YouMed

Dây tơ hồng vàng: Vị thuốc “ký sinh” có nhiều công dụng

Bác sĩ TRẦN THỊ KIỀU VÂN
Tác giả: Bác sĩ Trần Thị Kiều Vân
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Dây tơ hồng là một loại thực vật có hoa, thân mềm dạng sợi nhỏ sống ký sinh trên cây khác. Dựa theo màu sắc và đặc điểm của cây, dây tơ hồng được chia thành hai loại là dây tơ hồng vàng và dây tơ hồng xanh. Bài viết dưới đây đề cập đến đặc điểm, tính vị cũng như tác dụng của dây tơ hồng vàng, thông qua y văn và các nghiên cứu dược lý hiện đại.

1. Giới thiệu chung về Dây tơ hồng

Dây tơ hồng là một loại thực vật thân thảo dây leo dạng sợi nhỏ. Cây không có chất diệp lục nên có màu vàng và sống ký sinh trên cây khác do không có khả năng quang hợp.

  • Tên gọi khác: Thỏ lô, Đậu ký sinh, Thỏ ty, Vô căn thảo, Kim tuyến thảo, Thổ huyết ty, La ty tử, Hoàng la tử, Hoàng loạn ty, Xích cương, Xích võng,…
  • Tên khoa học: Cuscuta chinensis Lamk.
  • Họ: Bìm bìm – Convolvulaceae.

2. Mô tả dược liệu

Dây tơ hồng vàng sống ký sinh hoàn toàn trên thân cây khác, thường là những cây to hoặc các bụi cây. Cây không có khả năng quang hợp nên phải cây hút chất dinh dưỡng từ cây khác để tồn tại.

 Dây tơ hồng là một loại thực vật thân thảo dây leo dạng sợi nhỏ
Dây tơ hồng là một loại thực vật thân thảo dây leo dạng sợi nhỏ

Thân cây dạng sợi nhỏ, màu vàng, vàng xanh hoặc nâu nhạt. Khi phát triển, thân vươn dài mọc cuốn vào cành hay các tán lá của cây chủ. Dọc theo thân có nhiều rễ mút mọc đâm vào thân cây mà nó ký sinh để hút chất dinh dưỡng.

Dây tơ hồng vàng không có lá mà bị tiêu biến thành các vảy. Hiếm khi dây tơ hồng vàng ra hoa. Nếu ra thì hoa khá nhỏ, hình cầu, sắc trắng nhạt. Nhiều bông gộp lại thành một chùm.

Quả tơ hồng vàng có hình bầu, đường kính cỡ 3mm. Khi còn non quả màu xanh, khi già chuyển sang màu đen. Vỏ bắt đầu nứt từ dưới lên để lộ ra 2 – 4 hạt nhỏ hình trứng ở bên trong. Đỉnh hạt dẹt, chiều dài mỗi hạt cỡ 2mm.

3. Phân bố và khai thác

Là loài cây sống kí sinh trên các cây chủ cao to có đường kính khoảng một vòng tay người lớn. Dây tơ hồng vàng có nguồn gốc từ Afghanistan, Srilanka, Trung Quốc và cả Việt Nam.

Ở nước ta chúng phân bố rộng rãi trên khắp vùng lãnh thổ kéo dài từ bắc vào nam. Ở miền trung ta thấy dây tơ hồng thường sống kí sinh trên cây hoa bông bục còn miền bắc cây sống kí sinh trên cây cúc tần.

4. Bộ phận dùng – Thu hái – Chế biến

4.1. Bộ phận dùng

  • Thân sợi (dây).
  • Hạt khô (được gọi là vị thuốc thỏ ty tử): hái dây tơ hồng vè phơi khô đập dập lấy hạt và lạo bỏ phần tạp chất.
Bộ phận dùng của dây tơ hồng gồm: Thân sợi (dây) và Hạt khô ( được gọi là vị thuốc thỏ ty tử)
Bộ phận dùng của dây tơ hồng gồm: Thân sợi (dây) và Hạt khô (được gọi là vị thuốc thỏ ty tử)

4.2. Thu hái

Thân sợi thu hái quanh năm, hạt thu hoạch vào mùa quả chín, thường là mùa thu. Quả tơ hồng vàng sau khi chín được đem về phơi khô, đập cho vỏ quả nứt hết ra để lấy hạt.

