Củ ấu: Món ăn bài thuốc
Nội dung bài viết
Củ ấu là một loại thức ăn quen thuộc của miền sông nước. Ngoài hương vị thơm ngon, củ ấu còn có thể được dùng như một loại thuốc với công dụng trị sốt, viêm dạ dày, chữa được mụn nhọt, ngứa lở. Để tìm hiểu thêm vầ công dụng, cách dùng và những điều cần biết về củ ấu, mời bạn đọc trong bài viết sau.
1. Mô tả
Củ ấu còn gọi là ấu trụi, ấu nước, tiếng Anh là water chestnut hay devil pods, gồm vài loài thực vật thuộc chi Trapa. Chúng là cây thủy sinh, bản địa ở miền ôn đới Âu-Á và Châu Phi. Cây ấu thường mọc ở vùng nước đọng sâu không quá 5m.
Ở nước ta ghi nhận có ít nhất ba loài: ấu trụi (ấu có hai sừng tù, trồng ở Hải Phòng), ấu gai (ấu có hai sừng nhọn, trồng ở Thái Bình), và ấu sừng trâu (trồng ở Phú Thọ).
1.1 Cây ấu
Cây sống ở dưới nước, thân ngắn có lông. Có hai thứ lá: lá nổi có phao ở cuống hình quả trám, mép trên có răng cưa, dài 4 – 5cm, rộng 6 – 7cm. Cuống dài 6 – 15cm, giữa có phao, lá chìm thì phiến lá giảm, phiến xẻ lông chim, nhưng rất nhỏ nên chỉ thấy các đường gân.
Hoa trắng, mọc đơn độc hay ở kẽ lá; 4 lá dài, 4 cánh hoa 4 nhị bầu trung hai ô, mỗi ô chứa một noãn.
Quả ấu thường gọi là “củ”, có hai sừng, quả cao 35mm, rộng 5cm, sừng dài 2cm, đầu sừng hình mũi tên, sừng do các lá đài phát triển thành. Trong quả chứa một hạt ăn được.
1.2 Phân bố
Cây ấu được trồng ở các ao đầm khắp nơi trong nước ta. Trồng bằng hạt hay bằng chồi. Mùa hoa (ở miền Bắc) vào các tháng 5-6; mùa quả vào các tháng 7-9.
2. Thu hái và bào chế
Phần quả của củ ấu thường được thu hái vào khoảng mùa thu đông hằng năm. Còn toàn cây thì có thể thu hái quanh năm để làm vị thuốc.
Sau khi thu hái thì đem rửa sạch, có thể dùng được cả dạng tươi và dạng phơi khô. Thông thường nếu phơi khô để bảo quản dùng dần thì cần phơi trong bóng râm hoặc dưới nắng nhẹ.
3. Thành phần hoá học
Củ ấu chứa carbohydrate và vitamin, cụ thể là Vitamin B-complex (thiamine, riboflavin, axit pantothenic, pyridoxine, axit nicotinic), vitamin-C, vitamin-A, D-amylase, amylase, và một lượng đáng kể phosphorylase, Cycloeucalenol, axit ursolic và axit 2 β , 3 α , 23-trihydroxyurs-12-en-28-oic.
Hàm lượng phytochemical của Củ ấu cho thấy số lượng saponin cao (~37%). Alkaloit có trong cây có chức năng như chất làm co thắt, kháng cholinergic và gây mê. Hàm lượng alkaloid trong Củ ấu được tìm thấy là ~0.8%.
Phân tích hóa học của quả cho thấy độ ẩm của nhân Củ ấu là 81,12% (cơ bản ướt). Các loại hạt tươi có hàm lượng nước đáng kể được dùng vào bữa sáng. Và được cho là có tác dụng ngăn chặn cơn đau dạ dày và tim.
Tổng hàm lượng chất rắn hòa tan trong quả là 7,2%. Tổng số axit tính theo axit citric có mặt là 0,142%. Hàm lượng chất béo không đáng kể đã được nhận thấy trong quả là 0,36%. Chứng tỏ củ ấu có thể được dùng như một loại thực phẩm ăn kiêng.
Tổng hàm lượng tro thu được trong quả là 1,33%. Hàm lượng kali 0,41% đã được báo cáo là khoáng chất chính. Hàm lượng sắt và mangan, lần lượt là 0,21 và 0,08%, là khoáng chất phụ có mặt. Hàm lượng chất xơ thô trong nhân Củ ấu được tìm thấy là 0,72%. Hàm lượng protein tổng số được tính trong quả là 1,87%.
4. Tác dụng dược lý
4.1 Tác dụng giảm đau
Hoạt tính giảm đau của chiết xuất methanolic của rễ cây ấu ở liều 200 mg/ kg và 400 mg/ kg được đánh giá so với thuốc tiêu chuẩn pentazocine ở liều 30 mg/ kg.
Các nhà khoa học đã thử nghiệm và phát hiện chiết xuất methanolic từ rễ cây ấu có tác dụng giảm đau đáng kể. Tác dụng giảm đau được ghi nhận từ 30-45 phút.
4.2 Tác dụng đối với bệnh đái tháo đường
Để đánh giá hoạt tính chống đái tháo đường của chiết xuất methanol trong vỏ Củ ấu (METN) ở chuột Wistar. Tác động của METN đối với sự dung nạp glucose ở miệng và ảnh hưởng của nó trên chuột cống đã được nghiên cứu. Những con chuột tăng đường huyết được điều trị bằng METN theo đường uống với liều 100 và 200 mg / kg thể trọng mỗi ngày trong 15 ngày.
