YouMed

Tìm hiểu 6 xét nghiệm tiểu đường và cách đọc kết quả

BS Hà Thị Ngọc Bích
Tác giả: Bác sĩ Hà Thị Ngọc Bích
Chuyên khoa: Nội tiết

Cách để xác định một người có mắc đái tháo đường (tiểu đường) hay không là thông qua các xét nghiệm máu, để đánh giá các chỉ số đường huyết. Sau đây, Bác sĩ Hà Thị Ngọc Bích sẽ giới thiệu đến bạn sơ lược về các xét nghiệm giúp chẩn đoán căn bệnh đái tháo đường, cũng như các lưu ý khi đi làm xét nghiệm này. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!

Tổng quan về bệnh đái tháo đường (tiểu đường)

Đái tháo đường là một bệnh chuyển hoá, mà trong đó, cơ thể chúng ta không sản xuất đủ hormon insulin, hoặc đề kháng insulin, hoặc cả hai. Dẫn đến tình trạng đường huyết trong cơ thể ở mức cao hơn bình thường.

Đái tháo đường được phân loại như sau:1

Bệnh đái tháo đường diễn tiến mạn tính, đôi khi một số bệnh nhân không có bất kì triệu chứng lâm sàng nào.

Việc không điều trị đái tháo đường có thể dẫn đến tình trạng đường huyết tăng cao mạn tính trong cơ thể. Từ đó gây biến chứng nghiêm trọng lên nhiều cơ quan và các hậu quả như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận, loét chân tiểu đường, cắt cụt chi,…1 3

Đoạn chi do vết loét bàn chân đã bị nhiễm trùng nặng ở bệnh nhân tiểu đường
Đoạn chi do vết loét bàn chân đã bị nhiễm trùng nặng ở bệnh nhân tiểu đường

Hiện nay trên thế giới, tỉ suất mới mắc của đái tháo đường ngày càng gia tăng. Gần 50% trong số bệnh nhân không được chẩn đoán đái tháo đường.1 Điều này đang đặt ra thách thức cho đội ngũ nhân viên y tế.

Đặc biệt, COVID-19 có thể là nguyên nhân khiến bệnh tiểu đường trở nặng. Tất cả mọi người mắc bệnh tiểu đường, bao gồm bệnh tiểu đường type 1, type 2, tiểu đường thai kỳ và các loại khác, dễ bị bệnh nặng hơn nếu họ bị nhiễm vi-rút Sars-Covi 2.4 5

Hơn nữa, khi lượng đường trong máu tăng cao, vi-rút SARS-CoV-2 sẽ phát triển mạnh hơn. Khi bệnh nhân tiểu đường nhiễm COVID-19, đường huyết sẽ càng tăng cao. Điều này có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Do đó, việc phát hiện và điều trị kịp thời nhằm giúp quản lý tốt và hợp lý hơn ngày từ đầu, phòng ngừa hoặc làm chậm diễn tiến của các biến chứng mạn và cấp tính của bệnh đái tháo đường.

Khi nào cần thực hiện xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường?

Người bệnh nên đi xét nghiệm tiểu đường khi có bất kì dấu hiệu hay triệu chứng nào sau đây:3

  • Đi tiểu nhiều lần trong ngày. Đôi khi là người bệnh sẽ than phiền về sự khó chịu phải thức giấc để đi tiểu vào ban đêm.
  • Cảm giác khát nước nhiều.
  • Uống nước nhiều lần.
  • Cảm giác đói bụng tăng lên, thậm chí sau bữa ăn.
  • Sụt cân nhanh.
  • Cảm giác cơ thể mệt mỏi suốt ngày.
  • Mắt nhìn mờ.
  • Vết loét hay vết cắt chậm lành thương.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association – ADA) năm 2022 cũng như Hội Đái tháo đường và Nội tiết Việt Nam (VADE) khuyến cáo nên sàng lọc đái tháo đường trên những đối tượng sau:2 6

Người trưởng thành có thừa cân/béo phì (chỉ số khối cơ thể BMI ≥ 23 kg/m2) hoặc người có hơn 1 trong số các yếu tố nguy cơ sau:

