Cây chay: Loài cây kỳ diệu của đất nước ta
Nội dung bài viết
Đất nước Việt Nam, từ lâu đã được thiên nhiên ban tặng cho thảm thực vật phong phú và độc đáo. Trong đó, cây chay là loài thực vật đặc hữu của nước ta. Không chỉ gắn liền với đời sống hằng ngày của nhân dân mà với sự đa dạng trong thành phần và giá trị sử dụng cao, cây còn có tác dụng điều trị bệnh hiệu quả. Sau đây, cùng YouMed tìm hiểu sâu hơn về đặc điểm và cách sử dụng của vị thuốc này nhé.
Cây chay là gì?
- Tên gọi khác: Chay bắc bộ, chay ăn trầu, chay vỏ tía, mạy khoai (Tày)…
- Tên khoa học: Artocarpus tonkinensis A. Chev.
- Họ khoa học: Thuộc họ Dâu tằm (Moraceae).
- Bộ phận dùng: Thân, lá và rễ cây.
Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Đặc điểm sinh trưởng
Cây chay là loài cây đặc biệt có ở Việt Nam, ít được tìm thấy ở quốc gia khác. Lúc đầu cây mọc hoang dại, sau đó nhờ tập tục ăn trầu bằng vỏ thân và rễ cây mà chúng được nhân giống và gieo trồng nhiều ở các tỉnh phía bắc như Bắc Cạn, Lào Cai, Hà Nam, Nam Định… và rải rác ở tỉnh trung du duyên hải.
Thuộc loài thân gỗ có sức sinh trưởng mạnh mẽ, ưa sáng và ưa các loại đất feralit có tầng đất thịt sâu, thoát nước tốt. Thời điểm trồng thích hợp nhất là đầu mùa mưa. Thời tiết thích hợp là khí hậu nóng ẩm vùng nhiệt đới. Cây mọc tự nhiên thường thấy ở vùng rừng thường xanh ẩm, độ cao dưới 700m.
Qua quá trình trồng trọt và chọn lọc, thực vật này sẽ cho quả to và ngọt hơn khi mọc tự nhiên. Đặc biệt, phần lá cây càng thu hái thì càng kích thích mọc nhanh hơn. Vì vậy nên trồng loài này ở những nơi thông thoáng, tạo diện tích rộng để cây có điều kiện phát triển.
Đây là loài dễ trồng trọt và chăm sóc do ít sâu bệnh.
Thu hoạch
Loài thực vật này có thể thu hái quanh năm, đặc biệt mùa hoa quả tháng 5-8.
Có thể dùng tươi hoặc phơi khô làm dược liệu các bộ phận như lá, rễ,…
Riêng dạng tươi dùng thân và rễ dùng nhai trầu hay quả làm chất tạo vị chua trong khi nấu canh.
Đặc biệt, trong bảng phân loại gỗ Việt Nam, chất lượng gỗ chay được xếp vào nhóm nhẹ và quý.
Mô tả toàn cây chay
Thuộc thân gỗ to, thẳng, cao trung bình từ 10-15m. Cây chay có thân nhẵn, cành non, có lông màu hung nâu và cành già màu xám. Ngoài ra, rễ có phần vỏ mềm, nâu hồng còn phần ruột màu trắng, vị chát, ngọt nhẹ.
Lá mọc so le thành 2 hàng, mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới có lông trên đường gân. Phiến lá hình ngọn giáo dài 20-25 cm, rộng 9-12 cm, gốc tròn, đầu có mũi nhọn. Mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông ngắn màu hung hay trắng nhạt, trên các gân nổi rõ. Cuống lá mảnh, có lông thưa, lá kèm nhỏ.
Trên một cây có cả hoa đực và cái. Cụm hoa đực mọc ở kẽ lá, thuôn dài, hơi cong, cuống có lông. Lá bắc hình khiên, bao hoa hình bầu dục, nhị hình chóp. Còn cụm hoa cái hình bầu dục, cuống có u lồi và lông mềm, bao hoa hình ống, bầu có vòi lộ ra ngoài bao hoa.
Quả phức, hình bầu dục có vỏ mềm, được bao phủ bởi lông nhung. Khi chín quả có màu vàng, ăn được. Lúc nếm, phần quả sẽ có vị ngọt dịu, hơi chua nhẹ, thơm đặc trưng. Bên trong có chứa hạt to như hạt xoan, nhiều nhựa dính.
Bảo quản
Bảo quản những phần đã thu hoạch và chế biến thành dược liệu trong bọc kín, cất trữ nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời.
Tác dụng của cây chay
Thành phần hóa học
Theo nhiều tài liệu, cây chay có thành phần hóa học khá đa dạng và phong phú:
- Vỏ rễ mang tannin, polyphenol…
- Vỏ thân có flavonoid, stilben như catechin, afzlectin 3-O- α-L-rhamnopyranosid.
- Quả xanh chứa hợp chất saponin steroid alkaloid gồm solasonin và solasodin. Chiết xuất dịch quả có dimethyl nitrosamin.
- Lá dồi dào canxi và protein.
- Hạt chứa lectin.
Bên cạnh đó, có 4 hoạt chất được phân lập từ thực vật này là: maesopsin, kaempferol, alphitonin, artonkin.
