Cỏ ngọt: giải pháp cho bệnh nhân tiểu đường
Nội dung bài viết
Cỏ ngọt hay còn gọi là cỏ đường, cúc ngọt, là một loại cỏ có vị ngọt tự nhiên. Cây thường được dùng như một cách thay thế đường kính ăn hằng ngày cho bệnh nhân tiểu đường. Nhưng liệu vị thuốc này có tác dụng và tác hại gì tới sức khoẻ? Để tìm hiểu kĩ hơn về công dụng, cách dùng và những điều cần biết về cây Cỏ ngọt, xin mời đọc trong bài viết sau.
1. Mô tả
Cỏ ngọt, tên khoa học là Folium Stevia rebaudiana, là lá thu hái ở những cây sắp ra hoa phơi hay sấy khô của cây Cỏ ngọt Stevia rebaudiana (Bertoni) Hemsley. Thuộc họ Cúc Asteraceae. Tên thường gọi khác là cỏ đường hay cúc ngọt.
1.1. Cây cỏ ngọt
Cỏ ngọt là một loại cỏ sống lâu năm và có kích thước nhỏ (khoảng 100cm). Cây có tuổi đời từ 6 tháng tuổi thường có phần gốc hóa gỗ. Cành phân tại gốc, lá và cành non đều có lông mịn bao phủ.
Lá mọc đối xứng, phiến lá hình mũi mác, rộng 15 – 30mm và dài 30 – 60mm. Mặt lá hiển thị rõ 3 gân bắt nguồn từ cuống lá. Một số lá có mép răng cưa nhưng một số có mép nguyên.
Hoa mọc thành cụm, hình đầu, mỗi cụm gồm khoảng 5 hoa nhỏ có 5 cánh và màu trắng ngà. Hoa có mùi thơm nhẹ và có 2 vòi nhụy lòi hẳn ra ngoài. Cây ra hoa vào tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Toàn cây có vị ngọt đặc trưng, ngay cả khi đã phơi khô – tập trung nhiều nhất ở lá.
1.2. Vị thuốc Cỏ ngọt
Lá và búp cây là bộ phận được sử dụng làm thuốc trong y học và công nghệ chế biến thực phẩm.
2. Thu hái và bào chế
Khi cây sắp ra hoa, cắt cành ở khoảng cách trên mặt đất 10-20 cm, hái lấy lá. Loại bỏ lá già úa, đem phơi nắng nhẹ hoặc sấy ở 30 °C đến 40 °C đến khô.
Cỏ ngọt sau khi phơi khô sẽ có mùi ngai ngái rất khó chịu. Vì vậy sau khi phơi khô, nên phun nước để làm ẩm dược liệu rồi cho vào trong túi kín ủ từ 2 – 3 ngày. Cuối cùng đem sấy/ phơi khô sẽ làm mất mùi ngai ngái mà không ảnh hưởng đến dược tính và độ ngọt của thuốc.
3. Thành phần hóa học Cỏ ngọt
Lá chứa các glycosid diterpenic: steviosid, rebaudiosid và dulcosid. Steviosid có vị ngọt cao gấp 150-280 lần hơn saccharose.
Một nghiên cứu phân tích hóa học bột lá khô cho thấy nó là một loại thảo mộc bổ dưỡng với hàm lượng chất sắt và chất xơ tốt. Theo đó Cỏ ngọt có thể được sử dụng một cách an toàn như một loại thảo mộc chống bệnh tiểu đường, như một chất thay thế chất ngọt và có thể giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường lâu năm.
4. Tác dụng dược lý
4.1. Chống đái tháo đường
Trong nghiên cứu về đặc tính chống bệnh tiểu đường của chiết xuất nước từ lá trong bệnh tiểu đường do Streptozotocin gây ra ở chuột bạch tạng. Người ta kết luận rằng dung dịch nước của cây Cỏ ngọt có tác dụng chống tiểu đường ở chuột bạch tạng, và do đó có thể là liệu pháp dinh dưỡng đầy hứa hẹn để kiểm soát bệnh tiểu đường và các biến chứng liên quan của nó.
Bằng chứng cho đến nay cho thấy glycoside steviol từ Cỏ ngọt là an toàn. Chất này không gây bệnh, không gây tăng huyết áp và có tác động tối thiểu đến hệ vi sinh vật đường ruột. Các nghiên cứu trên người đã báo cáo không có tác dụng phụ tiêu cực nào trên đường tiêu hóa. Khi được sử dụng để thay thế carbohydrate và đường trong chế độ ăn, các nghiên cứu với glycoside steviol có độ tinh khiết cao ở những người khỏe mạnh và những người mắc bệnh tiểu đường hỗ trợ giảm lượng đường trong máu sau ăn cũng như giảm lượng đường và năng lượng. Không có bằng chứng nào cho thấy sự thèm ăn đường hoặc các sản phẩm ngọt tăng lên khi tiêu thụ LNCS (chất tạo ngọt ít hoặc không có calo) hoặc thực phẩm chứa stevia.
