YouMed

Chỉ nha khoa và tăm nước: Dụng cụ nào tốt hơn?

Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Tác giả: Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Chuyên khoa: Răng - Hàm - Mặt

Chăm sóc răng miệng, nhất là vùng kẽ, rất quan trọng. Hầu như tất cả nha sĩ đều dặn dò bệnh nhân trong mỗi lần khám về điều này. Các hiệp hội nha khoa cũng đều đưa ra khuyến cáo nên làm sạch vùng kẽ ít nhất 1 lần/ngày. Việc làm sạch vùng kẽ răng được thực hiện bằng các dụng cụ như: chỉ nha khoa, bàn chải kẽ, tăm nước… Vùng kẽ là nơi tích tụ thức ăn, mảng bám vi khuẩn mà bàn chải không tiếp cận được. Việc làm sạch vùng kẽ sẽ giúp giải quyết đến 40% các vùng vi khuẩn dễ bám nhưng khó sạch nhất. Có 2 phương pháp làm sạch vùng kẽ phổ biến nhất là chỉ nha khoa truyền thống và máy tăm nước.

1. Chỉ nha khoa là gì?

Chỉ nha khoa là một dải gồm nhiều sợi nhỏ mỏng. Nó ra đời vào năm 1818, được biết đến như công cụ thông dụng để lấy thức ăn từ vùng kẽ răng. Đến nay, chỉ nha khoa đã được sản xuất với nhiều chất liệu và hình dạng khác nhau.

Các loại chỉ nha khoa hiện nay gồm:

  • Có sáp: giúp chỉ bền hơn.
  • Không sáp: chỉ ôm chặt vào bề mặt răng hơn.
  • Chỉ PTEE (polytetrafluorethylene floss): vừa bền, vừa dễ trượt trên bề mặt răng.
  • Dạng dải băng: rộng hơn, dễ dàng sử dụng.
  • Chỉ dệt.
  • Cây giữ chỉ nha khoa: giúp thao tác dễ dàng với người ít khéo léo.
Chỉ nha khoa
Chỉ nha khoa

Những loại khác nhau sẽ phù hợp với từng trường hợp, tùy vào mức độ khít chặt giữa các răng. Dùng chỉ nha khoa đúng cách thật sự rất hiệu quả, nhưng thường chỉ đạt được ở những người dùng thành thạo.

2. Tăm nước là gì?

Tăm nước là thiết bị dùng dòng nước phun vào bề mặt và kẽ răng để loại bỏ mảng bám mà bàn chải chưa lấy hết. Trong vài năm gần đây, thiết bị này tương đối phổ biến. Do dễ sử dụng và hiệu quả tương tự dùng chỉ nên nó được sử dụng rộng rãi.

Tăm nước dùng một bình chứa nước và có dây dẫn ra đầu nhỏ để phun vào miệng (loại dùng tại chỗ). Tăm nước còn có dạng nhỏ gọn mang đi được với bình chứa và đầu phun nằm trong một thân tay cầm (loại di động).

Thao tác máy vô cùng đơn giản. Bạn chỉ cần đưa vào bề mặt răng và bật máy.

Tăm nước có thao tác đơn giản
Tăm nước có thao tác đơn giản

3. Vậy dùng chỉ nha khoa hay tăm nước tốt hơn?

Để quyết định lựa chọn dụng cụ nào, chúng ta cần đánh giá đén một số yếu tố: cách sử dụng, hiệu quả, mức độ tổn thương, thời gian và tiền bạc. Sau cùng là ý kiến của các chuyên gia răng miệng về các dụng cụ này.

3.1. Giá thành

Điều này có thể không là vấn đề đối với một số người. Tuy nhiên, chúng ta có thể so sánh thử:

  • Chỉ nha khoa: 30.000 – 50.000 đồng/cuộn.
  • Tăm nước: trung bình 1.000.000 – 2.000.000 đồng/máy.

Sự thật là chỉ nha khoa có giá thành rẻ hơn rất nhiều lần so với tăm nước!

Tăm nước, nếu nhìn về phương diện khác, thì được coi như là một khoản đầu tư. Bạn có thể phải trả một khoản tiền lớn trước mắt. Tuy nhiên, về lâu dài có thể có hiệu quả kinh tế hơn việc dùng chỉ.

Tăm nước có chi phí cao hơn
Tăm nước có chi phí cao hơn

Điều quan trọng ở đây là chất lượng.

Nếu bạn mua loại chỉ nha khoa tốt thay vì mua máy tăm nước loại rẻ nhất, thì hiệu quả so với giá thành của chỉ nha khoa vẫn tốt hơn rất nhiều. Nhưng nếu bạn đầu tư cho một máy tăm nước chất lượng tốt thì về lâu dài vẫn lợi hơn.

Do đó, nếu đánh giá việc chi tiêu cho một khoảng thời gian ngắn, thì việc dùng chỉ lợi hơn dùng tăm nước. Còn về lâu dài, khi chất lượng được quan tâm đáng kể, thì máy tăm nước là công cụ tốt bạn có thể đầu tư để sử dụng bền lâu.

