Răng mọc lệch ở trẻ: Nguyên nhân và cách giải quyết
Nội dung bài viết
Răng mọc lệch ở trẻ là một tình trạng khá phổ biến, được nhiều bậc cha mẹ quan tâm. Trong một số trường hợp nếu răng khấp khểnh, bạn không nên quá lo lắng vì có thể không cần chỉnh lại. Những chiếc răng không thẳng hàng có thể tạo thêm nét cá tính và duyên dáng cho nụ cười của trẻ. Tuy nhiên, nếu răng mọc lệch gây ra các vấn đề về sức khỏe hoặc giọng nói của trẻ thì cần phải khắc phục ngay. Hãy tiếp tục đọc để tìm hiểu lý do tại sao răng lại mọc lệch, các vấn đề sức khỏe mà chúng gây ra và cách khắc phục.
1. Răng mọc lệch ở trẻ là gì?
Tình trạng răng mọc lệch ở trẻ còn được gọi là sai khớp cắn. Tình trạng mọc lệch này thuộc về sự phát triển. Đa số trường hợp sai khớp cắn và sự lệch lạc răng mặt không phải là một yếu tố bệnh lý nào đó. Mà là do sự biến đổi vừa phải của sự phát triển bình thường.
Đôi khi, chúng ta có thể gặp trường hợp trẻ sai khớp cắn có nguyên nhân rõ. Ví dụ như: hàm dưới kém phát triển thứ phát do gãy xương hàm lúc nhỏ. Hoặc sai khớp cắn đi kèm với các hội chứng di truyền.
Thông thường, sai khớp cắn là do sự tương tác phức tạp giữa nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển. Không thể xác định một yếu tố nguyên nhân đặc thù.
2. Điều gì gây ra tình trạng răng mọc lệch ở trẻ?
Cả răng sữa và răng vĩnh viễn đều có thể mọc lệch lạc hoặc khấp khểnh. Những thói quen kéo dài, chẳng hạn như ngậm núm vú giả hoặc ngón tay cái cũng có thể khiến răng sữa bị đẩy ra ngoài hoặc khấp khểnh. Di truyền cũng đóng một vai trò quan trọng.
Có răng sữa mọc lệch không có nghĩa là con bạn sẽ có răng vĩnh viễn cũng mọc lệch. Tuy nhiên, nếu răng sữa mọc chen chúc với nhau thì răng vĩnh viễn cũng có thể mọc chen chúc. Nếu chấn thương miệng hoặc sâu răng khiến một hoặc nhiều răng sữa bị rụng sớm hơn bình thường, thì các răng vĩnh viễn sau đó có thể mọc lệch ra khỏi nướu thay vì mọc thẳng.
Các vấn đề khác ảnh hưởng đến răng sữa cũng có thể ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn bao gồm:
2.1. Kích thước hàm
Chế độ ăn hiện đại gồm các thực phẩm được chế biến kỹ, mềm mà chúng ta thường ăn; đòi hỏi ít nhai hơn so với các loại thực phẩm mà tổ tiên chúng ta ăn.
Sự thay đổi này đã thay đổi kích thước hàm chung của chúng ta, khiến nó nhỏ hơn. Các nhà khoa học tin rằng: hàm ngắn hơn đã tiến hóa của chúng ta có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng mọc chen chúc, khấp khểnh và lệch lạc.
2.2. Thói quen cận chức năng kém
Các thói quen cận chức năng là những hành vi lặp đi lặp lại có ý thức hoặc không ý thức, không nhằm mục đích thực hiện chức năng. Chúng ảnh hưởng đến các cơ hoặc chức năng của miệng hoặc mặt.
Các thói quen này bao gồm:
- Mút ngón tay cái.
- Ngậm núm vú giả hoặc sử dụng bình sữa.
- Đẩy lưỡi.
- Thở miệng.
2.3. Di truyền
Nếu một hoặc cả cha và mẹ có răng mọc chen chúc hoặc khấp khểnh thì có khả năng trẻ cũng vậy. Trẻ cũng có thể thừa hưởng tính chất sai lệch khớp cắn từ cha, mẹ.
Điều này là do:
- Thứ nhất: trẻ có thể thừa hưởng sự không hài hòa kích thước giữa răng và hàm, dẫn đến hiện tượng răng mọc chen chúc hoặc thưa kẽ.
