YouMed

Châm cứu có đau không và câu trả lời từ bác sĩ

Bác sĩ Nguyễn Thị Lệ Quyên
Tác giả: ThS.BS Nguyễn Thị Lệ Quyên
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Châm cứu là một hình thức điều trị hiệu quả từ rất lâu của Đông Y. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không dám “áp dụng” phương pháp này do e sợ cảm giác kim châm vào người sẽ gây đau hơn. Vậy châm cứu có gây đau không? Hãy cùng YouMed tìm hiểu về nguyên lý của phương pháp này nhé!

Tổng quan về phương pháp châm cứu

Châm cứu là gì?

Châm cứu là một trong những liệu pháp không dùng thuốc của Đông Y. Phương pháp này cùng với xoa bóp bấm huyệt cũng được chấp nhận rộng rãi ở các nước phương Tây.

Châm cứu là sự kết hợp của 2 kỹ thuật điều trị khác nhau gồm “châm” và “cứu”.

Theo định nghĩa cổ điển, châm là dùng kim có độ dài, kích thước khác nhau để châm vào các huyệt vị trên cơ thể. Tên tiếng anh của châm cứu là “Acupunture”, bắt nguồn từ tiếng La-tinh. Trong đó, “acus” là nhọn, “punturus” là điểm, dấu chấm. Theo đó, nghĩa của “acupuncture” là dùng vật nhọn tác động vào các huyệt vị.

Châm cứu
Châm cứu là sự kết hợp của 2 kỹ thuật điều trị khác nhau gồm “châm” và “cứu”

Cứu là dùng sức nóng tác động vào các huyệt vị, đường kinh. Cứu trong thời gian dài hay ngắn, ấm hay nóng tùy thuộc tình trạng bệnh lý.

Lịch sử của châm cứu

Tài liệu khảo cổ cho thấy phương pháp bắt nguồn vào khoảng hơn 4000 năm trước Công Nguyên. Khởi đầu, người ta đã dùng đá, xương hay tre vót nhọn để tác động lên cơ thể. Vào các thế kỷ sau, các loại kim châm bằng đồng, bạc, vàng xuất hiện. Ngày nay, kim châm thường được làm bằng các hợp chất kim loại không gỉ, độ bền cao.

Tại Trung Quốc

Một số tác phẩm y văn kinh điển của Đông Y đề cập đến châm cứu từ rất sớm. Trong đó, “Nội kinh linh khu” được viết khoảng thế kỷ 5 – 3 TCN được coi là cuốn sách đầu tiên nói về kỹ thuật này. Tiếp đó, “Châm Cứu Giáp Ất kinh” của Hoàng Phủ Mật (đời nhà Tấn).

Thời nhà Minh, Dương Kế Châu dựa theo kinh nghiệm, tinh hoa từ các tác phẩm trước đó soạn ra “Châm Cứu Đại Thành”. Đây được coi là cuốn sách nền tảng của châm cứu phái cổ điển.

Tại Việt Nam

Phương pháp châm cứu đã được kế thừa và phát triển từ trước công nguyên. Vào thời các vua Hùng và An Dương Vương, trong ‘Lĩnh Nam chích quái’ có đề cập việc các thầy thuốc dùng kỹ thuật này để chữa bệnh.

Thế kỷ thứ 14, danh y Tuệ Tĩnh khái quát về hệ kinh lạc và một số kỹ thuật châm, cứu “Hồng nghĩa giác tư y thư”. Sau đó, Nguyễn Đại Năng đã hệ thống hóa về phương pháp này trong “Châm cứu tiệp hiệu diễn ca”.

Thời hiện đại, nhờ vào sự phát triển của khoa học kỹ thuật, châm cứu được hệ thống hơn. Đặc biệt về phương diện tương quan giải phẫu, thần kinh với kinh lạc, huyệt vị trên cơ thể. Đồng thời, một số kỹ thuật châm mới cũng được giới thiệu như: tam lăng châm, nhĩ châm, thuỷ châm,…

Châm cứu có đau không?

