YouMed

Nghệ vàng: từ gia vị trong bếp đến vị thuốc Khương hoàng

Thạc sĩ Bác sĩ Dư Thị Cẩm Quỳnh
Tác giả: ThS.BS Dư Thị Cẩm Quỳnh
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Nghệ vàng đã được sử dụng trong cuộc sống từ rất lâu đời. Thân rễ cây nghệ gọi là khương hoàng. Nghệ vàng được biết đến tác dụng trong bệnh lý dạ dày. Tuy nhiên, nghệ vàng hay Khương hoàng còn có những tác dụng quý và những lưu ý đặc biệt khác. Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa Y học cổ truyền Dư Thị Cẩm Quỳnh tìm hiểu trong bài viết sau đây.

Dược liệu Khương hoàng

Tên khoa học

  • Khương hoàng còn có tên gọi khác là nghệ vàng, safran de Indes.
  • Tên khoa học: Curcuma longa L. (Curcuma domestica Lour.)
  • Thuộc họ Gừng Zingiberaceae.
  • Dùng thân rễ cây nghệ gọi là khương hoàng (Rhizoma Curcumae longae) và rễ củ gọi là Uất kim (Radix Curcumae longae).

Mô tả thực vật

Khương hoàng là loài thân cỏ cao từ 60 cm đến 1 m. Thân rễ cây nghệ vàng phình thành củ hình trụ hoặc hơi dẹt, khi bẻ hoặc cắt ngang thân rễ có màu vàng cam sẫm.

Lá hình trái xoan thon nhọn ở hai đầu và hai mặt đều nhẵn, có thể dài tới 45 cm, rộng tới 18 cm. Phần cuống lá có bẹ.

Cụm hoa mọc lên từ giữa lá, có dạng hình nón thưa. Lá bắc hữu thụ khum hình máng rộng, đàu tròn có màu xanh lục nhạt. Lá bắc bất thụ hẹp hơn, màu hơi tím nhạt. Tràng hoa có phiến, cánh hoa ngoài màu xanh, lục vàng nhạt, chia thành ba thùy, cánh hoa cũng chia thành 3 thùy.

Quả nang 3 ngăn, mở bằng 3 van. Hạt có áo hạt.

Đặc điểm cây nghệ vàng
Đặc điểm cây nghệ vàng

Phân bố, thu hái

  • Khương hoàng được trồng ở khắp nơi trên đất nước ta. Nghệ vàng thường được các gia đình sử dụng làm gia vị và làm thuốc.
  • Nghệ vàng còn được trồng ở một số nước nhiệt đới như Ấn Độ, Indonesia, Campuchia, lào, Trung Quốc,…
  • Người ta thường thu hoạch nghệ vàng vào mùa thu. Sau đó, cắt bỏ hết rễ để riêng và thân rễ để riêng.

Tác dụng của nghệ vàng

Thành phần hóa học

Trong khương hoàng, các nhà khoa học phân tích được các hoạt chất như sau:

  • Chất màu curcumin 0,3%. Đây là chất tạo nên màu của nghệ vàng, là tinh thể màu nâu đỏ, ánh tím, không tan trong nước, tan trong các dung môi như rượu, ete, clorofoc.
  • Tinh dầu 1 – 5% giúp cho nghệ vàng có mùi thơm.
  • Ngoài ra còn có tinh bột, canxi oxalat, chất béo, nước, một số chất vô cơ.

Tác dụng dược lý theo Y học hiện đại

Nghiên cứu đã chứng minh rằng nghệ vàng có khả năng kích thích bài tiết mật của tế bào gan. Ngoài ra chất curcumin làm tăng co bóp túi mật, từ đó làm thông lợi mật.

