Cây Tỳ bà: Công dụng không chỉ đến từ lá cây
Nội dung bài viết
Từ xa xưa, cây Tỳ bà là loài cây quen thuộc với chúng ta. Không chỉ lá cây (Tỳ bà diệp) mà quả của chúng cũng là dược liệu được sử dụng để điều trị bệnh hiệu quả. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.
1. Giới thiệu về cây Tỳ bà
- Tên thường dùng: Tỳ bà diệp, Ba diệp, Nhót tây, Thanh trích tỳ bà diệp (rửa sạch rồi sao), Mật trích Tỳ bà diệp (tẩm nước mật hoặc nước đường sao), Tỳ bà lộ (cất lấy nước).
- Tên khoa học: Eriobotrya japonica (Thunb.) Lindl.
- Họ khoa học: họ Hoa Hồng (Rosaceae).
1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Phân bố:
- Nguồn gốc của cây Tỳ bà ở vùng Đông Nam Trung Quốc, Nhật Bản… Cây ưa khí hậu ẩm mát, có thể chịu được nhiệt độ thấp -10 độ C về mùa đông ở Trung Quốc và Nhật Bản.
- Ở Việt Nam, cây được trồng và mọc hoang nhiều nơi, nhiều nhất ở vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Nội.
- Sinh trưởng tốt trên đất mùn trên núi, ít sỏi đá và có thể hơi chua. Là loài cây dễ trồng có thể trồng bằng cành chiêt, chồi rễ hoặc bằng hạt.
Thu hoạch:
- Lá hái vào tháng 4 – 5. Cần lau sạch lông, thái nhỏ, phơi hay sấy khô mà dùng.
- Loại quả Tỳ bà thường chín vào tháng 1 hàng năm đúng vào mùa lạnh nhất của miền Bắc nước ta. Cho nên nó thực sự hữu hiệu để phòng ngừa ho và cảm lạnh cho người dân vùng Tây Bắc giá lạnh.
1.2. Mô tả toàn cây
Cây Tỳ bà là cây thuốc quý, thuộc thân nhỡ cao 5-6 m, cành non có nhiều lông.
Lá mọc đối, so le. Phiến dài, hình mác, nhọn dai, dài 12-30 cm, rộng 3-8 cm. Phía trên có răng cưa, mặt dưới có nhiều lông, màu xám hay vàng nhạt. Cuống ngắn và dày có lông. Lá kèm hình mác, có lông rậm.
Hoa rất nhiều, gần như không có cuống, mọc thành chùm, đường kính 15 – 20 mm, có lông màu hung đỏ. Cụm hoa mọc ở đầu cành thành chùy hình tháp, lá bắc hình mác nhọn. Đài có ống rất ngắn, loe rộng phủ đầy lông. Cánh hoa có móng hình tròn. Nhị 20 ngắn hơn cánh hoa, chỉ nhị ở gốc. Bầu có lông chia 5 ô.
Quả thịt, hơi hình cầu, hơi có lông, chín có màu vàng, dài 3 – 4cm. Đỉnh quả có hình mắt quanh mép mang đài tồn tại, thịt dày, có 4 hạch đơn, hơi dày, mỗi hạch mang 1 – 2 hạt to không phôi nhũ.
Lúc còn non, quả vị rất chua. Khi chín có màu vàng cam, vị ngọt pha chua, phần thịt mềm, thanh mát, hơi thơm nhẹ. Nhìn bề ngoài thì quả Tỳ bà trông giống quả trứng gà, vì màu sắc lúc chín cũng màu vàng, nhưng bé hơn quả trứng gà, chỉ bằng 2 hoặc 3 ngòn tay người mà thôi.
1.3. Bộ phận làm thuốc- Bào chế
Bộ phận làm thuốc:
Lấy lá bánh tẻ (tức dày, không già, không non). Lá tươi màu xanh lục hay hơi nâu hồng, không vụn nát, không lẫn lá úa rụng, không sâu là tốt.
Quả Tỳ bà giàu dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần
Mô tả dược liệu:
Lá hình thuôn hay hình trứng dài, dài 12 – 30 cm, rộng 4 – 9 cm. Chóp lá nhọn, gốc lá hình nêm, mép lá có răng cưa thưa hoặc nguyên về phía gốc lá. Mặt trên lá màu lục xám, màu vàng nâu hoặc màu đỏ nâu, tương đối nhẵn. Mặt dưới lá màu nhạt hơn, có nhiều lông nhung màu vàng, mọc dày.
