YouMed

Cây nổ (quả nổ) dược liệu quý hiếm với cái tên dộc đáo

Bác sĩ HOÀNG THỊ LANG
Tác giả: Bác sĩ Hoàng Thị Lang
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Cây Quả nổ (hay cây nổ) mọc hoang nhiều ở nước ta. Sở dĩ người ta gọi là cây Quả nổ vì quả chín sẽ phát nổ. Đặc biệt khi cho vào nước sẽ phát ra tiếng lép bép rất vui tai. Cây không chỉ để làm cảnh mà còn là vị thuốc điều trị trong Đông y. Quả nổ có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc, điều trị những bệnh về đường tiết niệu như sỏi bàng quang, sỏi thận, viêm nhiễm niệu đạo và nhiều công dụng khác. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.

Giới thiệu về cây Quả nổ

  • Tên thường gọi: Cây Nổ, Sâm đất, Sâm tanh tách, Tử lị hoa (Trung Quốc), Tiêu khát thảo, Tam tiêu thảo….
  • Tên khoa học: Ruellia tuberosa.
  • Họ khoa học: Thuộc họ Ô rô (Acanthaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Cây thân thảo sống lâu năm. Cây có hoa đẹp và nở gần như quanh năm, được trồng làm bồn hoa trong công viên và sân vườn.

Cây ưa sáng, dễ trồng, mọc khỏe, sinh trưởng nhanh, nhân giống chủ yếu bằng gieo hạt. Cây có chiều cao trung bình khoảng 20 – 50cm, chỉ một số cây cao đến 80cm. Rễ mọc thành củ, màu vàng nâu và có hình dạng tròn dài. Thân thẳng, có lông bán, phình rộng ở đốt mang lá, khi non có tiết diện vuông. Lá mọc đối, hình bầu dục có gốc thon và đầu tù. Phiến lá mềm nhăn nheo, mặt trên có lông thưa còn mép có lông cứng và màu xanh tối.

Hoa của Sâm tanh tách mọc ở ngọn hoặc nách lá, thường có 5 cánh, màu xanh tím và kích thước khá lớn. Cây ra quả từ tháng 8 – 10 hằng năm. Quả nang, khi chín màu đen. Quả nổ ra các hạt tròn, dẹt  sau khi tiếp xúc với nước.

Hoa cây Quả nổ có màu xanh tím đặc trưng
Hoa cây Quả nổ có màu xanh tím đặc trưng

Phân bố, thu hái, chế biến và bảo quản

Cây Quả nổ là thực vật có nguồn gốc từ các nước châu Mỹ nhiệt đới. Cây phát triển ở khá nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan cũng như cả Việt Nam. Ở nước ta, cây chủ yếu mọc hoang ở ven bìa rừng tại khắp những tỉnh thành trên cả nước.

Cây trái nổ có thể thu hoạch quanh năm. Khi thu hái chỉ cẩn nhổ cả cây mang về, sau đó rửa sạch loại bỏ bụi bẩn, phơi khô.

Vị thuốc cây Quả nổ có thể dùng tươi hoặc khô đều được. Rễ của cây là bộ phận được dùng nhiều nhất. Cây tươi sau khi làm sạch có thể sắc nước uống. Cây sau khi cắt nhỏ, phơi khô rồi bảo quản dùng dần hoặc có thể sao vàng rồi kết hợp với các loại dược liệu khác để chữa bệnh.

Bảo quản: Dược liệu cần để nơi khô ráo, thông thoáng.

>> Rất nhiều loài cây gắn bó với tuổi thơ của chúng ta lại chính là những vị thuốc quý. Đọc thêm: Cây Hoa mào gà: Loài cây gắn liền với tuổi thơ

Bộ phận dùng

Toàn cây quả nổ (Herba Ruelliae Tuberosae).

Thành phần hóa học và tác dụng của cây nổ

Thành phần hóa học

Cây Quả nổ bao gồm các dược chất và khoáng chất như glicin, leucine, valin, tirosin. Ngoài ra, trong củ của cây còn chứa campesterol, stigmasterol, lupeol, sitostrerol, hentriacontan.

cây nổ là loại cây thân thuộc với tuổi thơ của nhiều người
Đây là loại cây thân thuộc với tuổi thơ của nhiều người

Tác dụng của cây quả nổ theo Y học hiện đại

Hoạt tính chống oxy hóa

Theo tạp chí Free Radicals and Antioxidants, rễ cây Nổ đã được nghiên cứu và cho thấy tác dụng chống oxy hóa.

