YouMed

Châm cứu thời gian bao lâu và những câu hỏi thường gặp về châm cứu

Thạc sĩ Bác sĩ Dư Thị Cẩm Quỳnh
Tác giả: ThS.BS Dư Thị Cẩm Quỳnh
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Châm cứu là một nhánh lớn trong Y học cổ truyền phương Đông. Nó được sử dụng từ xa xưa và không ngừng phát triển đến ngày nay. Những tác dụng của châm cứu còn được các nước phương Tây công nhận rộng rãi như giảm đau trong bệnh xương khớp, thống kinh, mất ngủ… Khi nhắc đến phưng pháp điều trị này, nhiều người thường thắc mắc châm cứu thời gian bao lâu? Tại sao châm cứu không chảy máu,… Hãy cùng YouMed giải đáp những câu hỏi trên qua bài viết sau. 

Châm cứu là gì?

Châm là dùng kim châm vào những điểm trên cơ thể (huyệt) nhằm mục đích phòng và trị bệnh.

Người cổ xưa đã dùng đá mài nhọn để châm. Sau đó cùng với các thời kỳ tìm ra kim loại, kim châm cứu không ngừng thay đổi từ đá mài đến đồng, sắt, vàng và ngày nay là sử dụng thép không rỉ.

Những phương pháp châm cứu hiện nay

Trước khi tìm hiểu châm cứu thời gian bao lâu? Hãy cùng YouMed điểm qua những phương pháp châm cứu.

Ngày nay, có rất nhiều phương pháp châm cứu khác nhau đang được sử dụng trong nước và các nước châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, …

Phương pháp châm cứu phổ biến, thường dùng ở các bệnh viện Y học cổ truyền, phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền hiện nay là phương pháp Hào châm.

Phương pháp Hào châm

Hào châm là tên gọi được gọi theo kích thước loại kim sử dụng. Hào châm sử dụng loại kim đường kính nhỏ, mảnh như sợi tóc, thường từ 0,25 – 0,3mm. Loại kim này ngày nay có hình dáng gần giống với kim hào châm cổ ngày xưa. Kim có độ dài ngắn khác nhau từ 13mm, 25mm, 40mm, 60mm, 75mm, …

Hào châm thường dùng trong bệnh lý cơ năng. Chẳng hạn như rối loạn thần kinh tim, mất ngủ không rõ nguyên nhân, chán ăn không tiêu, tiêu chảy, táo bón, bí tiểu chức năng, nấc cụt; trong đau cấp và mạn tính: đụng giập, chấn thương, đau sau mổ, đau trong bệnh lý cơ xương khớp, đau do tổn thương thần kinh… Ngoài ra, Hào châm còn ứng dụng trong một số bệnh do viêm nhiễm như viêm vú, chắp lẹo,…

Phương pháp Điện châm

Điện châm là phương pháp chữa bệnh phối hợp tác dụng điều trị của châm cứu và kích thích của dòng điện.

Hiện nay, tại các bệnh viện Y học cổ truyền, Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền thường sử dụng máy có xung điện đầu ra tính năng ổn định, an toàn, thao tác điều chỉnh dễ dàng, đơn giản. Tác dụng kích thích của dòng xung điện tăng hiệu quả giảm đau, kích hoạt các cơ, tăng cường dinh dưỡng vùng cơ thể đang bị tổn thương, giảm viêm…

Điện châm giúp giảm đau, giảm viêm
Điện châm giúp giảm đau, giảm viêm

Phương pháp Mai hoa châm

Mai hoa châm là một hình thức phát triển của châm cứu, sử dụng phương pháp kim hoa mai (5 – 7 chiếc kim nhỏ cố định vào đầu cán gỗ) rồi gõ trên mặt da, nhằm mục đích chữa bệnh hoặc phòng bệnh.

Nhìn chung là phương pháp mai hoa châm có thể dùng để chữa trị các bệnh như phương pháp hào châm vẫn thường làm.

Phương pháp Mãng châm

Phương pháp Mãng châm là hình thức châm cứu kết hợp giữa trường châm và cự châm cổ điển.

Phương pháp này sử dụng kim to, kim dài; châm theo huyệt đạo tức là châm xuyên từ huyệt này sang huyệt kia trên cùng một đường kinh; hoặc hai đường kinh khác nhau có tác dụng điều khí nhanh, mạnh hơn nên có tác dụng chữa các chứng bệnh khó như chứng đau, chứng liệt… Kim châm thường là kim có độ dài từ 15cm, 20cm, 30cm có thể lên tới 60cm, đường kính từ 0,5 – 1mm. Tùy từng huyệt đạo trên cơ thể mà có thể sử dụng các kim châm có độ dài tương ứng.

Mãng châm sử dụng kim dài để đạt hiệu quả
Mãng châm sử dụng kim dài để đạt hiệu quả

Phương pháp Thủy châm

Thủy châm là một phương pháp điều trị kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại. Nó phối hợp tác dụng của châm kim theo học thuyết kinh lạc với tác dụng của thuốc tiêm.

