Châm cứu chữa đau dây thần kinh số V và điều cần biết
Nội dung bài viết
Ngày nay, đau dây thần kinh số V là bệnh lý khá phổ biến với các triệu chứng khó chịu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Cùng với sự phát triển của ngành y học, nhiều phương pháp trị bệnh hiệu quả đã ra đời. Trong đó, liệu pháp y học cổ truyền, đặc biệt là châm cứu chữa đau dây thần kinh số 5, được ghi nhận với nhiều kết quả tích cực. Liệu châm cứu chữa đau dây thần kinh số V có thực sự hiệu quả, cùng YouMed tìm hiểu nhé.
Thế nào là tình trạng đau dây thần kinh số V
Dây thần kinh số V còn gọi là: dây thần kinh số 5, thần kinh sinh ba, dây tam thoa… Bệnh xuất phát từ tổn thương nhất định ở một, hai hoặc cả ba nhánh thần kinh V1, V2, V3. Trong đó, các vấn đề ở nhánh V1 thường xảy ra hơn. Tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới vào độ tuổi trung niên là cao hơn các lứa tuổi khác.
Giải phẫu dây thần kinh số V
Dây thần kinh số 5 có nguồn gốc từ não bộ, khi đến vùng mặt thì chia thành ba nhánh chính là V1, V2, V3 ở mỗi bên mặt, phân bố đối xứng nhau.
- Nhánh V1: vươn tới phần da trán, da đầu và quanh vùng mắt.
- Nhánh V2: vươn ra khu vực quanh phần má, hàm trên.
- Nhánh V3: chạy tới vùng hàm dưới, quai hàm.
Chức năng của dây thần kinh tam thoa là vận động (hỗ trợ điều khiển các cơ, động tác nhai và kiểm soát quá trình tạo nước mắt, nước bọt…) và cảm giác.
Dấu hiệu bệnh đau dây thần kinh số V
Đau là triệu chứng điển hình của tổn thương dây thần kinh số V. Tính chất đau:
- Vị trí tương ứng với nhánh thần kinh bị tổn thương, thường ở một bên mặt.
- Đau co thắt có cảm giác như điện giật, kim châm hoặc nóng rát, dữ dội…
- Khởi phát đột ngột hoặc khi đánh răng, rửa mặt, nói chuyện, ăn uống, chạm vào vị trí kích thích…
- Kèm tê, da mặt hồng lên, chảy nước mắt, nước mũi, vã mồ hôi,…
- Mỗi cơn kéo dài trong vài giây hoặc vài phút, và có thể xảy ra nhiều lần trong ngày, không theo quy luật. Hầu như giữa các cơn không có triệu chứng gì.
Là bệnh dai dẳng, thường tái diễn, nên phối hợp các phương pháp điều trị, để đạt hiệu quả nhất.
Bệnh có thể bị nhẫm lẫn với bệnh lý xoang mặt, tai, đau răng, đau đầu…Chính vì vậy, cần có sự thăm khám của bác sĩ chuyên môn để đưa ra chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Nguyên nhân
Áp lực lên mạch máu và dây thần kinh số 5, làm tổn thương chức năng của thần kinh này.
Chứng xơ hóa hay các bệnh lý làm lớp vỏ myelin của thần kinh bị tổn thương, thường gặp ở người lớn tuổi.
Khối u chèn ép vào dây thần kinh, mạch máu hoặc tổn thương ở não…
Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như chấn thương, đột quỵ, viêm xoang, áp xe răng, virus…Tuy nhiên trong một số trường hợp, nguyên nhân gây ra bệnh không rõ.
