemiahttps://www.researchgate.net/profile/Mohammad-Kanedi-2/publication/331668889_Plant_extracts_of_Suruhan_Peperomia_pellucida_L_Kunth_ameliorate_infertility_of_male_mice_with_alloxan-induced_hyperglycemia/links/5c870beda6fdcc88c39bf6bf/Plant-extracts-of-Suruhan-Peperomia-pellucida-L-Kunth-ameliorate-infertility-of-male-mice-with-alloxan-induced-hyperglycemia.pdf

    Ngày tham khảo: 01/09/2020

  4. Characterization of anticancer, antimicrobial, antioxidant properties and chemical compositions of Peperomia pellucida leaf extracthttps://www.sid.ir/en/journal/ViewPaper.aspx?ID=243432

    Ngày tham khảo: 01/09/2020

  5. Pharmacognostic evaluation and antisickloing activity of the leaves of Peperomia pellucida (L.) HBK (Piperaceae)https://www.semanticscholar.org/paper/Pharmacognostic-evaluation-and-antisickling-of-the-Abere-Okpalaonyagu/3d552e520d5ce7f6c4719b6a3e723354d9f569e0

    Ngày tham khảo: 01/09/2020

  6. Ethanol extract of Peperomia pellucida (Piperaceae) promotes fracture healing by an anabolic effect on osteoblastshttps://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0378874113002195

    Ngày tham khảo: 01/09/2020

  7. https://www.mdpi.com/1420-3049/18/9/11327/htmhttps://www.mdpi.com/1420-3049/18/9/11327/htm

    Ngày tham khảo: 01/09/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người