Người ta tìm thấy trong nghệ vàng chất curcumen có tác dụng giảm cholesterol trong máu. Từ đó, nghệ vàng hỗ trợ điều trị trong bệnh lý chuyển hóa, ngăn ngừa các bệnh lý xơ vữa động mạch,…

Tác dụng kháng sinh của nghệ vàng đã được nghiên cứu từ rất lâu, như G.Laroche (1933), H.Leclerc (1935), Robbers (1936). Nghệ vàng có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn thuộc nhóm Tụ cầu Staphylococcus, Vi khuẩn Lao Mycobacterium tubercolosis, Vi khuẩn thương hàn Salmonella paratyphi, nấm Trychophyton gypcum và một số vi khuẩn khác…

Tác dụng dược lý theo Y học cổ truyền

Theo sách cổ: Nghệ vàng có vị cay, đắng, tính ôn ấm. Đặc tính quy vào 2 kinh can và tỳ. Nghệ vàng có tác dụng phá ác huyết, mụn nhọt, sinh cơ (lên da non mới), cầm máu.

Nghệ vàng thường dùng trong bệnh lý viêm dạ dày, vàng da, phụ nữ sau sinh bị đau bụng, đau bụng kinh có máu kinh thành cục.

Do tác dụng giúp lên da non mới, kháng sinh và trừ mụn nhọt nên nghệ vàng còn dùng để bôi lên vùng da bị mụn mới khỏi để tránh sẹo da.

Do tác dụng phá huyết nên ở phụ nữ đang có thai không nên dùng nghệ vàng.

Cách sử dụng nghệ vàng

Muốn bảo quản khương hoàng được lâu, người ta thường đồ hoặc hấp củ trong 6 – 12 giờ, rồi đem phơi để ráo nước, mang đi phơi nắng hoặc sấy khô.

Tùy vào mục đích sử dụng, nghệ vàng được cắt phiến mỏng hoặc tán mịn thành bột.

Các bài thuốc từ nghệ vàng

Liều dùng nghệ vàng hàng ngày từ 1 – 6 gram. Thường dùng dưới dạng bột hoặc thuốc sắc chia 2 – 3 lần, uống trong ngày.

Bài thuốc Hương cúc bồ đề nghệ thang: Hương phụ 8 g, Cúc tần 12 g, Mã đề 12 g, Xương bồ 8 g, Nghệ vàng 6 g. Có tác dụng trong bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng có các triệu chứng đau thượng vị, nóng rát, đầy hơi, ợ hơi, ợ chua, cầm máu, lành vết thương vùng bị loét.

Viên hoàn nghệ – mật ong: sử dụng nghệ vàng dạng bột, trộn đều với mật ong loại tốt để tạo kết dính, vo viên đều thành viên nhỏ nặng 10 gram. Dùng ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 1 viên. Tác dụng trong viêm loét dạ dày, vết thương lâu lành miệng, đau bụng kinh, phụ nữa sau sinh.

khương hoàng và mật ong
Nghệ vàng và mật ong: cặp bài trùng trong điều trị bệnh lý dạ dày

Kiêng kỵ

  • Phụ nữ có thai, các bệnh sản hậu (sau sinh đẻ) mà không phải do nhiệt kế ứ thì không nên dùng.
  • Người bị trào ngược dạ dày thực quản không nên dùng. Khương hoàng có thể tác dụng xấu đến các loại thuốc kháng axit và gây nên các cơn đau dạ dày ngoài ý muốn.
  • Người bệnh thiếu máu không dùng.
  • Bệnh nhân tiểu đường, huyết áp và sỏi thận cần trao đổi với bác sĩ hoặc người có chuyên môn.
  • Nghệ có thể chống đông máu do đó người sắp thực hiện phẫu thuật không dùng.

Khương hoàng hay nghệ vàng là một gia vị phổ biến trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, quý bạn đọc cần cẩn trọng trong liều lượng sử dụng hàng ngày của nghệ vàng. Quý bạn đọc hãy tham khảo ý kiến các Bác sĩ, chuyên gia để có cách sử dụng phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân. Hãy liên hệ với chúng tôi khi cần hỗ trợ.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đỗ Tất Lợi. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, trang 227.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/04/nhung-cay-thuoc-va-vi-thuoc-viet-nam-2006.pdf#page=243

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người