Dày sừng nang lông có nguy hiểm như bạn nghĩ?
Nội dung bài viết
Dày sừng nang lông là một tình trạng da phổ biến với tỉ lệ có thể lên đến 12% ở trẻ nhỏ. Đây là một tình trạng vô hại, đặc trưng bởi những vết sần nhỏ trên da. Những vết sần này khiến da có cảm giác thô ráp. Dày sừng nang lông không cần điều trị. Tuy nhiên nếu tình trạng da khô, ngứa hay mất vẻ thẩm mỹ làm bạn khó chịu thì việc điều trị có giúp ích. Hãy cùng YouMed tìm hiểu những thông tin về dày sừng nang lông và cách điều trị nhé.
Dày sừng nang lông là gì?
Dày sừng nang lông là một tình trạng da phổ biến, xuất hiện dưới dạng những vết sần nhỏ trên da. Một số người nói rằng những vết sần này trông giống như da ngỗng hoặc gà khi bị nhổ lông. Đôi khi có thể có sự nhầm lẫn với những vết sần do những nốt mụn nhỏ.
Những vết sần da cảm giác thô ráp này thực ra là các nút tế bào da chết. Các nút tế bào chết này xuất hiện thường xuyên nhất trên cánh tay và đùi trên (phía trước). Trẻ em có thể có những vết sần này trên má.
Đây là tình trạng da vô hại gây ra những vết sần nhỏ, thô ráp trên da. Bởi vì dày sừng nang lông là vô hại nên bạn không cần phải điều trị nó. Tuy nhiên, nếu bạn bị cảm giác ngứa, da khô hoặc sự xuất hiện những vết sần này làm phiền bạn thì việc điều trị có thể giúp ích. Các phương pháp điều trị có thể làm giảm các triệu chứng và giúp bạn thấy làn da sạch rõ.
Điều trị tình trạng khô da thường giúp cải thiện các triệu chứng khó chịu. Vì tình trang khô da có thể làm cho mức độ dày sừng nang lông đáng chú ý hơn. Trong thực tế, nhiều người nói rằng dày sừng nang lông thường hết vào mùa hè và chỉ bị trở lại vào mùa đông. Nếu bạn quyết định không điều trị những vết sần này và sống ở nơi có khí hậu khô hoặc thường xuyên đi bơi hồ, bạn có thể bị tình trạng sần da này quanh năm.
Nguyên nhân dày sừng nang lông?
Dày sừng nang lông là kết quả của sự tích tụ keratin. Keratin là một loại protein cứng, bảo vệ da khỏi các chất có hại và tác nhân gây nhiễm trùng. Các keratin tạo thành một nút tế bào chết ngăn chặn sự mở của nang lông. Ở người bị dày sừng nang lông, quá nhiều nút hình thành, có thể khiến da sần và thô ráp.
Không ai biết chính xác tại sao keratin bị tích tụ. Nhưng dày sừng nang lông có thể xảy ra liên quan đến các bệnh di truyền. Hoặc cũng có nghiên cứu cho thấy nó với các tình trạng da khác, chẳng hạn như viêm da cơ địa. Da khô có xu hướng làm tình trạng này tệ đi.
Các triệu chứng dày sừng nang lông
Một số triệu chứng
Khi mắc dày sừng nang lông bạn có thể gặp những triệu chứng sau:
- Bạn sẽ cảm thấy da thô ráp và khô như giấy nhám.
- Vẻ ngoài da nhìn như da của một con gà hoặc ngỗng khi nhổ lông.
- Tình trạng trở nên nặng nề hơn vào mùa đông hoặc khí hậu khô.
- Ngứa.
- Xuất hiện với nhiều màu sắc khác nhau, bao gồm cùng màu với làn da của bạn, trắng, đỏ, tím hồng (trên da trắng) và đen nâu (trên da tối).
Một số người khác lại có tình trạng sần nghiêm trọng hơn, trông giống như mụn nhọt hoặc phát ban.
Vị trí thường xuất hiện
Những vết sần này có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên da của bạn, ngoại trừ ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Những vết sần trên cánh tay là phổ biến nhất. Hầu hết mọi người sẽ thấy những vết sần này xuất hiện trong các khu vực sau:
- Trẻ em: Cánh tay trên, đùi (trước) và má.