Tiến triển bệnh
Nếu không được điều trị những cơn đau sẽ có cường độ và tần số ngày càng tăng dần. Điều này làm khó chịu, mệt mỏi cho người bệnh, tinh thần sa sút, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
Một số trường hợp còn dẫn đến liệt nửa mặt nếu thần kinh số 5 bị tổn hại nghiêm trọng,…
Do đau và sợ vùng cơ mặt nên ăn uống ít đi, sụt cân, vệ sinh răng miệng kém…
Hướng điều trị
Điều trị nội khoa
Điều trị dùng thuốc: Các bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc:
- Thuốc làm giảm/ngăn tín hiệu cảm giác đau về não như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co cơ,…
- Điều trị nguyên nhân cụ thể (nếu có)
Điều trị không dùng thuốc:
Hiện nay, việc kết hợp với các liệu pháp không dùng thuốc như vật lý trị liệu, xoa bóp bấm huyệt, châm cứu chữa đau dây thần kinh số V…đang nhận được các kết quả tích cực.
Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật được cân nhắc khi điều trị nội khoa không hiệu quả, xuất hiện các tác dụng phụ nguy hiểm, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống…
Bệnh đau dây thần kinh số V dưới góc nhìn y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, đau dây thần kinh số 5 được mô tả trong phạm vi các chứng Thống phong, Diện thống, Đầu thống…
Nguyên nhân:
Do vệ khí suy giảm làm phong hàn hoặc phong nhiệt xâm phạm vào các đường kinh dương ở vùng mặt (kinh Đại trường, Vị). Điều này làm khí huyết lưu thông bị tắc trở gây nên bệnh.
Do chấn thương hay vi chấn thương, đàm tắc trở…làm huyết ứ gây đau.
Do tình chí hay giận dữ, uất ức hay lớn tuổi, khí huyết suy giảm,…mà tạng Can bị tổn thương, chức năng Can chủ sơ tiết từ đó bị mất đi, hóa hỏa. Phần dương hỏa này bốc lên vùng đầu mặt, phạm vào kinh lạc gây bệnh.
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà có triệu chứng khác nhau cũng như những pháp trị khác nhau. Cụ thể như khu phong, tán hàn, thanh Can giải nhiệt, trừ đờm, thông kinh hoạt lạc, ích khí, hoạt huyết, tư âm…
Châm cứu chữa đau dây thần kinh số 5 có hiệu quả không?
Theo nhiều tài liệu ghi nhận rằng, thông qua việc dùng kim châm cứu kích thích các vị trí huyệt sẽ giúp khí huyết trong cơ thể lưu thông tốt hơn. Ngoài ra, liệu pháp này, giúp tạo ra hormon endorphin giúp giảm đau, cân bằng nội tiết tố, an thần…Không chỉ có thế, châm cứu chữa đau dây thần kinh số 5 còn hạn chế biến chứng và tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc.
Phương pháp châm cứu chữa đau dây thần kinh số V
Chỉ định
Trường hợp bị đau dây thần kinh V.
Chống chỉ định
- Các trường hợp đau thần kinh số V mà có các tổn thương như liệt cơ nhai, mất phản xạ giác mạc, xơ cứng rải rác, u não…cần tham khảo ý kiến của bác sĩ có chuyên môn.
- Bên cạnh đó, các đối tượng suy kiệt nặng, sốt cao kèm suy tim, suy thận…cũng không nên châm cứu.
- Không nên châm vào những vùng da đang viêm nhiễm, sưng nhiều, phù nề nặng hay lở loét…
Cách châm cứu chữa đau dây thần kinh số 5
Chọn A thị huyệt: là các huyệt mà khi ấn vào vị trí đó cảm thấy đau nhiều. Bên cạnh đó, tùy theo đường kinh và nhánh thần kinh tổn thương mà gia thêm các huyệt:
- Nhánh V1 (trán, da đầu, quanh mắt): Ngoại quan, Dương bạch, Ngư yêu, Thái dương, Toán trúc, Đầu duy, Đồng tử liêu,…
- Nhánh V2 (hàm trên, má): Cự liêu, Nhân trung, Hợp cốc, Quyền liêu, Nghinh hương
- Nhánh V3 (hàm dưới, quai hàm): Hạ quan, Địa thương, Giáp xa, Thừa tương, Nội đình,…
- Tác dụng giải biểu, khu tà khí: gia huyệt Ế phong, Phong trì, Hợp cốc…
Kích thích mạnh, mỗi ngày châm một lần, cứ 5 phút vê kim/lần, kéo dài khoảng 30 phút.
