YouMed

Dị vật trong tai: Khi nào cần đến khám bác sĩ?

Bác sĩ SỬ NGỌC KIỀU CHINH
Tác giả: Bác sĩ Sử Ngọc Kiều Chinh
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Tình trạng dị vật (vật lạ) lọt vào tai khá phổ biến. Đa số trường hợp dị vật tai không ảnh hưởng nghiêm trọng. Và bạn có thể chờ đến hôm sau mới đi khám bác sĩ. Nhưng trong một số tình huống, dị vật trong tai có thể rất nguy hiểm. Nó có thể gây ra những tổn thương nặng cho tai.

Trong những trường hợp này, bạn cần đến ngay bác sĩ Tai – Mũi – Họng để được xử trí phù hợp nhất. Vậy những tình huống đó là gì? Và bác sĩ sẽ làm những gì để xử trí chúng? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Tổng quan về dị vật tai

  • Dị vật (vật lạ) mắc kẹt trong tai là một tình trạng khá phổ biến. Đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
  • Bạn thường cảm giác được ngay nếu có vật gì đó ở trong tai mình.
  • Đa số bệnh nhân rơi vào trường hợp này thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên trong một vài tình huống liệt kê dưới đây, bạn nên đến khám bác sĩ ngay.
  • Những dị vật tai thường thấy bao gồm: thức ăn, các loại hạt, đồ chơi hay côn trùng. Trẻ con thường hay tự nhét các vật lạ vào tai vì sự tò mò.

> Đọc thêm về dị vật tai và cách tự xử trí ở nhà đối với dị vật tai đơn giản tại đây: “Dị vật trong tai: Những điều bạn cần biết

Tổng quan về dị vật tai
Dị vật (vật lạ) mắc kẹt trong tai là một tình trạng khá phổ biến (Nguồn: Internet)

2. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

  • Phần lớn các trường hợp, dị vật tai sẽ không ảnh hưởng đến tính mạng. Bạn có thể tham vấn thêm ý kiến của bác sĩ điều trị. Sự nguy cấp của dị vật tai dựa trên vị trí và chất liệu của nó.
  • Nếu dị vật không gây bất kỳ triệu chứng nào, bạn thường có thể đợi đến ngày hôm sau.
  • Khi những phương pháp tự xử trí tại nhà không hiệu quả hay vẫn còn cảm giác có vật lạ trong tai, bạn nên đến khám bác sĩ để được gắp ra.
  • Bạn cũng nên đến khám khi bị đau, chảy máu hay chảy dịch tai sau khi đã lấy dị vật. Có thể là do còn sót dị vật trong ống tai hoặc ống tai đã bị viêm nhiễm. Viêm nhiễm này thường đáp ứng tốt với kháng sinh nhỏ tai. Bạn cần đến bác sĩ để được kiểm tra và kê đơn thuốc đầy đủ.
  • Dị vật trong tai cũng có thể gây tổn thương màng nhĩ, và gây ảnh hưởng đến việc nghe. Nếu nghi ngờ màng nhĩ bị tổn thương hay bạn bị nghe kém đi. Bạn nên đến khám tai mũi họng để được nội soi tai kiểm tra.

Những trường hợp sau bạn nên đến khám bác sĩ ngay:

  • Pin cúc áo thường thấy trong nhiều thiết bị nhỏ và đồ chơi. Nó có thể phân hủy trong cơ thể, làm cho các hóa chất chảy ra và gây bỏng. Nên cần được lấy ra ngay.
  • Dị vật là đồ ăn hay hạt cây (ví dụ như hạt đậu) cũng nên được xử trí khẩn cấp. Vì những hạt này có thể phình to ra khi gặp môi trường ẩm.
  • Dị vật tai gây đau, khó chịu nhiều, gây nghe kém hoặc chóng mặt nhiều.
Những trường hợp dị vật tai nên đến khám bác sĩ
Pin cúc áo là một loại dị vật rất nguy hiểm đối với tai (Nguồn: The sun)

3. Bạn sẽ được khám và làm xét nghiệm gì?

  • Đa số các dị vật đều có thể thấy được khi có ánh sáng tốt và các dụng cụ khám tai mũi họng.
  • Bạn sẽ được khám toàn diện cả 2 tai, mũi và họng. Vì một người hoàn toàn có thể có nhiều dị vật tại nhiều nơi. Nhất là ở trẻ em.
  • Thỉnh thoảng, dị vật được phát hiện khi tình cờ chụp X-quang vì một lý do khác. Nhưng nên nhớ rằng, có nhiều loại dị vật không thể thấy được khi chụp X-quang như là thức ăn, mảnh gỗ hay miếng nhựa.
  • Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể nội soi tai để kiểm tra. Nội soi tai giúp nhìn rõ hơn tình trạng của màng nhĩ hay đánh giá viêm nhiễm bên trong.
khi mắc dị vật tay bạn sẽ được xét nghiệm gì
Các dụng cụ gắp dị vật tai (Nguồn: Anesthesia Key)

4. Bác sĩ sẽ lấy dị vật tai như thế nào?

Việc lấy dị vật ra sẽ phụ thuộc chủ yếu vào vị trí và loại dị vật. Đừng ngạc nhiên nếu bác sĩ sử dụng kỹ thuật khác biệt để lấy dị vật. Vì tùy từng bác sĩ có kinh nghiệm khác nhau, có thể có những kỹ thuật sáng tạo nhưng an toàn và hiệu quả.

