Chứng trào ngược dạ dày ở trẻ có nguy hiểm?
Nội dung bài viết
Trẻ mới sinh thường gặp phải tình trạng nôn trớ sau khi bú mẹ. Trào ngược dạ dày ở trẻ tuy không phải là bệnh nguy hiểm, nhưng nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng không lường trước được. Khoảng 2/3 trẻ nhỏ sẽ bị trào ngược nôn trớ trong những tháng đầu đời. Đa số tự khỏi trước thời điểm 1 tuổi, nhưng bên cạnh đó cũng có những trẻ tiếp tục diễn biến xấu hơn và xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như: ho, viêm họng, viêm thực quản… Vậy nguyên nhân gây trào ngược dạ dày ở trẻ là gì? Cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Vân Khánh tìm hiểu qua bài viết sau.
Nguyên nhân gây ra trào ngược dạ dày ở trẻ
Khác với nôn trớ do sinh lý là do trẻ bú quá no, trong lúc bú trẻ nuốt nhiều hơi. Nôn trớ do trào ngược dạ dày gây ra bởi cơ thắt thực quản dưới ở trẻ bị yếu, không đủ sức cản sữa, thức ăn trong dạ dày trào lên thực quản. Vì vậy hiện tượng nôn trớ do trào ngược thường xuất hiện muộn sau khi trẻ bú, đặc biệt là khi trẻ thay đổi tư thế đột ngột.
Các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em
Vì tần suất nôn trớ nhiều nên trẻ thường có biểu hiện sợ bú, khóc nhiều, từ chối bú, hoặc hay uốn éo vặn người…
Trẻ không tăng cân hoặc thậm chí sụt cân.
Trẻ hay ợ hơi hoặc nấc cụt.
Nôn trớ sinh lý thường biến mất khi trẻ được 1 tuổi, trong khi trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản vẫn bị nôn thức ăn hoặc dịch chua lỏng khi trẻ đã ngoài 1 tuổi.
Xem thêm: Mẹo chữa nấc cụt ở trẻ sơ sinh
Cách phòng tránh trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản
Chia nhỏ bữa ăn của trẻ.
- Làm đặc thức ăn của trẻ: Đối với những trẻ đã ăn dặm, có thể pha bột đặc hơn và pha bột với một chút bột gạo.
- Để tránh trẻ bú hơi, khi cho trẻ bú cần nghiêng bình 45 độ để cho sữa xuống đều. Sau mỗi lần bú được 30-60 ml sữa, nên cho trẻ nghỉ và ợ hơi rồi hãy bú tiếp.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Khi quyết định cho trẻ bú bình, mẹ cần làm gì cho đúng?
- Đối với trẻ lớn hơn thì cần tránh những thức ăn và đồ uống có khả năng kích thích trào ngược dạ dày thực quản như: trái cây họ cam quít, sô-cô-la, những thực phẩm cay.
- Khi trẻ bị trớ và trào ngược dạ dày, bạn hãy vuốt và xoa nhẹ vào lòng bàn chân của trẻ. Nếu trẻ bị sặc, bạn hãy vỗ lưng bé nhẹ nhàng, đặt bé nằm nghiêng để sữa trào chảy ra.
- Khi thấy trẻ bị tím tái, ho sặc sụa không có dấu hiệu đỡ, phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Tuy chứng trào ngược dạ dày ở trẻ không phải là bệnh lý nghiêm trọng, nhưng nếu ói thường xuyên sẽ dẫn đến bé hay khó chịu, giảm hấp thu dinh dưỡng. Các cha mẹ hãy theo dõi con trẻ, thực hiện các biện pháp phòng tránh trào ngược ở trẻ để trẻ phát triển một cách tốt nhất nhé.