Đau mắt hột: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Nội dung bài viết
Đau mắt hột là một vấn đề sức khỏe cộng đồng ở rất nhiều quốc gia. Đây chính là nguyên nhân truyền nhiễm hàng đầu gây mù trên toàn thế giới. Ở các nước nhiệt đới, người ta ước tính rằng 25 triệu người bị mù do các nguyên nhân có thể phòng ngừa được. Trong số đó, bệnh đau mắt hột là quan trọng nhất, đóng góp vào khoảng 4% bệnh mù toàn cầu.
1. Đau mắt hột là bệnh gì?
Đau mắt hột là một bệnh về mắt do nhiễm vi khuẩn Chlamydia trachomatis. Nhiễm trùng này có thể lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp qua chất tiết của những người bị bệnh như nước mắt và mũi. Đặc biệt là ở trẻ nhỏ nếu đang nhiễm trùng nặng càng dễ dàng có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
2. Yếu tố nguy cơ dễ mắc bệnh đau mắt hột là gì ?
Nguyên nhân chính của bệnh đau mắt hột là do nhiễm vi khuẩn Chlamydia trachomatis. Nhiễm trùng thường mắc phải khi sống gần những người đang mắc bệnh. Bệnh có thể lan thành dịch ở những nơi đông đúc như khu dân cư, trường học hay gia đình. Nếu có hệ thống miễn dịch tốt, bạn có thể tự khỏi bệnh. Nhưng nếu sống trong khu vực với tỷ lệ nhiễm bệnh cao, bạn có thể bị đau mắt hột thêm nhiều lần nữa.
Bệnh đau mắt hột rất hay gặp ở trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo. Thông qua côn trùng, đặc biệt là ruồi hoặc đồ dùng cá nhân như khăn lau mặt, có thể lây bệnh.
Có nhiều yếu tố nguy cơ trong môi trường ảnh hưởng đến mức độ truyền bệnh, bao gồm:
- Vệ sinh cá nhân không sạch sẽ.
- Khu vực sống đông người.
- Thiếu nguồn cung cấp nước sạch.
- Môi trường sống có nhiều ruồi (là vật trung gian truyền bệnh).
- Cơ địa suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng.
3. Diễn tiến của bệnh đau mắt hột
Ở giai đoạn đầu, bệnh đau mắt hột gây viêm kết mạc (mắt sưng đỏ). Các triệu chứng sớm bắt đầu xuất hiện trong vòng 5-12 ngày sau khi tiếp xúc với vi khuẩn. Bao gồm ngứa nhẹ do kích ứng mắt và mí mắt, chảy dịch vàng (ghèn) từ mắt.
Khi nhiễm trùng tiến triển sẽ gây đau mắt và mờ mắt. Nếu không được điều trị, sẹo có thể hình thành bên trong mí mắt. Điều này dẫn đến lông mi mọc ngược vào trong mắt. Khi đó, lông mi sẽ dễ chà sát vào giác mạc. Sự kích thích liên tục này kèm với tình trạng viêm làm cho giác mạc bị đục. Nó có thể dẫn đến sự xuất hiện của loét giác mạc. Cuối cùng hậu quả là có thể giảm thị lực một phần hoặc hoàn toàn.
Nếu bạn chỉ bị một đợt đau mắt hột, thường rất ít khi gây ra ảnh hưởng đến mắt. Trong trường hợp nếu nhiễm trùng tái phát, bạn có thể bị các biến chứng sẹo và mù mắt.
Suy giảm thị lực một phần hay hoàn toàn sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của bạn và những người thân trong gia đình. Biến chứng sẹo xảy ra thường xuyên hơn ở phụ nữ so với nam giới. Điều này có thể phản ánh nguyên nhân do sự tiếp xúc thường xuyên với trẻ (ổ nhiễm trùng chính).
Tóm lại, nếu có những triệu chứng sau, bạn cần đi khám Bác sĩ nhãn khoa ngay nhé:
- Ngứa mắt do bị kích ứng.
- Chảy nước mắt
- Cảm thấy đau mắt, giảm thị lực
- Nhạy cảm với ánh sáng như sợ ánh sáng
- Mắt đỏ
Nếu bạn có dấu hiệu bị viêm kết mạc thì nên dành thời gian đi thăm khám và chuẩn bị một số vấn đề trước nhé! Để biết về những điều này thì bạn có thể tham khảo bài viết: Bệnh nhân Viêm kết mạc nên hỏi bác sĩ những gì?
4. Làm thế nào để phòng ngừa và kiểm soát bệnh đau mắt hột ?
4.1 Điều trị
Thuốc kháng sinh rất có hiệu quả trong điều trị bệnh mắt hột. Điều trị sớm có thể ngăn ngừa các biến chứng lâu dài đến mắt.
Trường hợp trầm trọng hơn có thể cần phẫu thuật. Phẫu thuật giúp đưa lông mi mọc ngược vào trong mắt về vị trí bình thường. Điều này sẽ giúp hạn chế nguy cơ sẹo giác mạc. Hơn nữa, ngăn ngừa mất thị lực sau này.
Nếu vết sẹo giác mạc quá nhiều, có thể bạn cần phải ghép giác mạc. Phương pháp này để giải quyết tình trạng thị lực bị suy giảm đáng kể.
4.2 Phòng ngừa
Đảm bảo vệ sinh an toàn và sạch sẽ. Trong đó, rửa tay và rửa mặt rất quan trọng và hữu ích trong việc ngăn ngừa sự lây lan của bệnh. Để loại bỏ bệnh đau mắt hột – một vấn đề sức khỏe cộng đồng, chiến lược với tên gọi (S.A.F.E) được đề xuất bởi WHO bao gồm:
- Surgery: Phẫu thuật cho bệnh nhân đau mắt hột có biến chứng mù mắt.
- Antibiotics: Kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn Chlamydia trachomatis.
- Facial cleanliness: Vệ sinh sạch sẽ vùng mặt.
- Environmental improvement: Cải thiện môi trường sống để giảm lây truyền (giảm sự tiếp xúc với ruồi thông qua phun thuốc trừ sâu, xây nhà vệ sinh).
Bệnh đau mắt hột là tình trạng viêm giác mạc mãn tính do nhiễm trùng tái phát với Chlamydia trachomatis và con người là vật chủ duy nhất. Chlamydia trachomatis có khả năng lây nhiễm cao và lây truyền nhanh chóng ở những khu vực vệ sinh kém.
Ngoài ra, tiếp xúc với dịch tiết ở mắt và mũi hay những vật dụng cá nhân có nguy cơ nhiễm vi khuẩn cũng là con đường lây truyền thường gặp. Hiện nay, ngoài điều trị với thuốc kháng sinh, bạn cần hạn chế nguy cơ tái phát để tránh biến chứng nghiêm trọng đến mắt nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Trachomahttps://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/trachoma
Ngày tham khảo: 21/11/2019
-
Trachomahttps://www.aao.org/eye-health/diseases/trachoma-diagnosis-treatment
Ngày tham khảo: 21/11/2019
-
Trachomahttps://www.uptodate.com/contents/trachoma#H4134036240
Ngày tham khảo: 21/11/2019