Sinh non: nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị
Nội dung bài viết
Sinh non là một trong những nguy cơ mà các bà mẹ có thể gặp phải trong thai kỳ. Trẻ sinh non cũng thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe đáng lo ngại và có khả năng tử vong. Do đó các vấn đề về nguyên nhân, dấu hiệu và phòng ngừa sinh non luôn được các ông bố bà mẹ quan tâm chú ý. Bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Sản Phụ khoa Phan Lê Nam sẽ giúp các bạn có thêm nhiều thông tin về vấn đề này.
Thế nào là sinh non?
Sinh non là tình trạng trẻ được sinh ra từ hết tuần thứ 22 đến trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Trẻ sinh sớm thường mắc các vấn đề bệnh lý phức tạp. Các biến chứng của sinh non cũng thay đổi theo từng thời điểm thai kỳ. Sinh non càng sớm thì nguy cơ gặp biến chứng càng cao.
Tùy thuộc vào thời gian trẻ được sinh ra sớm như thế nào, sinh non có thể phân chia thành:
- Sinh non muộn: sinh từ tuần 34 đến 36 của thai kỳ.
- Sinh non vừa: sinh từ tuần thứ 32 đến 34 của thai kỳ.
- Sinh rất non: sinh khi thai dưới 32 tuần.
- Sinh cực non: sinh vào hoặc trước tuần 25 của thai kỳ.
Hầu hết các ca sinh non xảy ra trong giai đoạn muộn.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh non
Hơn một nửa các trường hợp sinh non không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, chúng ta có thể đề cập đến một số yếu tố nguy cơ góp phần dẫn đến tình trạng trẻ sinh non. Các yếu tố này bao gồm:
- Đa thai.
- Tiền sử sinh non trước đây.
- Khoảng thời gian giữa các lần mang thai dưới 6 tháng.
- Thụ thai bằng thụ tinh trong ống nghiệm.
- Các vấn đề sức khỏe của mẹ như: vấn đề ở tử cung/ cổ tử cung; nhiễm trùng ối; bệnh mãn tính (cao huyết áp, tiểu đường); thiếu/ thừa cân, tiền sản giật; stress…
- Mẹ sử dụng thuốc lá, ma túy.
- Mẹ có tiền sử sẩy thai hoặc phá thai nhiều lần.
- Chấn thương.
Dấu hiệu chẩn đoán sinh non
Nếu bạn mang thai dưới 37 tuần và gặp bất kỳ dấu hiệu nào của chuyển dạ; chẳng hạn như: các cơn co thắt, vỡ nước ối, chảy máu, tiết chất nhầy từ âm đạo hoặc giảm đột ngột cử động của em bé, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức. Đây là những dấu hiệu cho thấy bạn có nguy cơ sinh non.
Để chẩn đoán tình trạng sinh non, bác sĩ sẽ kết hợp các đánh giá về tuổi thai và lâm sàng, cận lâm sàng sau:
Nếu tuổi thai từ hết 22 đến trước 37 tuần, kèm theo một trong những dấu hiệu sau có thể được nghi ngờ sinh non:
- Có 4 cơn gò tử cung trong 20 phút; hoặc 8 cơn gò trong 60 phút.
- Cổ tử cung mở từ 2 cm trở lên hoặc xóa từ 80% trở lên.
- Có sự tiến triển cổ tử cung được ghi nhận bởi cùng một người khám qua nhiều lần.
- Vỡ ối.
Đi kèm đó, thai phụ sẽ được đánh giá theo dõi cơn gò, tim thai. Siêu âm thai nhau ối, đo chiều dài kênh cổ tử cung ngả âm đạo. Đánh giá Fetal fibronectin (fFN+) trong dịch tiết âm đạo.
Đặc điểm của trẻ sinh non
Trẻ sinh sớm thường có những đặc điểm sau:
- Kích thước cơ thể nhỏ. Tỉ lệ đầu thân không cân xứng.
- Cơ thể ít tròn trịa hơn so với trẻ đủ tháng do thiếu lipid dự trữ.
- Da: có thể chưa phát triển đầy đủ. Da sáng bóng, mờ, khô hoặc bong tróc. Thiếu lớp mỡ giữ ấm dưới da.
- Ít tóc nhưng nhiều lông mịn bao phủ toàn bộ cơ thể.
- Nhiệt độ cơ thể thấp, khó tự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, nhịp tim.
- Thiếu phản xạ bú nuốt dẫn đến bú khó.
- Dễ co giật, cứng đờ hoặc mềm nhũn.
- Bộ phận sinh dục: bộ phận sinh dục của em bé có thể nhỏ và kém phát triển.
Các biến chứng có thể gặp phải của trẻ sinh non
Không phải tất cả các trẻ sinh non đều gặp phải biến chứng. Tuy nhiên trẻ càng sinh sớm, nguy cơ gặp biến chứng càng cao. Lúc mới sinh, trẻ có thể gặp phải ngay một số biến chứng. Một số các biến chứng khác có thể phát triển trễ hơn.
Biến chứng ngắn hạn
Trong những tuần đầu tiên sau sinh, trẻ có thể gặp các biến chứng của sinh non gồm:
- Các vấn đề về hô hấp: Khó thở; Phổi thiếu chất hoạt động bề mặt giúp nở phổi, dẫn đến suy hô hấp; loạn sản phế quản; ngưng thở kéo dài.
- Vấn đề về tim: Vấn đề thường gặp nhất là tình trạng còn ống động mạch và hạ huyết áp. Mặc dù khuyết tật còn lỗ thông này thường tự đóng lại, nhưng nếu không điều trị trẻ có thể gặp biến chứng suy tim.