Hoạt tính kháng khuẩn

Theo tạp chí Pharmacognosy Journal, nhiều chiết xuất khác nhau từ tất cả các bộ phận của cây Quả nổ đều cho thấy tác dụng kháng khuẩn đáng kể. Vì vậy, cây được xem là có tiềm năng trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường miệng .

Tác dụng chống ung thư

Kết quả chiết xuất từ thân và lá cây cho thấy tác dụng chống lại ung thư gan HepG2. Bên cạnh đó, theo tạp chí Journal of Applied Pharmaceutical Science, chiết xuất methanol từ thân cây Quả nổ còn có tác dụng chống ung thư vú dòng MCF-7.

Tác dụng hạ đường huyết

Theo tạp chí Pharmaceutical Research, chiết xuất methnolic từ toàn cây Nổ có tác dụng làm giảm lượng đường huyết trên thỏ. Điều này đã giải thích cho việc dân gian dùng nước sắc cây Nổ để điều trị tiểu đường .

Tác dụng bảo vệ dạ dày

Kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất nước từ rễ cây là hoạt chất Bergenin có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, chống loét bao tử phụ thuộc vào liều lượng sử dụng.

Đối với hệ tim mạch

Thử nghiệm chiết xuất Bergenin từ cây thuốc Nổ gai trên chuột ghi nhận khả năng ổn định nhịp tim của dược liệu. Bergenin cũng có tác dụng làm giảm lipid trong máu, phòng tránh chứng xơ vữa động mạch ở một số con chuột thực nghiệm bị chứng tăng lipid máu. Ngoài ra, dùng chiết xuất từ vỏ cây cho chó, các nhà nghiên cứu còn ghi nhận được hiện tượng giảm huyết áp động mạch ở dòng vật này.

Tác dụng của cây quả nổ theo Y học cổ truyền

  • Theo y học cổ truyền, rễ có vị ngọt, cay, tính mát.
  • Lá có vị cay, hơi đắng, tính lạnh và có ít độc. Dùng lá với liều cao có thể gây nôn.

Cây Quả nổ tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu… Hạt được dùng bên ngoài để trị vết thương, nứt nẻ da và mụn nhọt. Rễ tán bột mịn để dùng làm thuốc bổ, trị viêm loét dạ dày, tá tràng, sỏi thận, sỏi bàng quang. Ngoài ra, rễ còn có khả năng hỗ trợ điều trị tiểu đường, đau nhức răng, cảm mạo và huyết áp cao.

hạt nổ quả nổ
Hạt cây Quả nổ chữa nứt nẻ da và mụn nhọt

Cách dùng và liều dùng cây quả nổ

Liều lượng: mỗi ngày dùng 10 – 20g rễ Quả nổ dưới dạng thuốc sắc

Lá và hạt Nổ: Nước sắc từ lá cây có tác dụng làm ra mồ hôi, điều trị sốt và viêm phế quản mạn tính. Đối với hạt Nổ, người ta thường ngâm nước cho hạt nở ra, có chất keo nhầy rồi dùng nó đắp lên các vết thương và mụn nhọt.

Một số cách sử dụng vị thuốc cây nổ

Bài thuốc hỗ trợ điều trị thận hư suy

Chuẩn bị: Cây Muối, cây Mực, Sâm tanh tách và cây Quýt gai, mỗi thứ 20g.

Thực hiện: Đem các dược liệu phơi khô, sau đó sắc với 1,5 lít nước còn lại 700ml. Chia nước sắc thành nhiều lần uống và dùng hết trong ngày. Dùng bài thuốc liên tục trong vòng 30 ngày để nhận thấy cải thiện.

Bài thuốc điều trị cảm sốt

Chuẩn bị: 12 g cây Quả nổ.

Thực hiện: Đem thái nhỏ và hãm lấy nước uống hằng ngày. Dùng bài thuốc khoảng 1 – 3 ngày sẽ thấy tình trạng sốt được cải thiện đáng kể.

Bạn có thể dùng vị thuốc cây Quả nổ để trị cảm sốt
Bạn có thể dùng vị thuốc cây nổ này để trị cảm sốt

Bài thuốc chữa chứng run chân tay, mệt mỏi, choáng váng và chóng mặt

Chuẩn bị: Dây đau xương và rễ cây Quả nổ, mỗi thứ 8 g.