Thêm vào đó, việc mua chỉ nha khoa vô cùng phổ biến và dễ dàng. Bạn có thể mua được ở bất cứ siêu thị, nhà thuốc hay cửa hàng tiện lợi nào. Còn với tăm nước, bạn cần phải tham khảo về các dòng máy khác nhau. Chức năng, hiệu quả và mục tiêu sử dụng của máy cũng cần được quan tâm nhiều. Những vấn đề đó cần được chuyên gia hoặc nhân viên cửa hàng chuyên bán tư vấn để lựa chọn. Sau đó, bạn cần phải lựa chọn nhà cung cấp uy tín để đảm bảo chất lượng máy đạt hiệu quả.

3.2. Khả năng sử dụng

Đây cũng là lý do chính mà nhiều người ít sử dụng chỉ nha khoa. Đó là vì thao tác chỉ khá khó thuần thục.

Để thực hiện việc dùng chỉ nha khoa, bạn cần có một sự khéo léo nhất định. Nếu không, bạn có thể làm chảy máu, tổn thương nướu. Thậm chí, bạn có thể không thực hiện được ở những răng phía sau. Nha sĩ và các chuyên gia chăm sóc răng miệng vẫn luôn hướng dẫn chúng ta cách sử dụng chỉ. Tuy nhiên nếu muốn làm tốt, chúng ta phải thực tập nhiều lần.

Ưu điểm của nó là một khi đã thành thạo, bạn có thể làm ở bất cứ đâu vì chỉ nhẹ và tiện lợi mang theo. Hiện nay, có những loại chỉ được giữ bằng cán, nên việc thao tác nhìn chung cũng không còn nhiều khó khăn. Quan trọng vẫn là bạn sử dụng thành thạo với lực vừa phải.

Không phải ai cũng thông thạo dùng chỉ nha khoa
Không phải ai cũng thông thạo dùng chỉ nha khoa

Một điểm nữa là do kích thước răng và khoảng cách mỗi răng khác nhau. Do đó, có loại chỉ sẽ quá lớn hoặc quá nhỏ so với các vị trí khác nhau. Nếu chỉ dùng một loại, bạn sẽ khó kiểm soát lực tại các vùng này. Vì vậy. bạn cần kết hợp nhiều loại chỉ khác nhau.

Việc sử dụng tăm nước thì đơn giản hơn. Cách sử dụng gần tương tự bàn chải điện. Tất cả việc bạn phải làm là đưa vào miệng, khởi động máy và quét dọc theo viền nướu, vùng kẽ. Một số máy có thể điều chỉnh được áp lực và cường độ phun nước cho phù hợp. Máy cũng có thể thao tác dễ dàng cả ở những vùng răng sau – nơi bạn khó thao tác chỉ nhất.

Dù dùng dụng cụ nào, điêu quan trọng là bạn giữ cho răng miệng được sạch sẽ. Đọc thêm bài viết: Bạn đã vệ sinh răng miệng đúng cách chưa?

3.3. Hiệu quả sử dụng

Từ lâu, chỉ nha khoa đã được cộng đồng nha khoa công nhận về hiệu quả cao trong việc làm sạch răng nướu. Vậy còn tăm nước thì sao?

Cả chỉ nha khoa và tăm nước đều được đánh giá là những công cụ vô cùng hiệu quả trong loại mỏ mảng bám, thức ăn. Đây đều là những công cụ giúp ngăn ngừa bệnh viêm nướu, sâu răng.

Tuy nhiên, có một vài tranh cãi về việc sử dụng dụng cụ nào tốt nhất. Sau đây là một số quan điểm:

  1. Tăm nước có thể tốt hơn trong việc loại bỏ mảng bám, thức ăn ở vùng khó tiếp cận. Ví dụ: Dưới và quanh mắc cài, vùng dưới nướu dễ nhạy cảm với chỉ và những vùng khó đưa tay vào thao tác.
  2. Nhưng chỉ nha khoa lại hiệu quả hơn trong việc làm sạch mảng bám thật sự. Việc dùng chỉ giống như động tác lau chùi trên bề mặt răng. Còn tăm nước chỉ là rửa sạch vùng có mảng bám.

Nếu bạn cực kỳ thành thạo trong việc dùng chỉ nha khoa để làm sạch tất cả các vùng, thì đừng ngần ngại gì. Hãy sử dụng nó như cách tốt nhất của bạn.

Tuy nhiên, nếu bạn không khéo tay hoặc lười biếng hơn thì tăm nước là công cụ hiệu quả, dễ dàng, đơn giản để bạn có thể chăm sóc răng miệng.

Còn nếu bạn muốn sự hoàn hảo, hãy kết hợp cả hai phương thức để đạt hiệu quả tối đa nhất!

