YouMed

Cây Dành dành (Chi tử): Công dụng chữa bệnh từ loài cây mọc hoang

Thạc sĩ Bác sĩ Dư Thị Cẩm Quỳnh
Tác giả: ThS.BS Dư Thị Cẩm Quỳnh
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Dành dành (Chi tử) là cây mọc hoang và được trồng tại nhiều vùng ở nước ta. Cây Dành dành được trồng làm cảnh, quả được lấy làm màu vàng nhuộm trong thực phẩm (bánh xu xê, thạch). Chi tử còn có nhiều tác dụng hữu ích khác, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết ngay sau đây của ThS.BS Y học cổ truyền Dư Thị Cẩm Quỳnh.

Mô tả dược liệu

1. Tên gọi, danh pháp

Các tên Hán Việt khác: Vị thuốc Chi tử còn gọi Sơn chi tử, Mộc ban (Bản Kinh), Việt đào (Biệt Lục), Tiên chi (Bản Thảo Cương Mục), Tiên tử, Trư đào, Việt đông, Sơn chi nhân, Lục chi tử, Hồng chi tử, Hoàng chi tử, Hoàng hương ảnh tử (Hòa Hán Dược Khảo), Dành dành (Việt Nam).

Tên khoa học: Gardenia jasminoides ellis (gardenia florida linn).

Họ khoa học: Họ Cà phê (Rubiaceae).

2. Đặc điểm tự nhiên

Chi tử là một cây thuốc nam quý, dạng cây nhỏ, nhẵn, cành mềm khía rãnh dọc. Lá mọc đối hay mọc vòng 3, hình thuôn trái xoan, đôi khi bầu dục dài, tù và có mũi nhọn ở đỉnh, hình nêm ở gốc. Màu nâu đen bóng ở trên mặt, nhạt hơn ở mặt dưới, dai, gân mảnh nổi rõ. Lá kèm mềm, nhọn đầu ôm lấy cả cành như bẹ.

Hoa mọc đơn độc ở đầu cành, trắng, rất thơm. Cuống có 6 cạnh hình cánh. Đài 6, thuôn nhọn đầu, ống đài có 6 cánh dọc. Tràng 6, tròn ở đỉnh, ống tràng nhẵn cả hai mặt. Nhị 6, chỉ ngắn, bao phấn tù. Bầu 2 ô không hoàn toàn, vòi dài bằng ống tràng noãn rất nhiều.

Quả Dành dành khô hình trứng hoặc bầu dục, hai đầu nhỏ dần khoảng 15 – 18mm không tính đài khô ở đỉnh. Phần trên có 6 lá đài tồn tại, teo hình mũi mác, nhỏ dài thường không toàn vẹn. Vỏ quả ngoài cấu thành bởi hai đài liền tồn tại, chung quanh có 6 cạnh dọc hình sợi, phần dưới có gốc tàn cuống quả. Vỏ ngoài màu vàng đỏ hoặc nâu hơi bóng mượt, có nhiều gân nhỏ. Quả chất cứng mỏng, nửa trong suốt, trong có hai buồng gồm nhiều hạt hình tròn trứng, dẹt, phẳng. Vỏ hạt màu đỏ vàng, ngoài có vật chặt dính đã khô. Giữa chúng liên kết thành khối hơi có mùi thơm đặc biệt.

Chi tử lấy loại nhỏ, vỏ mỏng màu vàng đỏ là thượng phẩm. Thường dùng loại mọc ở vùng rừng núi, quả nhỏ chắc nguyên quả, vỏ mỏng vàng, trong đỏ thẫm có nhiều hạt, thơm khô không mốc mọt, không lẫn tạp chất là tốt. Còn Chi tử nhân là hạt đã được bóc sạch vỏ quả, màu nâu vàng hay đỏ hồng, không vụn nát là tốt (Dược Tài Học).

Quả Chi tử
Quả Chi tử

3. Phân bố, thu hái, chế biến

Cây Dành dành mọc hoang và được trồng khắp nước. Có nơi dùng làm cây cảnh hoặc trồng để nhuộm.

Vào sau tiết Hàn lộ hằng năm, quả chín liên tục. Lúc này, vỏ quả ngả dần thành màu vàng là có thể hái được. Hái quả sớm hay quá muộn đều có thể ảnh hưởng tới phẩm chất. Nên hái bằng tay.

Quả chín, hái về, ngắt bỏ cuống, để trong 5 phút rồi phơi hoặc sấy khô. Quả Dành dành rất hút ẩm, nên phải kiểm tra thường xuyên để tránh ẩm mốc.

4. Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng làm dược liệu: Quả – Chi tử.

Thành phần hóa học

Trong Dành dành, glucoside màu vàng gọi là Gardenin, Gardenoside, Geniposide, Genipin-1-Gentiobioside, Shanzhiside, Gardoside, Scandoside methyl Esther, Deacetylaspelurosidic acid, Methyl Deacetylaspelurosidate, 10-Acetylgeniposide, 6”-p-Coumaroyl Genipin Gentiobioside, Chlorogenic acid, 3, 4-di-O-Caffeoylquinic acid, 3-O-Caffeoyl-4-O-Sinapoyl Quinic acid, 3,5-di-O-Caffeoyl-4-O-(3-Hydroxy-3-Methyl) Glutaroyl Quinic acid, Crocetin, Crocin.

