YouMed

Những dấu hiệu sắp sinh (chuyển dạ) mẹ bầu cần lưu ý

bác sĩ nguyễn lâm giang
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang
Chuyên khoa: Nội tổng quát

Dấu hiệu sắp sinh là một trong những vấn đề quan trọng mà tất cả mẹ bầu nên quan tâm. Đặc biệt là những thai phụ sắp đến giai đoạn chuyển dạ sinh em bé. Vậy nguyên nhân vì sao mẹ bầu cần lưu ý về những dấu hiệu ấy? Đó là những dấu hiệu sắp sinh nào? Đặc điểm ra sao? Bài viết dưới đây của Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang sẽ giúp mẹ bầu tìm được câu trả lời phù hợp. Nào chúng ta cùng tìm hiểu nhé!

Các dấu hiệu sắp sinh (chuyển dạ) thường gặp

Chuyển dạ sắp sinh là gì?

Trước khi tìm hiểu các dấu hiệu sắp sinh (chuyển dạ) thì mẹ bầu nên biết chuyển dạ là gì. Chuyển dạ chính là quá trình sinh nở. Sự co bóp mạnh mẽ của tử cung bắt đầu hoạt động. Kết hợp với hiện tượng cổ tử cung giãn nở. Quá trình này hoàn thành thông qua việc sinh ra một em bé.

Khi ngày dự sinh sắp đến gần, thai phụ sẽ thường nhận ra một vài dấu hiệu cơ thể nhất định. Những dấu hiệu này dự báo sắp xảy ra quá trình chuyển dạ. Tiếp theo, mẹ bầu có thể nhận ra các dấu hiệu chuyển dạ sớm ở bất cứ thời điểm nào. Dao động từ vài giờ cho tới vài ngày trước khi giai đoạn chuyển dạ tích cực xảy ra và kết quả là em bé chào đời.1

Chuyển dạ là hành trình mẹ bầu phải vượt qua để gặp con yêu
Chuyển dạ là hành trình mẹ bầu phải vượt qua để gặp con yêu

Các dấu hiệu sắp sinh phổ biến nhất

Sau đây là các dấu hiệu sắp sinh thường gặp nhất:

Các cơn co thắt với cường độ mạnh và xảy ra rất thường xuyên

Mẹ bầu sẽ nhận ra cơ thể đang xuất hiện những cơn co thắt chuyển dạ thực sự. Những cơn co thắt này khác với cơn gò Braxton Hicks về tần suất, cường độ cũng như vị trí khởi phát của cơn đau. Nếu thai phụ không chắc chắn, hãy tự chú ý những đặc điểm sau:

  • Các cơn co thắt cách nhau có đều không: Các cơn co do chuyển dạ thực sự sẽ xảy ra đều đặn. Đồng thời xảy ra với tần suất thường xuyên hơn theo thời gian.
  • Thời gian xảy ra của các cơn co thắt: Các cơn co thắt của chuyển dạ thực sự kéo dài trong khoảng thời gian từ 30 đến 70 giây.
  • Các cơn co thắt có cường độ mạnh hay không: Các cơn co thắt do chuyển dạ thực sự sẽ mạnh dần theo thời gian và không thuyên giảm. Ngay cả khi mẹ bầu thay đổi tư thế thì cường độ cơn co thắt cũng không giảm. Khi các cơn co thắt do chuyển dạ tiến triển, mẹ bầu thường không thể đi lại hoặc nói chuyện.1
Các cơn co thắt tử cung sẽ diễn ra mạnh dần theo thời gian khiến mẹ bầu không thể đi lại
Các cơn co thắt tử cung sẽ diễn ra mạnh dần theo thời gian khiến mẹ bầu không thể đi lại

Sự xuất hiện của dịch nhầy màu hồng hoặc đỏ

Khi chuyển dạ sắp xảy ra, nút nhầy cổ tử cung sẽ bị đẩy ra ngoài. Đây chính là nút nhầy ngăn cách tử cung với môi trường bên ngoài. Sự tống xuất nút nhầy có thể xuất hiện thành một mảng lớn. Nó trông tương tự như chất nhầy trong mũi của bạn. Hoặc cũng có thể chảy ra thành nhiều cục nhỏ.