- Vấn đề não: Nguy cơ xuất huyết não càng cao ở trẻ sinh non càng sớm. Một số tình trạng chảy máu lớn có thể gây chấn thương não vĩnh viễn.
- Vấn đề kiểm soát thân nhiệt: Trẻ không có lớp mỡ dự trữ để bảo vệ cơ thể nên dễ bị hạ thân nhiệt. Điều này có thể gây ra các vấn đề về hô hấp và lượng đường trong máu thấp.
- Các vấn đề về dạ dày – ruột. Trẻ sinh non thường có hệ tiêu hóa chưa trưởng thành, dẫn đến các biến chứng như viêm ruột hoại tử (NEC).
- Các vấn đề về máu. Trẻ sinh non có nguy cơ mắc các vấn đề về máu như thiếu máu và vàng da ở trẻ sơ sinh.
- Các vấn đề về trao đổi chất: Một số trẻ sinh non có thể có mức đường huyết thấp bất thường (hạ đường huyết). Trẻ cũng gặp khó khăn hơn trong việc chuyển đổi lượng glucose dự trữ thành hoạt động .
- Các vấn đề về hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch kém phát triển, thường gặp ở trẻ sinh sớm, có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.
Biến chứng lâu dài
Về lâu dài, sinh sớm có thể dẫn đến các biến chứng sau:
- Bại não.
- Học hành sa sút.
- Các vấn đề về thị lực.
- Các vấn đề về thính giác. Trẻ sinh sớm có nhiều nguy cơ bị mất thính giác ở một mức độ nào đó. Tất cả các em bé sẽ được kiểm tra thính lực trước khi về nhà.
- Vấn đề nha khoa. Trẻ sinh sớm bị bệnh nặng có nhiều nguy cơ phát triển các vấn đề về răng miệng, chẳng hạn như chậm mọc răng, đổi màu răng và răng xô lệch
- Các vấn đề về hành vi và tâm lý.
- Các vấn đề sức khỏe mãn tính: Nhiễm trùng, hen suyễn và các vấn đề về ăn uống. Trẻ sinh non cũng có nhiều nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
Những phương pháp điều trị
Chăm sóc mẹ bầu
Những thai phụ có dấu hiệu sinh non sẽ được hướng dẫn chăm sóc và điều trị như sau:
- Nằm nghỉ ngơi tuyệt đối.
- Không kích thích đầu vú.
- Ăn uống đủ chất, nhiều rau trái cây, ngũ cốc.
- Dùng các thuốc cắt cơn co tử cung, cố gắng làm chậm cuộc sinh ít nhất trong 24h (Nifedipin, salbutamol hoặc atosiban).
- Dùng bethamethasone để hỗ trợ phổi thai nhi.
- Phối hợp cùng các bác sĩ sơ sinh chuẩn bị phương tiện hồi sức, chăm sóc cho trẻ sơ sinh thiếu tháng.
Chăm sóc trẻ sinh non
Trẻ sinh sớm thường được chuyển đến các đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh để được theo dõi chăm sóc 24/24. Tại đây trẻ sẽ được:
- Chăm sóc hỗ trợ: Chăm sóc trong lồng ấp, theo dõi các dấu hiệu sinh tồn, có ống cho ăn, bổ sung chất lỏng mỗi ngày. Bên cạnh đó trẻ còn được chiếu đèn trị vàng da, truyền máu.
- Thuốc men: Trẻ có thể được bổ sung thuốc để thúc đẩy quá trình trưởng thành và kích thích hoạt động bình thường của phổi, tim và tuần hoàn.
- Phẫu thuật: Đôi khi phẫu thuật là cần thiết để điều trị một số tình trạng liên quan đến sinh non.
Em bé có thể sẵn sàng để cho về nhà khi:
- Có thể thở mà không cần hỗ trợ.
- Có thể duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định.
- Có thể bú mẹ hoặc bú bình.
- Tăng cân đều đặn.
- Không bị nhiễm trùng.
Cách phòng ngừa tình trạng sinh non
Mặc dù nguyên nhân sinh non chính xác thường không được biết rõ, nhưng một số điều có thể giúp giảm nguy cơ sinh sớm, đặc biệt là những người có nguy cơ cao. Bao gồm:
- Thuốc bổ sung progesterone âm đạo. Những phụ nữ có tiền sử sinh non, cổ tử cung ngắn hoặc cả hai yếu tố này có thể giảm nguy cơ sinh sớm bằng cách bổ sung progesterone.
- Khâu eo cổ tử cung. Đây là một thủ thuật ngoại khoa được thực hiện trong thời kỳ mang thai ở những phụ nữ có cổ tử cung ngắn hoặc tiền sử cổ tử cung ngắn dẫn đến việc sinh con sớm. Trong thủ thuật này, cổ tử cung được khâu kín bằng chỉ khâu chắc chắn để có thể hỗ trợ thêm cho tử cung. Các vết khâu được tháo ra khi đến thời điểm sinh em bé.
Sinh non và những biến chứng của trẻ do sinh non là điều mà không một ông bố bà mẹ nào muốn xảy ra. Tuy nhiên, nguy cơ này hoàn toàn có thể bắt gặp trong thai kỳ. Việc nắm rõ các triệu chứng và cách xử trí phù hợp có thể giúp giảm thiểu các biến chứng nếu có khi sinh sớm. Thường xuyên thăm khám thai kỳ theo lịch và liên hệ bác sĩ ngay khi có vấn đề xảy ra để có thể kiểm soát thai kỳ một cách an toàn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Premature Birthhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/premature-birth/diagnosis-treatment/drc-20376736
Ngày tham khảo: 31/03/2021
-
Premature babyhttps://www.pregnancybirthbaby.org.au/premature-baby
Ngày tham khảo: 31/03/2021