Tác dụng Y học hiện đại
Ức chế miễn dịch tế bào
Sau khi tiến hành chiết tách trên các thí nghiệm cho thấy rằng: 4 thành phần gồm maesopsin, alphitonin, kaempferol, artonkin có tác dụng sinh học ức chế miễn dịch trên động vật thực nghiệm. Cụ thể là ngăn cản sự hình thành biểu hiện của một số gen liên quan đến quá trình ung thư ở tủy xương. Ngoài ra, cao chiết từ là còn có khả năng giảm viêm, chậm quá trình thải ghép trong cơ thể, hỗ trợ bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, có lẽ vẫn cần nhiều thời gian nghiên cứu về những vấn đề này hơn trên con người.
Kháng viêm, giảm đau
Theo nghiên cứu của TS. Trịnh Thị Thủy (Viện Hóa học Việt Nam) và các cộng sự phối hợp với Trường đại học Perugia, Italia cũng cho thấy dịch chiết lá chay có tác dụng ức chế sự sản xuất các cytokine-chất trung gian kích hoạt phản ứng viêm, do đó ức chế quá trình hình thành các ổ viêm, giảm đau.
Hỗ trợ điều trị bệnh nhược cơ
Qua quá trình thử nghiệm tại bệnh viện Quân y 103 năm 1980, đã cho kết quả rằng, chiết xuất từ lá cây chay giúp làm giảm các triệu chứng lâm sàng ở gần 90% bệnh nhân nhược cơ trong tổng số 31 người thử nghiệm. Đặc biệt, dược liệu phục hồi nhanh triệu chứng sụp mi mắt, lâm sàng điển hình ở bệnh nhân nhược cơ. Bên cạnh đó, các nghiên cứu còn cho thấy, tác động trên hệ miễn dịch của cây chây đặc hiệu và có chọn lọc, ít gây ra tác dụng không mong muốn, có thể dùng điều trị lâu dài.
Hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ
Theo nghiên cứu trên chuột, thuộc trường đại học Y Hà Nội kết hợp với viện Karolinska – Thụy Điển cho thấy, lá của thực vật này làm giảm viêm tại các khớp. Đồng thời, nó còn có thể ức chế sự gia tăng số lượng tế bào hạch bạch huyết và tăng lượng tế bào tự hủy. Từ đó, những đợt cấp tiến triển của bệnh viêm khớp sẽ giảm đi.
Không chỉ có vậy, có kết quả còn cho thấy hoạt lực của dịch chiết từ lá mạnh tương đương với cyclosporin A-chất ức chế miễn dịch, với liều từ 15 -25mg/ml. Hiện nay, ứng dụng sinh học từ loài cây này đang được phổ biến dần trong các bệnh lý tự miễn như vẩy nến, nhược cơ, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp…cho kết quả khả quan.
Tác dụng Y học cổ truyền
Tính vị:
- Thân, rễ, lá: Vị chát, tính bình.
- Quả: Vị chua, tính bình.
Quy kinh: Kinh Can, Thận
Công dụng:
- Quả: Thanh nhiệt, cầm máu, trợ tiêu hóa, giảm ho, giảm đau họng…
- Lá, rễ: làm săn se lại, giảm đau, giảm tê thấp, điều hòa kinh nguyệt, giảm khí hư, huyết trắng,…
Cách sử dụng cây chay
Có thể tùy vào mục đích sử dụng mà chúng ta có thể dùng dược liệu với nhiều cách và liều lượng khác nhau. Cây chay có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, dùng ngoài, hoặc quả có thể dùng tươi để ăn, tạo vị chua trong nấu ăn. Đặc biệt, vỏ rễ chay tạo màu đỏ đẹp và vị thơm chát cho miếng trầu.
Liều dùng:
- Dạng thuốc sắc: Phần rễ 20-40g, quả khô 20g/ngày.
- Dùng ngoài da: Không kể liều lượng cụ thể.
Một số lưu ý khi sử dụng
- Người bị dị ứng hay mẫn cảm với bất kỳ hoạt chất nào có trong vị thuốc.
- Phụ nữ có thai, cho con bú cần cẩn trọng khi muốn sử dụng dược liệu này.
Một số bài thuốc từ cây chay
Hỗ trợ giảm đau lưng, mỏi gối, bị tê thấp
Lá và rễ chay 30g, thiên niên kiện 12g, thổ phục linh 15g, đem tất cả sắc với nước, mỗi ngày 1 thang, chia thành 2 lần uống.
Hỗ trợ tiêu hóa, khó tiêu, đầy bụng
Quả chay khô 25g, hãm với nước uống sau ăn 30 phút mỗi ngày.
Giảm khí hư, huyết trắng nhiều, điều hòa kinh nguyệt
Rễ thân cây chay 20g, rễ cỏ tranh 20g, đem sắc uống hàng ngày, 2 lần mỗi ngày trước bữa ăn.
Giảm đau răng, đau nướu
Rễ chay khoảng 40g, đem đi đun với nước đến khi cô đặc lại thì ngậm nhiều lần trong ngày.
Dùng ngoài da
Lấy vỏ thân cây nghiền thành bột mịn rồi đắp lên các vết thương có mụn nhọt, lở ngứa.
Từ lâu, dân gian ta đã biết khai thác toàn diện cây chay trong quá trình sinh hoạt hằng ngày, cũng như trong việc điều trị bệnh. Dù còn nhiều vấn đề cần phải được nghiên cứu thêm, nhưng chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích tuyệt vời từ loài cây đặc biệt này đối với cuộc sống con người.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học.
- Viện Dược Liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II. Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật.