Răng ố vàng đổi màu ở trẻ: nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa
Nội dung bài viết
Nụ cười hồn nhiên và xinh đẹp của trẻ thơ là một trong những niềm vui lớn nhất đối với cha mẹ, đôi khi trẻ có thể bị răng ố vàng đổi màu, điều này có thể ảnh hưởng đến nụ cười xinh đẹp của trẻ. Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng vì có rất nhiều biện pháp khác nhau để cải thiện màu răng của bé. Bài viết sau đây của Bác sĩ Trương Mỹ Linh sẽ nói về: nguyên nhân, cách điều trị và các biện pháp phòng ngừa khác nhau mà bạn có thể thực hiện để cải thiện răng ố vàng đổi màu ở trẻ.
Tình trạng răng ố vàng đổi màu là gì?
Trước hết chúng ta phải hiểu được chính xác răng ố vàng đổi màu là gì. Nên nhớ rằng răng sữa của trẻ thường trắng hơn răng vĩnh viễn. Đừng lo lắng nếu những chiếc răng trưởng thành đầu tiên của chúng có vẻ khá vàng so với những chiếc răng sữa còn lại.
Sự đổi màu răng là khi màu trắng ngà tự nhiên của răng chuyển sang màu vàng sậm, vàng nâu hay xám đục. Sự đổi màu răng có thể là: đổi màu bên ngoài hoặc đổi màu bên trong.
Đổi màu bên ngoài có thể là tạm thời và có thể xảy ra do một số loại thuốc, thực phẩm,… Mặt khác, sự đổi màu bên trong có thể xảy ra chủ yếu do các bệnh lý tiềm ẩn như rối loạn chuyển hóa, giảm sản men răng,…
Nguyên nhân nào làm răng ố vàng đổi màu ở trẻ em?
Nếu bạn đang thắc mắc tại sao răng của trẻ bị vàng, thì những nguyên nhân sau đây có thể giúp bạn hiểu rõ hơn.
1. Sâu răng
Con bạn có thể bị sâu răng do hoạt động của vi khuẩn trong mảng bám. Điều này có thể gây ra sự đổi màu.
2. Vệ sinh răng miệng không đúng cách
Nếu con bạn không tuân thủ vệ sinh răng miệng đúng cách, có thể dẫn đến sự hình thành của mảng bám. Nếu bạn nhận thấy sự tích tụ màu vàng trên răng; đó có thể là mảng bám hoặc cao răng. Mảng bám răng hình thành khi vi khuẩn từ các mảnh thức ăn và thức uống không được làm sạch đúng cách. Theo thời gian, mảng bám cứng lại tạo thành cao răng. Chúng chỉ có thể được loại bỏ bởi nha sĩ hoặc nhân viên vệ sinh.
Lớp phủ màu vàng này có thể hình thành trên hoặc xung quanh răng; nếu trẻ không chải răng thường xuyên hoặc đủ kỹ. Nó không chỉ trông xấu mà còn góp phần gây hôi miệng và gây ra nhiều biến chứng về răng miệng khác.
3. Nhiễm Fluor
Quá nhiều florua trong sữa công thức hoặc kem đánh răng có thể dẫn đến nhiễm độc fluor. Lượng florua dư thừa có thể dẫn đến tình trạng răng xuất hiện các đốm nâu hoặc mảng trắng.
4. Một số bệnh
Một số loại bệnh tật như: viêm gan, sốt cao tái phát … ảnh hưởng đến men răng và ngà răng có thể dẫn đến đổi màu răng. Bức xạ đầu và cổ và hóa trị để điều trị bệnh cũng có thể gây ra tình trạng này. Ngoài ra, một số bệnh nhiễm trùng ở mẹ bầu có thể dẫn đến đổi màu răng ở trẻ do ảnh hưởng đến sự phát triển men răng.
5. Bệnh vàng da
Đôi khi trẻ sơ sinh có thể bị vàng da nặng sau khi sinh, có thể có răng ngả màu vàng hoặc xanh khi trẻ lớn lên và bắt đầu mọc răng.
6. Chấn thương răng
Tổn thương do va đập có thể làm rối loạn quá trình hình thành men răng ở răng đang phát triển. Chấn thương cũng có thể khiến răng trưởng thành đổi màu. Điều này xảy ra vì các mạch máu có thể bị vỡ và máu có thể ảnh hưởng đến men răng.
