YouMed

Hé lộ Công dụng của cây Mần tưới

Bác sĩ DƯƠNG THỊ NGỌC LAN
Tác giả: Bác sĩ Dương Thị Ngọc Lan
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Mần tưới là một loại cây trồng khá phổ biến ở nước ta. Tuy vậy, không ít người vẫn còn chưa rõ về nhiều công dụng tuyệt vời của loại thức ăn cũng như là vị thuốc này. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc một số thông tin cơ bản về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu trên.

1. Giới thiệu về Mần tưới

Tên gọi khác: Hương thảo, Trạch lan, Bội lan, Lan thảo

Tên khoa học: Eupatorium fortunei Turez (Eupatorium staechadosmum Hance)

Họ khoa học: thuộc họ Cúc (Asteraceae).

1.1. Mô tả toàn cây

Cây mần tưới thuộc cây thân thảo sống nhiều năm, cao trung bình 30-100cm, có thể lên tới 1m. Thân có lông tơ. Cành phân nhiều nhánh, các cành non màu tím, có rãnh dọc. Cuống lá ngắn, các lá dài 5-10cm, rộng 1,5-2,5cm. Lá mần tưới mọc đối, mép lá có răng cưa hoặc xẻ 3 thùy với các thùy cuối của lá lớn và hẹp hình elip hoặc hình mũi mác. Bề mặt nhẵn và có nhiều tuyến trên cả hai mặt, gân lá hình lông chim. Cụm hoa là ngù kép, nhiều hoa sắp xếp thành các bông hình nón hợp nhất ở đỉnh, cụm hoa dài 3 – 10cm, trong mỗi đầu có nhiều hoa màu tím nhạt, các cuống hoa bao phủ lông ngắn dày đặc, các lá bắc tròn tù. Quả bế hình elip, màu nâu đen dài 3 – 4mm, có 5 cạnh.

Mùa hoa tháng 7-11 (có tài liệu khác ghi nhận mùa hoa từ tháng 4 -5), ra quả tháng 9-12.

Mần tưới
Cây Mần tưới

1.2. Đặc điểm sinh trưởng, thu hái và chế biến

Trả lời cho câu hỏi cây mần tưới thường mọc ở đâu? Thực tế cây  mọc hoang dại và còn được trồng để làm rau ăn và làm thuốc. Thường trồng làm hàng rào, hai bên đường vườn hoa và đường đi. Cách trồng rất đơn giản: cắt cành thành từng đoạn dài 20 – 30cm, cắm hơi nghiêng xuống đất để hai hay ba đốt chìm dưới đất, sau 5 – 10 ngày là cây bén rễ và sống. Thu hái toàn cây vào mùa hè trước khi cây ra hoa, dùng tươi hoặc phơi khô trong râm để dùng dần.

Mần tưới
Mần tưới khô

2. Tác dụng của Mần tưới

2.1. Thành phần hóa học, tác dụng dược lý

2.1.1. Thành phần hóa học

  • Tinh dầu, alkaloid
  • Các hợp chất terpenoid và acid phenolic như b-Sitosterol, taraxasteryl acetat, acid o-coumaric, và trans-melilotosid
  • p-cymene
  • Neryl acetate
  • Thymol và isothymol

2.1.2. Tác dụng dược lý

Qua các nghiên cứu cho thấy vị thuốc Mần tưới có các tác dụng sau:

  • Điều trị buồn nôn, chán ăn, ăn không ngon miệng
  • Có hoạt tính kháng nhiều loại vi khuẩn
  • Ức chế virus RNA sao chép nhờ tăng sản xuất các interferon, các cytokins tiền viêm, điều hòa đáp ứng miễn dịch khởi đầu của các đại thực bào mô nhờ các chất quercetin, psoralen, và quercitrin.
  • Chống oxy hóa
  • Hỗ trợ điều trị đái tháo đường
  • Ức chế tăng sinh mạch máu ở các khối u và chống ung thư di căn nhờ giảm hoạt tính của MMP-9, giảm kích hoạt các yếu tố NF-κB, giảm phosphoryl hóa p38 và JNK.

2.2. Mần tưới trong y học cổ truyền

Vị cay, tính bình; quy kinh Tỳ, Vị.

Có tác dụng hoạt huyết, phá ứ, lợi thuỷ, tiêu thũng, sát trùng.

>>> Xem thêm: Cỏ mần trầu là gì mà được “ca ngợi” nhiều đến vậy?