Nguyên lý châm cứu không gây đau

Tuy là một phương pháp được chứng minh hiệu quả qua nhiều thời kỳ, nhiều người bệnh vẫn rất e ngại sử dụng kỹ thuật này. Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất là “sợ đau” khi kim châm vào cơ thể. Trên thực tế, châm cứu có đau như nhiều người nghĩ không. Câu trả lời là không, dưới đây là một số lý do châm cứu không gây đau:

  • Không giống các loại kim truyền dịch, kim may vá khác nhau. Đa phần kim châm cứu hiện nay được thiết kế với mũi kim nhỏ, mỏng. Đường kính kim hiện nay còn chưa đến 1 mm. Một số loại kim chất lượng cao rất mỏng và mềm như sợi tóc. Do đó, khi châm vào cơ thể, kim không gây đau như chích thuốc hay bị kim may vá đâm vào.
  • Thao tác qua da của các y bác sĩ nhanh. Đối với các y bác sĩ có kỹ thuật châm tốt, bệnh nhân có thể không nhận biết được kim châm vào cơ thể. Nếu có đau, thì chỉ là cảm giác khó chịu rất ngắn khi qua da.
  • Theo lý luận y học cổ truyền, việc châm cứu kích thích đúng vào các huyệt vị, nơi khí huyết đang bị bế tắc sẽ không gây đau.
  • Các y bác sĩ sẽ thay đổi một số công thức huyệt trong liệu trình châm cứu. Tránh sự khó chịu khi tác động vào một vùng da cụ thể quá nhiều lần.

Vì các lý do đó, người bệnh nên tự tin, bình tĩnh khi châm cứu. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân “sợ kim” trở nên hết sợ khi thực sự trải nghiệm châm cứu lần đầu. Khi quá căng thẳng, các cơ sẽ bị co thắt, làm việc đưa kim vào huyệt khó hơn. Do đó, cảm giác đau sẽ tăng lên và người bệnh sẽ càng sợ hãi hơn. Mặt khác, sự sợ hãi lại kích thích cơ thể tiết ra nhiều hoocmon “stress” làm cơ thể nhạy cảm với cảm giác đau.

Một số phương pháp châm cứu không gây đau

Hiện nay, với sự phát triển của khoa học, nhiều hình thức châm hiện đại được phát triển làm giảm cảm giác đau. Đa số các phương pháp này là sự kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại.

Laser châm - câu trả lời không cho câu hỏi "Châm cứu có gây đau không ?"
Laser châm – câu trả lời không cho câu hỏi “Châm cứu có gây đau không ?”

Cụ thể, các phương pháp này thay thế các cây kim châm bằng chùm tia laser, tia hồng ngoại hay điện từ trường,… để tác động lên hệ thống các huyệt vị.

Ngoài ra, cấy chỉ (nhu châm) cũng là một phương pháp dành cho những người “sợ kim”. Với phương pháp cấy chỉ, người bệnh chỉ cần chịu cảm giác kim vào cơ thể một lần nhưng có tác dụng nhiều ngày sau. Thời gian cho mỗi liệu trình cấy chỉ phụ thuộc vào bệnh lý và loại chỉ được cấy vào cơ thể.

Cấy chỉ
Cấy chỉ giúp tối ưu hoá thời gian điều trị

Cơ chế tác dụng của châm cứu

Châm cứu là phương pháp điều khí huyết thông qua kích thích những vị trí giải phẫu đặc biệt (huyệt vị), bởi nhiều kỹ thuật khác nhau. Cơ chế của nó được nghiên cứu thông qua y văn và các nghiên cứu khoa học.

Theo y học hiện đại

Có nhiều lý thuyết giải thích cơ chế châm cứu. Các lý thuyết này đều quy về các cơ chế về thần kinh sinh học, dịch thể, điện sinh vật và giả dược. Theo đó, cơ thể sẽ có những đáp ứng lại khi có kim tác động. Bao gồm các phản ứng tại chỗ, phản ứng theo tiết đoạn, phản ứng toàn thân.