METN với liều 100 và 200 mg/ kg đường uống cải thiện đáng kể khả năng dung nạp glucose qua đường uống. Điều này cho thấy tác dụng hạ đường huyết ở chuột bình thường và hoạt động chống đái tháo đường ở chuột đái tháo đường bằng cách giảm và bình thường hóa lượng đường huyết tăng lúc đói.
4.3 Cải thiện nhận thức (Nootropic)
Chiết xuất Củ ấu cho thấy tác dụng hỗ trợ đáng kể và được nghiên cứu bất ngờ về hoạt động nootropic của nó bằng cách sử dụng các mô hình thực nghiệm khác nhau về học tập và trí nhớ.
Củ ấu 250 và 500 mg / kg làm tăng đáng kể độ trễ bước xuống trong phản ứng tránh thụ động ở thử nghiệm thu nhận và duy trì, 250 và 500 mg / kg thúc đẩy học tập và trí nhớ ở chuột cũng như cải thiện trí nhớ trong trường hợp thiếu hụt nhận thức.
Từ thí nghiệm trên, người ta đã chứng minh rằng chiết xuất cồn nước của Củ ấu có hoạt tính nootropic đáng kể.
4.4 Bảo vệ thần kinh
Ảnh hưởng của chiết xuất hydroalcoholic của Củ ấu đã được nghiên cứu trên sản phẩm huỳnh quang và các thông số sinh hóa như quá trình peroxy hóa lipid, hoạt động của catalase, và hoạt động của glutathione peroxidase trong não của chuột bạch tạng cái. Quá trình lão hóa được đẩy nhanh trong 15 ngày. Điều này dẫn đến tăng sản phẩm huỳnh quang, tăng quá trình peroxy hóa lipid và giảm enzym chống oxy hóa như glutathione peroxidase và catalase trong vỏ não.
Sau khi điều trị bằng chiết xuất chứa cồn của Củ ấu (500 mg / kg, đường uống), sản phẩm huỳnh quang trong vỏ não đã giảm. Hơn nữa, T. bispinosa ức chế tăng quá trình peroxy hóa lipid và phục hồi hoạt động của glutathione peroxidase và catalase trong vỏ não so với nhóm kiểm soát tăng tốc lão hóa.
4.5 Điều hoà miễn dịch
Tác dụng điều hòa miễn dịch được đánh giá ở chuột chống lại các tế bào hồng cầu như một kháng nguyên bằng cách nghiên cứu phản ứng quá mẫn kiểu chậm qua trung gian tế bào, đáp ứng miễn dịch dịch thể và phần trăm thay đổi số lượng bạch cầu trung tính.
Phản ứng quá mẫn loại chậm được phát hiện là tăng lên đáng kể và sản xuất hiệu giá kháng thể tuần hoàn (đáp ứng kháng thể dịch thể) tăng lên đáng kể. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy rằng chiết xuất nước từ Củ ấu có thể kích thích phản ứng tế bào và nhân thể ở động vật.
4.6 Tác dụng khác
Các hoạt động kháng khuẩn, kháng nấm, dọn dẹp các gốc tự do đã được nghiên cứu và cho thấy tác dụng. Ngoài ra Củ ấu còn được sử dụng như một nguồn cung cấp một số enzym như amylase, cellulase, invertase, lipase và protease.
5. Công dụng và liều dùng
5.1 Công dụng
Theo Đông y, củ ấu vị ngọt, tính mát; vào tỳ, vị. Có tác dụng bổ Tỳ Vị (ăn chín); làm mát cơ thể (ăn sống). Củ ấu non ăn sống có tác dụng chống nóng chống nắng, giải độc say rượu, trừ rôm sảy; trái ấu già có tác dụng bổ Tỳ Vị, dùng cho trường hợp tiêu chảy phân sống, kinh nguyệt quá nhiều, trĩ xuất huyết, chống suy nhược. Thân cây vị ngọt chát, có tác dụng tiêu viêm giải độc.
5.2 Liều dùng
Có thể dùng 50 – 200g/ngày dưới dạng ăn sống hoặc nấu canh.
6. Món ăn – Bài thuốc kinh nghiệm
- Củ ấu ăn tươi: củ ấu tươi, liều lượng thích hợp, rửa sạch, bỏ vỏ ăn sống. Dùng cho các trường hợp say nóng, say nắng, sốt mất nước, khát nước, kích thích, bồn chồn.
- Củ ấu luộc chín: củ ấu già 150 luộc chín, bóc bỏ vỏ ăn, mỗi ngày 2 lần. Dùng cho các trường hợp tỳ hư, tiêu chảy, mệt mỏi, mất sức.
- Cháo củ ấu: củ tươi bỏ vỏ 30g, gạo nếp 30g, đường vừa đủ. Nấu thành cháo, ăn 2 lần trong ngày. Chữa tỳ vị hư suy ở người cao tuổi, ăn uống khó tiêu, viêm ruột.
Tóm lại, Củ ấu là một món ăn dân dã quen thuộc mà bổ dưỡng với nhiều công dụng như bổ Tỳ Vị, làm mát cơ thể, tiêu chảy phân sống, mệt mỏi mất sức. Những thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, khi muốn dùng Củ ấu để trị bệnh, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ điều trị. Chúc bạn luôn có sức khoẻ tốt! Đừng quên theo dõi các bài viết tiếp theo trên YouMed để cập nhật cho mình nhiều thông tin hữu ích.
Bác sĩ Nguyễn Trần Anh Thư
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.