  • Ít vận động thể lực.
  • Tiền sử gia đình có cha mẹ, hay anh chị em ruột mắc đái tháo đường.
  • Tăng huyết áp (140/90 mmHg hoặc đang điều trị thuốc hạ áp).
  • Rối loạn lipid máu: chỉ số HDL-Cholesterone ≤ 35 mg/dl (0,9 mmol/L) và/ hoặc triglyceride máu > 250 mg/dl (2.82 mmol/L).
  • Vòng eo ≥ 90 cm ở nam và ≥ 80 cm ở phụ nữ.
  • Các tình trạng lâm sàng khác phối hợp với tình trạng đề kháng insulin (dấu gai đen, béo phì,…).
  • Tiền sử bệnh tim mạch.
  • Các chủng tộc có nguy cơ cao: Châu Mỹ Latinh, Người Mỹ gốc Á,…
  • Phụ nữ bị hội chứng buồng chứng đa nang (PCOS).
  • Các chỉ số đường huyết bất thường ở những lần xét nghiệm trước như: HbA1c ≥ 5.7%, rối loạn dung nạp glucose hoặc tăng đường huyết lúc đói. Những bệnh nhân này nên được xét nghiệm tầm soát mỗi năm một lần.

Phụ nữ sinh con > 4 kg, hoặc đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ. Những người này nên được theo dõi suốt đời và tầm soát mỗi 3 năm.

Mọi bệnh nhân ≥ 35 tuổi. Vì nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tăng lên theo tuổi, tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn. Do đó, ADA cũng khuyên nên kiểm tra định kì lượng đường trong máu hàng năm khi bạn từ 35 tuổi trở lên.

Người trưởng thành có béo phì nên được tầm soát đái tháo đường
Người trưởng thành có béo phì nên được tầm soát đái tháo đường

Các xét nghiệm đái tháo đường và cách đọc kết quả

Đối với đái tháo đường, chúng ta thường thắc xét nghiệm gì để biết tiểu đường? Xét nghiệm máu có phát hiện tiểu đường không? Quy trình xét nghiệm tiểu đường ra sao? Các chỉ số xét nghiệm tiểu đường là gì? Đọc kết quả xét nghiệm tiểu đường như thế nào? Nội dung dưới đây sẽ giải đáp các câu hỏi trên.

Xét nghiệm máu cho phép bác sĩ đánh giá lượng đường trong máu của bạn là bao nhiêu, có mắc đái tháo đường hay không và mức độ nặng như thế nào.

Có nhiều loại xét nghiệm máu đái tháo đường khác nhau. Căn cứ vào tiền sử, các dấu hiệu lâm sàng hay thăm khám, mà bác sĩ sẽ đưa ra những chỉ định xét nghiệm phù hợp cho người bệnh. Các loại xét nghiệm bao gồm:7

1. Xét nghiệm HbA1c

HbA1c là huyết sắc tố kết hợp với glucose do phản ứng ketoamin giữa glucose, và nhóm amin của cả hai chuỗi beta của phân tử huyết sắc tố.

Bình thường HbA1c dao động trong khoảng 4 – 6%.

HbA1c tăng trong trường hợp tăng đường huyết mạn tính. Xét nghiệm này phản ảnh mức đường huyết trong vòng 8 – 12 tuần lễ trước khi đo. HbA1c là một chỉ số quan trọng trong việc chẩn đoán và theo dõi mức kiểm soát đường huyết. Khi làm xét nghiệm này bạn sẽ không phải cần nhịn ăn trước khi lấy máu.

Kết quả:8

HbA1c % Diễn giải kết quả
< 5.7 Bình thường
5.7 – 6.4 Tiền đái tháo đường
≥ 6.5 Đái tháo đường

Một số yếu tố sau có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm:8

  • Mất máu cấp và mạn.
  • Bệnh nhân suy thận mạn.
  • Bệnh nhân có bệnh bất thường huyết sắc tố.

Hiện nay xét nghiệm HbA1c được công nhận như trong chẩn đoán đái tháo đường, với điều kiện xét nghiệm phải được tiến hành ở cơ sở sử dụng phương pháp xét nghiệm đã được chuẩn hoá (NGSP).

2. Đường huyết bất kỳ

Đây là xét nghiệm mà một mẫu máu được lấy ở bất kì thời điểm nào trong ngày, không cần quan tâm bạn đã ăn rồi hay chưa.

Nếu chỉ số đường huyết bất kì ≥ 200 mg/dL gợi ý cao bạn có khả năng mắc đái tháo đường.9

3. Đường huyết đói3 9

Khi làm xét nghiệm này, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh nhịn ăn qua đêm ít nhất 8 – 12 giờ. Và kỹ thuật viên sẽ lấy mẫu máu vào sáng hôm sau để xét nghiệm.