Thực hiện: Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.

Bài thuốc chữa tiểu đường type 2

Chuẩn bị: Toàn cây khô 25 g hoặc dược liệu tươi 75 g.

Thực hiện: Sắc uống và chia thành nhiều lần uống trong ngày.

Bài thuốc chữa viêm nhiễm đường tiết niệu

Chuẩn bị: Dược liệu khô 25 – 35 g.

Thực hiện: Sắc lấy nước để riêng, dùng thêm 20 g dược liệu khô đem tán bột mịn. Uống thuốc bột cùng với nước sắc vào sáng sớm ngay sau khi ngủ dậy.

Bài thuốc trị bệnh sỏi thận

Chuẩn bị: Cây Dứa dại và rễ Cỏ tranh mỗi thứ 15 g. Kim tiền thảo và cây Nổ mỗi vị 20 g.

Thực hiện: Đem sắc với 1,5 lít nước, còn lại khoảng 1 lít, đem chia thành nhiều lần uống trong ngày.

Bài thuốc chữa chứng nóng sốt gây khát nước

Chuẩn bị: Vỏ rễ 6 g.

Thực hiện: Sắc với 200 ml nước còn lại khoảng 50 ml, dùng nước uống hết trong ngày.

Bài thuốc chữa ghẻ lở bị nhiễm trùng tụ cầu gây mủ

Chuẩn bị: Thân của cây Quả nổ.

Thực hiện: Đem đốt thành than, sau đó tán thành bột và rắc lên vết thương.

Bài thuốc chữa chứng cao huyết áp

Chuẩn bị: 12 hoa tươi hoặc khô đều được.

Thực hiện: Thêm nước vào và sắc uống hằng ngày.

Bài thuốc chữa chứng viêm lợi gây đau nhức răng

Chuẩn bị: Rễ cây Nổ.

Thực hiện: Sắc lấy nước đặc, đem ngậm súc miệng và nhổ đi.

Ngậm súc miệng với cây Quả nổ giúp chữa viêm lợi
Ngậm súc miệng với cây nổ giúp chữa viêm lợi

Lưu ý khi sử dụng

  • Nước sắc từ rễ cây nổ còn được dùng làm thuốc phá thai. Vì vậy, phụ nữ mang thai không nên dùng thuốc này.
  • Khi dùng nước sắc từ rễ cây cần chú ý về liều lượng và thời gian để tránh việc đi tiểu nhiều lần (do lợi tiểu), làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc

Cây Quả nổ (hay cây nổ) là một loài cây quý với nhiều công dụng như điều trị sỏi bàng quang, sỏi thận, viêm nhiễm niệu đạo, chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống ung thư, hạ đường huyết, bảo vệ niêm mạc dạ dày… Y học cổ truyền dùng cây nổ để thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu… Những thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Khi muốn sử dụng thuốc, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn. Hy vọng bạn đã có những kiến thức bổ ích. Chúc bạn nhiều niềm vui và sức khoẻ!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. 3033 cây thuốc Đông y của Tuệ Tĩnh, trang 840.

  2. Võ Văn Chi (1991). Cây thuốc An Giang, trang 495. Ủy ban Khoa học và kỹ thuật An Giang.

  3. Pharmacognostic and Preliminary Phytochemical Studies on Ruellia tuberosa (Whole plant)https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0975357511800362

    Ngày tham khảo: 16/10/2019

  4. In vitro anti-oxidant activity of Ruellia tuberosa root extractshttps://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S223125361224007X

    Ngày tham khảo: 16/10/2019

  5. Antimicrobial Activity of Ruellia tuberosa (Whole Plant)https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0975357511800891

    Ngày tham khảo: 16/10/2019

  6. Hypoglycemic Activity of Ruellia tuberosa Linn (Acanthaceae) in Normal and Alloxan-Induced Diabetic Rabbits

    http://www.ijps.ir/article_2282_455.html

    Ngày tham khảo: 16/10/2019

  7. Antioxidant and anti-proliferative activities of Sabah Ruellia tuberosahttps://www.japsonline.com/admin/php/uploads/1128_pdf.pdf

    Ngày tham khảo: 16/10/2019

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người