Phản ứng tại chỗ

Kim châm vào cơ thể tạo một cung phản xạ mới giúp ức chế cung phản xạ bệnh lý. Ngoài ra, những phản xạ của hệ thần kinh thực vật tác động đến nhiệt độ da, thấm nhập tế bào viêm,… Châm cứu làm giảm các tổn thương tại chỗ, giúp thư giãn cơ,… Từ đó, giúp giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh lý.

Phản ứng theo tiết đoạn thần kinh

Cơ thể có 31 tiết đoạn thần kinh. Bao gồm vùng da, dây thần kinh tủy sống, hạch giao cảm và các cơ quan, tạng phủ tương ứng. Châm cứu điều chỉnh các rối loạn bệnh lý của các cơ quan, thông qua việc kích thích các huyệt vị thuộc các vùng da tương ứng.

Phản ứng toàn thân

Một số huyệt có hiệu quả được chứng minh qua thời gian nhưng không ở cùng với vị trí đau hay cùng tiết đoạn với cơ quan bị bệnh. Tác dụng điều trị đó được giải thích thông qua các phản ứng toàn thân. Các kích thích từ ngoài cơ thể hoặc từ trong các nội tạng đều được truyền lên vỏ não. Châm cứu kích thích vỏ não tăng cường tiết các hoocmon “hạnh phúc” như dopamine, endorphin,… Ngoài ra, nó còn gây những biến đổi về thể dịch theo hướng tích cực cho cơ thể.

Các phản ứng này giải thích tác dụng của huyệt ở xa vị trí bệnh và có tác dụng toàn thân. Ví dụ của một số huyệt này như Uỷ trung, Liệt khuyết, Nội quan,…

Theo y học cổ truyền

Kinh lạc là đường liên hệ giữa phần ngoài với cơ quan nội tạng bên trong cơ thể. Mỗi nhánh của kinh lạc đều có đường đi nhất định và liên hệ với một số tạng phủ. Bệnh của tạng phủ có thể biểu hiện qua các đường kinh lạc tương ứng trên bề mặt da. Kinh lạc bị tắc trở, khí huyết không lưu thông thì sẽ gây bệnh. Thông qua châm cứu ta có thể kích thích huyệt, giúp lập lại sự cân bằng âm dương, điều hoà khí huyết trong cơ thể. Do đó, khôi phục lại công năng bình thường tạng phủ.

Những đối tượng không nên châm cứu

Châm cứu được đánh giá là một trong những phương pháp điều trị an toàn với xâm lấn tối thiểu. Tuy nhiên, một số nhóm đối tượng sau không nên sử dụng phương pháp này:

  • Đang mắc các bệnh cấp cứu nội, ngoại khoa, hoặc phải theo dõi phẫu thuật.
  • Vùng da châm cứu bị tổn thương như viêm nhiễm hoặc lở loét ngoài da.
  • Một số tình trạng sức khoẻ: nhiễm trùng, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim chưa được kiểm soát, sức khoẻ tâm thần không ổn định, thai kỳ.
  • Người bệnh quá no hoặc quá đói.

Quá trình phát triển của châm cứu “thăng trầm” qua nhiều giai đoạn. Hiệu quả của châm cứu được chứng minh qua nhiều nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế. Sự thay đổi thiết kế của kim châm, sự phát triển của các phương pháp châm mới giúp châm cứu trở nên dễ chịu với đa số người bệnh. Bài viết trên giải đáp cho câu hỏi châm cứu là gì và châm cứu có gây đau không.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Phương pháp laser châmhttps://dieutridau.vn/phuong-phap-laser-cham-dieu-tri-dau/

    Ngày tham khảo: 04/06/2021

  2. Slideshow: A Visual Guide to Acupuncturehttps://www.webmd.com/pain-management/ss/slideshow-acupuncture-overview

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người