Khi bị cháy nắng, bạn nên bôi gì?
Nội dung bài viết
Da bị cháy nắng sẽ mang lại cảm giác khó chịu cho làn da. Tình trạng da bị cháy nắng lâu sẽ lại càng nguy hiểm. Vì thế, giải pháp làm dịu da sau khi đi ngoài trời nắng là rất cần thiết. Khi bị cháy nắng, chúng ta nên bôi gì? Hãy cùng Bác sĩ Da liễu Nguyễn Thị Thảo tìm câu trả lời cho vấn đề “Cháy nắng bôi gì?” qua bài viết sau đây nhé!
Tại sao da bị cháy nắng?
Mặt trời phát ra ánh sáng tử ngoại có 3 bước sóng. Bao gồm:1
- UVA.
- UVB.
- UVC.
Ánh sáng UVC không đến được bề mặt Trái Đất. Trong khi đó, 2 loại tia cực tím còn lại có thể xuyên qua lớp quần áo. Sau đó, chúng có thể xuyên qua bề mặt da và gây tổn thương.1
Khi làn da của bạn tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong một thời gian, da sẽ bị cháy nắng. Nếu như thời gian dài, da có thể bị bỏng. Sau đó, da chuyển sang màu đỏ và dễ bị kích ứng.1
Cháy nắng là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy bạn đã ngồi ngoài trời quá lâu. Những tác hại của ánh nắng mặt trời không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy được. Tia cực tím có thể làm da bị lão hóa sớm, thậm chí còn gây ung thư da.1
Cháy nắng bắt đầu sớm hay muộn phụ thuộc vào:1
- Cấu trúc bề mặt da của bạn.
- Cường độ ánh sáng mặt trời.
- Bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong bao lâu?
Chính vì vậy, da cháy nắng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tình trạng này cần được phát hiện sớm để bảo vệ làn da của bạn.
Da bị cháy nắng bôi gì cho mau phục hồi?
Có nhiều cách điều trị cháy nắng nhẹ tại nhà. Bạn có thể làm dịu da bằng cách tắm nước mát, mặc quần áo rộng che chắn da, sử dụng kem dưỡng da,…2
Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải sử dụng đúng loại kem dưỡng da. Vì nếu sử dụng loại kem không phù hợp, có thể gây kích ứng thêm.
Theo Centers of Disease Control and Prevention – CDC, kem dưỡng ẩm, gel lô hội (nha đam) hay kem hydrocortisone 1% có tác dụng làm dịu vùng da nóng rát hiệu quả.3 Thông tin dưới đây đã liệt kê một số loại kem dưỡng da cháy nắng, bạn đọc có thể tham khảo nhé!
Kem dưỡng da không mùi CeraVe Hydrocortisone Cream 1%2
Thành phần chính: Hydrocortisone, axit hyaluronic, ceramides và niacinamide.
Dòng kem dưỡng này chứa chất kháng viêm Hydrocortisone nồng độ 1%. Chính nhờ thế, kem có thể giúp giảm ngứa, giảm đỏ do cháy nắng. Đồng thời, bảng thành phần kem còn chứa ceramides và axit hyaluronic, 2 hoạt chất này cấp ẩm cho da để giảm khô.
Kem dưỡng da này không có hương thơm. Với công thức lành tính như vậy, da sẽ được phục hồi, ngăn ngừa ngứa da lâu dài.
Lưu ý rằng, sản phẩm này có nồng độ hydrocortisone cao. Chỉ nên sử dụng kem ba hoặc bốn lần mỗi ngày và không dùng liên tục quá 2 tuần. Không sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi.
Kem dưỡng chống ngứa Burt’s Bees Aloe & Coconut After Sun Soother2
Thành phần hoạt tính: Dầu dừa và lô hội.
Thành phần chính của sản phẩm này là dầu dừa và lô hội. Nhờ vậy, sản phẩm có thể giúp làm dịu vùng da đau và ngứa do cháy nắng.
Kem dưỡng da cũng chứa glycerin. Tinh chất này hoạt động như một chất giữ ẩm, tăng cường độ ẩm cho da. Ngoài ra, sản phẩm này không chứa paraben, phthalate, dầu khoáng và natri lauryl sulfate.
Mọi người có thể thoa sản phẩm này lên bất kỳ vùng da nào trên cơ thể. Tuy nhiên, một số người dùng phản hồi rằng loại kem dưỡng da này gây bết dính. Bạn nên lưu ý nhược điểm này khi lựa chọn nhé.