Trong những ngày sau cùng trước khi quá trình chuyển dạ xảy ra, mẹ bầu có thể sẽ thấy dịch âm đạo có chút máu. Số lượng có thể ngày càng tăng. Dịch âm đạo màu hồng nhạt này được gọi là nhớt hồng âm đạo. Đây là một dấu hiệu đáng mừng chứng tỏ quá trình chuyển dạ sắp diễn ra.1

Đau vùng bụng và lưng dưới

Mẹ bầu có thể cảm thấy bụng có cảm giác đau dữ dội, tương tự như đau bụng kinh. Đau bụng dạng co thắt hoặc có áp lực đè lên vùng bụng dưới. Thai phụ cũng có thể xuất hiện triệu chứng đau ở vùng lưng thấp, lan xuống hai chân. Cơn đau này sẽ không thuyên giảm cho dù mẹ bầu thay đổi tư thế.1

Dấu hiệu vỡ ối

Vỡ ối là một trong những dấu hiệu sắp sinh có thể nhận biết khá rõ ràng. Nó cho thấy thai phụ bắt đầu chuyển dạ và sắp xảy ra quá trình sinh nở.

Thai nhi phát triển trong bụng mẹ và nằm trong một túi chứa chất lỏng gọi là túi ối. Khi túi này vỡ nghĩa là thai nhi sẽ chuẩn bị chào đời. Khi ối đã vỡ, thai phụ nên ghi lại thời điểm, màu sắc nước ối cũng như thể tích nước ối và đến bệnh viện ngay.2

Vỡ ối ở bất cứ thời điểm nào của thai kỳ đều ảnh hưởng nhất định đến thai nhi. Tình trạng này tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh xâm nhập. Nếu mẹ bầu bị vỡ ối nhưng vẫn không thể sinh thường, các bác sĩ sẽ can thiệp bằng phương pháp sinh mổ. Mục đích là để đảm bảo an toàn cho thai nhi chào đời.2

Xem thêm: Ối vỡ non: Định nghĩa, dấu hiệu, cách xử trí

Vỡ ối là một trong những dấu hiệu cho thấy mẹ bầu sắp chuyển dạ
Vỡ ối là một trong những dấu hiệu cho thấy mẹ bầu sắp chuyển dạ

Sự giãn nở của cổ tử cung

Trong những tuần sau cùng của thai kỳ, đoạn dưới của tử cung sẽ giãn nở và mỏng dần trước khi quá trình chuyển dạ xảy ra. Tác dụng của hiện tượng này là tạo đường trống, thông thoáng cho em bé chào đời một cách thuận lợi. Trong những lần khám thai định kỳ, các bác sĩ thường đánh giá, theo dõi sự giãn mở của cổ tử cung thông qua thao tác thăm khám âm đạo.1

Độ xóa và mở của cổ tử cung trong quá trình chuyển dạ
Độ xóa và mở của cổ tử cung trong quá trình chuyển dạ

Dấu hiệu sắp sinh con so và con rạ có khác nhau không?

Theo cách gọi dân gian, phụ nữ sinh con lần đầu được gọi là con so. Từ lần sinh thứ hai trở đi thì gọi là con rạ. Thông thường, dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh con rạ sẽ khác con so ở một vài điểm sau đây:

Thời điểm chuyển dạ thường muộn hơn

Trên thực tế, thời điểm sinh em bé phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố điển hình như cơ địa, sức khỏe của thai phụ, sự phát triển của em bé và một số yếu tố từ môi trường bên ngoài tác động. Tuy nhiên, thai phụ sinh con rạ thường thường xuất hiện dấu hiệu chuyển dạ muộn hơn con so từ 7 đến 10 ngày.

Quá trình chuyển dạ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn hơn

Cổ tử cung và tầng sinh môn của thai phụ đã có sự giãn nở qua một lần sinh nở. Vì vậy, quá trình sinh con rạ thường sẽ diễn ra nhanh chóng hơn và thuận lợi hơn. Nguyên nhân là do cổ tử cung xóa mở nhanh chóng hơn.

Các cơn co tử cung xảy ra mạnh hơn và nhanh hơn

Trong những lần sinh con rạ, các cơn co thắt tử cung sẽ diễn ra nhanh chóng hơn. Đồng thời cường độ co thắt cũng mạnh hơn. Chính vì vậy, ông bà ta nói rằng sinh con rạ thường đau hơn sinh con so.

Dấu hiệu sắp sinh trước 1, 2 tuần và trước 1, 2 ngày

Dấu hiệu sắp sinh trước 1, 2 tuần

Trước 1, 2 tuần khi quá trình chuyển dạ sắp xảy ra, thai phụ sẽ xuất hiện những dấu hiệu sau:

Xuất hiện cơn gò tử cung

Như bài viết đã trình bày ở trên, cơn gò tử cung này hoàn toàn khác với cơn gò khi mang thai (Braxton Hicks) về tần suất, cường độ. Thai phụ sẽ dễ dàng nhận thấy và phân biệt được sự khác nhau này.

