YouMed

Dấu hiệu mọc răng và các cách giảm nhẹ triệu chứng

Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Tác giả: Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Chuyên khoa: Răng - Hàm - Mặt

Mọc răng là quá trình phát triển mà bất cứ trẻ nào cũng phải trải qua. Giai đoạn này có thể là thời gian vui vẻ, cũng có thể là quá trình khó khăn với mỗi trẻ khác nhau. Một số trẻ phải trải qua những cơn đau, sốt khi mọc răng. Việc hiểu được hết những triệu chứng và cách giảm nhẹ cho trẻ khi mọc răng sẽ giúp quá trình trở nên dễ dàng hơn. Sau đây hãy cùng YouMed tìm hiểu về những triệu chứng khi mọc răng và cách giảm nhẹ các triệu chứng này nhé!

1. Quá trình mọc răng là gì?

Quá trình hình thành và phát triển răng bắt đầu từ giai đoạn phôi thai. Tuy nhiên, thông thường cho đến khi trẻ được 6 tháng tuổi, những chiếc răng sữa đầu tiên mới bắt đầu mọc vào cung hàm.

Mọc răng là quá trình răng xuyên qua nướu để đi vào khoang miệng. Thời gian mọc răng sữa của trẻ kéo dài từ 6-24 tháng tuổi. Thời gian mọc răng vĩnh viễn thì bắt đầu từ khi trẻ 6 tuổi cho đến khi trưởng thành.

1.1. Thứ tự mọc chung của răng

Sau đây là thứ tự mọc chung của răng sữa:

Răng cửa giữa: 6-12 tháng tuổi

Răng cửa bên: 9-16 tháng tuổi

Răng nanh: 16-23 tháng tuổi

Răng hàm đầu tiên: 13-19 tháng tuổi

Răng hàm thứ hai: 22-24 tháng tuổi

Từ 6 đến 12 tuổi, chân răng của 20 chiếc răng “con” này bị tiêu đi. Cho phép chúng được thay thế bằng 32 chiếc răng vĩnh viễn “trưởng thành”. Răng hàm thứ ba (“răng khôn”) thường mọc vào giai đoạn thành niên, thường sau 18 tuổi. Vì răng không thường mọc ngầm, lệch; do đó chúng thường bị nhổ.

trình tự mọc răng sữa
Trình tự mọc chung của răng sữa

1.2. Quá trình mọc răng kéo dài bao lâu?

Trẻ em thường có cảm giác khó chịu thay đổi trong vài ngày trước khi răng mọc qua khỏi mô nướu. Một số trẻ trở nên quấy hơn trong vài ngày đầu. Tùy thuộc vào hình dạng và kích thước từng răng, có thể ảnh hưởng đến sự khó chịu của trẻ khi mọc.

2. Những dấu hiệu và triệu chứng của việc mọc răng là gì?

Mọc răng thường liên quan đến sự khó chịu ở nướu và hàm khi răng của trẻ chuẩn bị nhú qua bề mặt nướu. Khi răng di chuyển bên dưới bề mặt mô nướu, khu vực này có thể hơi đỏ hoặc sưng lên. Đôi khi có thể nhìn thấy một vùng nướu sưng phồng phía trên vị trí răng mọc.

Một số răng mọc có thể khiến trẻ nhạy cảm hơn những răng khác. Các răng hàm lớn hơn có thể gây khó chịu hơn do diện tích bề mặt của chúng lớn hơn ; gây cản trở việc “xuyên” qua mô nướu. Ngoại trừ việc mọc răng hàm thứ ba (răng khôn), việc mọc răng vĩnh viễn hiếm khi gây ra cảm giác khó chịu nhiều.

Các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm: khó chịu, nướu mềm và sưng; và trẻ thường xuyên muốn đặt các đồ vật hoặc ngón tay vào miệng để giảm bớt sự khó chịu. Các triệu chứng sốt, ho, tiêu chảy và cảm lạnh ít khi xuất hiện.

Ở trẻ, khi răng mọc có thể gây ra các triệu chứng sau:

  • Lợi bị sưng và mềm
  • Tăng tiết nước bọt hoặc chảy nước dãi
  • Khó ngủ hoặc giảm ngủ do khó chịu ở nướu
  • Chán ăn do đau nhức vùng nướu
  • Khó chịu, quấy khóc , bồn chồn
  • Đưa tay lên miệng. Ngậm đồ vật, cắn ngón tay
  • Phát ban nhẹ quanh miệng do kích ứng da thứ phát sau chảy nhiều nước dãi
  • Chà xát má hoặc vùng tai do hậu quả của cơn đau khi mọc răng hàm. Tuy nhiên kéo tai cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tai; hãy hẹn gặp bác sĩ nhi khoa để kiểm tra lại.