Kết hợp cả hai phương pháp sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất
Kết hợp cả hai phương pháp sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất

3.4. Khả năng gây tổn thương

Tăm nước có thể điều chỉnh áp lực nhẹ nhàng hay mạnh tùy thuộc vào người sử dụng. Thông thường, mọi người bắt đầu từ áp lực nhẹ. Sau đó, tùy vào cảm giác có thể tăng dần cường độ. Miễn sao không gây tổn thương và khó chịu cho người dùng.

Còn chỉ nha khoa thì có tính gây tổn thương cao hơn, phụ thuộc vào cách kiểm soát lực của người dùng. Nhiều người than phiền là nướu bị sưng chảy máu khi dùng chỉ hoặc bị đứt tay.

Vấn đề là do bạn lựa chọn sai loại chỉ và nướu nhạy cảm. Trong trường hợp này, bạn nên đổi loại chỉ thích hợp hơn hoặc dùng tăm nước.

3.5. Thời gian và tần suất sử dụng

Chỉ nha khoa

Khi sử dụng chỉ, bạn được hướng dẫn theo các bước:

  • Lấy một đoạn chỉ 40 – 50 cm quấn quanh 2 ngón giữa sao cho ngón cái và trỏ dễ dàng cầm nắm điều khiển.
  • Đưa chỉ nhẹ nhàng vào vùng kẽ, ôm sát bề mặt răng tạo dạng chữ C.
  • Đưa chỉ xuống nhẹ nhàng dưới nướu 8 – 10 lần.
  • Mỗi vùng kẽ thực hiện ở 2 phía bề mặt răng.

Khi nắm rõ các bước, bạn có thể thực hiện dễ hơn. Tốc độ thực hiện còn phụ thuộc vào mức thành thạo. Chỉ đã sờn mòn có thể không lấy được mảng bám và dễ lưu lại vi khuẩn.

Tăm nước

Trong khi đó, với tăm nước thì công việc nhanh hơn. Dòng nước đi lần lượt theo đường viền nướu từ răng trước đến răng sau, mặt ngoài tới mặt trong. Tuy nhiên, bạn vẫn phải lặp lại mỗi vùng từ 8 đến 10 lần để đạt được hiệu quả.

Cả chỉ nha khoa và tăm nước đều nên sử dụng hằng ngày, ít nhất là 1 lần. Khi sử dụng nên tránh làm tổn thương nướu.

Vì chỉ nha khoa tốn thời gian hơn nên nhìn chung tần suất sử dụng so với tăm nước ít hơn. Một số bệnh nhân nói rằng từ khi sử dụng tăm nước, họ cảm thấy thích thú hơn với công việc này.

Điều đó cho thấy so với chỉ nha khoa, tăm nước có ảnh hưởng tốt với ý thức chăm sóc răng miệng hơn. Tuy nhiên, nếu bạn là một người có ý thức chăm sóc cao thì việc dùng chỉ nha khoa hầu như không là vấn đề.

Tăm nước giúp làm sạch nhanh hơn
Tăm nước giúp làm sạch nhanh hơn

3.6. Ý kiến của các chuyên gia

Hầu như các chuyên gia chăm sóc răng miệng hay nha sĩ đều đưa ra ý kiến trung lập về vấn đề nên dùng tăm nước hay chỉ nha khoa. Đa số đều cho rằng: chỉ nha khoa là giải pháp tốt nhất. Đây là những điều đã được chứng thực và được dạy ở các trường đại học.

Tuy nhiên, một số nhà lâm sàng nghiên cứu thực tế thì vẫn cho rằng tăm nước thật sự ưu việt hơn. Điểm chung là các chuyên gia đều cho rằng: Điều quan trọng nhất là sức khỏe răng miệng của bạn. Chúng ta có thể sử dụng bất kỳ phương pháp nào, miễn là có thể duy trì nó lâu dài.

Có rất nhiều ý kiến, cũng như quan điểm về cả 2 dụng cụ này. Tuy nhiên quan trọng vẫn là bạn lựa chọn được dụng cụ phù hợp với mình hơn. Dựa trên các tiêu chí đã đánh giá, bạn nên liệt kê theo nhu cầu của mình để lựa chọn. Bạn cũng có thể thử lần lượt sử dụng cả 2 để trải nghiệm. Dù cho bạn lựa chọn bất kỳ phương pháp nào cũng nên nhớ rằng: Chải răng mới là phương pháp tốt nhất để chăm sóc răng miệng.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Is water flossing better than string flossing?https://www.verywellhealth.com/is-water-flossing-better-than-string-flossing-4137725

    Ngày tham khảo: 22/05/2020

  2. Waterpik vs Flossing: Pros and Conshttps://www.healthline.com/health/dental-and-oral-health/waterpik-vs-flossing

    Ngày tham khảo: 22/05/2020

  3. Waterpik vs Flossing

    https://thetoothsayer.com/waterpik-vs-flossing/

    Ngày tham khảo: 22/05/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người