Tác dụng dược lý

1. Theo Y học cổ truyền

  • Theo tài liệu cổ, quả Dành dành có vị đắng, tính hàn.
  • Quy ba kinh tâm, phế, tam tiêu.
  • Tác dụng thanh nhiệt, tả hỏa, lợi tiểu, cầm máu, dùng trong bệnh sốt, miệng khát, họng đau, mắt đỏ, da vàng, máu cam, thổ huyết, lỵ ra máu, tiểu tiện ra máu.
Cây Dành dành có nhiều công dụng theo y học cổ truyền
Cây Dành dành có nhiều công dụng theo Y học cổ truyền

2. Theo y học hiện đại

Hoạt động chống oxy hóa

Chi tử chiết xuất nước (sắc) và chiết xuất rượu đều được phát hiện có tác dụng chống oxy hóa. Ở nồng độ 20ppm, hoạt động chống oxy hóa của Crocin có thể so sánh với hoạt động của Butylated Hydroxyanisole (BHA).

Cải thiện độ nhạy insulin và chống bệnh đái tháo đường

Kháng insulin dẫn đến bệnh đái tháo đường type 2. Chi tử cải thiện độ nhạy insulin ở chuột kháng insulin. Genipin trong Chi tử cải thiện tình trạng kháng insulin liên quan đến tuổi tác, tình trạng stress oxy hóa ở gan, rối loạn chức năng ty thể và suy giảm tín hiệu insulin.

Geniposide trong Dành dành làm giảm dung nạp glucose bất thường và tăng insulin máu (cơ chế bệnh được ghi nhận ở bệnh nhân đái tháo đường type 2). Geniposide được chứng minh là một chất hạ đường huyết hiệu quả. Nó có lợi đối với tổn thương mạch máu do tiểu đường.

Hoạt động chống viêm

Geniposide trong Dành dành có thể là một loại thuốc chống viêm tiềm năng để điều trị chấn thương gan cấp tính, tổn thương phổi cấp tính và viêm vú. Crocin trong dược liệu có thể ức chế hoạt động của COX-1 và COX-2, sản xuất prostaglandin E2, hỗ trợ trong giảm viêm, giảm đau.

Nhiều dược liệu khác cũng có chức năng chống viêm cho cơ thể. Đọc thêm: Hạ khô thảo: Loài hoa cỏ kháng viêm, làm mát cơ thể

Hoạt động chống trầm cảm, cải thiện chất lượng giấc ngủ

Cơ chế chống trầm cảm của Geniposide trong Chi tử có thể liên quan đến sự gia tăng lượng serotonin trong thể vân và hồi hải mã của não chuột.

Crocetin trong Chi tử có hiệu quả trên những người đàn ông trưởng thành khỏe mạnh, rối loạn giấc ngủ mức độ nhẹ bằng cách giảm số lần thức giấc, cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Tác dụng lưu thông máu

Chi tử kích thích có chọn lọc sự sinh sản tế bào nội mô mạch máu. Đây là tế bào lót mặt trong của tất cả các mạch máu trong cơ thể và tạo nên một lớp màng ngăn chống đông máu. Có thể ngăn ngừa xơ cứng động mạch và huyết khối, chống huyết khối thông qua việc ức chế kết tập tiểu cầu.

Crocetin trong Chi tử điều hòa đáng kể huyết áp tâm thu, giảm hình thành huyết khối và tăng hoạt động chống oxy hóa.

Các hoạt động sinh học khác

  • Ảnh hưởng đến gan

Genipin cung cấp khả năng bảo vệ gan đáng chú ý. Crocin được chứng minh là làm giảm tổn thương gan do nhiễm mỡ ở chuột được nuôi bằng chế độ ăn nhiều chất béo.

  • Trí nhớ, bảo vệ thần kinh

Geniposide và các dẫn xuất của nó giúp cải thiện khả năng ghi nhớ ngắn hạn ở các mức độ khác nhau. Geniposide thể hiện đặc tính bảo vệ thần kinh trong bệnh Parkinson.

  • Hạ lipid máu

Crocin trong Chi tử có tác dụng chống tăng lipid máu. LDL-cholesterol (cholesterol xấu) và cholesterol toàn phần đã giảm đáng kể. Mức HDL-choesterol (cholesterol tốt) tăng lên đáng kể.

Liều lượng sử dụng

  • Ngày dùng 6 – 12 g. Dạng thuốc sắc.
  • Màu vàng của Dành dành không độc, nên có thể dùng trong nhuộm màu thực phẩm.

Một số bài thuốc dân gian

Siro Nhân trần

Nhân trần 24 g, Dành dành 12 g, nước 600 ml. Sắc cô còn 100 ml, thêm đường vào thành siro. Chia 3 lần uống trong ngày chữa vàng mắt, viêm gan.

Chi tử hoàng nghiệt bì thang

Dành dành 5 g, Hoàng bá 5 g, Cam thảo 2 g, nước 600 ml. Đun trong 30 phút, chia 2 – 3 lần uống trong ngày để chữa vàng da, vàng mắt, sốt.

Lưu ý

Đối với những người có thể trạng tỳ vị hư hàn (ăn đồ sống lạnh bị đau bụng, tiêu chảy), tiêu chảy lâu ngày mà không có biểu hiện của thấp nhiệt, uất hỏa: cấm dùng.

Dành dành (Chi tử) tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng về bản chất vẫn là thuốc có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng, nên đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, trang 225.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/04/nhung-cay-thuoc-va-vi-thuoc-viet-nam-2006.pdf#page=241
  2. Xiao W, Li S, Wang S, Ho CT. Chemistry and bioactivity of Gardenia jasminoides. J Food Drug Anal. 2017;25(1):43-61. doi:10.1016/j.jfda.2016.11.005.https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1021949816301740

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người