YouMed

Sốt siêu vi ảnh hưởng gì đến thai kỳ? Chữa sốt siêu vi cho bà bầu như thế nào?

Bác sĩ Lê Công Thái
Tác giả: BS.CKI Lê Công Thái
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Sốt siêu vi là bệnh lý có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào. Trong đó, phụ nữ mang thai là đối tượng đặc biệt hơn cả. Vậy nếu phụ nữ mang thai bị sốt siêu vi thì có ảnh hưởng gì không? Chữa sốt siêu vi cho bà bầu bằng cách nào? Cách phòng tránh tốt nhất là gì? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu chủ đề này trong bài viết dưới đây của Bác sĩ Lê Công Thái nhé!

Nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai bị sốt siêu vi

Tương tự như những đối tượng khác, sốt siêu vi (sốt virus) ở các mẹ bầu là do virus gây ra. Có rất nhiều loại virus và sẽ gây ra các loại sốt siêu vi khác nhau. Có thể kể đến như: sốt xuất huyết, nhiễm virus Herpes, cúm, COVID-19,…

Trong thai kỳ, cơ thể người phụ nữ đang có một số biến đổi nhất định và sức khỏe thường yếu hơn, nên bệnh đa phần sẽ diễn biến nặng hơn lúc không mang thai. Khả năng gây ra biến chứng cho người mẹ lẫn em bé cũng cao hơn so với lúc chưa mang thai.

Có nhiều dạng sốt siêu vi do các loại virus khác nhau gây ra
Có nhiều dạng sốt siêu vi do các loại virus khác nhau gây ra

Ảnh hưởng của sốt siêu vi đến mẹ bầu và thai nhi

Nghiên cứu chỉ ra rằng nhiễm trùng (do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng) trong thời kỳ mang thai, ngoài việc ảnh hưởng đến người mẹ, còn có thể ảnh hưởng hoặc truyền sang thai nhi đang phát triển.1

Tùy theo tuổi thai và từng loại sốt siêu vi mà mức độ ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi sẽ khác nhau.

1. Sốt xuất huyết trong thời kỳ mang thai

Virus gây sốt xuất huyết thường gặp là virus Dengue, thuộc chi Flavivirus. Sốt xuất huyết phổ biến hơn ở trẻ em nhưng tỷ lệ ngày càng tăng ở người lớn, trong đó có phụ nữ mang thai.

Hầu hết, các trường hợp sốt xuất huyết trong thai kỳ không có ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, một số ít gặp các biến chứng sau:2

Tuổi thai cũng là một yếu tố cần được quan tâm. Bệnh khởi phát trong tam cá nguyệt 1 hoặc 3 có tiên lượng xấu. Hầu hết phụ nữ mang thai xuất hiện sốt xuất huyết trong tam cá nguyệt thứ 2 được điều trị triệu chứng và xuất viện với tình trạng ổn định.2

Nguy cơ thai phụ truyền bệnh sốt xuất huyết cho con chỉ xảy ra nếu mẹ bầu bị bệnh vào cuối thai kỳ. Tuy nhiên, khả năng thai nhi mắc phải virus này là khá thấp. Cho đến nay, khả năng bệnh sốt xuất huyết gây ra dị tật cho trẻ chưa được khẳng định chắc chắn.

Mặc dù vậy, các mẹ bầu vẫn phải cẩn thận để tránh mắc bệnh sốt xuất huyết và lây lan sang cho trẻ sơ sinh. Em bé sau sinh sẽ lập tức được kiểm tra các triệu chứng điển hình như sốt cao, phát ban da, tiểu cầu thấp trong trường hợp bạn bị sốt xuất huyết lúc gần thời điểm chuyển dạ sinh.

Một số ít trường hợp biến chứng sinh non có thể xảy ra ở mẹ bầu mắc sốt xuất huyết khi mang thai
Một số ít trường hợp biến chứng sinh non có thể xảy ra ở mẹ bầu mắc sốt xuất huyết khi mang thai

2. Nhiễm virus Herpes trong thời kỳ mang thai

Phụ nữ mang thai nhiễm virus Herpes có thể lây nhiễm cho con trong khi chuyển dạ, hoặc thậm chí có thể gây tử vong sơ sinh. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu nhiễm Herpes trước khi mang thai, hoặc nhiễm lần đầu tiên trong thời kỳ đầu thai kỳ, khả năng thai nhi nhiễm bệnh là rất thấp – dưới 1%.3

Phụ nữ mang thai nhiễm virus Herpes sẽ được kiểm tra triệu chứng cẩn thận trước khi sinh. Nếu tổn thương hoặc các triệu chứng xuất hiện gần thời điểm chuyển dạ, bác sĩ có chỉ định mổ lấy thai.

Mặt khác, nguy cơ lây nhiễm virus cho thai nhi sẽ là cao (30% – 50%) nếu mẹ bầu nhiễm bệnh vào cuối thai kỳ.3 Đó là do hệ thống miễn dịch của mẹ chưa phát triển kháng thể bảo vệ chống lại virus để truyền sang cho thai nhi. Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh chưa phát triển đủ để chống lại virus. Vì vậy, trẻ có thể bị nhiễm bệnh với những biến chứng nghiêm trọng thậm chí là tử vong.