- Thứ hai: thừa hưởng sự không cân xứng kích thước và hình dạng của xương hàm trên và xương hàm dưới, có thể đưa đến tương quan khớp cắn không đúng.
Nếu đặc điểm sai khớp cắn là do xương hàm thì có thể có sự hiện diện của yếu tố di truyền. Nhưng nếu chỉ là những lệch lạc của răng thuần túy thì thường là do ảnh hưởng của môi trường.
2.4. Chăm sóc răng miệng kém
Đôi khi, việc không được nha sĩ kiểm tra răng hằng năm có thể khiến trẻ gặp các vấn đề. Chẳng hạn như bệnh nướu răng và sâu răng, không được điều trị. Điều này có thể dẫn đến răng khấp khểnh và các vấn đề sức khỏe răng miệng khác.
2.5. Dinh dưỡng kém
Chế độ dinh dưỡng kém, đặc biệt là ở trẻ em, có thể dẫn đến sâu răng và phát triển răng miệng kém. Đây là tiền đề tiềm ẩn của răng mọc lệch.
-
Thiếu calci
Ngoài các chất dinh dưỡng chính như protid, glucid, lipid, calci cũng là chất khoáng không thể thiếu cho sự phát triển và duy trì cấu trúc của xương. Thiếu calci do sự hấp thu của cơ thể kém hay do dinh dưỡng kém có thể làm trẻ có lệch lạc răng hay sai khớp cắn do xương hàm phát triển không đầy đủ.
-
Có nhiều thành phần dinh dưỡng tham gia và tác động ảnh hưởng đến tế bào xương như: protein, calci, phospho, các vitamin D, K, C và một số vi lượng như: đồng, kẽm, mangan, magie.
Nếu thiếu phospho sẽ giảm tác động hấp thu calci. Đặc biệt, nguyên bào xương và tạo cốt bào cũng giống như tất cả các tế bào đều cần phospho cho quá trình chuyển hóa của chúng. Do đó, vai trò của phospho cũng quan trọng trong cấu tạo xương như calci. Khi thiếu calci, phospho sẽ dẫn đến nguy cơ còi xương.
Vitamin tác động tới quá trình hủy cốt bào và tạo tiền đề để tái tạo xương. Vitamin D cũng kích thích quá trình tổng hợp và sản sinh osteocalcin từ nguyên bào xương và tạo điều kiện cho quá trình hấp thu calci và phospho trong khẩu phần ăn. Thiếu vitamin D trong cơ thể dễ dẫn đến còi xương và loãng xương. Vitamin ảnh hưởng quá trình carboxyl hóa của osteocalcin.
Vitamin C và đặc biệt các nguyên tố đồng, kẽm, mangan là những nguyên tố cần thiết trong quá trình tổng hợp hoặc liên kết khuôn protein. Nếu thiếu vitamin C, độ cứng chắc của xương sẽ giảm ở độ tuổi trưởng thành. Nếu thiếu các chất vi lượng trên sẽ tác động ảnh hưởng đến cấu tạo không bình thường của xương.
Ở người có rối loạn tiêu hóa ở ruột non, đặc biệt là hấp thu kém các vitamin tan trong dầu, sẽ tăng bài tiết calci, magie vào dịch tiêu hóa. Kết quả cơ thể sẽ thiếu vitamin D, calci và magie.
Cũng giống như người lớn, trẻ em bị viêm khớp dạng thấp, nồng độ selen, vitamin C và sắt, kẽm trong máu thấp. Khoảng 30% bị giảm sản răng, răng mọc lệch lạc.
-
Dinh dưỡng khi mang thai
Chế độ dinh dưỡng cũng như những rối loạn chuyển hóa trong thời kỳ mang thai cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Những phụ nữ mang thai có rối loạn chuyển hóa phenylalanin, có phenylceton niệu sẽ có nguy cơ 80 – 90% trẻ khi sinh bị khuyết tật bẩm sinh, kém phát triển vùng sọ.
Phụ nữ lúc mang thai thường xuyên uống rượu sẽ dẫn đến tổn thương hệ miễn dịch thai nhi, chậm phát triển trí tuệ, xương tay chân và sọ mặt phát triển không bình thường.
Đọc thêm: Dinh dưỡng khi mang thai để mẹ và bé khỏe mạnh.