Có thể phối hợp thêm với các liệu pháp ôn châm, điện châm, cứu, thủy châm…theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn, để phù hợp với từng trường hợp bệnh.
(Điện) Nhĩ châm
Châm vào các vùng: Mắt, Đầu, Miệng, Lưỡi, Hàm trên, Hàm dưới, Giao cảm, Thần môn, Tâm bào…tùy theo tình trạng bệnh.
Lưu ý khi lựa chọn châm cứu chữa đau dây thần kinh số V
Cần theo dõi tình trạng bệnh nhân sau khi thực hiện châm cứu chữa đau dây thần kinh số 5, cũng như các triệu chứng có thể xảy ra như:
Các triệu chứng của tình trạng vựng châm như: hoa mắt, vã mồ hôi, chóng mặt, mệt mỏi, sắc mặt nhợt, mạch nhanh…Đầu tiên tắt máy điện châm (nếu có), rồi rút kim ngay. Sau đó, theo dõi các dấu hiệu sinh tồn và tình trạng người bệnh, kèm lau mồ hôi, ủ ấm và cho người bệnh nằm nghỉ tại chỗ cho đến khi khỏe lại.
Bên cạnh đó có thể gặp cảm giác đau ở nơi châm kim, bầm tím, chảy máu nơi rút kim… Ở trường hợp này, ta nên sử dụng bông gòn vô khuẩn ấn lên vị trí tổn thương, cầm máu, không day.
Những phương pháp đông y khác giúp chữa đau dây thần kinh số V
Xoa bóp bấm huyệt
Không chỉ có châm cứu chữa đau dây thần kinh số 5, xoa bóp bấm huyệt cũng có nhiều ích lợi đối với bệnh này. Với việc làm kích thích, thông kinh lạc, tăng cường lưu thông khí huyết, giảm đau…thông qua tác dụng vào huyệt mà liệu pháp này ngày càng được ứng dụng rộng rãi.
Thực hiện các động tác xoa, vuốt, miết, véo, phân, hợp, day vùng đầu mặt, cổ, đặc biệt tập trung vào vùng bị tổn thương. Kết hợp với động tác ấn, bấm, day các huyệt tương tự như phần châm cứu.
Liệu trình mỗi ngày khoảng 30 phút, tùy theo diễn tiến bệnh mà có thể kéo dài từ 15 đến 30 ngày.
Chú ý: Không nên thực hiện việc này trên các bệnh cấp cứu, ngoại khoa… hay trên vùng da lở loét, viêm nhiễm…
Thuốc đông y
Tùy theo từng thể bệnh mà thầy thuốc sẽ đưa ra những dược liệu và bài thuốc phù hợp nhất. Thông thường thuốc đông y là phương pháp hỗ trợ bệnh, nên cần được kết hợp với các liệu pháp khác để tăng hiệu quả điều trị bệnh.
Có thể nói rằng, đau dây thần kinh số V là bệnh lý cần được điều trị và chăm sóc tích cực, để không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong đó, châm cứu chữa bệnh đau dây thần kinh số V là một trong các liệu pháp hữu ích, mang lại nhiều kết quả khả quan, cần được ứng dụng rộng rãi hơn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Bộ y tế. Hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành châm cứu.
- Học viện Y học cổ truyền Trung Quốc (2000). Châm cứu học Trung Quốc. NXB Y học.
- Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam (2011). Giáo trình châm cứu
-
Acupuncture Reduces Trigeminal Neuralgia Painhttps://www.healthcmi.com/Acupuncture-Continuing-Education-News/1505-acupuncture-reduces-trigeminal-neuralgia-pain
Ngày tham khảo: 26/06/2021