YouMed

Cúc vạn thọ – loài hoa thông dụng và những công dụng của nó

Bác sĩ LÊ NGỌC BẢO
Tác giả: Bác sĩ Lê Ngọc Bảo
Chuyên khoa: Phục hồi chức năng, Y học cổ truyền

Cúc vạn thọ thường gọi là Vạn thọ. Đây là loại hoa thân thuộc của người dân Việt Nam, thường được dùng để trang trí, hoặc trưng lên bàn thờ. Nhưng hẳn chưa nhiều người biết đến những tác dụng trị bệnh của nó. Hãy cùng tìm hiểu về cây hoa quen thuộc này và tác dụng trong y học của nó qua bài viết sau.

1. Giới thiệu về cây hoa

Cúc vạn thọ có tên khoa học Tagetes erecta L., thuộc họ Cúc (Asteraceae). Đây là cây thân thảo mọc đứng, cao 0,6-1m, phân nhánh thành bụi có cành nằm trải ra. Lá xẻ sâu hình lông chim, các thuỳ hẹp, dài, nhọn, khía răng cưa. Toàn thân có mùi hơi hắc.

 Cúc vạn thọ là một loại hoa quen thuộc của người Việt Nam
Cúc vạn thọ là một loại hoa quen thuộc của người Việt Nam

Đầu hoa toả tròn, rộng 3-4cm hay hơn, mọc đơn độc hay tụ họp thành ngù. Lá bắc của bao chung hàn liền với nhau. Hoa màu vàng hay vàng cam, mào lông gồm 6-7 vẩy rời nhau hoặc hàn liền nhau. Hoa ở phía ngoài hình lưỡi nhỏ xoè ra, hoa ở phía trong hình ống và nhỏ. Quả bế có 1-2 vẩy ngắn.

2. Phân bố, sinh thái

Đây là loài cây của Mỹ châu nhiệt đới. Cúc vạn thọ là một cây thuốc nam thường được trồng làm cảnh. Người ta trồng bằng ngọn hay mầm nách; cũng có khi gieo hạt.

Có thể trồng nhiều đợt, trồng tháng 5 âm lịch thì tháng 7 có hoa. Cũng gặp các trạng thái hoang dại ở chân núi đá, ở trảng cỏ ven rừng, lên đến độ cao 1600m.

Cây mọc hoang dại ở các tỉnh như Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng, … Cây còn sống ở các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, …

3. Bộ phận dùng, thành phần hóa học

Hoa, lá và rễ. Thu hái hoa vào mùa xuân, hè, phơi khô ngoài nắng. Thu hái lá quanh năm, thường dùng tươi.

Toàn cây chứa 0,01% tinh dầu (ở mẫu khô lên đến 0,06%) có mùi thơm. Tinh dầu này bao gồm d-limonen, ocimen, l-linalyl acetat, l-linalool, tagetone và nonanal. Hoa chứa chất màu là quercetagetin, từ các cánh hoa khô, người ta đã chiết được quercetagitrin và một glucosid của quercetagetin.

 Nụ hoa Cúc vạn thọ
Nụ hoa Cúc vạn thọ

Ngày nay, cúc vạn thọ sử dụng để trích xuất lutein, một chất chống oxy hóa. Nó có công dụng cải thiện thị giác, chữa trị các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, bệnh sợ ánh sáng…

4. Tính vị và tác dụng

Cúc vạn thọ có vị đắng, mùi thơm, tính mát, hơi cay. Nó có tác dụng tiêu viêm, làm long đờm, trị ho. Có tác giả cho rằng thân cây có tác dụng thông khí, trị ho; lá làm mát phổi, gan, giải nhiệt. Còn hoa thanh tâm, giáng hỏa, tiêu đờm. Tức là làm phát phần ngực, tiêu đờm ứ.

Ở Vân Nam (Trung Quốc), toàn cây và hoa được cho là có tác dụng bình can, tiềm dương, thanh nhiệt giải độc, chỉ khái hóa đàm, khu trong trừ thấp, bổ huyết. Tức là giúp làm mát cơ thể, trị phần đàm ứ trệ bên trong và bổ phần huyết.

 Hoa Cúc vạn thọ
Hoa Cúc vạn thọ

5. Cách dùng Cúc vạn thọ chữa bệnh

Thường dùng trị bệnh đường hô hấp, đau mắt (viêm kết mạc), ho gà, viêm phế quản. Nó còn giúp trị viêm miệng, viêm hầy, đau răng. Cây dùng ngoài chữa viêm tuyến mang tai, viêm tuyến vú, viêm mủ ngoài da.

Liều dùng 10-15g, dạng thuốc sắc. Khi dùng ngoài, nghiền hoa với ít giấm để đắp, nghiền rễ tươi và lá chữa viêm mủ da.

Ở Vân Nam (Trung Quốc), cây và hoa dùng trị ung nhọt ngoài da, ho gà, cảm lạnh, viêm khí quản, viêm tuyến nước bọt, tiêm vuyến sữa, đau răng, viêm khoang miệng, viêm kết mạc,…

Ở Campuchia, người ta dùng lá non làm rau ăn sống hay nấu canh. Còn ở Ấn Độ, hoa được dùng trị đau mắt, mụn nhọt độc. Dịch hoa tươi dùng trong bệnh trĩ, lá được dùng đắp mụn nhọt, đau tai.