2.6. Chấn thương mặt
2.6.1. Sự “đè ép” xảy ra trong bào thai
Một “áp lực” nào đó đè lên khuôn mặt đang phát triển của bào thai sẽ làm “méo mó” những vùng đang tăng trưởng nhanh.
Trong những trường hợp hiếm, một cánh tay của bào thai nằm vắt ngang lên mặt sẽ làm cho hàm trên kém phát triển. Thỉnh thoảng, đầu của phôi thai cong gập sát chặt vào ngực sẽ làm cho hàm dưới không phát triển ra trước bình thường và trẻ sơ sinh sẽ có một hàm dưới rất nhỏ (trong hội chứng Pierre-Robin).
2.6.2. Chấn thương ở hàm dưới khi sinh
Trong những trường hợp người mẹ sinh khó, sử dụng kềm forcep ở đầu trẻ sơ sinh có thể làm tổn thương một bên hoặc cả hai bên khớp thái dương hàm. Có một thời gian, người ta cho rằng đây là nguyên nhân đưa đến sự kém phát triển của hàm dưới. Tuy nhiên, người ta nhận thấy rằng: mặc dù tỉ lệ sử dụng forcep đã giảm đáng kể trong suốt 50 năm qua, tỉ lệ sai khớp cắn hạng II với hàm dưới kém phát triển vẫn không giảm.
Theo quan niệm hiện nay, sụn lồi cầu không phải là yếu tố quyết định cho sự tăng trưởng đúng đắn của xưong hàm dưới. Nên không dễ dàng cho rằng sự kém phát triển của xương hàm dưới là do chấn thương khi sinh.
Tóm lại, chấn thương ở hàm dưới xảy ra khi sinh có vẻ là nguyên nhân hiếm của lệch lạc mặt. Nếu trẻ sơ sinh có hàm dưới lệch lạc thì thường là do bẩm sinh.
2.6.3. Gãy xương hàm khi trẻ còn nhỏ
Trẻ nhỏ té và va chạm có thể làm gãy xương hàm. Ở hàm dưới, thường xảy ra gãy cổ lồi cầu hàm dưới. Tuy nhiên, vùng lồi cầu hàm dưới có khuynh hướng phục hồi nhanh ở trẻ nhỏ. Khoảng 75% trẻ em bị gãy sớm lồi cầu hàm dưới có hàm dưới phát triển bình thường và không có sai khớp cắn sau này. Nếu có biến chứng của gãy lỗi cầu thì thường là sự phát triển không cân xứng của hàm dưới, với bên bị tổn thương phát triển chậm lại so với bên bình thường.
2.6.4. Răng di chuyển do chấn thương cắn bằng 3 cách:
- Tổn thương mầm răng vĩnh viễn do chấn thương răng sữa.
- Răng vĩnh viễn di chuyển do mất răng sữa sớm.
- Chấn thương trực tiếp vào răng vĩnh viễn.
Chấn thương ở răng sữa có thể làm dịch chuyển mầm răng vĩnh viễn bên dưới bằng 2 cách.
- Thứ nhất, nếu chấn thương xảy ra trong khi thân răng vĩnh viễn được thành lập, sự tạo men răng sẽ bị rối loạn và sẽ có khiếm khuyết ở thân răng vĩnh viễn.
- Thứ hai, nếu chấn thương xảy ra sau khi thân răng đã được hoàn tất, thân răng có thể bị dịch chuyển so với chân răng.
Sự thành lập chân răng ngưng lại, chân răng sau chấn thương có thể đưa đến sai khớp sau này do răng sẽ bị ngắn đi. Trường hợp phổ biến là sự thành lập chân răng vẫn tiếp tục, nhưng phần còn lại của chân rằng sẽ tạo thành một góc so với thân răng đã bị dịch chuyển.
3. Các triệu chứng của tình trạng răng lệch lạc ở trẻ em là gì?
Trẻ bị lệch lạc có răng mọc chen chúc hoặc khấp khểnh. Trẻ cũng có thể gặp một trong những vấn đề về khớp cắn sau:
- Cắn chìa. Răng cửa ở hàm trên nhô ra ngoài so với răng ở hàm dưới.
- Cắn ngược. Răng ở hàm dưới nhô ra ngoài so với răng ở hàm trên.