Các sản phẩm trên có ưu/nhược điểm khác nhau và chỉ mang tính tham khảo. Bạn đọc cũng có thể tìm hiểu thêm các loại kem dưỡng cháy nắng khác, nhằm đưa ra lựa chọn phù hợp cho bản thân nhé!
Lưu ý khi sử dụng kem bôi da bị cháy nắng
Ngoài việc thoa kem dưỡng da hoặc gel, mọi người lưu ý một số mẹo khi chăm sóc da như sau:2
- Thường xuyên tắm hoặc làm dịu da bằng nước. Lưu ý bạn nên sử dụng nước mát hoặc nước ấm khi tắm.
- Lau khô cơ thể nhẹ nhàng bằng khăn sạch – không chà xát.
- Thoa kem dưỡng da phù hợp khi da còn hơi ẩm.
- Uống thêm nước để ngăn ngừa tình trạng mất nước.
- Bảo vệ các khu vực bị cháy nắng bằng cách che chắn.
Bạn cần liên hệ bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu sau:2
- Sốt cao.
- Có tình trạng mất nước nặng.
- Đau vùng da bị cháy nắng hơn 48 tiếng.
- Vùng da bị cháy nắng trở nên nghiêm trọng hơn hoặc phòng rộp lan rộng. Hoặc vùng da không dịu lại sau 3-5 ngày.
Các phương pháp bảo vệ da khỏi cháy nắng
Một số cách bảo vệ làn da của bạn an toàn khi đi ra ngoài như là:2
Lựa chọn thời gian đi ngoài trời nắng phù hợp
Tia nắng mặt trời mạnh nhất trong khoảng thời gian từ 10 đến 15 giờ. Nếu không muốn bị cháy nắng, bạn nên hạn chế ra ngoài trong thời gian này.
Tuy nhiên, khi bắt buộc phải ra ngoài, bạn cần đảm bảo làm da được bảo vệ kỹ lưỡng.
Sử dụng kem chống nắng
Việc sử dụng kem chống nắng khi đi ngoài trời nắng là rất quan trọng. Vì thế, bạn cần lựa chọn kem chống nắng phù hợp với loại da của mình.
Đặc biệt rằng bạn nên dùng kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất từ 30 trở lên. Mức độ chống nắng này sẽ cực kỳ hiệu quả đối với cả tia UVA và UVB.
Một số mẹo để thoa kem chống nắng hiệu quả:
- Bôi kem chống nắng khoảng 30 phút trước khi bạn ra ngoài.
- Sử dụng kem chống nắng ngay cả trong những ngày trời mát vì tia UV vẫn luôn hiện hữu.
- Thoa lại kem chống nắng sau mỗi 2-3 giờ hoặc thường xuyên hơn nếu bạn đổ mồ hôi nhiều hoặc đi bơi.
- Nếu bạn cần trang điểm, hãy thoa kem chống nắng trước rồi mới sử dụng đến kem nền. Bản thân kem nền không có thành phần chống nắng mà bạn cần. Ngay cả khi nó có chứa một ít chất chống nắng thì mức độ chống nắng không đủ cao.
Che chắn da
Sau bước bảo vệ trên, bạn cũng đừng quên những quần áo phù hợp nhé. Bạn cần lựa chọn những trang phục chống nắng khi phải ở ngoài trời. Chẳng hạn: mũ rộng vành, áo sơ mi dài tay và quần dài. Bạn đọc cũng nên mang kính râm ngăn tia UV. Việc mặc trang phục như vậy sẽ giúp che chắn cho cả làn da và đôi mắt của chúng ta.
Cháy nắng bôi gì? là một vấn đề nhận được khá nhiều sự quan tâm. Việc tìm được kem dưỡng da khi bị cháy nắng là rất cần thiết. Hydrocortisone và Glycerin là những hoạt chất lành tính, cấp ẩm cho da tức thì. Nhờ vậy, nó không chỉ giảm cảm giác khó chịu mà bảo vệ da khỏi thương tổn. Bạn cũng cần lưu ý bảo vệ làn da khi đi ngoài trời nắng. Nhớ thoa kem chống nắng thường xuyên và đều đặn kể cả ngày trời mát nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Sunburnhttps://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/guide/sunburn
Ngày tham khảo: 31/01/2023
-
5 of the best lotions for sunburn in 2022https://www.medicalnewstoday.com/articles/best-lotion-for-sunburn
Ngày tham khảo: 31/01/2023
-
Sun Exposure - Sunburnhttps://www.cdc.gov/niosh/topics/sunexposure/sunburn.html
Ngày tham khảo: 31/01/2023