- Thanh thiếu niên và người lớn: Cánh tay trên, đùi (phía trước) và mông.
Một số người có rất nhiều vết sần trên da đến nỗi các vết sần kéo dài đến chân dưới và cẳng tay.
Ai có khả năng bị dày sừng nang lông?
Mọi người ở mọi lứa tuổi và chủng tộc đều có thể mắc vấn đề da phổ biến này. Đối với hầu hết mọi người, nó bắt đầu tại một trong những thời điểm sau:
- Trước 2 tuổi
- Trong những năm thiếu niên
Dày sừng nang lông thường bắt đầu sớm trong đời. Trẻ em và thanh thiếu niên là hai nhóm người dễ mắc vấn đề này hơn. Ít người lớn bị dày sừng nang lông bởi vì tình trạng có thể mờ dần và dần biến mất.
Các vết sần có thể hết khi trẻ lớn hoặc đến tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, thay đổi hormone có thể gây ra một đợt bùng phát khác lúc tuổi dậy thì.
Dày sừng nang lông cũng vẫn có thể tiếp tục bị sau trưởng thành ở một số người. Phụ nữ có khả năng bị dày sừng nang lông hơn nhiều hơn nam giới một chút.
Điều gì làm bạn tăng nguy cơ mắc bệnh?
Bạn có nhiều khả năng gặp vấn đề này hơn nếu bạn có một hoặc những điều sau đây:
- Có những người họ hàng gần mắc dày sừng nang lông.
- Hen suyễn.
- Da khô.
- Bệnh chàm (viêm da cơ địa).
- Thừa cân.
- Sốt hoa cỏ.
- Da vảy cá.
- Người có khối u ác tính và đang dùng vemurafenib (Zelboraf®), một loại thuốc trị liệu nhắm mục tiêu được phê duyệt để điều trị khối u ác tính đã lan rộng).
Chẩn đoán dày sừng nang lông
Để chẩn đoán tình trạng này, bác sĩ da liễu sẽ kiểm tra da của bạn, xem xét kỹ vào vùng da có dấu hiệu dày sừng nang lông. Thông thường không cần các xét nghiệm khác để hỗ trợ chẩn đoán.
Cách trị dày sừng nang lông
Tình trạng da này là vô hại, vì vậy bạn không cần phải điều trị.
Tuy nhiên nếu ngứa, khô da hoặc vẻ ngoài của nó làm phiền bạn thì việc điều trị có thể giúp ích.
Bác sĩ da liễu có thể thiết lập một kế hoạch điều trị giải quyết mối quan tâm của bạn. Một kế hoạch điều trị có thể bao gồm:
1. Giảm ngứa và khô
Một loại dưỡng ẩm dạng kem có thể làm dịu cơn ngứa và khô. Hầu hết các loại kem dưỡng ẩm được sử dụng để điều trị dày sừng nang lông có chứa một trong các thành phần sau: Urea, acid lactic
Một số tip nhỏ để có kết quả tốt nhất khi sử dụng kem dưỡng ẩm mà Bác sĩ khuyên bạn:
Sử dụng ngay sau mỗi lần tắm. Trong vòng 5 phút sau khi ra khỏi bồn tắm hoặc vòi hoa sen, khi da của bạn vẫn còn ẩm.
Dùng ít nhất 2 hoặc 3 lần một ngày, nhẹ nhàng thoa kem vào da bị dày sừng nang lông.
2. Giảm sự xuất hiện sần da
Tẩy tế bào chết cơ học
Để làm giảm các vết sần và cải thiện kết cấu da của bạn, các bác sĩ thường khuyên bạn nên tẩy tế bào chết (loại bỏ tế bào da chết trên bề mặt da của bạn). Có thể nhẹ nhàng loại bỏ da chết bằng một bộ xơ mướp hoặc bộ dụng cụ chuyên biệt tại.