6. Một số công thức thuốc có Cúc vạn thọ

6.1. Trị Ho gà

15 hoa, sắc nước, thêm đường cát để uống

6.2. Trị Đau răng, đau mắt

Dùng 15 hoa cúc vạn thọ sắc nước uống

6.3. Viêm tuyến mang tai, viêm tuyến vú:

Cúc vạn thọ, Thất diệp nhất chi khoa, Kim ngân hoa. Lượng các vị bằng nhau, nghiền ra và thêm giấm, đắp chỗ đau.

6.4. Chữa Kiết lỵ

Dùng 10-15g hoa cúc vạn thọ giã nát, trộn với ít đường, uống.

6.5. Chữa hen

Hoa Cúc vạn thọ, rau Cần trôi, Nhân trần, củ Tầm sét, Thài lài tía, rễ Bạch đồng nữ, Tinh tre mỡ. Mỗi vị 10g, thái nhỏ, phơi khô. Sắc uống trong ngày.

7. Cúc vạn thọ trong các nghiên cứu gần đây

Một tác dụng nổi trội của Cúc vạn thọ là tác dụng chống oxy hóa. Các thành phần hóa học tạo nên tác dụng này là Axit gallic, gallicin, quercetagetin, 6-hydroxykaempferol- O -hexoside, patuletin- O-hexoside và quercetin. Trong đó quercetagetin được xác định là có khả năng chống oxy hóa mạnh nhất. Người ta cũng đã nghiên cứu nhiều phương pháp sấy khô để giữ được đặc tính này.

 Lá dài, nhọn, khía răng cưa
Lá dài, nhọn, khía răng cưa

Cúc vạn thọ còn thể hiện tác dụng kháng khuẩn. Người ta thấy, flavonoid, patulitrin từ hoa có tác dụng ức chế nhiều vi khuẩn gây bệnh thường gặp như Escherchia coli, Klebsiella pneumoniae, Pseudomonas aeruginosa, … Tác dụng chống oxy hóa và kháng khuẩn này giúp giải thích kinh nghiệm sử dụng loại hoa này trong điều trị các bệnh viêm nhiễm.

Trên các mô hình thì nghiệm, người ta thấy ác thành phần từ Cúc vạn thọ còn thể hiện tác dụng bảo vệ thần kinh. Nó tác động làm chậm lão hóa và giảm độc tính của β-amyloid, đây là cơ chế trong các bệnh sa sút trí tuệ.

Bên cạnh công dụng trong trị bệnh, người ta còn thấy thành phần tinh dầu trong Cúc vạn thọ có thể chống lại cỏ dại, sâu bệnh. Điều này thể hiện tiềm năng sản xuất thuốc diệt cỏ, trừ sâu hại từ tự nhiên, giảm được sử thuốc hóa học trong nông nghiệp.

Tóm lại, Cúc Vạn thọ là một loại cây thông dụng, thường được trồng để trang trí. Người ta thường dùng nó để trị các bệnh viêm nhiễm như nhiễm trùng ngoài da, viêm vú, viêm tuyến mang tai, việm họng, ho … Các nghiên cứu hiện đại đã cho thấy hoa Cúc Vạn thọ có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn và tác dụng bảo vệ thần kinh.

Bác sĩ Lê Ngọc Bảo

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Võ Văn Chi (2012), Từ điển Cây thuốc Việt Nam tập 1, NXB Y học, Hà Nội.
  • Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung và cs (2004), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 1, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
  • Rhama, S., & Madhavan, S. (2011). Antibacterial activity of the flavonoid, patulitrin isolated from the flowers of Tagetes erecta L. International Journal of PharmTech Research, 3(3), 1407-1409.
  • Siriamornpun, S., Kaisoon, O., & Meeso, N. (2012). Changes in colour, antioxidant activities and carotenoids (lycopene, β-carotene, lutein) of marigold flower (Tagetes erecta L.) resulting from different drying processes. Journal of Functional Foods, 4(4), 757-766.
  • Gong, Y., Liu, X., He, W. H., Xu, H. G., Yuan, F., & Gao, Y. X. (2012). Investigation into the antioxidant activity and chemical composition of alcoholic extracts from defatted marigold (Tagetes erecta L.) residue. Fitoterapia, 83(3), 481-489.
  • Moliner, C.; Barros, L.; Dias, M.I.; López, V.; Langa, E.; Ferreira, I.C.; Gómez-Rincón, C. Edible Flowers of Tagetes erecta L. as Functional Ingredients: Phenolic Composition, Antioxidant and Protective Effects on Caenorhabditis elegans. Nutrients 2018, 10, 2002.
  • Laosinwattana, C., Wichittrakarn, P., & Teerarak, M. (2018). Chemical composition and herbicidal action of essential oil from Tagetes erecta L. leaves. Industrial crops and products, 126, 129-134.
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người