Kết quả:

Đường huyết (mg/dL) Diễn giải kết quả
< 100 Bình thường
100 – 125 Tiền đái tháo đường
≥ 126 Đái tháo đường

Xét nghiệm đo đường huyết là xét nghiệm đo lượng đường trong máu. Có thể đo đường trong máu toàn phần hay trong huyết tương (hoặc huyết thanh). Nếu đo trong huyết tương hoặc huyết thanh trị số đường huyết của bạn sẽ lớn hơn 10 – 15 % so với đường trong máu toàn phần.

Trên lâm sàng, các bác sĩ hay dùng cách đo đường trong máu tĩnh mạch (tức là huyết tương hoặc huyết thanh) để chẩn đoán bệnh đái tháo đường.

Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm đường huyết lúc đói
Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm đường huyết lúc đói

Về phương pháp đo đường trong máu toàn phần thường dùng máu mao mạch đầu ngón tay. Phương pháp này thường cho kết quả ít chính xác hơn vì phụ thuộc nhiều yếu tố. Tuy nhiên phương pháp này lại đơn giản, tiện lợi cho việc theo dõi điều trị trong bệnh viện cũng như tại nhà.

Vậy các bước thực hiện thử đường huyết tại nhà như thế nào? Cần lưu ý gì khi thực hiện tại nhà? Mời bạn cùng YouMed tìm hiểu qua bài viết Bạn đã biết cách thử đường huyết tại nhà chưa? nhé!

Đo đường huyết mao mạch lúc đói ở đầu ngón tay thường được thực hiện tại nhà
Đo đường huyết mao mạch lúc đói ở đầu ngón tay thường được thực hiện tại nhà

4. Nghiệm pháp dung nạp glucose (OGTT)

Nghiệm pháp được chỉ định khi bệnh nhân có yếu tố nguy cơ đái tháo đường, nhưng đường huyết lúc đói bình thường, hay ở bệnh nhân có rối loạn đường huyết đói, khi tầm soát đái tháo đường ở phụ nữ có thai.

Quy trình thực hiện

Chuẩn bị trước khi xét nghiệm:

  • Bệnh nhân ăn khẩu phần ăn giàu carbohydrate (từ 150 – 200 g carbohydrate mỗi ngày) trong 3 ngày trước khi làm nghiệm pháp.
  • Không vận động quá sức trước khi làm nghiệm pháp.
  • Đường huyết phải được đo bằng các phương pháp thường dùng trong phòng thí nghiệm, không dùng đường huyết mao mạch.
  • Không uống một số đồ uống hay thuốc như: corticoid, thiazide, cà phê,…
  • Bạn được yêu cầu nhịn đói qua đêm trước ngày lấy máu.

Ngày xét nghiệm:

  • Bước 1: Người bệnh sẽ được lấy máu tĩnh mạch sau một đêm nhịn đói để đo đường huyết lần thứ nhất.
  • Bước 2: Sau đó người bệnh được cho uống 75 g glucose pha trong 250 – 300 ml nước. Người bệnh cố gắng uống hết trong vòng 5 phút. Nếu khó uống có thể để lạnh hoặc vắt 1 lát chanh.
  • Bước 3: Đo đường huyết lần thứ hai sau khi uống 2 giờ.
Các bước tiến hành xét nghiệm dung nạp glucose đường uống
Các bước tiến hành xét nghiệm dung nạp glucose đường uống

Kết quả

Đường huyết đói (mg/dL) Đường huyết sau ăn 2 giờ (mg/dL) Diễn giải kết quả
< 100 và < 140 Bình thường
140 – 199 Rối loạn dung nạp glucose
≥ 126 hoặc ≥ 200 Đái tháo đường

Lưu ý: Biện luận kết quả của nghiệm pháp dung nạp glucose sẽ khác trên đối tượng phụ nữ mang thai.

5. Xét nghiệm nước tiểu

Bác sĩ không phải lúc nào cũng chỉ định xét nghiệm nước tiểu trong bệnh lý đái tháo đường.3

Trong xét nghiệm nước tiểu, bác sĩ sẽ đánh giá nhiều thông số như đường niệu, thể ceton hoặc là đạm niệu,…

Khi đường trong máu quá cao thì cơ thể sẽ thải đường ra nước tiểu, xét nghiệm sẽ có đường niệu dương tính. Tuy nhiên hiện nay, các bác sĩ lâm sàng không còn dùng xét nghiệm đường niệu trong chẩn đoán đái tháo đường nữa. Do đường niệu không phản ánh trung thực đường huyết và cũng không giúp phát hiện bệnh nhân bị hạ đường huyết.

