YouMed

Tỏa dương: Thực hư vị thuốc “Thần dược phái mạnh”

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Cây Tỏa dương là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Với sự đa dạng trong thành phần và tác dụng dược lý mà vị thuốc này có thể bổ thận, sinh huyết, ích tinh… hiệu quả. Sau đây, hãy cùng hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này trong bài viết của Bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai.

Tỏa dương là gì?

Thông tin cơ bản về cây Tỏa dương:1

  • Tên gọi khác: Cỏ ngọt núi, xà cô, củ gió đất, cây không lá…
  • Tên khoa học: Balanophora sp.
  • Họ khoa học: Họ Gió đất (Balanophoraceae)

Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Đặc điểm sinh trưởng:1 2

  • Chi Balanophora sp có khoảng 20 loài trên thế giới, sống ký sinh trên rễ những thực vật có hoa khác.
  • Thực tế, cây tỏa dương có hình thái tương đối khác với giới thực vật có hoa, sống nhiều năm.
  • Xuất hiện rộng khắp nơi từ vùng nhiệt đớt tới cận nhiệt đới hay ôn đới như châu Phi, châu Á, Australia…
  • Ở Việt Nam, cây tỏa dương có 3 loài, được tìm thấy trong các rung lá rộng núi đá vôi hay rừng kín thường xanh, ở các địa phương Hà Giang, Sa Pa,… những nơi độ cao hơn 1500 m.
  • Dinh dưỡng của cây tập trung tại hệ thống dạng sợi, khi chưa có hoa. Hệ thống này phát triển rất mạnh mẽ giúp cây có thể thu được nhiều dinh dưỡng nhất từ cây mẹ.
  • Mọc tập trung thành từng đám, có lẫn cả cây cái và đực, nhờ đó có thể phát tán hạt qua lại lẫn nhau.

Thu hái:

  • Có thể thu lấy toàn cây để dùng làm vị thuốc.2 Tuy nhiên, chỉ nên lấy những cây có kích thước to bằng ngón tay và đã có màu nâu đỏ sẫm, sau đó đem phơi khô, dùng dần, lúc này dược liệu sẽ mềm và chuyển thành màu đen đồng nhất.
  • Thời điểm thích hợp ra hoa là từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau.1 2

Mô tả toàn cây Tỏa dương

Cây Tỏa dương có các đặc điểm sau:2

  • Thuộc dạng thân thảo, mềm, nhìn giống như nấm, nhiều người nhầm lẫn gọi nó là nấm tỏa dương.
  • Cây có sắc nâu đỏ, ký sinh trên thân rễ của các cây gỗ lớn. Thân được tạo từ cán hoa lớn, bên trên chứa hoa dày đặc. Ngoài ra, cây còn có phần củ do thân thoái hóa mà thành, với nhiều hình dạng khác nhau, phân nhánh, sần sùi, không có lá.
  • Hoa mọc thành cụm dày, đơn tính, không cùng gốc. Cụm hoa đực hình trụ, kích thước dài khoảng 10 cm, có lá bắc ở gốc. Bao hoa có thùy dày và hẹp, có khoảng 5 thùy nhỏ dài bằng nhau. Còn cụm hoa cái kích thước dài khoảng 2-3 cm, hình đầu. Bên trong hoa chứa tinh bột, mùi hôi đặc trưng.
  • Cây không có quả.

Tỏa dương được mệnh danh là "thần dược" đối với sinh lý.
Tỏa dương được mệnh danh là “thần dược” đối với sinh lý

Bảo quản

Dược liệu nếu quả trải qua sơ chế cần để nơi khô ráo, thông thoáng, tránh ánh sáng trực tiếp.

Tác dụng của Tỏa dương

Thành phần hóa học

Theo nhiều tài liệu, Tỏa dương có thành phần hóa học khá đa dạng và phong phú:

  • Chất màu anthoxyanozit.1
  • Dịch tiết từ vị thuốc: Balaxiflorin A và B, 4 hợp chất lignin, 9 hợp chất tannin, 3 hợp chất phenylpropanoid, acid gallic…

Tác dụng Y học hiện đại

Bồi bổ cơ thể: Nhiều chất bổ dưỡng, tăng hoạt tính androgen giúp phục hồi cơ thể, tăng sức khỏe, mạnh sinh lý. Có nghiên cứu cho rằng Tỏa dương có thể giúp hỗ trợ chữa xuất tinh sớm.