7. Sử dụng một số loại thuốc cũng có thể làm răng ố vàng đổi màu
Thuốc kháng sinh tetracycline và doxycycline được biết là có thể làm đổi màu răng; khi dùng cho trẻ mà răng vẫn đang phát triển (trước 8 tuổi). Nước súc miệng có chứa chlorhexidine và cetylpyridinium chloride cũng có thể làm ố răng. Thuốc kháng histamine (như Benadryl); thuốc chống loạn thần và thuốc điều trị huyết áp cao cũng gây đổi màu răng.
8. Chứng giảm sản men
Đây là một tình trạng di truyền, trong đó răng bị mất lớp phủ men hoặc lớp men rất mỏng. Điều này có thể dẫn đến sự đổi màu.
9. Do thức ăn đồ uống
Cà phê, trà, cola và một số loại trái cây và rau quả (ví dụ như táo và khoai tây) có thể làm răng ố vàng đổi màu. Có những loại thực phẩm và đồ uống khác, mặc dù chúng không gây ra đổi màu răng nhưng lại chứa axit ăn mòn men răng. Điều này làm giảm độ trắng sáng của răng và dễ bị ố vàng hơn. Cần cho tránh những thức uống như:
- Đồ uống lạ (những đồ uống có màu đậm cũng có thể gây ra vết bẩn).
- Trái cây và nước ép cam quýt.
- Đồ uống thể thao.
- Thực phẩm có đường.
- Chất làm ngọt nhân tạo.
- Rượu trắng và nhiều đồ uống có cồn khác.
Súc miệng bằng nước sau khi tiêu thụ các sản phẩm này sẽ giúp giảm thiểu tác hại của axit.
10. Di truyền
Một số người có men răng sáng hơn hoặc dày hơn những người khác. Trẻ có thể được di truyền đặc điểm răng ố vàng từ cha mẹ. Sự khác biệt về gen có thể ảnh hưởng đến màu răng và độ xốp của men răng. Men răng xốp hơn sẽ dễ bị ố vàng hơn.
Dấu hiệu đổi màu răng
Mặc dù sự đổi màu răng có thể rất rõ ràng khi nhìn vào răng của trẻ; tuy nhiên, những dấu hiệu sau có thể giúp bạn xác định xem con bạn có đang bị bất kỳ loại đổi màu răng nào không
- Răng của trẻ có thể có màu nâu. Điều này có thể là do uống một số đồ uống sẫm màu hoặc do chấn thương nào đó.
- Răng của trẻ có thể bị vệt trắng. Đây có thể là dấu hiệu ban đầu của bệnh sâu răng. Khi răng trẻ phát triển, việc nhiễm florua cũng có thể gây ra các đốm trắng.
- Răng của trẻ có thể có màu đỏ, tím hoặc xanh. Điều này có thể xảy ra do chấn thương hoặc do ăn một số thực phẩm có màu sẫm.
- Răng của trẻ có thể có màu cam. Điều này có thể cho thấy sự tích tụ vi khuẩn và mảng bám trên răng của trẻ do vệ sinh răng miệng không đúng cách.
- Răng của trẻ có thể bị ố đen. Điều này có thể xảy ra do chấn thương răng. Sâu răng hoặc hoại tử tủy răng cũng có thể khiến răng trẻ chuyển sang màu xám hoặc đen. Tiếp xúc với các khoáng chất như sắt, mangan hoặc bạc trong môi trường công nghiệp hoặc từ bất kỳ chất bổ sung nào có thể tạo ra đường đen trên răng.
Các cách điều trị răng ố vàng đổi màu
Nếu bạn đang suy nghĩ về cách làm trắng răng cho trẻ, có thể lựa chọn các cách sau đây:
- Bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ vệ sinh răng miệng sáu tháng một lần để làm sạch và đánh bóng răng. Cạo vôi răng bao gồm việc loại bỏ vôi răng tích tụ và sau đó đánh bóng bề mặt răng bằng các dụng cụ đặc biệt.
- Bạn có thể dùng một ít baking soda và nước để đánh răng cho trẻ nhằm loại bỏ tình trạng đổi màu răng do các vết dính và mảng bám ở mặt ngoài răng.
- Nếu trẻ đang được bổ sung sắt, đôi khi có thể dẫn đến ố răng. Do đó, hãy cẩn thận khi đánh răng cho trẻ nếu trẻ đang bổ sung sắt để không hình thành vết bẩn.