Do đó, chất làm ngọt chiết xuất từ lá stevia là một công cụ hữu ích và quan trọng trong việc giảm lượng đường và calo, bệnh tiểu đường, quản lý cân nặng và lối sống lành mạnh.
>> Xem thêm: Các dấu hiệu nhận biết và chẩn đoán đái tháo đường
4.2. Cỏ ngọt giúp chống tăng lipid máu
Chiết xuất nước stevia làm giảm sự tăng trọng của cơ thể bằng cách giảm lượng thức ăn ăn vào của chuột bị tăng lipid máu. Người ta kết luận rằng chiết xuất nước của cây cỏ ngọt có tác dụng chống tăng lipid máu ở chuột bạch tạng, và do đó có thể là một liệu pháp dinh dưỡng đầy hứa hẹn để kiểm soát chứng tăng lipid máu và các biến chứng liên quan của nó.
4.3. Chống oxy hoá
Trong một nghiên cứu xác định các hoạt động chống oxy hóa, độc tính tế bào và các đặc tính tăng sinh trong lá và thân cây Stevia rebaudiana. Chiết xuất từ lá thể hiện hoạt tính chống oxy hóa cao hơn so với chiết xuất từ thân cây, thông qua các xét nghiệm về khả năng hấp thụ gốc oxy (ORAC) và hoạt động chống oxy hóa tế bào (CAA). Stevioside và rebaudioside A, các chất chuyển hóa làm ngọt chính trong lá cây cỏ ngọt, có giá trị ORAC thấp so với các chất chiết xuất từ thực vật, trong khi không tạo ra bất kỳ CAA nào. Stevia rebaudiana không biểu hiện độc tính đối với tế bào HepG2 (ung thư biểu mô tế bào gan) ở người.
Không quan sát thấy điều chế tăng sinh hay catalase trong các tế bào được xử lý bằng các chất chiết xuất như vậy. Phát hiện này ủng hộ vai trò đầy hứa hẹn của Cỏ ngọt. Ngoài ra nó có thể dùng như một chất chống oxy hóa, cả ở cấp độ nội bào.
4.4. Tác dụng khác và tính an toàn của Cỏ ngọt
Ngoài giá trị của chúng như chất làm ngọt, Stevia và glycoside của nó có tác dụng điều trị chống lại một số bệnh như ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm, xơ nang, béo phì và sâu răng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các glycoside steviol được tìm thấy trong cây cỏ ngọt Stevia không gây quái thai, gây đột biến hoặc gây ung thư và không gây độc cấp tính và bán cấp tính.
5. Công dụng và liều dùng
5.1. Công dụng
Theo dược điển Việt Nam, Cỏ ngọt có công dụng trừ khát, lợi tiểu, hạ huyết áp dùng trong các trường hợp đái tháo đường, đái tháo nhạt, bí tiểu tiện, huyết áp cao.
5.2. Liều dùng của Cỏ ngọt
Ngày dùng từ 8 g đến 12 g, hãm hoặc sắc uống.
6. Lưu ý
Hiện nay, cỏ ngọt được dùng cho người bệnh đái tháo đường chủ yếu là nhờ chất tạo ngọt lành tính thay cho việc sử dụng đường saccharose hoặc đường hóa học. Các tác dụng khác ngoài điều trị đái tháo đường cần được nghiên cứu hoặc tham vấn trực tiếp với bác sĩ chuyên môn trước khi áp dụng.
Cỏ ngọt là một vị thuốc quý có thể thay thế đường ăn một cách an toàn. Cỏ ngọt còn giúp kiểm soát bệnh tiểu đường, rối loạn mỡ máu và chống oxy hoá. Những thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo, khi muốn sử dụng thuốc cho điều trị bệnh, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
>> Xem thêm: Thài lài trắng: Vị thuốc quý giúp ổn định đường huyết
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Dược điển Việt Nam.
- Momtazi-Borojeni AA, Esmaeili SA, Abdollahi E, Sahebkar A. A Review on the Pharmacology and Toxicology of Steviol Glycosides Extracted from Stevia rebaudiana. Curr Pharm Des.
- Goyal SK, Samsher, Goyal RK. Stevia (Stevia rebaudiana) a bio-sweetener: a review. Int J Food Sci Nutr.