  • Các kỹ thuật thường dùng bao gồm: dùng ống hút mềm hút dị vật ra, hay sử dụng kìm nhỏ. Các bác sĩ cũng có thể dùng các vật dụng có thòng lọng hay móc ở đầu.
  • Nếu dị vật là kim loại, bác sĩ có thể dùng một dụng cụ có đầu gắn nam châm để hỗ trợ kéo dị vật ra khỏi tai.
  • Một phương pháp phổ biến khác là tưới rửa tai. Dùng ống dẫn nhỏ đưa qua dị vật vào trong và bơm nước ấm vào. Dòng nước được bơm ra sẽ xoáy và đẩy dị vật ra ngoài. Phương pháp này không được dùng khi bị thủng màng nhĩ hay nghi ngờ bị thủng.
  • Trẻ con thường rất quấy và không nằm yên khi thực hiện các kỹ thuật này. Quấy khóc sẽ làm kỹ thuật khó thành công và tăng nguy cơ dẫn đến biến chứng. Nếu cần thiết, có thể sẽ dùng an thần để giúp trẻ bình tĩnh và thoải mái hơn.
Bác sĩ sẽ lấy dị vật tai như thế nào?
Dùng ống hút dị vật tai (Nguồn: Garvit ENT Hospital)

5. Theo dõi sau khi đã gắp dị vật

Khuyến cáo nên đi khám lại sau khi đã lấy dị vật ra khỏi tai. Nếu bạn không có triệu chứng gì, có thể tái khám tại một phòng khám đa khoa bất kì trong vòng một tuần. Nếu có bất cứ triệu chứng nào sau đây: chảy mủ tai, chảy máu tai, khó chịu,…bạn nên nhanh chóng đến khám chuyên khoa tai mũi họng.

6. Phòng ngừa dị vật tai như thế nào?

Tò mò và khám phá cơ thể là một giai đoạn phát triển bình thường của trẻ em. Nếu bạn dạy một đứa trẻ rằng việc đặt bất cứ thứ gì vào tai là không tốt thì có thể ngăn ngừa được nguy cơ này.

Khi bạn nghi ngờ một đứa trẻ đã đặt một cái gì đó vào tai, điều quan trọng là phải tiếp cận những tình huống này một cách bình tĩnh. Bạn không nên nóng giận. Như vậy các bé mới dám nói thật. Và các dị vật mới có thể được phát hiện. Qua đó loại bỏ dị vật một cách an toàn. Tránh dẫn đến các biến chứng.

Dị vật là côn trùng thường chui vào tai khi chúng tai ngủ. Nhất là khi ngủ dưới sàn hay ngủ ngoài trời. Trong những trường hợp này, cần thiết phải bảo vệ tai bằng các dụng cụ bịt tai, bông gòn nhét qua đêm. Hay cần thiết phải ngủ mắc màn.

Phòng ngừa dị vật tai như thế nào?
Bạn nên nói chuyện nhẹ nhàng với trẻ khi nghi ngờ trẻ nhét dị vật vào tai (Nguồn: Today’s parent)

7. Dị vật tai có thể gây ảnh hưởng gì sau này?

  • Đa phần mọi người phục hồi hoàn toàn sau khi dị vật được lấy ra khỏi tai.
  • Nếu da ống tai bị tổn thương, kháng sinh nhỏ tai có thể được kê toa để phòng ngừa nhiễm trùng. Đa số nhiễm trùng do dị vật gây ra là nhẹ. Những nhiễm trùng nặng và lan rộng có thể ảnh hưởng tới nhiều tới sức khỏe.
  • Dị vật có thể làm tổn thương màng nhĩ và các cấu trúc sâu hơn bên trong tai. Những tổn thương này có thể ảnh hưởng đến thính lực (khả năng nghe của bệnh nhân). Những tổn thương dạng này thường có thể điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ để được điều trị phù hợp nhất.

Dị vật tai thường không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Bạn có thể bình tĩnh chờ đợi để được bác sĩ thăm khám. Nhưng trong một số trường hợp như dị vật là pin hóa học, hay khi có các biến chứng của dị vật thì bạn cần đến khám ngay để được điều trị sớm nhất.

Dị vật tai thường hiếm khi gây hậu quả nặng. Tuy nhiên, bạn vẫn nên tái khám kiểm tra sau khi đã gắp dị vật ra. Để phát hiện các biến chứng và xử trí kịp thời.

 Bác sĩ Sử Ngọc Kiều Chinh

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

Emedicinehealth, Foreign body in ear, https://www.emedicinehealth.com/foreign_body_ear/article_em.htm#how_do_you_remove_an_object_stuck_in_your_ear.

MAYOCLINIC, Foreign object in the ear: First aid, https://www.mayoclinic.org/first-aid/first-aid/basics/art-20056709

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người