3. Cách dùng và liều dùng

Mần tưới được dùng làm thuốc ở Trung Quốc và Nhật Bản. Theo y học cổ truyền Trung Hoa mần tưới được dùng để điều trị ăn kém, buồn nôn, nôn do đàm thấp tắc trở hoặc trúng thử. Phụ nữ rối loạn kinh nguyệt (bế kinh, kinh không đều). Đàn bà ứ huyết sau sinh, phù thũng, choáng váng hoa mắt, các bệnh ngoài da (lở, loét, nhọt). Ngày dùng 6-12 (10-20g) dạng thuốc sắc ở dược liệu khô và từ 50 -150g ở dạng cây tươi.

Hiện nay còn dùng đọt non Mần tưới để ăn sống, trộn gỏi như các loại rau thơm. Cũng dùng lá nấu canh ăn cho mát, thanh nhiệt, giải cảm. Lá cũng dùng hãm nước uống lợi tiêu hoá, kích thích ăn ngon miệng và làm rau thơm.

Người ta cũng dùng Mần tưới để phòng trừ ho gà, mạt gà, rệp, mọt, bọ chó. Ðặt cành lá Mần tưới vào hũ đựng đậu xanh, đậu đen, cau khô để trừ mọt và sâu, hái cành lá Mần tưới cho vào ổ gà, ổ chó sau khi đã làm vệ sinh sẽ trừ được bọ gà, bọ chó có trong ổ, cứ vài ngày lại làm vệ sinh và thay lá một lần. Giường có rệp sau khi giũ và diệt rệp, rải cành lá Mần tưới dưới chiếu vài lần sẽ diệt trừ hết rệp.

4. Lưu ý khi sử dụng

  • Không dùng cho người có thể lâm sàng âm hư và huyết nhiệt theo y học cổ truyền
  • Chỉ dùng trong bệnh cảnh huyết hư mà có ứ trệ.
  • Người có kinh nguyệt đến sớm hơn mà ra nhiều thì không nên sử dụng dược liệu này.

5. Một số bài thuốc kinh nghiệm

5.1. Giúp kích thích tiêu hóa và giải nhiệt cơ thể

Mần tưới 20g. Sắc với 300ml nước, còn lại 100ml dùng uống hằng ngày.

5.2. Trị chứng mất ngủ, mệt mỏi và ăn uống kém ở phụ nữ sau khi sinh

Rẻ quạt 4g, Nhân trần 6g, Ngải cứu 10g, Vỏ quả bưởi đào khô 4g, Mạch môn, Mần tưới mỗi vị 20g. Sắc uống 1 thang mỗi ngày, dùng liên tục trong vòng 10 ngày.

5.3. Trị tỳ vị hư yếu khiến tiêu hóa kém, bụng đầy trướng và đau tức ngực

Trần bì 6g, Lá sen, Hậu phác mỗi vị 8g, Bán hạ chế, Mần tưới, Đại phúc bì, Hoắc hương mỗi vị 12g. Sắc lấy nước uống.

5.4. Chữa mụn nhọt sưng chưa sinh mủ, da sưng tấy, bầm tím do chấn thương

1 nắm Mần tưới tươi khoảng 50g. Rửa sạch, để ráo, giã nát với 1 ít muối, sau đó đắp lên chỗ sưng đau.

5.5. Trị thống kinh (đau bụng kinh) và kinh nguyệt không đều

Hương phụ, Mần tưới, Ngải cứu, Nhọ nồi, Ích mẫu mỗi vị 15g. Đem các vị sắc lấy nước uống.

5.6. Chữa chứng chậm kinh, máu kinh xấu, thường ra màu nâu đen

Nghệ xanh, Ngưu tất, Ích mẫu, Hương phụ mỗi vị 16g, Chỉ xác, Tô mộc và Mần tưới mỗi vị 12g. Sắc lấy nước uống.

Mần tưới là một vị thuốc Nam có hoạt tính chống ung thư và nhiều tác dụng tốt trong điều trị bệnh. Tuy nhiên quý bạn đọc nên tham khảo ý kiến của bác sĩ có chuyên môn về chỉ định cũng như liều lượng sử dụng để đạt được hiệu quả tốt nhất cũng như tránh các tác dụng không mong muốn. Không tự ý sử dụng thuốc.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • 3033 Cây thuốc Đông Y – Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh
  • Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học
  • Choi JG, Lee H, Hwang YH, Lee JS, Cho WK, Ma JY. Eupatorium fortunei and Its Components Increase Antiviral Immune Responses against RNA Viruses. Front Pharmacol. 2017 Aug 3;8:511.
  • Kim A, Im M, Yim NH, Ma JY. Reduction of metastatic and angiogenic potency of malignant cancer by Eupatorium fortunei via suppression of MMP-9 activity and VEGF production. Sci Rep. 2014 Nov 11;4:6994.
  • Yu Y, Liu Y, Shi R, Zhang D, Li C, Shi J. New thymol and isothymol derivatives from Eupatorium fortunei and their cytotoxic effects. Bioorg Chem. 2020 May;98:103644.
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người