Gân lá hình lông chim, gân giữa lồi lên ở mặt dưới, gân bên có 15 – 20 đôi. Cuống lá rất ngắn, phủ lông mao màu vàng nâu. Lá dày, chất cứng, giòn, dễ bẻ gãy; không mùi, vị hơi đắng.
Một số cách bào chế :
- Đầu tiên, chải bỏ lông tơ, dùng nước rửa sạch, hơi ướt, cắt sợi, phơi khô. Hoặc dùng miếng vải chùi sạch lông (tránh ngứa họng, ho) rồi lấy nước Cam thảo lau chùi sạch, sau đó bôi mỡ sữa lên khắp lá mà nướng qua (Lôi Công Bào Chích Luận).
- Chích mật: Mật ong hoà loãng bằng nước sôi, trộn đều Mật ong với Tỳ bà diệp thái sợi, ủ cho mật thấm đều, cho vào chảo sao nhỏ lửa đến khi sờ không dính tay, lấy ra và để nguội. Dùng 2 kg Mật ong cho 10 kg Tỳ bà diệp.
- Tẩm gừng sao vàng.
1.4. Bảo quản
Thu hái về cần chế biến ngay, nếu không 2 – 3 hôm bị úa, thối. Để nơi khô ráo, thoáng, tránh làm vụn nát. Bào chế rồi đậy kín, không nên để lâu.
Ngoài cây Tỳ bà, An nam tử cũng có tác dụng thanh nhiệt, chữa ho hiệu quả:
An nam tử (hạt Ươi): Thanh nhiệt giải độc, chữa ho
2. Thành phần hóa học và tác dụng của cây Tỳ bà
2.1. Thành phần hóa học
- Lá chứa triterpene (tính chất chống viêm) , acid tormentic, tinh dầu thành phần chủ yếu là nerolidol và farnesol. Ngoài ra còn chứa amygdalin, ursolic acid, oleanolic acid, tartaric acid, citric acid, malic acid. Tannin, vitamin B và C, sorbitol …(Trung dược đại từ điển)
- Trong lá có một chất saponin, vitamin B, chừng 2,8mg trong 1g lá.
- Theo Arrhur và Hui (J. Chem. Soc., 1954 và C.A., 1955), trong Tỳ bà diệp có chứa axit ursolic C20H48O3, axit oleanic và caryophylin.
- Trong hạt có amydalin và HCN.
- Quả có chứa 80 chất có mùi thơm trong nó nhiều chất chứa alcol và carbonyl. Chất chính là hexanal, bezaldehyd…
- Thịt quả chứa đường, acid hữu cơ, acid amin. Trong đó đường tự do (13,7%) chủ yếu là do fructose, glucose, sucrose. Hàm lượng đường quả chín cao gấp 2 lần so với quả chưa chín. Acid hữu cơ (0,2%) chủ yếu gồm acid malic, acid formic, acid oxalic…Acid amin 18-30% gồm acid aspartic, valin, acid glutamic, serin, alanin…
Trong 100g quả, thì phần ăn được (phần thịt) sẽ chiếm khoảng 65g, còn phần bỏ đi (vỏ, hạt) là khoảng 35g.
Lượng đường có trong Tỳ bà thấp hơn so với táo: Tỉ tệ đường của quả Tỳ bà là 8,5g/100g, còn của táo là 12,3g/100g. Các chất beta-carotene phong phú cao hơn táo khoảng 40 lần. Chất beta-carotene này có thể được chuyển đổi thành vitamin A khi vào trong cơ thể. (Nguồn: Bách khoa Trung Quốc).
2.2. Tác dụng Y học hiện đại
- Ức chế sự co thắt khí quản của chuột lang do histamin gây nên
- Lợi đờm: do sự tăng cường bài tiết của phenolsulfonphithalin….ở đường hô hấp
- Chống viêm, Kháng khuẩn: Nước sắc của lá tỳ bà ức chế sự vi khuẩn của Staphylococcus aerus
- Chữa ho, chữa cảm lạnh
- Tăng sức đề kháng do cung cấp nhiều vitamin cho cơ thể
- Nôn mửa.
- Giúp sự tiêu hóa.
- Phụ nữ có thai nôn mửa.
- Rửa vết thương.