Bác sĩ có thể sẽ cho bạn thực hiện xét nghiệm nước tiểu nếu nghi ngờ có thể ceton, đặc biệt ở bệnh nhân đái tháo đường típ 1.3

6. Xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ3

Đái tháo đường thai kỳ xảy ra khi mẹ bầu đang mang thai và thường giảm sau khi sinh. Tuy nhiên, tình trạng đường huyết cao trong thai kỳ gây ra những biến cố bất lợi cho cả mẹ và thai nhi. Vậy, phụ nữ mang thai bao nhiêu tuần thì nên xét nghiệm tiểu đường?

ADA đề nghị rằng những phụ nữ mang thai có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào của đái tháo đường, nên được xét nghiệm kiểm tra trong lần khám thai đầu tiên của họ. Xét nghiệm tầm soát được bác sĩ sử dụng phổ biến trong thai kì là nghiệm pháp dung nạp glucose (OGTT).

Các bước thực hiện OGTT tương tự như ở người bình thường không mang thai. Tuy nhiên, sau khi uống 75 g glucose, bác sĩ sẽ đánh cả cả hai thời điểm là sau 1 giờ và sau 2 giờ.

Chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ khi bất kỳ giá trị đường huyết thoả mãn tiêu chuẩn sau:

  • Đường huyết lúc đói: 92 mg/dl (5.1 mmol/L).
  • Đường huyết ở thời điểm 1 giờ: 180 mg/dl (10.0 mmol/L).
  • Đường huyết ở thời điểm 2 giờ: 153 mg/dl (8.5 mmol/L).

Diễn giải kết quả xét nghiệm tiểu đường như thế nào?

Tuỳ vào loại xét nghiệm mà người bệnh được làm, các ngưỡng xét nghiệm của từng loại, kết hợp với các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán người bệnh có mắc đái tháo đường hay không.2

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) năm 2022 và Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (International Diabetes Federation – IDF), tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường dựa vào một trong các tiêu chí sau đây:1 2

  • Đường huyết đói: ≥ 126 mg/dL (7.0 mmol/L). Bệnh nhân phải nhịn ăn ít nhất 8 giờ.
  • Đường huyết sau ăn 2 giờ: ≥ 200 mg/dL (11.1 mmol/L).
  • HbA1c: ≥ 6.5% (48 mmol/mol). Xét nghiệm nên được thực hiện ở cơ sở được chuẩn hoá.
  • Bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng của tình trạng tăng đường huyết và đường huyết bất kì: ≥ 200 mg/dL (11.1 mmol/L).

Trong trường hợp không có tăng đường huyết rõ ràng, việc chẩn đoán cần có 2 kết quả xét nghiệm bất thường từ cùng một mẫu máu, hoặc trong 2 mẫu xét nghiệm riêng biệt.

Xét nghiệm tiểu đường bao lâu có kết quả?

Thông thường, sau khi lấy mẫu máu xét nghiệm, sẽ ngay lập tức được gửi đến trung tâm xét nghiệm tiến hành phân tích. Thường sẽ có kết quả trong vòng 24 giờ.

Lưu ý khi xét nghiệm tiểu đường

Xét nghiệm tiểu đường có cần nhịn ăn hay không?

Theo nguyên tắc, khi xét nghiệm đái tháo đường để có kết quả chính xác, người bệnh cần nhịn ăn ít nhất 8 – 12 giờ. Tốt nhất là nhịn đói qua đêm và lấy máu xét nghiệm buổi sáng.

Vì nếu khi làm xét nghiệm sau ăn, chất dinh dưỡng sẽ chuyển hoá thành đường và được cơ thể hấp thu, dẫn đến lượng đường và lipid máu tăng cao. Từ đó làm việc đánh giá, biện luận kết quả xét nghiệm có thể không chính xác.

Tuy nhiên, không phải tất cả các xét nghiệm đái tháo đường đều cần nhịn ăn. Ví dụ, như nội dung đã đề cập ở trên, thì chỉ số HbA1c hay đường huyết bất kỳ là những xét nghiệm không cần nhịn ăn trước khi lấy máu.

Để chính xác hơn, thì người bệnh nên gặp bác sĩ để được tư vấn về cách thức chuẩn bị, cũng như tiến hành xét nghiệm như thế nào.

Xét nghiệm tiểu đường có được uống nước không?

Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân nhịn ăn uống trước khi xét nghiệm đường huyết đói. Tuy nhiên nếu người bệnh quá khát thì có thể uống nước lọc.

Lưu ý, bệnh nhân không được uống những thức uống gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm như sữa, nước ngọt, nước trái cây, cà phê,…

Ngoài ra, lượng đường trong máu có thể tăng cao tạm thời nếu bạn căng thẳng hay stress. Vì vậy nên ngủ sớm và giữ tinh thần thoải mái trước khi làm xét nghiệm.