3. Bà bầu sốt siêu vi do nhiễm cúm4

Một nghiên cứu mới CDC cho thấy, nhiễm cúm khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ sảy thai và nhẹ cân khi sinh. Ngoài ra, những bà bầu có triệu chứng sốt kèm theo triệu chứng hô hấp có nguy cơ sinh non cao hơn. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng phụ nữ mang thai có tỷ lệ nhiễm cúm cao nhất trong ba tháng đầu. Nguy cơ mắc cúm khi mang thai tỷ lệ thuận với tuổi thai.

4. COVID-19 và phụ nữ mang thai

Nguy cơ mắc COVID-19 diễn biến nặng ở thai phụ cao hơn đối tượng khác. Nhất là giai đoạn mẹ đang mang thai hơn 28 tuần (tam cá nguyệt thứ 3). Nhiễm COVID-19 trong tam cá nguyệt thứ 3 làm tăng nguy cơ thai chết lưu.5

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nhiễm SARS-CoV-2 khi mang thai có liên quan đến một số kết quả bất lợi khi mang thai bao gồm tiền sản giật, sinh non và thai chết lưu.6 Tuy nhiên, những nghiên cứu về ảnh hưởng của COVID-19 gây sảy thai hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé trong thai kỳ vẫn còn hạn chế.

Chữa sốt siêu vi cho bà bầu như thế nào?

Nhìn chung, nếu xác định được nguyên nhân sốt là do virus thì sẽ không sử dụng kháng sinh. Kháng sinh dùng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.

Tùy theo từng loại virus gây sốt mà có cách điều trị khác nhau:

  • Sốt xuất huyết trong thời kỳ mang thai chỉ điều trị triệu chứng, chủ yếu là bù dịch, nâng cao thể trạng. Có thể phải truyền tiểu cầu trong một số trường hợp nặng.2
  • Acyclovir – thuốc kháng virus sẽ được chỉ định nếu xác định bà bầu sốt siêu vi do Herpes. Thuốc này được cho là an toàn để điều trị nhiễm Herpes ở phụ nữ mang thai trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ. Nhưng cần được quản lý và giám sát kỹ lưỡng trong tam cá nguyệt thứ ba.7
  • Chữa sốt siêu vi cho bà bầu do cúm hoặc do COVID-19 chủ yếu là điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng. Mức độ an toàn của các thuốc kháng virus trong điều trị COVID-19 cho phụ nữ mang thai hiện chưa có nhiều nghiên cứu.

Cách phòng tránh sốt siêu vi cho phụ nữ mang thai

Một số bệnh do virus có thể có vắc-xin để phòng bệnh:

  • Tiêm vắc-xin cúm khi mang thai có thể giúp bảo vệ em bé khỏi bệnh cúm trong vài tháng đầu sau khi sinh.
  • Tiêm vắc-xin COVID-19 cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai.

Tiêm vắc-xin là cách tốt nhất để phòng ngừa các loại sốt virus ở cả đối tượng mang thai và người bình thường. Vì vậy, phụ nữ mang thai cần được tiêm chủng đầy đủ những vắc-xin được cho là an toàn và có lợi trong thai kỳ.

Bà bầu nên được tiêm vắc-xin đầy đủ theo khuyến cáo
Bà bầu nên được tiêm vắc-xin đầy đủ theo khuyến cáo

Mặt khác, một số virus gây sốt chưa có vắc-xin phòng ngừa. Dó đó, mẹ bầu cần khám thai định kỳ đều đặn để phát hiện những dấu hiệu triệu chứng sớm nhất. Từ đó, các bác sĩ có thể đưa ra những phương pháp điều trị thích hợp để an toàn cho mẹ và bé.

Trên đây là bài viết tổng quan về sốt siêu vi và cách chữa sốt siêu vi cho bà bầu. Mang thai là một quá trình gian nan nhưng vô cùng kì diệu. Do vậy, mẹ bầu và gia đình cũng cần lưu ý đến vấn đề sức khỏe thể chất và tâm lý để có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn, hạnh phúc.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Infections in Pregnancyhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7152168/

    Ngày tham khảo: 25/03/2023

  2. Maternal and fetal outcome of dengue fever in pregnancyhttps://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2023/03/Maternal-and-fetal-outcome-of-dengue-fever-in-pregnancy.pdf

    Ngày tham khảo: 25/03/2023

  3. The Herpes Handbookhttps://westoverheights.com/wp-content/uploads/2014/08/Updated-Herpes-Book.pdf

    Ngày tham khảo: 25/03/2023

  4. New Study Finds Influenza during Pregnancy is Associated with Increased Risk of Pregnancy Loss and Reduced Birthweighthttps://www.cdc.gov/flu/spotlights/2020-2021/influenza-pregnancy-loss.htm

    Ngày tham khảo: 25/03/2023

  5. Pregnancy and coronavirus (COVID-19)https://www.nhs.uk/pregnancy/keeping-well/pregnancy-and-coronavirus/

    Ngày tham khảo: 25/03/2023

  6. An update on COVID-19 and pregnancyhttps://linkinghub.elsevier.com/retrieve/pii/S0002937821009911

    Ngày tham khảo: 25/03/2023

  7. Acyclovir Pregnancy and Breastfeeding Warningshttps://www.drugs.com/pregnancy/acyclovir.html

    Ngày tham khảo: 25/03/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người