Quan trọng là, việc răng mọc không liên quan đến các triệu chứng sau:

  • Sốt (đặc biệt là trên 38 độ C): nghiên cứu đã không chỉ ra mối quan hệ nhân quả giữa việc mọc răng và phát triển của cơn sốt. Nhiễm vi-rút, thường xảy ra độc lập đồng thời với mọc răng trong miệng, có thể gây sốt.
  • Tiêu chảy, sổ mũi và ho
  • Khó chịu kéo dài
  • Phát ban trên cơ thể
  • Nôn trớ

 

 

dấu hiệu và triệu chứng của việc mọc răng
Dấu hiệu và triệu chứng của việc mọc răng

>> Xem thêm: Trẻ sốt mọc răng phải xử trí như thế nào?

3. Khi nào bạn nên gọi cho bác sĩ?

Vì quá trình mọc răng rất phổ biến; đồng thời các triệu chứng khác như sốt, quấy khóc, tiêu chảy cũng rất phổ biến. Do đó cả hai tình trạng này thường có thể xảy ra cùng lúc. Các bệnh hoặc rối loạn khác (chẳng hạn như nhiễm siêu vi) có nhiều khả năng gây: sốt, quấy khóc và/hoặc nghẹt mũi; kèm theo ho và tiêu chảy. Điều quan trọng là liên hệ với bác sĩ nếu những triệu chứng không liên quan xuất hiện. Đừng cho rằng các triệu chứng này là do trẻ mọc răng!

4. Cách giảm nhẹ các triệu chứng khi mọc răng cho trẻ

4.1. Cách giảm nhẹ triệu chứng mà không cần dùng thuốc

  • Khi răng mọc, trẻ thường cảm thấy dễ chịu hơn khi có áp lực nhẹ nhàng lên nướu. Vì lý do này, nhiều bác sĩ khuyên bạn nên nhẹ nhàng chà xát nướu bằng ngón tay sạch; hoặc để trẻ cắn vào khăn sạch.
  • Nếu cơn đau dường như đang gây ra vấn đề cho trẻ khi bú; bạn có thể sử dụng núm vú mềm hoặc cốc đôi khi để làm giảm sự khó chịu và cải thiện việc bú. Các đồ vật lạnh cũng giúp giảm viêm.
  • Cẩn thận tránh để các vật quá lạnh tiếp xúc lâu với nướu. Không bao giờ cho bất cứ thứ gì vào miệng trẻ (kể cả bánh quy mọc răng) có thể khiến trẻ bị sặc. Các chế phẩm vi lượng cho quá trình mọc răng nên được xem xét cẩn thận vì độ tinh khiết và nồng độ của các thành phần không được đảm bảo.
  • Không bao giờ được dùng rượu để làm tê nướu.
vòng mọc răng
Vòng mọc răng

4.2. Những loại thuốc nào an toàn để sử dụng để điều trị đau?

Thuốc bôi trên nướu răng

Bạn có thể thử một số loại thuốc bôi tê nướu. Hãy hỏi nha sĩ hoặc bác sĩ của bạn để biết cách sử dụng và các khuyến nghị về sản phẩm. Thuốc bôi có chứa benzocain có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng và có khả năng gây chết người. Chúng không được dùng để điều trị các triệu chứng mọc răng.

Benzocaine là thành phần chính của nhiều loại thuốc xịt, viên ngậm và gel mọc răng không kê đơn. Cảnh báo của FDA chỉ ra mối liên quan với methemoglobin huyết. Đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng cực kỳ nghiêm trọng. Tác dụng phụ này hạn chế đáng kể khả năng vận chuyển oxy của các tế bào hồng cầu trong cơ thể. Việc này có thể tạo ra những hậu quả nghiêm trọng đến chết người. Những người phát triển bệnh methemoglobin huyết sẽ trở nên xanh xao, choáng váng, lú lẫn và khó thở. Nhịp tim nhanh cũng phổ biến. Phản ứng bất lợi như vậy có thể phát triển khi tiếp xúc lần đầu tiên hoặc sau vài lần tiếp xúc với benzocain.

Bất kỳ cá nhân nào có các triệu chứng như vậy sau khi tiếp xúc với benzocain nên được cấp cứu ngay lập tức. Thuốc có thể được sử dụng để đảo ngược những tác dụng phụ này.