Các điều trị bằng thuốc
Bác sĩ có thể kê cho bạn các loại thuốc giúp hỗ trợ giải quyết sần da:
-
Kem để loại bỏ tế bào da chết
Kem có chứa alpha hydroxy acid (AHA), acid lactic, acid salicylic hoặc urea giúp làm mềm và loại bỏ các tế bào da chết. Chúng cũng giữ ẩm và làm mềm da khô. Tùy thuộc vào sức mạnh của nó, các loại kem (tẩy da chết tại chỗ) có thể không cần kê đơn hoặc bác sĩ kê đơn. Bác sĩ có thể tư vấn cho bạn về lựa chọn tốt nhất và tần suất áp dụng. Các acid trong các loại kem này có thể gây đỏ, châm chích hoặc kích ứng da. Vì vậy chúng không được khuyên dùng cho trẻ nhỏ.
-
Kem để ngăn ngừa nút tắc nang lông
Các loại kem có nguồn gốc từ vitamin A (retinoids tại chỗ) hoạt động bằng cách thúc đẩy sự thay đổi tế bào và ngăn ngừa nút tắc nang lông. Tretinoin (Retin-A, Renova, Avita) và tazarotene (Avage, Tazorac) là những ví dụ về retinoids tại chỗ. Những sản phẩm này có thể gây kích ứng và làm khô da. Ngoài ra, nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú, bác sĩ có thể đề nghị trì hoãn điều trị retinoid tại chỗ hoặc chọn phương pháp điều trị khác.
Để có kết quả tốt nhất khi sử dụng thuốc để giảm sần da bạn cần:
- Sử dụng đúng lượng và số lần bác sĩ đề nghị.
- Ngừng sử dụng thuốc trong vài ngày nếu da bạn bị khô hoặc bị kích thích.
- Thuốc bạn sử dụng để tẩy da chết cũng có thể chứa một loại dưỡng ẩm, có thể giúp giảm ngứa và khô.
Thoa thuốc corticoid (Lưu ý theo chỉ dẫn của bác sĩ). Để điều trị các vết sần, một số bệnh nhân có thể cần phải áp dụng một loại corticosteroid loại nhẹ đến trung bình, thoa trong thời gian ngắn cho các khu vực bị dày sừng nang lông. Loại thuốc này giúp làm mềm sần da và giảm đỏ.
3. Laser và ánh sáng
Phương pháp này có thể hỗ trợ điều trị khi kem dưỡng ẩm và thuốc thất bại. Laser và ánh sáng có thể giúp giảm sưng và đỏ. Phương pháp này cũng có thể cải thiện kết cấu da của bạn và giảm sự đổi màu, bao gồm các đốm nâu có thể xuất hiện khi các vết sần rõ ràng. Để có được kết quả tốt nhất từ các phương pháp điều trị bằng laser, bác sĩ da liễu có thể thêm một vài buổi trị liệu mài mòn da vào liệu trình điều trị của bạn.
Những điểm cần lưu ý trong khi điều trị
Khi điều trị dày sừng nang lông, bạn ghi nhớ những điều sau đây:
- Điều trị cần có thời gian. Nếu bạn không thấy sự cải thiện sau khi làm theo liệu trình điều trị trong 4 đến 6 tuần, hãy nói với bác sĩ để được hỗ trợ.
- Một số bệnh nhân cần phải thử một vài phương pháp điều trị trước khi họ tìm thấy một phương pháp hiệu quả. Và để tiếp tục thấy kết quả, bạn sẽ cần một kế hoạch duy trì.
Làm thế nào để duy trì hiệu quả điều trị
Điều trị không thể chữa khỏi dày sừng nang lông, vì vậy bạn sẽ cần chăm sóc da duy trì để kiểm soát tình trạng dày sừng nang lông. Kế hoạch duy trì của bạn có thể đơn giản như sử dụng thuốc hai lần một tuần thay vì mỗi ngày. Một lựa chọn khác có thể là chuyển sang một loại kem dưỡng ẩm không kê đơn.
Đối với nhiều người, dày sừng nang lông biến mất theo thời gian, ngay cả khi bạn chọn không điều trị. Vấn đề da này sẽ có xu hướng giảm dần xảy ra dần dần trong nhiều năm. Tuy nhiên, không có cách nào để biết ai sẽ có khả năng giảm dần dày sừng nang lông.
Các hướng dẫn chăm sóc da tại nhà
Một số người thấy làn da họ giảm sần hơn nhờ cách chăm sóc da dày sừng ở nhà.