2.3. Tác dụng Y học cổ truyền
Vị đắng, tính bình.
Quy kinh Phế, Vị.
Chủ trị:
- Chữa ho, nhiều đờm, nôn khan, miệng khát.
- Trị tức ngực, ho suyễn do nhiệt (tẩm mật).
- Đau dạ dày, trị nôn (tẩm gừng), điều hòa Tỳ Vị.
Quả Tỳ bà ăn sống có tác dụng giải khát, tiêu đờm, chống buồn nôn.
Danh y nổi tiếng thời Minh (Trung Quốc) Lý Thời Trân viết trong cuốn ” Bản thảo cương mục” rằng: quả Tỳ bà có tác dụng giảm khí trong dạ dày, thanh nhiệt, giải nóng.
3. Cách dùng và liều dùng
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng vị thuốc theo nhiều cách khác nhau. Dùng riêng hoặc kết hợp với các vị thuốc khác đều được. Trong đó, dược liệu được dùng phổ biến nhất ở dạng thuốc sắc.
Liều dùng: Mỗi ngày dùng 6 – 12g, thuốc sắc có thể dùng tới 15 – 20g.
Lưu ý: Khi dùng Tỳ bà diệp phải chải sạch lông. Muốn dùng chống nôn thì tẩm gừng, nướng. Chữa ho lâu ngày thì tẩm mật ong, nướng.
Kiêng kỵ:
- Người bị ho và nôn mửa do lạnh không nên dùng Tỳ bà diệp.
- Cơ thể suy nhược, bệnh lâu ngày, tay chân lạnh, lạnh bụng.
- Dị ứng với bất kỳ thành phần của dược liệu.
- Một số bài thuốc kinh nghiệm từ cây Tỳ bà
4.1. Chữa ho, viêm phế quản mạn tính do phong nhiệt
Tỳ bà diệp 20g, Khoản đông hoa 10g, Cam thảo 5g, nước 600ml. Sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày.
Hoặc Tỳ bà diệp 12g, Cam thảo 4g, Hoàng bá 4g, Hoàng liên 4g, Nhân sâm 4g, Tang bạch bì 8g. Sắc uống (Tỳ Bà Thanh Phế Ẩm gia vị – Ngoại Khoa Đại Thành).
4.2. Trị Tỳ Vị hư yếu, nôn ói
Bán hạ 4g, Mao căn 80g, Nhân sâm 4g, Phục linh 20g, Sinh khương 7 lát, Tỳ bà diệp 8g. Sắc uống (Tỳ Bà Diệp ẩm – Loại Chứng Phổ Tế Bản Sự Phương).
4.3. Trị trúng thử (cảm nắng) đầu váng, hoa mắt
Tỳ bà diệp 20g, Chích thảo 40g, Đinh hương 20g, Hậu phác 20g, Hương nhu 30g, Mạch môn 40g, Mao căn 40g,Mộc qua40g, Trần bì 20g, thêm Gừng 3 lát. Tán nhỏ mỗi lần dùng 12-14g, hoặc sắc uống. (Tỳ Bà Diệp Tán).
Cây Tỳ bà là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích nhé!
Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc VIệt Nam. Nhà xuất bản Y học Đỗ Huy Bích , Đặng Quang Chung , Bùi Xuân Chương , Nguyễn Thượng Dong , Đỗ Trung Đàm , Phạm Văn Hiền , Vũ Ngọc Lộ , Phạm Duy Mai , Phạm Kim Mãn , Đoàn Thị Nhu , Nguyễn Tập , Trần Toàn. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Hoàng Duy Tân ( 2006). Đông dược học. Nhà xuất bản Đồng Nai PTS Võ Văn Chi (2000). Cây thuốc trị bệnh thông dụng. NXB Thanh Hóa Singh Baljinder et al. Pharmacological potential of Eriobotrya Japonica, An overeview, International research journal of pharmacy. Ding CK, Chen QF, Sun TL, Xia QZ. Germplasm resources and breeding of Eriobotrya japonica Lindl. in China. Acta Horticulturea 1995; 403: 121-126. Ryoji Hirota, et al. Japanese Loquat (Eriobotrya Japonica) Seed Extract, a Rich Source of Beta-Sitosterol Inhibits Airway Hyperresponsiveness in BALB/C Mice. International Journal of Research Studies in Biosciences (IJRSB) Volume 3, Issue 3, March 2015, PP 43-52