Thuốc uống giúp giảm đau

Ibuprofen (Advil hoặc Motrin) hoặc acetaminophen (Tylenol) có thể giúp giảm đau. Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi không nên dùng Ibuprofen. Chỉ nên sử dụng thuốc trong một số trường hợp khi các phương pháp chăm sóc tại nhà khác không có tác dụng. Cần thận trọng không để trẻ sử dụng quá nhiều. Thuốc có thể che giấu các triệu chứng đáng kể mà bạn cần biết. Không cho trẻ dùng các sản phẩm có chứa aspirin. Thường việc mọc răng của trẻ ít khi được kê đơn thuốc.

>> Xem thêm: Các giai đoạn và thời gian mọc răng của trẻ mà mẹ nên biết

5. Chăm sóc và phòng ngừa bệnh răng miệng cho trẻ

5.1. Chăm sóc răng miệng cho bé từ sớm

Vệ sinh răng miệng có thể được bắt đầu ngay cả trước khi mọc chiếc răng đầu tiên. Làm sạch nướu hai lần một ngày bằng cách sử dụng miếng rửa dùng để lau mặt và tay sau khi ăn là hiệu quả và đơn giản.

5.2. Kiểm soát vi khuẩn gây sâu răng

Ngay cả khi răng trẻ chưa mọc, việc kiểm soát vi khuẩn gây sâu răng và bảo vệ cho răng cũng cần được quan tâm.

Florua đã được chứng minh là cực kỳ hiệu quả trong việc giảm sự phát triển và mức độ nghiêm trọng của sâu răng. Vì lượng florua thay đổi tùy theo nguồn nước, hãy hỏi bác sĩ nhi khoa hoặc nha sĩ của trẻ về việc bổ sung cần thiết. Các khuyến nghị về florua sẽ dựa trên nồng độ florua trong nước tiêu thụ và độ tuổi của trẻ. Việc dư thừa fluor có thể gây ra tình trạng nhiễm fluor – làm răng bị ố vàng vĩnh viễn.

Răng của trẻ em dường như dễ bị tổn thương nhất trong ba năm đầu đời. Vì lý do này, kem đánh răng có chứa fluor hiếm khi cần thiết cho trẻ em dưới 3 tuổi. Việc bổ sung fluor cho mẹ trong thời kỳ mang thai đã không được chứng minh là có lợi cho sự toàn vẹn răng của thai nhi hoặc bảo vệ răng vĩnh viễn.

Trẻ sơ sinh và trẻ em không bao giờ được mang bình vào nôi hoặc giường hoặc dùng liên tục khi ngủ. Sữa công thức, sữa mẹ, sữa bò, sữa đậu nành và nước trái cây đều có thể liên quan đến sự hình thành sâu răng. Ăn trái cây dính (chẳng hạn như nho khô) hoặc thực phẩm khác chứa nhiều đường (chẳng hạn như kẹo) cũng có liên quan đến sự gia tăng hình thành sâu răng.

5.3. Khám răng cho bé từ sớm

Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ và Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị lần khám răng đầu tiên là khi trẻ được 1 tuổi. Nếu chọn lịch trình trễ, thời gian muộn nhất cho lần khám răng đầu tiên là 3 tuổi. Chấn thương, dị tật răng miệng, nhiễm màu răng, đau răng và những thay đổi bất thường của răng hoặc nướu răng ở trẻ cần được khám và điều trị ngay lập tức

>> Xem thêm: Những điều mẹ cần lưu ý về bất thường mọc răng và phát triển răng ở trẻ

Quá trình mọc răng của trẻ là một quá trình kéo dài, xảy ra đồng thời cùng với sự phát triển thể chất của bé, đóng một vai trò quan trọng trong thể chất, sức khỏe của bé. Mặc dù thời gian này sẽ khiến bố mẹ gặp nhiều phiền muộn, lo lắng. Tuy nhiên, việc cha mẹ trang bị những kiến thức cần thiết sẽ giúp trẻ trải qua thời gian này tốt hơn, ít khó chịu và mệt mỏi. Hãy giúp bé có những trải nghiệm vui vẻ hơn để tận hưởng sự xuất hiện của những chiếc răng bé xinh!

Bác sĩ Trương Mỹ Linh

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

1/ John Mersch, MD, FAAP, “When Do Babies Start Teething?”, đăng nhập ngày 27/3/2020 tại website https://www.medicinenet.com

2/ Charlotte E. Grayson Mathis, MD, “Dental care for babies”, đăng nhập ngày 01-05-2005 tại website https://www.medicinenet.co

3/ “Teething”, đăng nhập tại website https://www.mouthhealthy.org

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người