YouMed

Chảy dịch tai: Những nguyên nhân thường gặp và cách điều trị

Bác sĩ SỬ NGỌC KIỀU CHINH
Tác giả: Bác sĩ Sử Ngọc Kiều Chinh
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Chảy dịch tai là một triệu chứng thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Dịch có thể có dạng trong, lẫn máu hoặc giống như mủ. Các triệu chứng liên quan có thể là đau tai, sốt, chóng mặt, ù tai, nghe kém. Chảy dịch tai có thể cấp hoặc mạn, nó biểu hiện cho bệnh lý ở các thành phần của tai. Vậy đâu là những nguyên nhân thường gặp gây chảy dịch tai? Nó có nguy hiểm không? Khi nào cần tới khám bác sĩ? Bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn những kiến thức cơ bản về tình trạng thường gặp này.

Dịch tai tới từ đâu?

Thông thường tai của chúng ta tiết ra một chất lỏng có dạng dầu, về sau tạo thành ráy tai. Chức năng của chất dịch này là làm cho bụi, vi khuẩn hay các dị vật không xâm nhập được vào sâu bên trong tai.

Tuy nhiên trong một số trường hợp dịch từ tai không giống với bình thường. Có thể có dạng dịch trong, vàng lượng nhiều, dịch lẫn máu, dịch mủ. Dịch này có thể từ da ống tai ngoài, bề mặt màng nhĩ hay niêm mạc tai giữa. Chúng thể hiện một tình trạng bệnh lý của những bộ phận này. Các bệnh lý này có thể là viêm nhiễm, thủng màng nhĩ hoặc chấn thương các vùng của tai.

Dịch mủ chảy ra từ tai là một dấu hiệu bệnh lý
Dịch mủ chảy ra từ tai là một dấu hiệu bệnh lý

Những nguyên nhân thường gặp

1. Viêm tai giữa

Viêm tai giữa là một nguyên nhân thường gặp gây chảy dịch tai. Tai giữa là phần tai nằm sau màng nhĩ, chứa chuỗi xương con (các xương nhỏ giúp dẫn truyền âm thanh), đóng vai trò quan trọng trong chức năng nghe. Khi vi khuẩn hay virus xâm nhập vào tai giữa, chúng gây nhiễm trùng làm tích tụ dịch sau màng nhĩ. Dịch quá nhiều có thể gây thủng màng nhĩ, sau đó chảy ra ngoài.

2. Chấn thương

Đây cũng là một nguyên nhân gây chảy dịch tai. Chấn thương tai có thể xảy ra khi chúng ta vô tình dùng tăm bông đưa vào quá sâu.

Tăng áp suất trong tai khi đi máy bay hoặc lặn cũng là một nguyên nhân. Lúc này màng nhĩ cũng có thể bị tổn thương.

3. Viêm ống tai ngoài

Viêm ống tai ngoài thường được biết tới là bệnh tai ở người bơi lội. Khi ống tai ngoài tiếp xúc với nước nhiều, vi khuẩn hoặc nấm có cơ hội phát triển gây ra sự nhiễm trùng. Ngoài ra da tai quá ẩm dễ tổn thương hơn, tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập.

Bệnh không những chỉ xảy ra ở người bơi lội mà còn có thể gặp khi có một nguyên nhân gây tổn thương da ống tai ngoài. Đó có thể là bệnh eczema, dị vật kích thích tai…

Bệnh thường kèm theo các triệu chứng khác như đau, sưng đỏ ống tai ngoài.

4. Những nguyên nhân ít gặp hơn

Viêm ống tai ngoài ác tính là biến chứng của viêm ống tai ngoài, gây hủy sụn và xương, thường gặp ở người suy giảm miễn dịch.

Viêm xương chũm: là sự nhiễm trùng của phần xương nằm sau tai.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến khám bác sĩ nếu chảy dịch từ tai có đặc điểm sau:

  • Dịch chảy ra có màu trắng, vàng đục hoặc lẫn máu.
  • Chảy dịch kéo dài hơn 5 ngày.
  • Đau tai nhiều, tai sưng, đỏ hoặc nghe kém.
  • Chảy dịch kèm sưng, đau vùng sau tai.
  • Kèm theo sốt cao.
  • Chảy dịch tai sau chấn thương.

Chảy dịch tai được điều trị như thế nào?

Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân. Trong một số trường hợp nhẹ thậm chí không cần can thiệp gì thêm và tai sẽ tự bình thường lại.

Viêm ống tai ngoài sẽ được kê kháng sinh nhỏ tai để ngăn ngừa tình trạng xấu hơn. Với những trường hợp nặng, kháng sinh đường uống được lựa chọn.

Với nguyên nhân chấn thương, hầu như sẽ tự lành mà không cần can thiệp. Trường hợp rách màng nhĩ sẽ được theo dõi trong vòng vài tuần tới 2 tháng. Nếu màng nhĩ không tự lành, bác sĩ sẽ phải dùng mảnh ghép hoặc phẫu thuật để sửa chữa.

Để giảm đau người bệnh có thể đắp lên tai một miếng gạc ấm hoặc uống thuốc giảm đau.

Chúng ta nên làm gì để giữ tai khô và sạch?

Nhiễm trùng tai là một nguyên nhân thường gặp gây chảy dịch. Vì vậy, giữ vệ sinh cá nhân và hạn chế tiếp xúc người đang mắc bệnh rất cần thiết.

Trẻ em nên được cho bú mẹ đủ vì sữa mẹ có các kháng thể bảo vệ tai. Ngoài ra nếu trẻ bú bình thì cũng nên để trẻ ở tư thế ngồi hoặc đứng thẳng hơn là nằm.

Không đưa bất cứ vật gì vào trong tai, điều này có thể gây tổn thương da ống tai và màng nhĩ.

Khi tiếp xúc tiếng ồn nên dùng nút tai bảo vệ.

Người bơi lội nên sử dụng nút tai. Sau khi tập luyện nên làm khô tai bằng cách nghiêng đầu qua một bên.

Chảy dịch tai khá thường gặp và có thể đi kèm với những triệu chứng liên quan. Dịch có thể trong, vàng, đục như mủ hoặc lẫn máu. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới hiện tượng này. Thường gặp là viêm tai giữa, viêm ống tai ngoài, chấn thương. Đó có thể là bệnh lý nhẹ cho tới nguy hiểm, nhất là sau chấn thương.

Việc điều trị tùy theo nguyên nhân, có thể chỉ theo dõi hoặc phải can thiệp phẫu thuật. Việc giữ vệ sinh tai là rất cần thiết. Áp dụng các biện pháp bảo vệ tai không những tránh hiện tượng tai chảy dịch mà còn duy trì khả năng nghe của tai một cách tốt nhất.

Có thể bạn quan tâm: Bỏ túi những điều cần chuẩn bị trước khi đi khám Viêm tai giữa

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. What causes ear drainage?https://www.medicalnewstoday.com/articles/324651

    Ngày tham khảo: 29/02/2020

  2. What Causes Pus Drainage from the Ear?https://www.healthline.com/health/pus-in-ear

    Ngày tham khảo: 29/02/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người