Tẩy tế bào chết nhẹ nhàng: Khi bạn tẩy da chết, bạn loại bỏ các tế bào da chết trên bề mặt. Bạn có thể loại bỏ những tế bào chết này một cách nhẹ nhàng bằng xơ mướp hoặc khăn lau thô. Tránh chà xát lên da, điều này có xu hướng gây kích ứng da và làm nặng thêm bệnh.
>> Có thể bạn quan tâm: Tẩy tế bào chết: Bí quyết để có một làn da khoẻ mạnh
Áp dụng một sản phẩm tiêu sừng da: Sau khi tẩy tế bào chết, hãy thoa sản phẩm chăm sóc da này. Nó cũng giúp loại bỏ sự tích tụ quá mức của các tế bào da chết. Một tên khác cho sản phẩm này là tẩy tế bào chết hóa học.
Cẩn thận khi sử dụng các sản phẩm tiêu sừng, hãy dùng chính xác như trong các hướng dẫn. Áp dụng quá nhiều hoặc sử dụng nó thường xuyên hơn chỉ định có thể gây ra khô da và dễ bị kích thích.
Tình trạng này có thể gặp ngay cả khi bạn làm theo hướng dẫn. Nếu điều này xảy ra, hãy ngừng sử dụng sản phẩm trong một vài ngày. Để hạn chế điều này bạn nên sử dụng cùng kem dưỡng ẩm. Các bác sĩ khuyên bạn nên sử dụng kem hoặc thuốc mỡ không dầu để giúp ngăn ngừa tắc lỗ chân lông.
Cải thiện làn da của bạn
- Giữ ẩm cho làn da của bạn: Dày sừng nang lông thường bùng phát khi da trở nên khô. Sử dụng dưỡng ẩm có chứa urea hoặc acid lactic dạng kem hoặc mỡ không dầu.
- Suy nghĩ lại về việc tẩy lông: Cạo hoặc tẩy lông ở người bị dày sừng nang lông có thể làm tình trạng này nặng nề hơn. Triệt lông bằng laser có thể giúp loại bỏ lông mà không gây bùng phát.
- Tắm thời gian ngắn lại: Để tránh làm khô da, hãy tắm ngắn (20 phút hoặc ít hơn). Và tắm một lần một ngày.
- Sử dụng chất tẩy rửa nhẹ: Các loại xà phòng bánh có thể làm khô da của bạn.
- Cắm máy tạo độ ẩm khi không khí cảm thấy khô: Điều này có thể giúp ngăn ngừa da khô.
- Hạn chế mặc quần áo quá bó sát: Quần áo quá chật có thể gây nhiều cọ sát lên da và làm tình trạng dày sừng nang lông nặng lên.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Điều trị dày sừng nang lông thường không cần thiết. Nhưng nếu nó làm bạn thấy khó chịu hoặc ảnh hưởng tới vẻ thẩm mỹ của làn da, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ có thể đưa ra những hướng dẫn điều trị và lời khuyên phù hợp cho vấn đề của bạn.
Như vậy, dày sừng nang lông là tình trạng gây ra do tăng sừng hóa, tạo các nút tế bào chết ở nang lông. Vấn đề này thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên ở độ tuổi dậy thì. Đây là một tình trạng da lành tính không cần phải điều trị. Tuy nhiên nó vẫn có thể khiến bạn khó chịu vì vẻ thô ráp, sần sùi hay vẻ mất thẩm mỹ của làn da.
Bạn có thể tăng cường dưỡng ẩm và tẩy tế bào chết tại nhà để thử giải quyết vấn đề. Nếu không làm được, hãy liên hệ với chuyên gia da liễu để được hướng dẫn điều trị và lắng nghe những lời khuyên tốt nhất nhé.
Bác sĩ Huỳnh Thị Như Mỹ
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What is keratosis pilaris (KP)?https://www.medscape.com/answers/1070651-4625/what-is-keratosis-pilaris-kp
Ngày tham khảo: 03/04/2020
-
Keratosis pilarishttps://www.uptodate.com/contents/keratosis-pilaris
Ngày tham khảo: 03/04/2020
-
Keratosis pilarishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/keratosis-pilaris/symptoms-causes/syc-20351149
Ngày tham khảo: 03/04/2020