Hỗ trợ tiêu hóa: Kích thích ngon miệng, giảm đau bụng…1 2

Giảm đau: Hỗ trợ nhức mỏi xương khớp, đau lưng mỏi gối…1 2

Tác dụng Y học cổ truyền

  • Tính vị: Vị ngọt, tính ấm, không có độc
  • Quy kinh: Kinh Tỳ và Thận.
  • Công dụng: Bồi bổ cơ thể, tăng cường sinh lý, mạnh gân cốt, bổ máu, bổ thận, kiện tỳ, trợ tiêu hóa, lợi tiểu…
  • Chủ trị: Thân hư yếu, ăn không ngon, đau lưng mỏi gối, di tinh…

Cách sử dụng Tỏa dương

Tùy mục đích sử dụng có thể dùng dược liệu với nhiều cách và liều lượng khác nhau. Tỏa dương có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, dùng ngoài, tán bột, ngâm rượu…

Liều dùng: Chưa ghi nhận liều lượng cố định, tùy vào tình trạng sức khỏe và đối tượng sử dụng.

Tỏa dương khô
Tỏa dương khô

Một số bài thuốc từ Tỏa dương

Hỗ trợ sinh lý cho phái mạnh, tăng cường sức khỏe

Tỏa dương, Phục linh, Ba kích, Nhục thung dung, Nhân sâm, Táo nhân sao, Thỏ ti tử mỗi loại 12g, Câu kỷ tử, Sơn thù, Sơn dược, Thục địa mỗi loại 15g, Thiên môn 9g, Cam thảo 9g, Lộc nhung 6g. Đem tất cả tán thành bột, rồi vò thành từng viên 9g/ viên, ngày dùng 3 lần, mỗi lần 1 viên uống.

Hoặc Tỏa dương 120g, Long cốt 40g, Tang phiêu tiêu 120g, Phục linh 40g, đem tất cả tán rồi vo viên, ngày uống 2 lần, 15g/ lần với nước muối loãng.

Chữa đau nhức xương khớp, mỏi gối

Tỏa dương, Đỗ trọng, Tri mẫu, Hoàng cầm, Ngưu tất, Hoàng bá mỗi loại 16g, Đương quy 10g, Tục đoạn 8g, Phá cố chỉ 8g, Địa hoàng 10g, tán bột, vo viên, ngày dùng 15g, 2 lần/ ngày.

Rượu Tỏa dương

Tỏa dương và rượu khoảng 40 độ, tỉ lệ 1:5, ngâm chung với nhau khoảng 1 tháng, uống mỗi ngày.1 2

Hoặc Tỏa dương 10g, Câu kỷ 30g, Lộc nhung 10g, Ba kích 20g, Nhục quế 10g, Ngưu tất 10g, ngâm với 2 lít rượu khoảng 40 độ trong 1 tháng.

Toả dương còn được dùng làm rượu
Toả dương còn được dùng làm rượu

Kiêng kỵ

  • Mẫn cảm và dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong dược liệu.
  • Người tiêu phân lỏng, sống, không cầm được thì không nên sử dụng vị thuốc.
  • Dùng Tỏa dương chữa liệt dương nên kiêng thức ăn tanh, lạnh.

Tỏa dương từ lâu đã được sử dụng trong dân gian. Với sự đa dạng và phong phú về tác dụng mà dược liệu này được dùng nhiều để điều trị bệnh. Tuy nhiên, để có thể tận dụng hết giá trị của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến người có chuyên môn, y bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc VIệt Nam. Nhà xuất bản Y học, trang 914.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/04/nhung-cay-thuoc-va-vi-thuoc-viet-nam-2006.pdf#page=930
  2. Viện Dược Liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và I. Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, trang 555.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap1.pdf#page=554
  3. GS Phạm Hoàng Hộ. Cây cỏ Việt Nam. Nhà xuất bản Trẻ.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người