Một số loại thuốc có thể làm ảnh hưởng đến lượng đường trong máu như lợi tiểu, corticoid, thuốc chống trầm cảm, loạn thần,… Bạn nên trao đổi với bác sĩ về những loại thuốc mà mình đang sử dụng trước khi làm xét nghiệm.

Xét nghiệm tiểu đường ở đâu, ở bệnh viện nào? Xét nghiệm tiểu đường bao nhiêu tiền?

Hiện nay, xét nghiệm đường huyết rất phổ biến, hầu hết có mặt ở các cơ sở y tế. Và thậm chí, người bệnh có thể xét nghiệm đường huyết ngay tại nhà với máy thử đường huyết cá nhân. Phương pháp này thuận tiện, đơn giản. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lưu ý rằng cách đo này có thể cho kết quả kém chính xác do thao tác kỹ thuật đo, và thời điểm đo chưa phù hợp.

Nếu bạn đang có dấu hiệu nghi ngờ hoặc là những đối tượng nguy cơ cao như trong bài viết đã nêu, hoặc xét nghiệm nhanh đường huyết tại nhà cho kết quả bất thường. Tốt nhất bạn nên đến cơ sở y tế để các bác sĩ kiểm trại lại và xác định chẩn đoán.

Mức giá chính xác của xét nghiệm đái tháo đường sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố. Tuỳ vào loại xét nghiệm khác nhau mà giá tiền cũng sẽ khác nhau.

Việc đa dạng về cơ sở xét nghiệm cũng như các mức giá sẽ làm mọi người phân vân trong việc lựa chọn đơn vị xét nghiệm phù hợp. Để giúp bạn đọc dễ dàng hơn trong việc đánh giá và lựa chọn cơ sở xét nghiệm uy tín, YouMed đã nêu những tiêu chí đánh giá, cũng như thống kê các cơ sở xét nghiệm tiểu đường, những yếu tố ảnh hưởng đến chi phí kèm theo bảng giá xét nghiệm tham khảo trong bài viết Xét nghiệm tiểu đường bao nhiêu tiền? Nên xét nghiệm tiểu đường ở đâu?. Bạn đọc có thể tham khảo để có thêm thông tin nhé!

Đái tháo đường là một bệnh mạn tính, và có thể được kiểm soát tốt nếu phát hiện sớm và tuân thủ việc điều trị. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài, không được phát hiện và điều trị sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Thực hiện xét nghiệm phát hiện đái tháo đường, hay còn gọi là xét nghiệm tiểu đường kịp thời là điều cần thiết. Nếu có những dấu hiệu nghi ngờ đái tháo đường, người bệnh nên đến gặp bác sĩ sớm để được tư vấn, chỉ định những xét nghiệm phù hợp với tình trạng của người bệnh.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. IDF Diabetes Atlashttps://diabetesatlas.org/idfawp/resource-files/2021/07/IDF_Atlas_10th_Edition_2021.pdf

    Ngày tham khảo: 20/10/2022

  2. 2. Classification and Diagnosis of Diabetes: Standards of Medical Care in Diabetes—2021https://diabetesjournals.org/care/article/44/Supplement_1/S15/30859/2-Classification-and-Diagnosis-of-Diabetes

    Ngày tham khảo: 20/10/2022

  3. Everything You Need to Know About Diabetes Testshttps://www.healthline.com/health/diabetes-tests

    Ngày tham khảo: 20/10/2022

  4. Coronavirus and diabetes updateshttps://www.diabetes.org.uk/about_us/news/coronavirus

    Ngày tham khảo: 07/11/2022

  5. How COVID-19 Impacts People with Diabeteshttps://diabetes.org/coronavirus-covid-19/how-coronavirus-impacts-people-with-diabetes

    Ngày tham khảo: 07/11/2022

  6. Khuyến cáo Bệnh đái tháo đường: dịch tễ, phân loại, chẩn đoánhttps://vade.org.vn/khuyen-cao-benh-dai-thao-duong-dich-te-phan-loai-chan-doan/

    Ngày tham khảo: 20/10/2022

  7. Trần Quang Khánh, Trần Quang Nam (2020). Sổ tay lâm sàng Nội tiết, NXB Y học, Bộ môn Nội tiết Đại học Y Dược TPHCM.

  8. All About Your A1Chttps://www.cdc.gov/diabetes/managing/managing-blood-sugar/a1c.html

    Ngày tham khảo: 07/11/2022

  9. Diabetes Testshttps://www.cdc.gov/diabetes/basics/getting-tested.html

    Ngày tham khảo: 07/11/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người