- Một số kỹ thuật tẩy trắng nhất định có thể có hiệu quả trong việc làm trắng răng cho trẻ. Tuy nhiên đối với phương pháp này bạn nên đến nha sĩ để được thực hiện nghiêm ngặt.
Có rất nhiều sản phẩm làm trắng và tẩy trắng răng không kê đơn có sẵn trên thị trường. Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng những sản phẩm như vậy cho trẻ. Nếu răng bị ố là răng sữa thì không cần phải lo lắng vì chúng sẽ sớm được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Mặt khác, nếu con bạn đã có răng vĩnh viễn thì việc thay đổi màu răng là không thể. Bởi vì một khi men bị hư hỏng, rất khó để phục hồi lại. Hơn nữa, các sản phẩm tẩy trắng chủ yếu chứa peroxide, có thể gây hại nhiều hơn là có lợi cho trẻ.
- Nếu sự đổi màu do chấn thương, có thể khó điều trị. Nhưng bạn nên liên hệ với nha sĩ để biết khả năng răng vĩnh viễn bị ảnh hưởng do chấn thương.
- Nha sĩ có thể sử dụng hỗn hợp đánh bóng để loại bỏ vết ố và vi khuẩn có thể gây đổi màu răng.
Xem thêm: Tẩy trắng răng và các phương pháp phổ biến hiện nay
Mẹo ngăn ngừa răng ố vàng đổi màu
- Có nhiều lựa chọn để điều trị sự đổi màu răng. Tuy nhiên, tốt hơn hết là bạn nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa trước để ngăn chặn tình trạng đổi màu răng
- Sử dụng kem đánh răng có hàm lượng florua thấp vì lượng florua nhiều hơn có thể dẫn đến đổi màu răng ở trẻ em.
- Bắt đầu làm sạch răng cho trẻ ngay khi chúng mới mọc, nghĩa là khi trẻ còn nhỏ. Bạn có thể bắt đầu làm sạch răng cho trẻ bằng vải bông mềm. Sau đó từ từ bạn nên bắt đầu sử dụng bàn chải trẻ em.
- Không cho ăn thức ăn có hàm lượng đường cao. Thực phẩm có nhiều đường có thể dẫn đến sâu răng, khiến răng bị đổi màu.
- Đánh răng là một thói quen tốt cần được khắc sâu ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, cha mẹ có thể lo lắng rằng trẻ có thể nuốt kem đánh răng. Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải dạy con mình cách nhổ kem đánh răng.
- Không khuyến khích trẻ đi ngủ với bình sữa vào ban đêm. Sự có mặt của sữa và đường có thể tạo môi trường thích hợp cho vi khuẩn trú ngụ trong miệng của trẻ.
Xem thêm: Các phương pháp làm trắng răng tại nhà: Nên và không nên!
Khi nào thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ
Ngay khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu đổi màu răng nào ở trẻ, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Trước khi bạn thực hiện bất kỳ biện pháp nào để điều trị sự đổi màu răng, điều quan trọng là phải xác định được nguyên nhân gây ra và chỉ bác sĩ mới có thể xác định được.
Răng ố vàng đổi màu là nỗi lo lắng của nhiều phụ huynh và trẻ. Khi có răng ố vàng trẻ có thể kém tự tin, ngại giao tiếp, rụt rè. Trong trường hợp này, cha mẹ tốt nhất nên đưa trẻ đến thăm khám nha sĩ để hiểu rõ nguyên nhân; cũng như tìm phương pháp giải quyết phù hợp. Việc chăm sóc răng miệng và chế độ ăn uống cho trẻ cũng là những biện pháp giúp phòng ngừa tình trạng răng ố vàng cho trẻ. Cha mẹ cần theo dõi và hướng dẫn trẻ chăm sóc răng miệng thật tốt để phòng ngừa nhiều bệnh lý răng miệng khác.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Yellow and Other Discoloration of Teeth in Childrenhttps://parenting.firstcry.com/articles/yellow-and-other-discoloration-of-teeth-in-children-causestreatment-and-prevention/
Ngày tham khảo: 19/10/2020
-
Tooth Discolorationhttps://www.webmd.com/oral-health/guide/tooth-discoloration
Ngày tham khảo: 19/10/2020