4.3. Chế biến

  • Thân dây tơ hồng vàng dùng tươi hoặc phơi khô.
  • Hạt phơi khô rồi đem sao vàng chung với nước muối pha loãng. Hoặc đem hạt nấu chín cho bung nở thành cháo đặc và chuyển sang màu xám nâu thì để nguội, giã nhuyễn. Thêm một ít bột mì với rượu vào làm bánh, cắt miếng nhỏ đem sấy khô tích trữ dùng dần.

5. Thành phần hoá học

Thông qua các nghiên cứu, các nhà khoa học phân lập được hơn 100 chất ở dây tơ hồng. Trong số đó, Flavonoid và Phenoic acid chiếm tỷ lệ cao và là hoạt chất sinh học chính của dây. Ngoài ra, dây tơ hồng cũng chứa nhiều vitamin A, lecithin, glycoside, quercetin, carotenoid

6. Tác dụng dược lý

6.1. Tăng cường miễn dich

Chiết xuất từ dây tơ hồng vàng tiêm vào ổ bụng của thỏ ghi nhận khả năng làm tăng tác dụng của thực bào. Điều này cho thấy Dây tơ hồng vàng có thể giúp cải thiện hệ miễn dịch.

6.2. Chống loãng xương

Dây tơ hồng đã được sử dụng để điều trị chứng loãng xương ởTrung Quốc và ở một số nước Châu Á. Yao và cộng sự (2005) đã chứng minh bổ sung chiết xuất nước của dây tơ hồng giúp thúc đẩy đáng kể sự phân hóa và tăng sinh của nguyên bào xương. Đồng thời, ức chế hoạt động huỷ xương của tế bào

6.3. Bảo vệ gan

Nhiều nghiên cứu chứng minh ảnh hưởng của chiết xuất nước và ethanol của Dây tơ hồng trong các hoạt động chống lại độc tính trên gan do acetaminophen gây ra ở chuột. Ngoài ra, chiết xuất ethanol có thể ngăn ngừa những thay đổi bất lợi mô bệnh học gan như hoại tử trung tâm gan, thâm nhiễm tế bào Kupffer, …

Ngoài các chức năng kể trên, Dây tơ hồng cũng được nghiên cứu với các công dụng bảo vệ da, chống lão hoá, chống oxy hoá, bảo vệ thần kinh,…

7. Công năng theo y học cổ truyền

  • Tính vị: tính bình, vị ngọt, hơi đắng, không chứa độc tố. Hạt tơ hồng tính ôn, vị ngọt, hơi cay.
  • Quy kinh can, thận.

Tác dụng

Thân dây tơ hồng vàng có tác dụng giải nhiệt, làm mát máu, tiêu trừ độc tố, lợi thủy. Chủ trị thổ huyết, băng huyết ở phụ nữ sau sinh, vàng da, rôm sảy ở trẻ em, mụn ung nhọt. Ngoài ra, Dây tơ hồng có tác dụng dùng để chữa ho do phế nhiệt, lở loét, phù thũng. Theo Đông Dược học, Dây tơ hồng còn dùng để điều trị chứng đau lưng mỏi gối.

 Hạt tơ hồng có tác dụng ích can, bổ thận chủ trị di tinh, liệt dương ở nam giới
Hạt tơ hồng có tác dụng ích can, bổ thận chủ trị di tinh, liệt dương ở nam giới

Hạt tơ hồng có tác dụng ích can, bổ thận, lợi tinh tủy, làm mạnh gân cốt, tăng khả năng cường dương. Chủ trị thận hư, nhức mỏi gân xương, đau lưng mỏi gối, tinh lạnh, liệt dương ở nam giới và nhiều căn bệnh khác.