Có thể dùng những loại thuốc tiêm có tác dụng toàn thân, hoặc những loại thuốc chỉ có tác dụng tăng cường và duy trì kích thích vào huyệt để nâng cao hiệu quả điều trị.

Phương pháp Laser châm

Laser châm là một phương pháp phát triển của châm cứu theo hướng hiện đại. Laser châm sử dụng ánh sáng đơn sắc từ thiết bị laser công suất thấp chiếu vào hệ thống các huyệt trên cơ thể giúp lập lại quân bình âm – dương nhằm điều trị và phòng bệnh.

Phương pháp Cấy chỉ

Cấy chỉ là phương pháp châm cứu kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại. Cách châm cứu Cấy chỉ được tiến hành bằng cách dùng sợi chỉ tự tiêu chôn vào huyệt. Chỉ tự tiêu bản chất là một protein do đó trong quá trình tự tiêu luôn tạo ra kích thích lên huyệt, từ đó, phát huy tác dụng chữa bệnh của huyệt.

Cấy chỉ giúp duy trì tác dụng của huyệt vị
Cấy chỉ giúp duy trì tác dụng của huyệt vị

Phương pháp Từ châm

Từ châm là một phương pháp châm cứu kết hợp giữa Y học cổ truyền với Vật lý trị liệu.

Từ xưa, con người đã biết sử dụng từ trường của nam châm tự nhiên trong điều trị bệnh. Ngày nay, từ trường được ứng dụng rộng rãi. Nó có hiệu quả trong rất nhiều lĩnh vực như: nội khoa, ngoại khoa, vật lý trị liệu và các chuyên khoa khác.

Từ châm sử dụng nam châm vĩnh cửu thay cho kim châm cứu truyền thống tác động vào vùng cơ thể bị bệnh để phòng và điều trị, góp phần đáng kể trong bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

Câu hỏi thường gặp khi châm cứu

Châm cứu thời gian bao lâu?

Thời gian châm cứu tùy thuộc bệnh lý mà người bệnh đang mắc phải như:

  • Mức độ nặng – nhẹ của bệnh: bệnh nhẹ thời gian châm cứu nhanh. Bệnh nặng thời gian châm cứu lâu.
  • Thời gian mắc bệnh: bệnh mới mắc thời gian châm cứu nhành. Bệnh đã mắc lâu năm thời gian châm cứu lâu.

Hiện nay, tại các bệnh viện Y học cổ truyền, phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền có thời gian trung bình một lần châm cứu là 20 phút. Thường một đợt liệu trình từ 10 – 15 lần châm

Châm cứu thời điểm nào trong ngày là tốt nhất?

Không có câu trả lời chung cho tất cả loại bệnh. Tùy vào từng bệnh cụ thể mà thời điểm châm cứu phù hợp. Châm cứu theo thời điểm trong ngày còn có tên khác là Thời châm.

Tuy nhiên, ngày nay, do tính chất công việc của con người trong xã hội hiện đại; Thời châm đem lại một số bất tiện về thời gian. Ví dụ Thời châm giờ của Phế (liên quan đến Phổi) là giờ Dần tức 3 – 5 giờ sáng, giờ này bất tiện cho bệnh nhân và thầy thuốc để châm cứu.

Thay vào đó, thầy thuốc dựa vào thời điểm (ngày, giờ) bệnh nhân đến châm cứu mà sử dụng một số huyệt tương ứng để đạt hiệu quả mong muốn.

Châm cứu có đau không?

Châm cứu là sử dụng kim châm vào huyệt. Cảm giác đau xuất hiện khi kim qua da, vì da là xúc giác chứa nhiều thần kinh cảm giác trong đó có cảm giác đau. Tuy nhiên, khi kim vào huyệt, xung quanh là cơ thì cảm giác đau không còn.

Vì vậy, người thầy thuốc thường có những thao tác châm nhanh, dứt khoát để giảm cảm giác đau khi châm qua da cho người bệnh.

Sự thật đằng sau câu hỏi tại sao châm cứu không chảy máu

Châm cứu là một hình thức sử dụng kim châm vào huyệt. Đối với các huyệt ở vị trí nông, cơ mỏng ít, nhiều mạch máu như huyệt ở đầu, mặt, đầu ngón tay, đầu ngón chân thì châm cứu đôi khi phạm vào mao mạch, tĩnh mạch ở nông gây chảy máu với lượng ít, có thể có xuất huyết (vết bầm). Đối với các huyệt ở vị trí sâu, xung quanh có nhiều cơ dày; ít có hiện tượng chảy máu là do các cơ này bảo vệ mạch máu như tấm khiên chắn, và có thể xiết lại để tự cầm máu.

Bài viết trên đây đã giúp bạn đọc giải đáp được câu hỏi châm cứu thời gian bao lâu. Châm cứu đã và đang ngày càng phát triển; được sử dụng rộng rãi, được công nhận hiệu quả trên toàn thế giới. Quý bạn đọc quan tâm, muốn sử dụng phương pháp châm cứu điều trị bệnh nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa Y học cổ truyền để được khám, tư vấn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Bộ Y tế, 2015. Danh mục hướng dẫn quy trình kĩ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành châm cứu

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người