Chiều cao tử cung nhỏ lại, không tăng thêm

Dấu hiệu này xảy ra do thai nhi đã lọt xuống tiểu khung của thai phụ, để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ. Lúc này, mẹ bầu sẽ cảm thấy dễ thở hơn khi nằm. Dấu hiệu thai nhi lọt xuống tiểu khung thường thấy đối với mang thai con so.

Đối với các mẹ bầu mang thai con rạ, dấu hiệu này có thể gặp hoặc không. Nguyên nhân là vì nó chỉ xảy ra khi quá trình chuyển dạ sinh thật sự diễn ra.

Đau trằn bụng dưới

Dấu hiệu này thấy rõ hơn khi mẹ bầu di chuyển nhiều. Và ngồi lâu một tư thế thì sẽ có triệu chứng đau lưng.

Đi tiểu, đi tiêu nhiều hơn ngày thường

Thai nhi lọt xuống khung chậu sẽ kích thích vào bàng quang làm cho mẹ bầu có cảm giác mắc tiểu thường xuyên. Đồng thời kích thích trực tràng ở phía sau làm cho thai phụ thường xuyên muốn đi tiêu.

Mẹ bầu thường buồn tiểu nhiều lần trước ngày sinh 1, 2 tuần sức nặng của thai nhi tác động lên bàng quang
Mẹ bầu buồn tiểu nhiều lần trước ngày sinh 1, 2 tuần vì sức nặng của thai nhi tác động lên bàng quang

Dấu hiệu sắp sinh trước 1, 2 ngày4

Những dấu hiệu sắp sinh trước 1, 2 ngày mà mẹ bầu nên nắm vững bao gồm:

  • Xuất hiện nhiều dịch nhầy ở cơ quan sinh dục.
  • Cảm giác thai nhi tụt xuống thấp trong khung chậu.
  • Tiêu chảy, mót rặn, mót tiểu.
  • Tử cung co thắt thường xuyên hơn với cường độ ngày càng mạnh hơn.
  • Cơ thể mệt mỏi hơn.
  • Vỡ ối, thấy nước chảy ra từ cơ quan sinh dục.
Quá trình co thắt tử cung đẩy thai nhi xuống dưới khung chậu diễn ra trước ngày sinh 1, 2 ngày
Dấu hiệu co thắt tử cung đẩy thai nhi xuống dưới khung chậu diễn ra trước ngày sinh 1, 2 ngày

Khi nào cần tới bệnh viện?

Trong những tình huống sau đây, mẹ bầu nên đến bệnh viện ngay:5

  • Phát hiện dấu hiệu vỡ ối, nước chảy ra từ cơ quan sinh dục.
  • Máu chảy ra từ âm đạo lượng nhiều. Đây có thể là dấu hiệu của nhau tiền đạo, nhau bong non… rất nguy hiểm.
  • Tử cung gò cứng.
  • Khi thai phụ có những triệu chứng của tiền sản giật điển hình như: Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, xây xẩm, đau hạ sườn phải…
  • Khi thai nhi cử động yếu và thưa dần.
  • Bất cứ lúc nào thai phụ cảm thấy bất ổn và lo lắng.

Nói tóm lại, những dấu hiệu sắp sinh là một trong những tín hiệu đáng mừng. Nó dự báo cho một cuộc vượt cạn thiêng liêng của người mẹ sắp xảy ra. Chính vì vậy, mẹ bầu nên chú ý những dấu hiệu này để đến bệnh viện kịp thời. Đồng thời có một quá trình chuyển dạ an toàn, thuận lợi, và khỏe mạnh. Hi vọng bài viết trên đây của Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang đã cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích về những dấu hiệu sắp sinh của mẹ bầu. Nếu các bạn có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc nào cần tư vấn thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Signs of Laborhttps://www.whattoexpect.com/pregnancy/labor-signs

    Ngày tham khảo: 03/09/2021

  2. Signs that labour has begunhttps://www.nhs.uk/pregnancy/labour-and-birth/signs-of-labour/signs-that-labour-has-begun/

    Ngày tham khảo: 03/09/2021

  3. Contractions And Signs Of Laborhttps://www.marchofdimes.org/pregnancy/contractions-and-signs-of-labor.aspx

    Ngày tham khảo: 03/09/2021

  4. Signs That Labor Is 24 to 48 Hours Awayhttps://health.clevelandclinic.org/signs-that-labor-is-24-to-48-hours-away/

    Ngày tham khảo: 03/09/2021

  5. Signs of Laborhttps://www.webmd.com/baby/labor-signs#1

    Ngày tham khảo: 03/09/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người