8. Một số bài thuốc kinh nghiệm

Trị lở đầu ở trẻ nhỏ, nữ giới mắc chứng diện sang (nổi mụn trên mặt):

Sắc nước tơ hồng vàng để rửa mặt hoặc bôi vào chỗ bị lở đầu. Sử dụng 2 – 3 lần trong ngày tùy theo đối tượng điều trị.

Điều trị lưng đau, gối mỏi, choáng váng đầu, mắt mờ, ù tai, da dẻ sạm đen

Dùng 80g hạt tơ hồng vàng và 40g ngũ mai tử. Hạt dây tơ hồng đem chưng với rượu. Sau đó đem tất cả tán bột, trộn hồ làm hoàn to bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 70g với nước muối pha loãng hoặc rượu trắng.

Điều trị bệnh liệt dương (bất lực) ở nam giới

12g Hạt dây tơ hồng vàng với 12g Địa hoàng thán, 20g Lộc giác giao, 12g Đậu miêu, 12g Bá tử nhân, 12g Bạch linh. Tất cả tán nhuyễn, làm thành viên hoàn. Mỗi ngày lấy 20 – 30g nuốt trực tiếp với nước đun sôi để nguội. Một liệu trình điều trị bệnh liệt dương với bài thuốc này kéo dài trong 15 ngày liên tục.

Điều trị bệnh liệt dương, đau mỏi lưng gối, đi tiểu rắt, di tinh ở nam giới

9 – 12g Dây tơ hồng vàng, một ít rượu trắng và đường đỏ. Trước tiên đem dây tơ hồng sắc kỹ. Gạn nước sắc đem hòa chung với với rượu và đường uống mỗi ngày 1 thang.

Điều trị phiền nhiệt, thiếu máu, tâm thận bất túc

Dùng Hạt tơ hồng vàng và Mạch môn mỗi vị 80g. Mạch môn bỏ lõi, hạt tơ hồng chưng rượu. Cả hai tán bột, trộn mật để làm hoàn, kích thước mỗi viên to bằng hạt ngô đồng. Mỗi ngày uống 70 viên với nước ấm pha loãng trước khi ăn.

9. Kiêng kỵ

  • Người táo bón không dùng hạt tơ hồng.

Dây tơ hồng vàng sống ký sinh hoàn toàn trên thân cây khác. Dây tơ hồng được sử dụng làm thuốc ở Trung Quốc, Triều Tiên, Pakistan, Việt Nam, Ấn Độ và Thái Lan hằng ngàn năm qua. Qua các nghiên cứu hiện đại, Dây tơ hồng chứng minh được tác dụng chống lão hoá, chống viêm, giảm đau, bảo vệ tế bào gan,… Tuy nhiên khi sử dụng loại cây này để làm thuốc bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Bộ Y tế. Dược điển Việt Nam V. 5th ed. 2107. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

  2. Lợi, Đ. T. (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam.

  3. Đỗ, H. B. (2006). Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc Ở Việt Nam, tập 1.

  4. Hoàng, D. T. (2006). Đông Dược học. Nhà xuất bản Đồng Nai.

  5. Donnapee, S., Li, J., Yang, X., Ge, A. H., Donkor, P. O., Gao, X. M., & Chang, Y. X. (2014). Cuscuta chinensis Lam.: a systematic review on ethnopharmacology, phytochemistry and pharmacology of an important traditional herbal medicine. Journal of ethnopharmacology, 157, 292-308.

  6. Yao, C.H., Tsai, H.M., Chen, Y.S., Liu, B.S., 2005. Fabrication and evaluation of a new composite composed of tricalcium phosphate, gelatin, and Chinese medicine as a bone substitute. Journal of Biomedical Material Research part B Apply Biomaterial 75, 277–288.

  7. Li, Z.L., 2013. Ben Cao Yuan ShiPeople's Medical Publishing House, Beijing, pp. 51–52.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người