- Cắn hở. Các răng cửa không gặp nhau khi hàm đóng lại.
- Cắn chéo, cắn kéo. Các răng sau hàm trên nằm về phía lưỡi hơn so với răng sau dưới.
4. Răng mọc lệch lạc có thể khiến trẻ bị
- Các vấn đề về ăn uống.
- Nghiến răng.
- Rụng răng sữa quá sớm hoặc rất muộn.
- Thở miệng.
- Sâu răng.
- Bệnh về nướu.
- Các vấn đề về khớp hàm.
5. Làm thế nào để chẩn đoán tình trạng răng mọc lệch ở trẻ em?
Để chẩn đoán đúng tình trạng, bạn cần đem trẻ đến nha sĩ hoặc bác sĩ chỉnh nha. Tại đây, trẻ sẽ được đánh giá và điều trị đầy đủ. Bác sĩ chỉnh nha là những nha sĩ được đào tạo chuyên sâu về điều trị các bất thường của răng, khớp cắn và hàm.
Con bạn cũng có thể cần:
- Chụp X-quang. Giúp đánh giá hình ảnh của các mô bên trong, xương và răng.
- Lấy dấu răng. Đây là những dấu của răng được làm bằng thạch cao đổ trong khuôn. Chúng giúp đánh giá tình trạng sai lệch.
Qua đó, bác sĩ chỉnh nha sẽ quyết định xem trẻ có cần điều chỉnh khớp cắn hay không.
6. Các cách điều trị tình trạng răng mọc lệch ở trẻ em
Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng, độ tuổi và sức khỏe chung của trẻ. Nó cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng.
Mục tiêu của điều trị là làm thẳng răng, cải thiện khớp cắn và vẻ ngoài, nụ cười của trẻ.
Việc điều trị đôi khi được thực hiện theo từng giai đoạn tùy thuộc vào mức độ của tình trạng. Nó có thể bao gồm:
- Nhổ răng. Có thể cần phải nhổ răng sữa của con bạn để nhường chỗ cho răng vĩnh viễn. Một số răng vĩnh viễn cũng có thể bị loại bỏ.
- Phẫu thuật hàm. Trong một số trường hợp, con bạn có thể phải phẫu thuật hàm để khắc phục tình trạng khớp cắn khi xương bị ảnh hưởng.
- Đeo khí cụ. Những vật này có thể tháo rời được (khí cụ tháo lắp) hoặc chúng có thể được cố định (niềng răng).
Khí cụ tháo lắp được làm bằng dây cung và nhựa. Nó có thể mang vào, tháo ra dễ dàng. Khí cụ phải được làm sạch một cách thường xuyên.
Niềng răng là những mắc cài nhỏ gắn vào răng. Chúng được kết nối bằng một sợi dây. Bằng cách điều chỉnh lực dây, bác sĩ chỉnh nha có thể từ từ làm thẳng răng theo thời gian.
Nếu con bạn cần đeo khí cụ, trẻ có thể cần hạn chế một số hoạt động. Thảo luận điều này với nha sĩ hoặc bác sĩ chỉnh nha.
Trẻ không nên ăn các loại thực phẩm sau khi đeo bất kỳ loại khí cụ trong miệng nào:
- Kẹo cao su.
- Thức ăn dính.
- Đậu phộng hoặc các loại hạt khác.
- Bắp rang bơ.
- Nước đá.
Việc quan tâm của cha mẹ đến tình trạng răng miệng của trẻ khi còn nhỏ là vô cùng hữu ích. Điều này giúp phát hiện sớm các vấn đề bệnh lý như sâu răng, viêm nướu, lệch lạc răng… để giải quyết kịp thời, tránh ảnh hưởng sự phát triển khớp cắn sau này. Các phụ huynh tốt nhất nên cho bé đi khám nha sĩ thường xuyên mỗi 6 tháng/lần từ lúc bắt đầu mọc răng để kiểm soát tốt tình trạng và phát triển của răng miệng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What Causes Crooked Teeth and How to Straighten Themhttps://www.healthline.com/health/dental-and-oral-health/crooked-teeth
Ngày tham khảo: 21/08/2020
-
Malocclusion in Childrenhttps://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?contenttypeid=90&contentid=P01860
Ngày tham khảo: 21/08/2020